Hơn 500 năm trước, trên nước Việt Nam ta đã xuất hiện một nhân vật có tài năng kiệt xuất, được dân gian truyền tụng như một vị Thánh của nước Việt: Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không chỉ là người có phẩm đức cao thượng, học rộng, biết nhiều mà còn là một người tinh thông lý số, có thể dự đoán những sự kiện xảy ra trong hàng trăm năm tiếp theo. Những lời tiên tri của ông đến nay vẫn còn đang được tìm hiểu và luận giải.
Nguyễn Bỉnh Khiêm không những tinh thông lý học, mà còn có tài văn chương lỗi lạc; thơ văn của ông luôn được hậu thế ngợi ca. Nhận xét về thơ văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vũ Khâm Lân (1703-?) trong Bạch Vân Am cư sỹ Nguyễn công Văn Đạt phả ký viết: “Văn chương Tiên sinh rất tự nhiên, không cần điêu luyện, giản dị mà lưu loát, thanh đạm mà nhiều ý vị, câu nào cũng có quan hệ đến sự dạy đời”. Còn Phan Huy Chú (1782 – 1840) nhận xét về thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm như sau: “Đại để là thanh tao, tiếu sái, hồn hậu, phong nhã, có ý thú tự nhiên… Lời và ý đều nhẹ nhàng nhàn nhã, có thể thấy được chí không thích làm quan”.
Sau đây, Blog Chùm Thơ xin gửi tới 10 bài thơ hay nhất, thấm đẫm chất triết lý của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
1, Dại Khôn
Làm người có dại mới nên khôn,
Chớ dại ngây si, chớ quá khôn.
Khôn được ích mình, đừng rẽ dại,
Dại thì giữ phận chớ tranh khôn.
Khôn mà hiểm độc là khôn dại,
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.
Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại,
Gặp thời, dại cũng hoá nên khôn.
2, Nhân Tình Thế Thái Bài 15
Lấy không ai cấm mặc ai dùng
Hễ của tự nhiên ấy của chung
Non nước có màu lòng khách hớ
Trúc mai làm bạn hứng thơ nồng
Chốn điền viên cũ dầu thong thả
Đạo thánh hiền xưa luống chốc mòng
Lòng thử hỏi lòng không hổ thẹn
Đến đâu thì cũng có xuân phong
3, Thú Nhàn
Lẩn thẩn ngày qua lại tháng qua,
Một năm xuân tới một phen già.
Ái ưu vằng vặc trăng in nước,
Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa.
Án sách vẫn còn án sách cũ,
Nước non bạn với nước non nhà.
Cuộc cờ đua chí dù cao thấp,
Ta muốn thanh nhàn thú vị ta.
4, Cảm Hứng
Thái hoà vũ trụ bất Ngu Chu,
Hỗ chiến giao tranh tiếu lưỡng thù.
Xuyên huyết sơn hài tuỳ xứ hữu,
Uyên ngư tùng tước vị thuỳ khu.
Trùng hưng dĩ bốc đồ giang mã,
Hậu hoạn ưng phòng nhập thất khu,
Thế sự đáo đầu hưu thuyết trước,
Tuý ngâm trạch bạn nhậm nhàn du.
Bản dịch của Ngô Lập Chi:
Cảm Hứng
Non sông nào phải buổi bình thời,
Thù đánh nhau chi khéo nực cười.
Cá vực, chim rừng, ai khiến đuổi?
Núi xương, sông huyết, thảm đầy vơi.
Ngựa phi chắc có hồi quay cổ,
Thú dữ nên phòng lúc cắn người.
Ngán ngẩm việc đời chi nói nữa,
Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi.
5, (Chưa Rõ Tên)
Rất nhân sinh bẩy tám mươi,
Làm chi lảo đảo nhọc lòng người.
Bạch Vân am vắng chim kêu muộn,
Kim Tuyết dòng thanh cá mát tươi.
Ưu ái một niềm hằng nhớ chúa,
Công danh hai chữ đã nhường người.
Giầu lẫn khó, yên đòi phận,
Rất nhân sinh bẩy tám mươi.
Thanh nhàn dưỡng được tính tự nhiên,
Non nước cùng ta đã có duyên.
Dắng dỏi bên tai cầm suối,
Dập dìu trước mặt tán sen.
Xuân về, hoa nở mùi hương nức,
Khách đến, chim mừng dáng mặt quen.
Chốn ấy thanh nhàn được thú,
Lọ là Bồng đảo mới tiên.
6, Nhân Tình Thế Thái Bài 27
Nói nên hoang lại nói rằng thì,
Giàu: trọng, sang: yêu, khó: chẳng vì.
Nhị kết, hoa thơm, ong đến đỗ,
Mỡ bùi, mật ngọt, kiến nào đi?
Thanh tao của có, thanh tao bấy,
Náo nức tay không, náo nức gì?
Mặc rủi, mặc may khi gặp gỡ,
Khen chi, khen miệng, cợt mà chi?
7, Nhân Tình Thế Thái Bài 18
Dửng dưng mọi sự gác bên ngoài,
Dù kém, dù hơn, ai mặc ai.
Mùi thế gian nhiều mặn nhạt,
Đường danh lợi có chông gai.
Mấy người phú quý hay yên phận?
Hễ kẻ anh hùng những cậy tài.
Dù thấy hậu sinh thời dễ sợ,
Sừng kia chẳng mọc, mọc hơn tai.
8, Trung Tân Ngụ Hứng
Nhân thôn quán tây nam,
Giang thuỷ quán tây bắc.
Trung hữu bán mẫu viên,
Viên tại Vân Am trắc.
Luân ưởng trần bất đáo,
Hoa trúc thủ tự thực.
Trượng lý tập hoa hương,
Trản giả xâm hoa sắc.
Điểu tị phanh trà yên,
Ngư thôn tẩy nghiễn mặc.
Khiển hứng nhậm thi cuồng,
Phù suy da hữu lực.
Nhân xảo, ngả giả chuyết,
Thuỳ tri chuyết giả đức,
Ngã chuyết, nhân giả xảo,
Thuỳ tri xảo giả tặc.
Kiền khôn tĩnh lý suy,
Cổ kim nhàn trung đắc.
Hiểm mạc hiểm thế đồ,
Bất tiển tiện kinh cúc.
Nguy mạc nguy nhân tâm,
Nhất phóng tiện quỷ quắc.
Quân tử cầu sở chỉ,
Chí thiện tư vi cực.
Bản dịch của Ngô Lập Chi:
Thơ Ngụ Hứng Ở Quán Trung Tân
Sông ngòi vòng tây bắc,
Làng xóm bọc tây nam.
Giữa có nửa mẫu vườn,
Vườn ở bên Vân am.
Xe ngưa bụi không đến,
Hoa, trúc tay tự trồng.
Gậy, dép bén mùi hoa,
Chén, cốc ánh sắc hồng.
Rửa nghiên, cá nuốt mực,
Pha trà, chim lánh khói.
Ngâm thơ thừa tiêu dao,
Uống rượu thêm khoan khoái.
Người xảo ta thì vụng,
Ấy vụng thế mà hay!
Ta vụng người thì xảo.
Ấy xảo thế mà gay!
Tính suy lẽ trời đất,
Nghiền ngẫm việc xưa nay:
Đường đời rất ghập ghềnh,
Chông gai cần phải cắt.
Lòng người rất hiểm nghèo,
Buông ra liền quái quắc.
Quân tử biết răn mình,
Chí thiện làm mẫu mực.
9, Chớ Cậy Rằng Hơn
Làm người hay một, hoá hay hai,
Chớ cậy rằng khôn, chớ cậy tài.
Trực tiết cho bền bằng sắt đá,
Ði đường ngẫm hết chốn chông gai.
Ở thế khá yêu là của khá,
Ra đường ai dễ kém gì ai.
Miệng đời tựa mật mùi càng ngọt,
Ðạo thánh bằng tơ mới hãy dài.
10, Nhân Tình Thế Thái Bài 38 (Cảnh Nhàn)
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Xem thêm:
- Tiểu sử và sự nghiệp Nguyễn Bỉnh Khiêm
- 15 Bài Thơ Hay Nhất Của Nhà Thơ Chế Lan Viên
- 10 Bài Thơ Nổi Bật Của Nhà Chí Sĩ Yêu Nước Phan Bội Châu
- 10 Bài Thơ Hay, Thấm Đẫm Ý Chí Chiến Đấu Của Phan Chu Trinh