Verner Von Heidenstam (6/7/1859 – 20/5/1940) là đại biểu nổi bật nhất của thời đại mới trong văn học Thụy Điển được trao giải thưởng Nobel Văn Học 2016. Ông là một nghệ sĩ trữ tình đặc sắc, người tái sinh nền thơ ca Thụy Điển. Những cuốn sách hay nhất của V. Heidenstam về quá khứ của đất nước Thụy Điển đã xây dựng nên những nhân vật lịch sử tầm cỡ nhất, thể hiện tinh thần yêu nước cao cả, tính lí tưởng sâu sắc.

Tiểu sử Verner Von Heidenstam
Carl Gustaf Verner von Heidenstam sinh trong một gia đình quý tộc lâu đời và giàu có ở miền Nam Thụy Điển, thưở nhỏ học ở quê, sau lên học tại một trường đặc biệt dành riêng cho con trai ở Stockholm. Năm 17 tuổi, tình trạng sức khỏe yếu khiến ông phải nghỉ học, theo cha đi du lịch vùng Cận Đông và Hi Lạp để dưỡng sức. Chính trong thời gian này, ông bắt đầu sáng tác văn học, tuy nhiên những tác phẩm đầu tiên chưa có gì đặc sắc. Năm 1887, sau nhiều năm sống ở Paris, Roma, Thụy Sĩ…, ông trở về Thụy Điển và xuất bản tập thơ đầu tiên của mình Cuộc hành hương và những năm du ngoạn. Năm 1889, tập sách mỏng Phục hưng ra đời, có thể coi đây là bản tuyên ngôn nghệ thuật của ông, phê phán chủ nghĩa tự nhiên, kêu gọi sáng tác theo định hướng thẩm mĩ mới dựa trên trí tưởng tượng phong phú, cảm xúc sôi động và chủ nghĩa hiện thực táo bạo. Thơ văn V. Heidenstam trong những năm cuối thế kỷ XIX có ảnh hưởng lớn đến nền văn học Thụy Điển, mở ra một phong cách mới. Hai tập Thơ (1985) và Những bài thơ mới (1915) là những tác phẩm thơ tiêu biểu nhất của ông. Một mảng quan trọng trong sáng tác của V. Heidenstam là đề tài lịch sử nước Thụy Điển, nổi tiếng nhất là tập truyện Các cận thần của nhà vua, rồi đến các tiểu thuyết Cuộc hành hương của thánh Birgitta (1901), Người Thụy Điển và các thủ lĩnh của họ (1910)…
Năm 1916, Verner Von Heidenstam được trao Giải Nobel với tư cách là “ngôi sao sáng nhất trong chòm sao các nghệ sĩ độc đáo đã làm hồi sinh nền thơ ca Thụy Điển cuối thế kỷ vừa đi qua” (Lời nhận định của đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển). Do chiến tranh, lễ trao giải không được tổ chức.
Từ sau Giải Nobel, Verner Von Heidenstam không xuất bản thêm tập sách mới nào (ngoại trừ tập hồi kí Khi hoa dẻ nở được in năm 1941, sau khi ông mất); ông mua một ngôi nhà bên bờ hồ Vettern quê ông và sống thanh bình ở đó cho đến cuối đời và mất ở tuổi ngoài 80.
Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1)

Trong chòm sao các nghệ sĩ tài năng, những người đã phục hưng nền thi ca Thụy Điển hồi cuối thế kỷ trước,Verner von Heidenstam là ngôi sao sáng nhất. Ông là người dẫn đầu thế hệ các nhà thơ những năm 1890. Ông là người đầu tiên đưa ra lí thuyết và cũng là người đầu tiên thể hiện trong tác phẩm của mình tư tưởng của thế hệ trẻ Thụy Điển. Ngay từ những thi phẩm đầu tiên, ông đã mở ra một con đường mới cho trí tưởng tượng và hình thức, những tuyển tập sau này của ông phần lớn là những tuyệt tác về nghệ thuật thơ trữ tình. Bên cạnh đó, khối lượng khổng lồ các tác phẩm văn xuôi đã góp phần tạo nên chiều kích lớn lao trong sự nghiệp của ông. Ngay từ đầu đã lấy cảm hứng từ các chủ đề dân tộc, các tác phẩm này rất thành công trong việc nắm bắt những nét đặc trưng chân thực của cuộc sống dân tộc. Chúng mô tả số phận của người dân Thụy Điển trong những bản anh hùng ca. Những thi phẩm ấy, với sự tưởng tượng phong phú, sự sắc nét trong hình tượng và bố cục điêu luyện, là những tác phẩm tuyệt vời nhất trong nền văn học Scandinavi. Không một nhà phê bình có trình độ và công tâm nào lại có thể hoài nghi về tính độc đáo hiếm có của thiên tài Heidenstam và đã từ lâu ông được xếp vào hàng những bậc thầy trong nền văn học dân tộc Thụy Điển.
Sinh năm 1859 trong một gia đình quý tộc Thụy Điển, ban đầu ông muốn trở thành họa sĩ, nhưng sau lại bỏ dở việc học vẽ để cống hiến hết mình cho thiên hướng thơ ca. Tuyển tập thơ đầu tiên của ông, Cuộc hành hương và những năm du ngoạn (Vallfart och vandringsår, 1888), những đề tài về Phương Đông chiếm ưu thế, đã đánh dấu một kỉ nguyên mới cho nền văn học hiện đại Thụy Điển. Thực vậy, nó là đòn quyết định đánh vào trường phái hiện thực chủ nghĩa, kẻ thù của sự tưởng tượng, đang thống trị ở Thụy Điển lúc bấy giờ và từ những năm 1880 đã làm tối tăm u ám cả một nền văn học. Đây chính là tuyên ngôn đầu tiên của một nền thơ ca mới mà ở đó những cá nhân tự do, chỉ tuân theo logic trí tưởng tượng của mình, tôn sùng cái đẹp vì chính bản thân cái đẹp. Sự “phục hưng” này chỉ được chính thức tuyên ngôn trong một tác phẩm luận chiến ra đời sau đó ít lâu (Renässans, 1889), nhưng ngay từ các bài thơ phong phú về màu sắc và táo bạo ở thể thức này, sự phục hưng đó đã được thể hiện trọn vẹn. Nó khẳng định lần nữa quyền con người được hồn nhiên tận hưởng cuộc sống, nó khiến ta kinh ngạc với nhịp điệu mới mẻ và âm sắc đầy chất thơ.
Các thi phẩm Phương Đông được thể hiện với những sắc màu và hình thái hết sức quyến rũ, mở đầu một kỉ nguyên mới và thực sự làm hồi sinh nền thơ ca Thụy Điển. Trong một kiệt tác văn xuôi kết hợp với thơ, Hans Alienus (1892), Heidenstam tái hiện bi kịch Odyssée của một người lang thang xa xứ tôn thờ cái đẹp và đặc biệt trong tác phẩm Những bài thơ (Dikter, 1895), ôngđã mở ra viễn cảnh về một cuộc sống nội tại. Thời của những tụng ca về cuộc sống khoái lạc đã qua, giờ đây trang nghiêm và u buồn là những tâm trạng thường trực. Tình cảm và bổn phận được đặt đúng giá trị và những gì bám rễ vững chắc vào chiều sâu nhân cách con người được lí giải một cách trực giác. Điểm nổi bật trong nhận thức này về cuộc sống, một nhận thức sinh ra từ những kinh nghiệm cao thượng và bất hạnh, là một sức mạnh đầy kiêu hãnh và khoan dung, nó cấu thành tinh chất của những khổ đau, hi vọng và đam mê của nhà thơ và một năng lực mới mẻ vượt qua chính mình để vươn tới thế giới tinh thần. Trí tưởng tượng phong phú và sâu sắc, tình cảm ấm áp và tính nhân văn thuần khiết tràn ngập trong những bài thơ đó, những tác phẩm đáng khâm phục cả về nội dung và hình thức đã đưa Heidenstam trở thành một nhà thơ mạnh mẽ, một bậc thầy của thể loại trữ tình.
Một khía cạnh mới trong sự nghiệp của Heidenstam thể hiện trong các bài thơ yêu nước. Từ rất sớm, ông đã khám phá ra rằng tình yêu đối với gia đình và nơi chôn rau cắt rốn chính là liên kết mạnh mẽ nhất giữa con người với cuộc sống. Tình yêu này được thể hiện mãnh liệt ngay trong những bài thơ từ thời trẻ của ông; tình yêu này kể từ đó đã gắn bó ông gần gũi hơn với quê hương, với con người và hướng thiên tài thơ ca của ông đến những câu chuyện lịch sử và hồi ức của Thụy Điển. Được thôi thúc bởi tình yêu này, trong một tập thơ cùng chủ đề là Một dân tộc (Ett folk, 1902), ông tập hợp tất cả người Thụy Điển vào một thể thống nhất mà bất cứ ai gia nhập vào đó đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau và cuối cùng, tình yêu đó dẫn ông đến giấc mơ về sự hùng mạnh của tổ quốc mình qua lời thiết tha kêu gọi: “Không một dân tộc nào có thể lớn hơn anh, đó chính là mục đích, bằng bất cứ giá nào”. Một loạt kiệt tác thơ-văn xuôi của ông minh chứng cho tình yêu nước nồng nàn này. Trong Các cận thần của nhà vua (Karolinerna, 1897-1898), ông đã miêu tả, dưới hình thức nhiều truyện kể riêng rẽ, sự đổ nát không thể tránh khỏi của nước Thụy Điển vĩ đại qua các hành vi của vua Charles XII. Chỉ với vài nét sắc bén, ông đã phác họa tình cảnh bi thảm của vị anh hùng dân tộc và chỉ ra rằng cuối cùng, ông chỉ là tiếng vang của một bản hùng ca(2) cổ xưa. Trong tập Cuộc hành hương của thánh Bridget (Heliga Birgittas pilgrimsfọrd, 1901), ông đã đưa ra cách giải thích sâu sắc về người phụ nữ phi thường này, cho rằng bà hoàn toàn có chủ ý trong mọi nỗ lực hầu giành được thánh chức, nhưng bà lại đạt được điều đó một cách hoàn toàn vô thức khi từ nguyện dứt bỏ hoàn toàn tính tự phụ của mình. Bất hủ là hai tập truyện Phả hệ của dòng họ Folkungs (Follkunga Trädet, 1905-1907), Gia sản của dòng họ Bjalbo (Folke Filbyter and Bjälboarvet ), bao hàm phần thân và những nhánh dưới của Phả hệ của dòng họ Folkungs, một trường ca sử thi bằng văn xuôi mà trong đó tác giả tái hiện tính cách của các tù trưởng thị tộc và số phận những người Thụy Điển thời trung cổ. Ở đây, hư cấu lịch sử luôn được duy trì bằng một cảm hứng luôn luôn tươi mới và tạo nên sự liền mạch trong số phận các nhân vật. Trí tưởng tượng của ông, với những ảo ảnh đầy tính biểu tượng, lấp lánh trước mắt chúng ta.
Khi Heidenstam viết thiên sử thi này về cuộc sống và tính cách của người Thụy Điển, sự sùng bái con người trong ông thành hình và được thể hiện trong chính tác phẩm đó. Sự sùng bái này được thể hiện qua nhu cầu làm tươi mới cuộc sống bằng sự hi sinh và khao khát một cuộc sống trần thế cao thượng hơn, một quan niệm đối lập với tình yêu và sự tôn sùng phụ nữ mà kết quả logic là tinh thần hứng khởi thể hiện trong các truyện Thánh George và con Rồng (Sankt Göran och draken, 1900) và Lời thì thầm của rừng (Skogen susar, 1904). Đặc biệt, tuyển tập này bao gồm tuyệt tác thơ văn xuôi Herakles.
Ngoài những tác phẩm trên, Heidenstam đã cho xuất bản một số truyện và hồi kí về một chuyến đi, Từ Col di Tenda tới Blocksberg (Från Col di Tenda till Blocksberg, 1888), tiểu thuyết Endymion (1889) hoàn toàn theo phong cách Phương Đông. Cuốn sách gồm các bài thuyết trình lịch sử Người Thụy Điển và các thủ lĩnh của họ (Svenskarna och deras hövdingar , 1908-1910) và tuyển tập Ý tưởng và chú giải (Tankar och teckningar, 1899), Ngày và những sự kiện (Dagar och händelser, 1909). Trong tác phẩm cuối cùng này, ông đặc biệt đề cập đến những chủ đề mĩ học và văn hóa nói chung.
Đặc điểm cuối cùng trong quan niệm của Heidenstam về cuộc sống được thể hiện qua Những bài thơ mới (Nya dikter, 1915), một tuyển tập chủ yếu gồm những bài thơ mang tính triết lí về một tinh thần nhân đạo cao quý, về sự uyên thâm, về cái đẹp của những hình ảnh thanh bình đến kì lạ. Trong cô đơn, con người hiểu được chính mình. Tình yêu là mối liên kết hợp nhất họ và sự khiêm nhường mang tính sáng tạo là sức mạnh phi thường để xây dựng nên thế giới và dựng nên hình ảnh Chúa Trời: “Ôi con người, ngươi sẽ chỉ trở nên hiền minh khi tới được đỉnh buổi xế chiều, đỉnh cao mát rượi từ đó ngươi nhìn thấy rõ toàn trái đất”.

Tác phẩm của Verner Von Heidenstam:
– Cuộc hành hương và những năm du ngoạn (Vallfart och vandringsår , 1888), tập thơ.
– Từ Col di Tenda tới Blocksberg (Från Col di Tenda till Blocksberg, 1888), kí sự [From Col di Tenda to Blocksberg].
– Phục hưng (Renässans , 1889), tuyên ngôn văn học.
– Endymion (1889), tiểu thuyết.
– Hans Alienus (1892), tiểu thuyết bằng thơ và văn xuôi.
– Thơ (Dikter, 1895) [Poems].
– Các cận thần của nhà vua (Karolinerna, 1897-1898), tập truyện.
– Tư tưởng và ghi chép (Tankar och teckningar, 1899), bài giảng [Thoughts and Notes].
– Đám cưới của Pepitas (Pepitas brollop, 1990), tập thơ.
– Thánh Gogan và con rồng (Sankt Gogan och draken,1900) [St. George and the Dragon].
– Cuộc hành hương của thánh Birgitta (Heliga Birgittas pilgrimsfọrd, 1901), tiểu thuyết [Saint Bridget’s Pilgrimage].
– Một dân tộc (Ett folk, 1902), tập thơ [One People].
– Lời thì thầm của rừng (Skogen susar, 1904), truyện ngắn [The Forest Wispers].
– Phả hệ của dòng họ Folkungs (Folkungs Trädet, 1905-1907), tiểu thuyết 2 tập [The Tree of Folkungs].
– Gia sản của dòng họ Bjaibo (Folke filbyter and Bjälboarvet, 1905-1907), tập thơ [The Bjaibo Inheritance].
– Người Thụy Điển và các thủ lĩnh của họ (Svenskarna och deras hövdingar, 1908-1910), trường ca văn xuôi, 2 tập [The Swedes and Their Chieftains].
– Ngày và những sự kiện (Dagar och händelser , 1909), bài giảng lịch sử [Days and Occurences].
– Những bài thơ mới (Nya dikter, 1915), tập thơ [New Poems].
– Khi hoa dẻ nở (Nar kastanjerna blommade, 1941), hồi kí.
Phạm Thanh Vân và Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ bản tiếng Anh
(Nguồn: http://nobelprize.org)
© Culture Globe
Ghi chú:
(1) Do Sven Sửderman, nhà phê bình Thụy Điển đọc.
(2) Nguyên văn: saga, một thể loại anh hùng ca cổ đại của các nước Scandinavie.