Thomas Mann (06/06/1875 – 12/08/1955) được coi là nhà văn lớn nhất của nước Đức thế kỉ XX; ông được trao giải Nobel Văn Học năm 1929 trước hết là vì “Gia đình Buddenbrooks”, bộ tiểu thuyết đồ sộ đã trở thành kinh điển của nền văn học hiện đại. Những sáng tác của Thomas Mann thể hiện sự kết hợp tính cao nhã thơ ca, tính trí tuệ với tình yêu dành cho tất cả những gì thuộc về trần thế, cho cuộc sống giản dị. Mô típ chủ đạo trong các tác phẩm của ông là sự suy đồi của giai cấp tư sản trong bối cảnh xã hội đầu thế kỉ XX.
Xem thêm: Anatole France, nhà văn trào phúng sắc sảo của Pháp

Tiểu sử
Thomas Mann là em ruột của nhà văn nổi tiếng Henrich Mann. Ông sinh ra ở thành phố cảng Lübeck, miền Bắc nước Đức. Bố làm nghề buôn bán, từng là thành viên Hội đồng thành phố. Mẹ là người Brazil gốc Đức, có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ. Năm T. Mann 16 tuổi, gia đình chuyển đến sống ở Zürich – một trung tâm văn hóa và tri thức của nước Đức. Từ năm 19 tuổi, ông đã bắt đầu viết báo nhưng luôn mơ ước trở thành nhà văn như anh trai mình. Những truyện ngắn đầu tiên của ông in trong tập Ngài Fridemann bé nhỏ xuất bản năm 1898. Năm 1901, T. Mann xuất bản tiểu thuyết đầu tiên Gia đình Buddenbrooks – kể về sự suy sụp của một gia đình ba đời buôn bán ở Lỹbeck trong bối cảnh cạnh tranh của chủ nghĩa đế quốc.
Mann là nhà văn có tư tưởng nhân đạo dân chủ tư sản, chống phát xít, đại diện cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc Đức. Ông tập trung miêu tả quá trình suy sụp của giai cấp tư sản với một ngòi bút hiện thực, mỉa mai, chú trọng phân tích tâm lí, đi sâu vào các khía cạnh bệnh hoạn, cái phù du và cái chết. Văn của T. Mann chính xác, từ ngữ gọt giũa kĩ lưỡng, đòi hỏi người đọc phải tập trung suy nghĩ, ông dùng nhiều từ ngữ nước ngoài, sử dụng nhiều kiến thức về triết học, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, y học, xã hội học, phân tâm học.
Năm 1903, T. Mann viết thiên truyện rất nổi tiếng Tonio Kröger, in trong tập Tristan, thể hiện sự mâu thuẫn giữa nghệ thuật với lối sống tư sản.
Năm 1905, T. Mann cưới vợ, sinh 6 người con (trong đó có ba người sau này cũng trở thành nhà văn). Cuộc hôn nhân không chữa cho ông khỏi căn bệnh đồng tình luyến ái. Căn bệnh này cũng là một đề tài mà T. Mann say mê thể hiện trong sáng tác của mình, tiêu biểu là Cái chết ở Venice (1913) – một trong những truyện ngắn xuất sắc của văn chương thế giới.
Thế chiến I đã đẩy nhà văn vào một cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Ông viết tập kí 600 trang Những suy ngẫm ngoài chính trị (1918) trong thời gian này. Sau chiến tranh, ông trở lại với văn học nghệ thuật, hoàn thành một trong những đỉnh cao sáng tác của mình là Ngọn núi phù thủy. Năm 1929, ông được nhận Giải Nobel, chủ yếu là nhờ bộ tiểu thuyết vĩ đại Gia đình Buddenbrooks. Từ những năm 1930, T. Mann tích cực tham gia các hoạt động chính trị, chống chủ nghĩa phát xít; dưới thời Đức quốc xã, sách của ông bị cấm và bị đốt ở Đức, ông bị tước quốc tịch Đức (1936), phải sống lưu vong. Năm 1938, ông sang Mỹ và trở thành công dân Mỹ (1944). Sau chiến tranh, ông về thăm cả Đông và Tây Đức, được đón tiếp long trọng nhưng ông không ở lại Đức mà sang định cư ở Zürich (Thụy Sĩ) cho đến khi mất.
Những năm cuối đời, T. Mann tiếp tục sáng tác những tác phẩm lớn dựa vào đề tài lịch sử, văn chương (về Thánh Joseph, Goethe, Bác sĩ Faustus…). Sau khi qua đời, sáng tác của T. Mann tiếp tục nhận được sự đánh giá rất cao, đặc biệt là từ nhà thơ R. M. Rilke và nhà phê bình Lucas.
Ngoài Giải Nobel, T. Mann được cả Đông và Tây Đức trao tặng giải thưởng Goethe năm 1949 và bằng danh dự của các trường đại học danh tiếng Oxford và Cambridge.
Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1):

Nếu có ai hỏi văn học thế kỉ XIX đã có những đổi mới gì, xuất hiện thể văn mới nào ngoài những thể loại cũ như sử thi, kịch và anh hùng ca – những thể loại mà các tác giả lớn đều tập trung ở Hi Lạp, câu trả lời sẽ là: tiểu thuyết hiện thực. Bằng việc đi sâu tìm hiểu những bí mật sâu kín trong thế giới tâm hồn của con người đối lập với cuộc sống đương đại, bằng việc nhấn mạnh tính độc lập giữa cái chung và cái riêng, tiểu thuyết hiện thực đã miêu tả thực tại với sự chính xác cao và trọn vẹn mà nền văn học trước đó không có được.
Tiểu thuyết hiện thực – cũng có thể gọi là sử thi văn xuôi hiện đại chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lịch sử và khoa học – nhìn chung là sáng tạo của các nhà văn Anh, Pháp, Nga và gắn liền với tên tuổi của Dickens và Thackeray, Balzac và Flaubert, Gogol và Tolstoy. Trong một thời gian dài, nhà văn Đức không có sự góp mặt tương xứng trong thể loại này; sáng tạo thi ca của đất nuớc này phát triển theo khuynh hướng khác. Thế kỉ XIX kết thúc với cuốn tiểu thuyết Buddenbrooks (1901) của một nhà văn trẻ 27 tuổi, con trai một thương nhân của thành phố Hanse cổ kính ở Lübeck. Hai mươi bảy năm trôi qua, mọi người đều công nhận Buddenbrooks chính là kiệt tác đã lấp đi khoảng trống của văn học Đức. Đó cũng là tiểu thuyết hiện thực Đức đầu tiên giành được vị trí ngang hàng và không thể tranh cãi trên văn đàn Châu Âu.
Buddenbrooks là một tiểu thuyết tư sản, vì thế kỉ mà nó miêu tả, trên tất cả, là một thời đại của giai cấp tư sản. Nó mô tả một xã hội không quá lớn lao làm bối rối người quan sát, cũng không quá nhỏ hẹp làm anh ta ngạt thở. Mức độ dung hòa này thiên về một sự phân tích thông minh, thâm trầm và tinh tế, và bản thân sức mạnh sáng tạo, niềm khoái hoạt của tự sự sử thi, được hình thành bởi một sự phản ánh điềm đạm, chín chắn và tinh xảo. Chúng ta thấy nền văn minh tư sản và mọi sắc thái của nó, thấy những lát cắt của lịch sử, những thay đổi của thời gian, của các thế hệ, sự chuyển đổi tuần tự từ những nhân vật mạnh mẽ, kín đáo và thiếu tự giác tới kiểu nhân vật suy tư, thanh nhã và yếu đuối. Sự thể hiện này sáng rõ mà xuyên thấu vào bên dưới bề mặt để soi rọi những vận động ẩn tàng của đời sống. Sự thể hiện này đầy sức mạnh nhưng không bao giờ thô bạo mà đề cập đến những điều tế nhị một cách diụ dàng; nó buồn và nghiêm nghị nhưng không bao giờ khiến ta phiền muộn, bởi nó thấm đẫm một tính hài hước thầm kín, sâu sắc, được phản ánh muôn màu vẻ qua lăng kính của một trí tuệ đầy châm biếm.
Như một bức tranh về xã hội, mô tả thực tế rất cụ thể và khách quan, Buddenbrooks là cuốn tiểu thuyết mà rất ít tác phẩm có thể sánh ngang hàng trong nền văn học Đức. Tuy nhiên, vượt ngoài giới hạn của thể loại tiểu thuyết hiện thực, tác phẩm cho thấy những đặc tính chung của nó với tinh thần Đức, với thuyết tiên nghiệm. Nhà văn trẻ, người đã nắm vững những kĩ thuật của chủ nghĩa hiện thực một cách hoàn hảo đến thế, trong tâm khảm vẫn là một tín đồ của chủ nghĩa bi quan Schopenhauer và sự phê phán nền văn minh của Nietzsche, và các nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết bộc lộ bí mật tối hậu của mình trong âm nhạc.
Về cơ bản, Buddenbrooks là một tiểu thuyết triết học. Sự sa sút của một gia đình được miêu tả từ quan điểm cho rằng một sự thấu hiểu sâu xa về thực chất và hoàn cảnh của cuộc sống là không thể dung hòa với “niềm vui sống”(2) ngây thơ và năng luợng tích cực. Khả năng phản ánh, tự quan sát, sự tinh tế về tâm lí, sự sâu sắc triết học và cảm quan thẩm mĩ đối với nhà văn Thomas Mann trẻ tuổi là những sức mạnh hủy diệt và phân rã. Trong Tonio Kröger (1903), một trong những truyện hay nhất của ông, nhà văn đã tìm ra những từ xúc động nhất để diễn tả tình yêu của ông với cuộc sống con người trong toàn bộ sự giản dị của nó. Bởi ông đứng bên ngoài thế giới tư sản mà ông miêu tả, cái nhìn của ông là tự do, song ông cũng có cảm giác nuối tiếc cho sự đánh mất tính ngây thơ, một cảm giác khiến ông được độc giả thấu hiểu, cảm thông và kính trọng.
Kinh nghiệm đau thương của tuổi trẻ Thomas Mann, cái kinh nghiệm đã mang lại giọng điệu uyên thâm cho Buddenbrooks, bao hàm một vấn đề mà ông đã xử lí và cố gắng giải quyết bằng nhiều cách khác nhau trong suốt nghiệp văn. Trong nội thể mình, ông cảm thấy sự mâu thuẫn giữa cách nhìn triết học thẩm mĩ và cách nhìn tư sản thực dụng, và ông cố gắng tìm cách dung hòa mối quan hệ này ở một mức độ cao hơn. Trong những truyện ngắn như Tonio Kröger và Tristan (1903), những người tha hương, những kẻ theo đuổi nghệ thuật, tri thức và cái chết thú nhận khát vọng được tồn tại một cách giản dị và mạnh mẽ, được sống “một cuộc sống tầm thường hấp dẫn”. Chính tình yêu đầy nghịch lí của Thomas Mann dành cho những bản tính đơn giản và hạnh phúc đã cất tiếng nói thông qua họ.
Trong tiểu thuyết Đấng chí tôn (Kửnigliche Hoheit, 1909), với hình thức hiện thực ngụy trang thành một câu chuyện mang tính tượng trưng, Thomas Mann đã điều hòa cuộc sống của người nghệ sĩ với cuộc sống của con người hành động, và đưa ra một phương châm cho lí tưởng của con người đó: “lòng cao thượng và tình yêu – một hạnh phúc khắc kỉ”. Nhưng cái hợp đề này không có sức thuyết phục cũng chẳng gây cảm xúc sâu sắc như cái phản đề trong Buddenbrooks và các truyện ngắn. Trong vở kịch Fiorenza (1906), hai nhân vật Savonarola đạo đức và Lorenzo di Medici theo chủ nghĩa duy mĩ xuất hiện như những kẻ thù không đội trời chung, hố ngăn cách lại mở ra một lần nữa. Trong Cái chết ở Venice (Der Tod in Venedig, 1913), hố ngăn cách đó đạt tầm vóc bi kịch. Chính trong những năm này, những năm trước Thế chiến thứ nhất, Thomas Mann trở nên quan tâm hơn tới tính cách của Frederick Đại đế. Ông cảm thấy vị Hoàng đế này đưa ra được một giải pháp mang giá trị lịch sử cho vấn đề, bởi thiên tài của Frederick, với một sức sống bền bỉ, đã kết hợp hành động với suy ngẫm và sự sáng suốt thấu đáo không chút ảo tưởng. Trong bài luận đặc sắc Friedrich Đại đế và Liên minh Vĩ đại (Friedrich und die grosse Koalition, 1915), ông đã chỉ ra khả năng và tính hiện thực của giải pháp này, nhưng tác giả đầy phức tạp của Buddenbrooks đã không thành công trong việc thể hiện ý tưởng này dưới hình thức mềm dẻo và sống động của văn chương.
Thế chiến thứ nhất và hậu quả của nó đã buộc Mann phải từ bỏ thế giới của suy tưởng, của những phân tích khéo léo và cách nhìn tinh tế về cái đẹp, để đến với thế giới của hành động thực tiễn. Ông đi theo sự chỉ dẫn của chính mình, như trong tiểu thuyết Kửnigliche Hoheit, ông thấu hiểu về cái dễ dàng, thoải mái, và đã hiến mình cho sự tái nhìn nhận đầy đau đớn những vấn đề mà đất nước ông phải đương đầu trong thời kì tai ương. Những tác phẩm sau này của ông, đặc biệt là cuốn tiểu thuyết Ngọn núi phù thủy (Der Zauberberg, 1924), minh chứng cho cuộc đấu tranh của những ý tưởng mà bản tính biện chứng của ông chống lại đến cùng và luôn là phần mở đầu cho những tuyên bố quan điểm của ông.
Thưa Tiến sĩ Thomas Mann! Với tư cách nhà tư tưởng và nhà văn Đức, Ngài đã lột tả hiện thực, vật lộn với những ý tưởng và sáng tạo ra cái đẹp buốt nhói, mặc dù Ngài tin rằng nghệ thuật đó rất đáng ngờ. Ngài đã hòa hợp thành công sự cao quý của thơ ca và trí tuệ với một lòng đau đáu yêu thương con người và cuộc sống giản dị. Xin Ngài hãy đón nhận giải thưởng cao quý từ tay Đức Vua cùng những lời chúc tốt đẹp nhất của Viện Hàn lâm Thụy Điển.
* Diễn từ(3):

Giờ đến lượt tôi nói lời cảm ơn. Không cần phải nói, quý vị cũng biết tôi mong đợi giây phút này biết nhường nào. Nhưng than ôi, chính lúc này tôi lại lo sợ rằng những lời tôi nói sẽ không diễn đạt được đúng cảm xúc của tôi, điều thường xảy ra với những ai không có tài hùng biện bẩm sinh.
Tất cả các nhà văn đều không phải là những nhà hùng biện. Nhà văn và nhà hùng biện không chỉ khác nhau mà còn đối lập nhau, bởi công việc của họ khác nhau và kết quả của các mục đích họ theo đuổi cũng khác nhau. Đặc biệt, xét trên quan điểm văn học, một nhà văn có sức thuyết phục, một cách bản năng có khuynh hướng không ưa tính chất ứng khẩu và vô thưởng vô phạt của mọi lời nói, cũng như cái nguyên tắc tiết kiệm khiến bỏ quên nhiều điều và để lại những khoảng gián đoạn có tính quyết định mà người nghe cần phải suy diễn từ tính cách của người nói. Nhưng trường hợp của tôi càng thêm phức tạp bởi những khó khăn nhất thời đã thực sự định sẵn thất bại cho khả năng hùng biện nửa vời của tôi. Tất nhiên, tôi đang muốn nói đến cái tình huống mà quý vị, các viện sĩ của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đặt tôi vào đó, tình huống tuyệt diệu khiến tôi hết sức bối rối và ngập tràn cảm xúc. Thực lòng, tôi không thể hình dung những niềm vinh dự lớn lao mà quý vị trao cho tôi! Bản tính của tôi là tự sự, chứ không phải kịch nghệ. Thiên hướng và nguyện vọng của tôi cần có sự bình lặng để dệt nên sợi chỉ cuộc đời của tôi, cần có một nhịp điệu đều đặn trong cuộc sống và nghệ thuật. Chẳng có gì đáng kinh ngạc nếu cái tin nóng gây ấn tượng mạnh từ Phương Bắc đã ập đến với nhịp sống bình lặng này đã khiến cho khả năng hùng biện của tôi giảm xuống thậm chí dưới mức bình thường của nó. Kể từ khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố quyết định, tôi sống trong một trạng thái say sưa như trong ngày hội, một cảm giác xốn xang thú vị. Tôi không tài nào minh họa được những cảm giác để lại trong tâm trí và linh hồn tôi tốt hơn là dẫn chiếu đến một bài thơ tình rất hay mà cũng hết sức kì lạ của Goethe. Bài thơ được gửi cho chính thần ái tình và tôi còn nhớ một dòng là: “Du hast mir mein Gerọt verstellt und verschoben” (Người đã xáo trộn và dịch chuyển đồ đạc của tôi). Giải thưởng Nobel đã gây xáo trộn các vật dụng trong ngôi nhà tự sự của tôi. Và chắc chắn, tôi không hề lạc đề khi đem so sánh ấn tượng của giải thưởng Nobel tác động đến tôi với những đam mê mãnh liệt xảy ra trong cuộc đời ngăn nắp của con người.
Và một nghệ sĩ thật khó lòng đón nhận những niềm vinh dự như những niềm vinh dự đang dồn dập đến với tôi mà không khỏi chút lo lắng! Liệu có một nghệ sĩ đúng mực và khắt khe với bản thân nào lại không có chút băn khoăn về chúng? Chỉ có một quan điểm vượt khỏi bản tính của con người, vượt khỏi bản tính cá nhân mới giúp ích được trong tình thế tiến thoái lưỡng nan này. Cách tốt nhất là luôn rũ bỏ cá nhân, đặc biệt là trong trường hợp như thế này. Goethe đã tự hào nói: “Chỉ những kẻ bất lương mới khiêm tốn”. Câu nói đó giống lời lẽ của một lãnh chúa quyền uy muốn tách rời bản thân khỏi thứ đạo đức của bọn thuộc hạ và những kẻ giả nhân giả nghĩa. Nhưng thưa quý ông, quý bà, đó còn lâu mới là toàn bộ sự thực. Trong đức tính khiêm tốn còn có cả sự hiền minh và trí tuệ. Người chỉ biết kiêu căng, ngạo mạn trước một danh dự như danh dự được ban cho tôi, là một thằng ngu không hơn không kém. Tôi xin đặt giải thưởng quốc tế cao quý ngẫu nhiên được trao cho tôi dưới chân đất nước và dân tộc của tôi, đất nước và dân tộc mà các nhà văn như tôi giờ đây cảm thấy gần gũi hơn so với thời hoàng kim đế quốc của nó.
Sau nhiều năm, giải thưởng quốc tế Stockholm lại một lần nữa được trao cho tinh thần Đức nói chung, cho văn xuôi Đức nói riêng. Quý vị khó lòng nhận thức được hết sự nhạy cảm khi đất nước bị tổn thương và thường bị hiểu lầm của chúng tôi đón nhận những dấu hiệu của sự đồng cảm quốc tế đó.
Tôi xin mạn phép giải thích rõ hơn ý nghĩa của sự đồng cảm này. Những thành tựu về nghệ thuật và trí tuệ Đức trong suốt 15 năm qua đã không tạo được những điều kiện thuận lợi đối với thể xác và tinh thần. Không một tác phẩm nào có cơ hội được phát triển và chín rộ trong hoàn cảnh thuận lợi, nghệ thuật và trí tuệ cũng đã phải tồn tại trong những điều kiện hết sức khó khăn, với những nỗi bất hạnh, sự nhộn nhạo và thống khổ, một tình trạng hỗn loạn gần giống như ở nước Nga và Phương Đông, trong đó tinh thần Đức đã bảo vệ nguyên tắc chân giá trị của các hình thức Phương Tây và Châu Âu. Bởi đối với người Châu Âu, hình thức là vấn đề danh dự, chẳng phải như vậy sao? Tôi không phải là người Thiên Chúa giáo, thưa quý vị, tín ngưỡng truyền thống của tôi cũng giống của tất cả quý vị ở đây. Tôi ủng hộ đạo Tin Lành, phụng sự trực tiếp Chúa Trời. Tuy nhiên, tôi cũng tôn thờ một vị thánh riêng của mình, đó là Thánh Sebastian, người thanh niên bị trói vào cọc, bị những lưỡi gươm và mũi tên từ mọi phía xuyên vào da thịt mà vẫn mỉm cười trong cơn hấp hối. Cái đẹp trong đau đớn: đó là chủ nghĩa anh hùng mà Thánh Sebastian là biểu tượng. Hình tượng có thể bạo liệt, nhưng tôi vẫn muốn nói rằng chủ nghĩa anh hùng đó nằm chính trong tinh thần Đức và nghệ thuật Đức, và tôi chắc rằng niềm vinh dự quốc tế ban tặng cho thành tựu của nền văn học Đức có xét đến chủ nghĩa anh hùng kì vĩ đó. Thông qua thi ca, nước Đức đã phô bày cái đẹp trong đau đớn. Nước Đức đã gìn giữ danh dự của mình. Về mặt chính trị, nó quyết không lùi bước trước những bất hạnh, luôn giữ vững sự thống nhất. Về mặt tinh thần, nó kết hợp nguyên tắc về sự khổ hạnh của phương Đông với nguyên tắc hình thức của phương Tây – bằng cách tạo ra cái đẹp từ khổ đau.
Cuối cùng, tôi xin được quay trở lại với vấn đề của cá nhân tôi. Sau khi được biết quyết định trao giải, tôi đã kể với những đại biểu đầu tiên đến với tôi rằng tôi đã đón nhận với tâm trạng xúc động và sung sướng đến chừng nào niềm vinh dự tới từ phương Bắc, từ miền Scandinavia, cái xứ sở mà, với tư cách là một người con của Lübeck, tôi đã gắn bó từ khi còn thơ ấu bởi những nét tương đồng trong cách sống, và với tư cách nhà văn, tôi gắn bó bởi biết bao đồng cảm văn chương và lòng ngưỡng mộ dành cho tinh thần và bầu không khí của phương Bắc. Khi còn trẻ, tôi đã viết một truyện ngắn Tonio Kröger mà thanh niên ngày nay vẫn thích. Câu chuyện kể về miền Nam, miền Bắc và sự pha trộn giữa hai miền đó trong một con người, một sự pha trộn rắc rối và có nhiều ích lợi. Miền Nam trong câu chuyện thực chất là miền đất của sự mạo hiểm tìm kiếm khoái lạc và tri thức, của niềm say mê nguội lạnh với nghệ thuật. Miền Bắc, trái lại, đại diện cho trái tim, cho ngôi nhà tư sản, những cảm xúc cố hữu và mang tính người sâu sắc. Giờ đây, nơi trú ngụ của trái tim, miền Bắc chào đón tôi, dang rộng vòng tay đón nhận tôi bằng một buổi lễ long trọng. Đây là một ngày tươi đẹp và đầy ý nghĩa trong cuộc đời tôi, một ngày hội thực thụ của cuộc đời, một “hugtidsdag(4)” như người Thụy Điển vẫn nói trong ngày vui của họ. Cho phép tôi được bày tỏ yêu cầu cuối cùng của mình bằng ngôn từ mượn của người Thụy Điển một cách vụng về này: Thưa quý ông, quý bà, chúng ta hãy cùng bày tỏ sự biết ơn và chúc mừng cho Quỹ Nobel, quỹ đã mang lại biết bao lợi ích và đóng vai trò quan trọng vào bậc nhất trên thế giới, quỹ đã đem lại cho chúng ta buổi tối tuyệt diệu này. Theo phong tục tốt đẹp của Thụy Điển, hãy cùng tôi hoan hô bốn lần vì Quỹ Nobel!
Tác phẩm của Thomas Mann:
– Ngài Fridemann bé nhỏ (Der kleine Herr Friedemann, 1898), tập truyện, [Little Herr Friedemann].
– Gia đình Buddenbrooks (Buddenbrooks, 1901), tiểu thuyết.
– Tristan (1903), tập truyện.
– Tonio Kröger (1903), truyện ngắn.
– Đấng chí tôn (Kửnigliche Hoheit, 1909), tiểu thuyết, [Royal Highness].
– Cái chết ở Venice (Der Tod in Venedig, 1912), truyện ngắn, [Death in Venice].
– Friedrich Đại đế và Liên minh Vĩ đại (Friedrich und die grosse Koalition, 1915), tiểu luận.
– Những suy ngẫm ngoài chính trị (Betrachtungen eines Unpolitischen, 1918), tiểu luận [Reflectionss of an Unpolitical Man].
– Goethe và Tolstoi (Goethe und Tolstoi, 1923), tiểu luận.
– Chủ và chó (Herr und Hund, 1919).
– Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull (Bekenntnisse des Hochstaplers Felix Krull, 1922) [Confessions of Felix Krull, Confidence Man].
– Diễn văn và phúc đáp (Rede und Antwort, 1922), tiểu luận, [Question and Ansswer].
– Ngọn núi phù thủy (Der Zauberberg, 1924), tiểu thuyết, [The Magic Mountain].
– Những nỗ lực (Bemỹhungen,1925), tiểu luận, [Efforts].
– Rối loạn và nỗi đau xưa (Unordnung und frỹhes Leid, 1926), truyện vừa, [Disorder and Early Sorrow].
– Mario và phù thủy (Mario und der Zauberer, 1929), truyện, [[Mario and the Magician].
– Đòi hỏi của mỗi ngày (Die Forderung des Tages, 1930), tiểu luận, [Order of fhe Day].
– Joseph và những người anh em (Joseph und seine Brỹder, 1933-1943), tiểu thuyết [Joseph and His Brothers].
– Sự đau khổ và vĩ đại của các bậc thầy (Leiden und Grửsse der Meister, 1935), tiểu luận [Suffering and Greatness of the Masters].
– Lotte ở Weimar (Lotte in Weimar, 1939), tiểu thuyết.
– Joseph, người nuôi sống (Joseph, der Ernọhrer, 1943), tiểu thuyết [Joseph, the Provider].
– Bác sĩ Faustus (Doktor Faustus, 1947), tiểu thuyết.
– Người được lựa chọn (Der Erwọhlte, 1951), tiểu thuyết.
– Tiểu luận về Trekhov (Versuchỹber Tschechow, 1954), tiểu luận.
Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:
– Gia đình Buddenbrooks
Gia đình Buddenbrook xuất bản lần đầu tại Đức năm 1901, khi Thomas Mann mới 26 tuổi, đã nhanh chóng trở thành tác phẩm kinh điển của văn học hiện đại. Câu chuyện kể về một gia đình bốn thế hệ thuộc tầng lớp đại tư sản ở thành phố Lübeck miền Bắc nước Đức. Với ngòi bút điêu luyện, Thomas Mann đã dựng lên một bức tranh toàn diện và chân thực về đời sống của tầng lớp trung lưu: kết hôn và ly hôn, sinh ra và chết đi, thành công và thất bại. Những sự kiện ấy lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ, trong khi gia đình Buddenbrook dần bị cuốn vào vòng xoáy hiện đại dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của cả dòng họ.
– Lời Thú Nhận Của Tay Lừa Đảo Felix Krull
Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull dẫn dắt người đọc đi cùng Felix Krull với những chiêu trò lừa đảo với mức độ lớn và “uyên bác” càng ngày càng tăng dần.
Felix Krull là một cậu bé sinh ra trong một gia đình trung lưu nhưng sau khi người cha tán gia bại sản và tự sát, cậu sống trong cảnh nghèo khó với mẹ. Tuy vậy, cậu vẫn luôn nuôi mộng về một cuộc sống xa hoa. Và Felix đã đi theo con đường lừa đảo để đạt được mục đích. Đầu tiên cậu đã lừa các bác sĩ quân y để trốn đi nghĩa vụ quân sự. Rồi, với công việc chạy buồng thang máy và bồi bàn ở một khách sạn sang trọng ở Paris, nhờ vẻ bề ngoài đẹp như nam thần Hy Lạp, cậu kiếm được bộn tiền từ những quý bà khát tình. Sau đó, Felix có bước ngoặc cuộc đời, cú lừa đảo lớn nhất, khi cậu giả danh một hầu tước trẻ Luxembourg làm chuyến du lịch vòng quanh thế giới, trong khi vị hầu tước ở lại Paris với người tình. Felix tới Lisbon trong lộ trình đi tới Nam Mỹ, và ở đây, cậu có những khám phá kiến thức và lạc thú xa hoa.
– Chết Ở Venice
Chết Ở Venice kể về một nhà văn lớn tuổi với những thành tựu đáng kính nể đến mức được phong tước quý tộc – ngài Gustav von Aschenbach – đi tìm lại những xúc cảm và đam mê khám phá thời tuổi trẻ qua một hành trình trở lại Venice, đối mặt với một “tạo vật hoàn mỹ” – cậu thiếu niên xinh đẹp Tadzio – và đem lòng yêu cậu, đối mặt với nạn dịch tả bị che dấu ở Venice, đối mặt với thần chết và đối mặt với cả phần ‘con’ trỗi dậy sau gần cả một đời khắc kỷ và chỉ biết hiến mình cho nghệ thuật.
* Các tác phẩm khác
– Thần tượng lạ (nguyên tác: Der Tod in Venedig), Nguyễn Tử Lộc dịch, Nxb Trẻ, 1974.
– Tình yêu và lí tưởng (nguyên tác: Tonio Kröger), Huỳnh Phan Anh dịch, Nxb Ngày mới, 1974; Nxb Trẻ, 1989.
– Ảo ảnh (dịch theo bản tiếng Pháp Le mirage, truyện vừa), Huỳnh Phan Anh dịch, Nxb Văn học, 1998(5).
– Luidơ bé bỏng, Hoàng Hữu Kỹ dịch, in trong Những truyện ngắn nổi tiếng thế giới, Nxb Hội Nhà văn, 1999; Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6 năm 2002; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt Giải Nobel, Nxb Hội Nhà văn, 2004.
– Ngài Friđơman bé nhỏ, Hoàng Hữu Kỹ dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt Giải Nobel, Nxb Văn học, 1999; Truyện ngắn đặc sắc các tác giả được giải thưởng Nobel, Nxb Văn học, 2004.
Tân Đôn dịch từ bản tiếng Anh
Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính
(Nguồn: http://nobelprize.org)
© Culture Globe
Ghi chú:
(1) Do Fredrik Buuk, Ủy viên Ủy ban Nobel Văn chương đọc.
(2) Nguyên văn tiếng Pháp: joie de vivre.
(3) T. Mann đọc trong tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel ngày 10/12/1929 tại Grand Hotel (Stockholm).
(4) Hugtidsdag: nghĩa là “ngày hội” (tiếng Thụy Điển).
(5) Chưa rõ nguyên tác.