Sinclair Lewis
Sinclair Lewis (07/02/1885 - 10/01/1951)

Sinclair Lewis (07/02/1885 – 10/01/1951) được trao giải Nobel Văn Học năm 1930 vì nghệ thuật kể chuyện mạnh mẽ, truyền cảm và khả năng trào phúng, hài hước hiếm có trong việc xây dựng những mẫu người và tính cách mới. S. Lewis được đánh giá là một trong những nhà văn dũng cảm nhất, sắc sảo nhất và đầy mâu thuẫn của nước Mỹ. Các tiểu thuyết “Babbitt, Phố chính” được gọi là những tài liệu xã hội cấp cao. Ông là nhà văn Mỹ đầu tiên được nhận Giải Nobel.

Xem thêm:  Anatole France, nhà văn trào phúng sắc sảo của Pháp

Sinclair Lewis
Sinclair Lewis (07/02/1885 – 10/01/1951)

Tiểu sử

Harry Sinclair Lewis là con trai út trong gia đình, mẹ là người Canada, bị bệnh lao mất khi ông mới 5 tuổi, bố là bác sĩ tại thị trấn nhỏ vừa mới xây dựng sau cuộc nội chiến Bắc – Nam (1861-1865); nơi đây chính là một môi trường ghê tởm điển hình cho lối sống tư bản. Từ nhỏ, S. Lewis rất thích đọc thơ, ông học tiểu học tại Minnesota, sau đó học Đại học Tổng hợp Yale; tại đây S. Lewis in thơ và tham gia vào ban biên tập tạp chí văn học của trường. Trong kì nghỉ hè rảnh rỗi, S. Lewis viết cuốn tiểu thuyết Virus nhà quê (The Village Virus), 15 năm sau được phát triển thành tác phẩm danh tiếng Phố chính. Sau khi tốt nghiệp, năm 1907 ông đến New York làm phóng viên, biên tập viên cho nhiều tờ báo và bán các ý tưởng cốt truyện cho nhà văn danh tiếng Jack London (vì truyện S. Lewis viết ra không được đăng). Năm 1912, cuốn sách đầu tiên của S. Lewis Cuộc dạo bộ và chiếc máy bay được in dưới bút danh Tom Grame. Năm 1914, ông in tiểu thuyết Ngài Wren của chúng ta và tiếp tục viết nhiều truyện giải trí nhưng không được chú ý. Trong 15 năm ông lang thang qua 40 bang nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới như Canada, Mexico, Anh, Pháp, Italia, Thụy Sĩ, Đức, Czechoslovakia, Hi Lạp, Thụy Điển, Tây Ban Nha… để kiếm sống, tìm việc làm và thu thập tài liệu viết văn. Nguồn cảm hứng sáng tạo thực sự của S. Lewis được khơi dậy chính là từ những ngày tháng sống trong toa xe ngủ tại nông trại Vermont ở Minnesota và các nhà trọ ở thành phố Kansas hoặc Savannah. Tất cả sự phong phú của cuộc sống qua các câu chuyện kể và sự tiếp xúc với giới bình dân và nhiều tầng lớp xã hội khác đã mang lại cho nhà văn nguồn tư liệu vô tận để miêu tả cuộc sống thật sinh động.

Lewis trở nên nổi tiếng thật sự bắt đầu từ tiểu thuyết Phố chính (1920) – cuốn sách gây nên hai luồng dư luận trái ngược nhau: một bên ca ngợi hết lời, một bên phê bình kịch liệt. Tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông là Babbitt (1922). Với hai cuốn tiểu thuyết này, S. Lewis đã tạo ra hai hình tượng điển hình trong văn học cận đại Mỹ: Babbitt điển hình cho người Mỹ tiểu tư sản tầm thường, nhạt nhẽo, ba hoa, và hám lợi; Phố chính điển hình cho cuộc sống tỉnh lẻ, hẹp hòi, ngột ngạt ở các thị trấn, thành phố nhỏ của nước Mỹ.

Năm 1925, cuốn Arrowsmith được trao giải thưởng Pulitzer nhưng ông không nhận. Còn Giải Nobel năm 1930 dành cho S. Lewis bị một số báo chí Mỹ phản ứng, coi là không xứng đáng vì cho rằng S. Lewis bôi nhọ nước Mỹ trong các tác phẩm của mình. Tiểu thuyết Thế giới quả là rộng lớn (1951) là tác phẩm cuối cùng của ông. Cuối đời, nhà văn nghiện rượu nặng và mất tại Roma ở tuổi 65.

Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1):

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – Wikipedia tiếng Việt

Năm nay, đoạt Giải Nobel Văn học là một người chôn nhau cắt rốn tại vùng đất Châu Mỹ vốn từ lâu đã có mối bang giao với Thụy Điển. Ông sinh ra ở Sauk Centre, nơi có khoảng hai, ba ngàn cư dân sinh sống trên những cánh đồng ngô bao la thuộc tiểu bang Minnesota. Ông đã mô tả về nơi này lấy tên là Gopher Prairie trong cuốn tiểu thuyết Phố chính (Main Street, 1920).

Thị trấn nhỏ nằm giữa thảo nguyên mênh mông lô xô với những hồ nước và cánh rừng sồi, vẻ ngoài của nó hệt như vô vàn những thị trấn khác. Những người đầu tiên đến đây cần một nơi để bán ngũ cốc, cần cửa hiệu để mua sắm vật dụng, cần nhà băng để vay thế chấp, cần bác sĩ để chăm sóc thể xác và cần mục sư cho tâm hồn của họ. Giữa nông thôn và thành thị có sự hợp tác, nhưng đồng thời cũng có xung đột. Thành thị tồn tại vì lợi ích của nông thôn hay nông thôn vì thành thị?

Vùng đồng cỏ mênh mông này luôn chứng tỏ được sức mạnh của nó. Suốt mùa đông dài đằng đẵng và lạnh lẽo, những cơn bão khủng khiếp trút đầy tuyết lên những đường phố rộng, giữa những căn nhà thấp lè tè, xiêu vẹo. Mùa hạ nóng thiêu đốt với cái nắng chói chang nồng nực khủng khiếp, những mùi khó chịu của một thị trấn thiếu phương tiện xử lí nước thải và làm sạch vệ sinh đường phố. Nhưng thị trấn này vẫn kiêu hãnh tự coi mình là trung tâm của thảo nguyên. Nó nắm trong tay các đầu mối kinh tế và là tiêu điểm của nền văn minh – một nước Hoa Kỳ cô đặc, hãnh diện trước số phận làm thuê của những kẻ mang nguồn gốc nước ngoài, Đức hay Bắc Âu.

Cứ như thế, thị trấn nhỏ này sống hạnh phúc trong sự tự mãn và niềm tin vào nền dân chủ thực sự của mình, một nền dân chủ không loại trừ việc phân tầng xã hội. Người ta tin vào những giá trị đạo đức lành mạnh trong kinh doanh cũng như niềm hạnh phúc được cơ giới hóa, bởi vậy có rất nhiều ô tô mang nhãn hiệu Ford chạy trên đường phố chính.

Một thiếu phụ có những suy nghĩ nổi loạn đã đến thành phố này. Bà muốn làm thay đổi thị trấn này một cách triệt để, nhưng đã thất bại hoàn toàn gần như ngay từ khi mới bắt tay vào việc.

Nếu để mô tả cuộc sống ở một thành phố nhỏ, Main Street chắc chắn là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất. Đương nhiên, thị trấn này trước hết là một đô thị Hoa Kỳ, nhưng đời sống tinh thần ở đây thì cũng tương tự Châu Âu. Giống như Lewis, nhiều người trong chúng ta đã chán ngán sự xấu xa và hẹp hòi cố chấp của thành phố này. Tính châm biếm mạnh mẽ trong tác phẩm của ông đã gây ra nhiều phản đối ở địa phương, nhưng bất cứ ai, chẳng cần phải thật sáng suốt, cũng nhận ra được thái độ ôn hòa trong bức phác họa của Lewis về thị trấn và con người quê hương ông.

Tuy nhiên, đằng sau cái vẻ dương dương tự đắc của Gopher Prairie là lòng ghen tị. Ở vùng giáp ranh với đồng cỏ đã xuất hiện những thành phố như Paul và Minneapolis, những siêu đô thị đang trên đà hình thành với những khung cửa sổ của các tòa nhà cao chọc trời lấp lánh trong ánh mặt trời hay ánh điện buổi chiều hôm. Gopher Prairie cũng muốn được như thế và cảm thấy thời cơ đã chín muồi để thực hiện một chiến dịch tăng tốc phát triển dựa trên việc tăng giá lúa mì thời chiến.

Một chính trị gia đi diễn thuyết tranh cử đã đến đây, một người kích động quần chúng thuộc loại hăng hái nhất đã chứng minh rằng đối với Gopher Prairie không gì dễ hơn là giành lấy vị trí đứng đầu.

Ngài Babbitt – George Follansbee Babbitt – là một công dân hạnh phúc của một thành phố như thế (Babbitt, 1922). Thành phố ấy được gọi là Zenith nhưng người ta sẽ không tìm thấy cái tên đó trên bản đồ. Thành phố với chân trời rộng mở của nó trở thành điểm xuất phát cho những cuộc oanh kích phê bình của Lewis vào lối sống Hoa Kỳ. Thành phố này rộng hơn Gopher Prairie một trăm lần, giàu có hơn Gopher Prairie gấp một trăm lần và cũng thỏa mãn hơn về mình một trăm lần. George. F. Babbitt là hóa thân của sự lạc quan, mê hoặc và niềm tin vào tiến bộ của cư dân thành phố.

Thực tế, Babbitt là một người Hoa Kỳ tiêu biểu thuộc tầng lớp trung lưu. Đối với ông ta, tính tương đối của đạo đức kinh doanh cũng như các qui tắc sống cá nhân là một tín điều được công nhận. Không chút phân vân, ông ta tin rằng Chúa muốn con người phải lao động, phải được tăng thu nhập và thụ hưởng những tiện nghi hiện đại. Ông ta cảm thấy mình luôn tuân theo những giáo huấn ấy, và nhờ vậy sống hoàn toàn hòa hợp với chính mình và xã hội.

Nghề kinh doanh bất động sản đối với Babbitt là cao quý nhất. Ngôi nhà của ông ta ở ngoại ô với cây cối xung quanh cùng thảm cỏ là một mẫu mực từ trong ra ngoài. Ông ta đặt mua một chiếc xe hơi tương xứng với địa vị của mình, và rong xe vòng vèo bát phố, hãnh diện như một gã trai hào hùng, bất chấp nguy hiểm giao thông. Cuộc sống gia đình của ông ta tương đương với mức trung bình của tầng lớp tư sản. Người vợ quen dần với cung cách ồn ào đầy nam tính của ông chồng ở nhà, với bọn trẻ thì xấc láo bởi đó là cái mà người ta mong đợi.

Ông có một sức khỏe tuyệt vời, được ăn uống đầy đủ, giàu có, linh lợi và vui tính. Ngày nào cũng như ngày nào, ông dùng bữa trưa ở câu lạc bộ để khuấy động mọi người với những cuộc trao đổi làm ăn bổ ích và những giai thoại thú vị. Ông rất hòa đồng và nói chuyện có sức thuyết phục. Babbitt còn hơn một người có khiếu nói năng. Ông đã nghiên cứu tất cả những khẩu hiệu quốc gia và đem nó ra tung hứng trước những cuộc họp ở câu lạc bộ hay các buổi mít tinh trong sự tán thưởng của mọi người. Ông chiếm được thiện cảm kể cả khi đề cập đến những vấn đề tâm linh cao siêu nhất. Ông sưởi ấm cho mình trong tình bạn với nhà thơ nổi tiếng Cholmondeley Frink, người đã tập trung tài năng vào việc biên soạn các mẩu quảng cáo có vần hết sức hấp dẫn cho nhiều công ti và do đó, mỗi năm kiếm được một khoản thu khá bẫm.

Cứ như thế, Babbitt sống cuộc sống của một công dân không thể chê trách, ý thức được sự khả kính của mình. Nhưng rồi các vị thần thánh trở nên ghen tị với hạnh phúc không ngừng tăng lên của một người trần mắt thịt. Dĩ nhiên, một linh hồn như của Babbitt không thể lớn lên mãi vì nó là một sản phẩm đã được làm sẵn từ đầu. Rồi Babbitt phát hiện ra rằng ông ta có xu hướng mắc phải những thói xấu mà ông ta đã lờ đi – mặc dù không phải tất cả. Khi đến tuổi 50, ông ta vội vàng tìm cách bù đắp cho sự xao lãng đó. Ông bắt đầu một mối quan hệ bất thường và tham gia vào một nhóm thanh niên phù phiếm, trong đó ông đóng vai một “ông bố” hào phóng. Bởi thế, ông ta không còn kiểm soát được hành vi của mình. Các bữa ăn trưa ở câu lạc bộ ngày càng nặng nề trong sự im lặng và thái độ xa lánh của bạn bè. Họ nói bóng nói gió rằng ông ta đang dần làm mất cơ hội được trở thành thành viên của một nhóm tiến bộ. Đến đây, cố nhiên là New York và Chicago hiện ra lờ mờ trước mắt ông ta. Ông ta thành công trong việc tìm lại bản chất cao thượng của mình và kinh ngạc thay, người ta thấy ông quì trong văn phòng mục sư, ở đó ông được xá tội. Và rồi một lần nữa, Babbitt lại hiến mình hơn cho hoạt động ngoại khóa của nhà trường cũng như các hoạt động xã hội hữu ích khác. Câu chuyện kết thúc như khi nó bắt đầu.

Như Lewis đã nói, thông qua các biểu tượng, ông muốn đả kích những quan điểm sai lầm chứ không phải đả kích cá nhân. Babbitt, một nhân vật trớ trêu theo chủ nghĩa vị lợi khắc khổ nhưng đồng thời lại khoa trương, gần như đáng yêu, là một thành công nghệ thuật, thành công gần như độc nhất vô nhị trong văn chương.

Babbitt rất ngây thơ, một tín đồ dám nói thẳng ra niềm tin của mình. Ở cuối truyện, không có tai hại nào xảy đến với nhân vật và ông ta lúc nào cũng hăng hái với tâm trạng vui vẻ như trong ngày hội, đến nỗi ông trở thành biểu tượng cho sức sống Hoa Kì. Ở nước nào cũng có nhiều kẻ khoác lác, phàm tục, người ta chỉ có thể mong ước rằng một nửa trong số đó thú vị bằng một nửa Babbitt mà thôi.

Đóng góp vào sự lí thú của nhân vật này cũng như các nhân vật khác được nhắc tới trong tác phẩm là tài năng ngôn ngữ vô song của Lewis. Thí dụ, hãy lắng nghe một cuộc nói chuyện của những người chào hàng đang ngồi với nhau trên một chuyến tàu tốc hành New York. Một vầng hào quang không thể ngờ bao trùm lên nghề bán hàng: “Đối với họ, người anh hùng lãng mạn từ nay không còn là chàng hiệp sĩ, nhà thơ lãng du, người chăn bò, phi công hay ngài công tố viên trẻ tuổi dũng cảm của hạt ta nữa, mà đó phải là ngài giám đốc bán hàng vĩ đại, người có Bản Phân tích Mại vụ trên chiếc bàn mặt kính, với tước hiệu cao quý “người dám nghĩ dám làm”, người đã dâng hiến bản thân và tất cả các samurai trẻ trung của mình cho mục đích bán hàng hoàn vũ – không phải bán cái gì đó cho người nào đó mà chỉ là bán hàng thuần túy”. Arrowsmith (1925) là một tác phẩm mang tính nghiêm túc hơn. Lewis đã cố gắng mô tả nghề y và khoa học dưới mọi khía cạnh. Như ta đã biết, những nghiên cứu của người Hoa Kỳ về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, vật lí, hóa học và y học được xếp vào hàng ưu tú nhất thời nay và nhiều lần được thừa nhận tại chính Viện Hàn lâm này. Những nguồn lực khổng lồ đã được Hoa Kỳ huy động để phục vụ cho khoa học. Những cơ sở nghiên cứu được trang bị dồi dào không ngừng hoạt động.

Thậm chí ở đây cũng có những kẻ đầu cơ muốn lợi dụng các thành quả nghiên cứu, điều này coi như không tránh khỏi. Giới doanh nghiệp tư nhân săn đón những khám phá khoa học và muốn ứng dụng chúng để thủ lợi trước khi có kiểm nghiệm và công nhận chính thức. Trong truyện, một nhà vi khuẩn học đã nghiên cứu hết sức cẩn thận trong việc tìm ra các loại vắc xin để chữa trị những căn bệnh lây lan, nhưng nhà hóa học sản xuất lập tức muốn vội vàng cướp lấy để đưa vào sản xuất hàng loạt.

Dưới sự dìu dắt của một giáo viên tài giỏi và tận tâm, Martin Arrowsmith trở thành một trong các nhà khoa học theo chủ nghĩa lí tưởng. Bi kịch cuộc đời của nhà nghiên cứu là sau khi tìm ra một khám phá quan trọng, ông đã trì hoãn thông báo phát hiện này vì muốn kiểm tra đi kiểm tra lại cho tới khi ông ta nhận ra rằng nó đã được một người Pháp công bố trước ở Viện Pasteur.

Cuốn sách là bộ sưu tập phong phú các loại nhân vật trong y giới. Chúng ta như nghe thấy tiếng vọng từ giảng đường y khoa, nơi các giáo sư đang tranh luận thú vị với nhau. Rồi cả người bác sĩ nông thôn khiêm nhường trong tác phẩm Main Street, lấy việc hòa nhập với các bệnh nhân của mình làm vinh dự và trở thành chỗ dựa, niềm khuây khỏa cho họ. Chúng ta cũng bắt gặp cả con người khôn ngoan đã tổ chức nên hệ thống y tế cộng đồng và phúc lợi xã hội, người có được uy tín trong nhân dân cũng như giới chính trị. Tiếp đó, chúng ta bắt gặp những học viện lớn, ở đó đội ngũ nghiên cứu làm việc có vẻ như cực kì độc lập, nhưng kì thực lại dưới sự quản lí mà ở một mức độ nào đó phải tính đến những lợi ích của các nhà tài trợ, buộc các nhân viên phải làm việc vì danh dự của viện.

Trong số các nhân vật tiêu biểu này, nổi bật lên hình ảnh người thầy Gottlieb của Arrowsmith, một người lưu vong Do Thái gốc Đức. Nhân vật này được miêu tả một cách nồng nhiệt và ngưỡng mộ, khiến ta nghĩ rằng đó là một mẫu người có trong đời thực. Ông là người phục vụ hết sức trung thành cho khoa học nhưng đồng thời cũng là một phần tử vô chính phủ bi phẫn và ghét đời, kẻ luôn luôn ngờ vực rằng liệu loài người có đáng để ông ta giết chừng ấy con vật thí nghiệm hay không. Ngoài ra, chúng ta gặp vị bác sĩ người Thụy Điển tên là Gustaf Sondelius, một người khổng lồ luôn rạng rỡ nụ cười. Với lời ca tiếng hát và lòng dũng cảm, ông truy đuổi căn bệnh dịch hạch trên khắp thế giới tới tận hang ổ của chúng, tiêu diệt những con chuột độc, đốt trụi những ngôi làng lây nhiễm và giảng giải nguyên tắc của ông ta rằng vệ sinh định ra để tiêu diệt nghệ thuật y học.

Được triển khai song song là câu chuyện về Martin Arrowsmith. Lewis quá thông minh để tạo ra một nhân vật không bợn tì vết nào. Martin phạm những lầm lỗi mà dường như đôi khi trở thành vật cản cho bước tiến của ông với tư cách một nhà khoa học hay một con người. Là một thanh niên làm việc không biết mệt mỏi nhưng lại thiếu quả quyết, ông đã tìm được sự giúp đỡ hết mình từ một người phụ nữ nhỏ bé mà ông gặp ở một bệnh viện, nơi cô chỉ làm một y tá tầm thường. Khi bắt đầu cuộc sống lang bạt khắp đất nước như một sinh viên y khoa không thành đạt, ông đã đến thăm cô tại một ngôi làng nhỏ mãi tận miền Viễn Tây và cô trở thành vợ ông. Ây là một tâm hồn giản dị và tận tụy, không bao giờ đòi hỏi điều gì mà chỉ nhẫn nại chờ đợi trong nỗi cô đơn khi người chồng bị nữ thần khoa học cuốn hút và lạc lối vào mê cung sự nghiệp.

Sau này, cô theo chồng và Sondelius đến một hòn đảo bị bệnh dịch, nơi Arrowsmith muốn thử nghiệm loại huyết thanh do ông tìm ra. Trong khi người chồng mải mê chạy theo một nữ thần khác trần tục hơn nữ thần khoa học thì cái chết của cô trong một túp lều hoang giống như hồi kết đầy chất thơ của một cuộc đời đàn bà chỉ biết đến hi sinh.

Tác phẩm tràn đầy những kiến thức đáng khâm phục, được các chuyên gia đánh giá là chính xác. Mặc dù là bậc thầy của những lời văn hết sức bay bổng, nhưng Lewis không bao giờ tỏ ra hời hợt khi nói về nền tảng nghệ thuật của ông. Ông nghiên cứu các chi tiết luôn luôn cẩn thận và tỉ mỉ giống hệt như cách nghiên cứu của một nhà khoa học, như Arrowsmith hay Gottlieb. Trong tác phẩm này, Lewis đã xây dựng một đài tưởng niệm cho nghề nghiệp của cha mình, nghề thầy thuốc, mà đại diện không phải là một tên lang băm hay một kẻ giả mạo nào đó.

Tiểu thuyết lớn của ông, Elmer Gantry (1927), giống như cuộc phẫu thuật lên một trong những bộ phận phức tạp nhất trên cơ thể xã hội. Chẳng nên tầm nã đạo đức Thanh giáo ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng ta có thể thấy ở một vài vùng đất cổ của Hoa Kỳ tàn dư của một giáo phái cho rằng tái hôn là một tội lỗi, một khi Chúa đã thích người ta phải ở góa, và rằng cho vay lấy lãi là độc ác. Nhưng mặt khác Hoa Kỳ không hề nghi ngờ rằng cần làm dịu niềm tin tôn giáo cứng nhắc của họ. Những nhà truyền giáo như Elmer Gantry phổ biến đến mức nào thì chúng ta không biết. Lối rao giảng hung hăng gà chọi (“Hello, ông Quỷ sứ”) hay cách quyên tiền rất hiệu quả của ông ta ở nhà thờ cũng không thể che dấu được sự thật đáng buồn: ông ta là kẻ lập dị đáng ghét. Lewis không muốn mà cũng không thể tạo cho nhân vật này những nét hấp dẫn. Nhưng xét về nghệ thuật miêu tả thì cuốn sách là một kì công về sức mạnh, tính chân thực và hùng tráng. Lối trào phúng u sầu và đầy hương vị đạt tới hiệu quả chết người. Không cần thiết phải chỉ ra rằng thói đạo đức giả đang lấn lướt hơn ở vài nơi và bất cứ ai muốn tấn công nó sẽ phải đối mặt với một con quái vật nhiều đầu hết sức nguy hiểm.

Tác phẩm gần đây nhất của Sinclair Lewis là Dodsworth (1929). Trong tác phẩm này, chúng ta được ghé mắt nhìn vào một gia đình thuộc loại quý tộc bậc nhất ở Zenith – giai cấp mà những người như Babbitt không bao giờ được chấp nhận. Ở  Hoa Kỳ, “quý tộc bậc nhất” thường có nghĩa là “giàu có nhất”, nhưng Sam Dodsworth thì vừa quý tộc lại vừa giàu. Thậm chí sau 300 năm ông vẫn cảm thấy dòng máu Anh chảy trong huyết quản của mình và muốn biết về mảnh đất của tổ tiên. Ông ta là một người Hoa Kỳ chứ không phải một phần tử sôvanh hiếu chiến. Đi cùng với ông là cô vợ Fran. Cô hơn 40 tuổi trong khi ông 50. Cô có một vẻ đẹp lạnh lùng, “trong trắng như gió mùa đông” mặc dù sinh nở nhiều lần. Trong bối cảnh Châu Âu, cô nở rộ như một đóa hoa rực rỡ sang trọng, bộc lộ mình trong thói phù phiếm, lạc thú và tính vị kỉ. Cô đã đi quá đà khiến người đàn ông lặng lẽ yêu cô đành phó thác cô cho định mệnh.

Khi còn lại một mình, ông ngẫm ngợi vấn đề “Châu Âu- Châu Mỹ” và vì là một nhà kinh doanh thực thụ, ông muốn thanh toán nợ nần với cả hai phía. Ông nghĩ nhiều chuyện, trung thực và không định kiến. Một trong những điều ông nhận xét là đất Châu Âu có một cái gì đó thật yên tĩnh của thuở xa xưa mà những người suốt đời săn đuổi kỉ lục của Hoa Kỳ coi rẻ. Còn Hoa Kỳ là đất của tuổi trẻ và những cuộc thử nghiệm táo bạo. Và khi ông trở về đó, chúng ta hiểu rằng trái tim của Sinclair Lewis cũng đi theo.

Vâng, Sinclair Lewis là một người Hoa Kỳ. Ông viết bằng thứ tiếng mới – tiếng Hoa Kỳ – giống như 120.000.000 đồng bào mình. Ông yêu cầu chúng ta đừng coi dân tộc này là hoàn thiện hay đồng nhất, mà nó vẫn đang trong những năm tháng của thời thanh niên hăng hái.

Nền văn học mới vĩ đại Hoa Kỳ bắt đầu bằng sự tự phê bình dân tộc. Đó là dấu hiệu lành mạnh. Sinclair Lewis có may mắn được khai phá mảnh đất của mình không chỉ bằng đôi tay vững chãi mà còn bằng nụ cười luôn nở trên môi và tuổi trẻ luôn ở trong tim. Ông có phong cách của một người mới lập nghiệp, đưa những mảnh đất mới vào canh tác. Ông chính là một người tiên phong.

 Thưa Ngài Lewis! Tôi đã nói về Ngài với cử tọa bằng một ngôn ngữ mà Ngài không hiểu. Tôi có thể lạm dụng cơ hội này để nói xấu Ngài, nhưng tôi không làm như vậy. Tôi nói về Ngài như một thủ lĩnh trẻ trung, sung sức của nền văn học Hoa Kỳ vĩ đại. Hơn thế nữa, Ngài là một nhân vật đặc biệt đối với trái tim Thụy Điển. Ngài đã được sinh ra giữa những đồng bào của chúng tôi ở Hoa Kỳ và Ngài đã thân ái nhắc đến họ trong những cuốn sách nổi tiếng của Ngài. Chúng tôi sung sướng được thấy Ngài ở đây ngày hôm nay và vui mừng được tặng Ngài vòng nguyệt quế của dân tộc chúng tôi. Bây giờ tôi xin kính mời Ngài lên nhận nó từ tay Đức vua.

Diễn từ(2): Nỗi sợ của người Mỹ đối với văn học – Lewis

Lewis và con trai.
Lewis và con trai. Ảnh: MNopedia

Nếu phải bày tỏ cảm giác vinh dự và phấn khởi khi được trao giải thưởng Nobel về Văn học, có thể tôi sẽ trở nên thái quá và lắm lời đến chán ngắt, nên tôi chỉ thể hiện sự biết ơn của mình bằng một câu nói rất đơn giản: “Cám ơn”.

Trong bài phát biểu này, tôi muốn xem xét một số trào lưu nhất định, một số mối nguy hiểm nhất định và một số triển vọng lớn và hấp dẫn trong nền văn học Mỹ hiện nay. Để bàn luận về vấn đề này một cách hết sức thẳng thắn – và không xúc phạm quý vị bởi sự hoàn toàn trung thực, tuy hơi thiếu khôn ngoan – thì điều cần thiết đối với tôi là phải hơi mất lịch sự một chút khi nhắc đến một số tổ chức nhất định và một số con người nhất định của đất nước vô cùng thân yêu của tôi.

Nhưng xin các quý vị hãy tin, rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào tôi cũng không tìm cách nói cho hả giận. May mắn đến với tôi hơi nhiều. Tôi không mấy biết về đấu tranh, về nghèo khổ, nhưng biết nhiều những việc làm cao thượng. Thỉnh thoảng, vì những cuốn sách của mình và vì bản thân mà tôi đã bị đả phá một cách khá nồng hậu – có một vị mục sư tốt ở California, sau khi đọc cuốn Elmer Gantry của tôi muốn lôi kéo mọi người đấu tố tôi, trong khi đó một người thánh thiện khác ở bang Maine lại băn khoăn liệu có cách nào đáng trọng và chính đáng để tống tôi vào tù. Và còn khó chịu hơn nhiều so với bất kì một kiểu lên án dữ dội nào, một số người quen cũ trong số các nhà báo, mà tiếng lóng Mỹ chúng tôi gọi là “Cái gã tôi quen ở câu lạc bộ”, đã viết lếu viết láo rằng họ có biết cá nhân tôi, vì thế chắc hẳn tôi phải là loại người tầm thường thấp kém, chắc chắn không phải là nhà văn chút nào. Nhưng nếu thỉnh thoảng tôi nhận được những củ đậu bay vui vẻ như vậy, thì tôi, người đã ném rất nhiều gạch rồi, sẽ là kẻ ngốc nghếch nếu không chờ nhận trả đũa một số lượng gạch kha khá.

Không, về bản thân, tôi không hề có điều gì để phàn nàn cả, nhưng về nền văn học của Mỹ nói chung, và chỗ đứng của nó trong một đất nước có hệ thống công nghiệp quy mô lớn, nền tài chính và khoa học phát triển mạnh và chỉ có hai ngành nghệ thuật được coi là quan trọng và đáng kính nể là kiến trúc và điện ảnh, thì tôi có một điều phàn nàn tương đối lớn.

Tôi có thể minh họa bằng một sự việc, tình cờ liên quan đến Viện Hàn lâm Thụy Điển và đến bản thân tôi, xảy ra mới cách đây vài hôm trước khi tôi đáp tàu thủy ở cảng New York để đi Thụy Điển. Ở  Mỹ có một quý ông cao tuổi rất hòa nhã và có học vấn cao, đã từng là mục sư, giáo sư đại học, và nhà ngoại giao. Ông là viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Mỹ và không ít trường đại học đã trao bằng danh dự cho ông. Là một nhà văn, ông được mọi người biết đến chủ yếu với  những bài tản văn nhỏ nhưng rất thú vị về thú vui câu cá. Tôi nghĩ các ngư dân chuyên nghiệp, những người có cuộc sống phụ thuộc vào việc đánh bắt cá tuyết và cá trích, không cảm thấy đó là một nghề thú vị cho lắm, nhưng qua những mẩu truyện ngắn này tôi biết được, khi đang còn là một cậu bé, rằng có một cái gì đó rất quan trọng và linh thiêng trong chuyện đi câu cá, khi chúng ta đi câu mà không cần phải câu được cá. Vị học giả này đã nói và nói một cách công khai rằng khi trao giải thưởng Nobel cho một người đã chế nhạo nhiều định chế Mỹ như tôi, ủy ban Giải thưởng Nobel và Viện Hàn lâm Thụy Điển đã xúc phạm nước Mỹ. Tôi không biết có phải, với tư cách là một nhà cựu ngoại giao, ông ta dự định biến nó thành một sự kiện quốc tế hay không, và không chừng đã yêu cầu Chính phủ Mỹ đưa lính thủy đánh bộ vào Stockholm để bảo vệ quyền lợi của văn học Mỹ, nhưng tôi hi vọng không phải là như vậy.

Lẽ ra tôi phải cho rằng đối với một người có trình độ học vấn cao như đã được cấp bằng Tiến sĩ Thần học, Tiến sĩ Văn chương, và tôi không biết còn có bao nhiêu bằng cấp danh tiếng khác nữa, thì vấn đề lẽ ra sẽ khác; lẽ ra tôi phải cho rằng ông ta đã có lí khi nói: “Mặc dù cá nhân tôi không thích những cuốn sách của ông này, thế nhưng Viện Hàn lâm Thụy Điển đã chọn ông ta để tôn vinh nước Mỹ vì nghĩ rằng người Mỹ không còn là một thị tộc ở chốn xa xôi hẻo lánh lạc hậu về văn hóa nữa, không còn kém cỏi tự ti đến mức sợ bị phê bình, mà là một dân tộc đã trưởng thành và có khả năng suy xét một cách bình tĩnh và chín chắn bất kì sự mổ xẻ nào về đất nước của họ, cho dù là có tính chế nhạo đến mức nào”.

Thậm chí lẽ ra tôi còn phải cho rằng một học giả quá nổi tiếng thế giới như thế sẽ tin rằng bán đảo Scandinavia, quá quen thuộc với những tác phẩm của Strindberg, Ibsen, và H. Pontoppidan, sẽ không đặc biệt bị sốc bởi một nhà văn mà điều khẳng định vô chính phủ nhất của ông là: nước Mỹ, với tất cả sự giàu có và thế lực của mình, vẫn chưa xây dựng được một nền văn minh đủ tốt để thỏa mãn những mong muốn sâu sắc nhất của con người.

Tôi tin rằng Strindberg hiếm khi hát bài “Lá cờ điểm sao”(3) hay lui tới nhóm câu lạc bộ Rotary(4), thế nhưng Thụy Điển dường như đã sống lâu hơn ông.

Tôi đã bàn luận dài như vậy đến những lời phê bình của người câu cá học rộng tài cao này không phải bởi vì bản thân nó có bất kì một tầm quan trọng có thể hiểu được nào mà là bởi vì nó đã minh họa cho một thực tế rằng ở Mỹ, hầu hết chúng tôi – không chỉ độc giả mà thậm chí cả những nhà văn – đều vẫn sợ bất kì một tác phẩm văn học nào không ca ngợi mọi thứ của Mỹ, cả những lỗi lầm của chúng tôi cũng như những phẩm chất của chúng tôi. Để có một cuốn sách không chỉ là bán chạy ở Mỹ mà còn được nhiều người thật sự hâm mộ nhất, người viết tiểu thuyết phải khiến mọi người thừa nhận rằng tất cả đàn ông Mỹ đều cao, đẹp trai, giàu có, trung thực và rất giỏi chơi golf; rằng tất cả các thị trấn ở đất nước này đều đầy rẫy những người hàng xóm suốt ngày này qua ngày khác không làm gì ngoài việc cố gắng đối xử tử tế với nhau; rằng mặc dù các cô gái người Mỹ có thể phóng túng nhưng bao giờ họ cũng trở thành những người vợ và người mẹ hoàn hảo; và rằng về mặt địa lí, nước Mỹ chỉ bao gồm New York, nơi cư ngụ của toàn các nhà triệu phú; miền Tây, vùng vẫn duy trì được toàn bộ chủ nghĩa anh hùng đầy nhiệt huyết của năm 1870; và miền Nam nơi mà mọi người sống trong một đồn điền tràn ngập ánh trăng và ngào ngạt hương thơm của cây mộc lan.

Thực tế ngày hôm nay chẳng khác gì hơn so với cách đây 20 năm và những tiểu thuyết gia của chúng tôi được quý vị đọc ở Thụy Điển, những nhà tiểu thuyết như Dreiser và Willa Cather, cũng không thực sự được nhiều người hâm mộ và có ảnh hưởng lớn ở Mỹ. Như vị viện sĩ hàn lâm đáng tôn kính đã từng làm nghề đánh bắt cá mà tôi nhắc ở trên đã tiết lộ cho thấy, chúng tôi gần như vẫn tôn sùng nhất các nhà văn viết cho những tạp chí được nhiều người hâm mộ, những người mà trong một dàn đồng ca đầy nhiệt huyết và khai trí đã ca vang rằng nước Mỹ của 120 triệu dân vẫn còn giản dị và thôn dã như khi nó mới có 40 triệu người; rằng trong một nhà máy công nghiệp với 1 vạn nhân công, mối quan hệ giữa công nhân và giám đốc vẫn thân thiện gần gũi và không phức tạp như trong một xưởng thợ chỉ có 5 nhân công của năm 1840; rằng mối quan hệ giữa cha với con và giữa chồng với vợ trong một căn hộ hiện đại của tòa nhà 30 tầng cùng ba chiếc ôtô đỗ phía dưới, năm cuốn sách trên giá sách và một cuộc li hôn sắp đến trong tuần tới hoàn toàn vẫn y hệt như trong một ngôi nhà nông thôn năm phòng che rèm hồng của năm 1880; rằng nói một cách ngắn gọn, nước Mỹ đã trải qua sự thay đổi cách mạng từ một thuộc địa mộc mạc thành đế chế thế giới mà không hề thay đổi một tí nào tính giản dị điền viên và Thanh giáo của Chú Sam(5).

Thực ra tôi vô cùng biết ơn ông viện sĩ hàn lâm một thời đánh cá vì ông đã phần nào lên án tôi. Bởi vì ông là một viện sĩ hàng đầu của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn học của Mỹ, ông đã giải thoát cho tôi, đã cho tôi quyền được nói một cách thẳng thắn về Viện Hàn lâm này như ông đã nói về tôi. Và trong bất kì một nghiên cứu trung thực nào về chủ nghĩa duy lí trí của Mỹ ngày nay, tổ chức ham hiểu biết ấy phải được xem xét đến.

Thế nhưng trước khi tôi xem xét đến Viện Hàn lâm đó, xin được phép nói qua về một tưởng tượng đã khiến tôi hài lòng vào mấy ngày vừa qua trong sự nhàn rỗi không thể tránh khỏi của một chuyến hành trình không mấy thú vị trên Đại Tây Dương. Tôi chắc chắn rằng giờ đây quý vị đã biết rằng giải thưởng Nobel mà tôi nhận hoàn toàn không được nhiều người ưa chuộng và ngưỡng mộ ở Mỹ. Chắc chắn rằng kinh nghiệm này không còn mới đối với quý vị. Tôi cho rằng khi quý vị trao giải thưởng thậm chí cho Thomas Mann, mà cuốn Ngọn núi phù thủy của ông đối với tôi dường như chứa đựng toàn bộ Châu Âu trí thức; thậm chí khi quý vị trao giải thưởng đó cho Kipling, người có tầm quan trọng về mặt xã hội sâu sắc đến nỗi lâu nay người ta vẫn thường nói một cách quả quyết rằng ông ta đã tạo ra Đế chế Anh; thậm chí khi bạn trao giải thưởng đó cho Bernard Shaw, thì vẫn có nhiều người đồng hương với các tác giả đó sẽ phàn nàn bởi vì các vị đã không chọn người khác.

Và tôi cũng hình dung ra được mọi người sẽ nói gì nếu quý vị chọn một người Mỹ nào đó chứ không phải là tôi để trao giải thưởng Nobel. Giả sử quý vị chọn Theodore Dreiser chẳng hạn.

Hiện nay đối với tôi, cũng như đối với nhiều nhà văn khác của Mỹ; Dreiser hơn bất kì một người nào khác, một mình một hướng, thường hay bị đánh giá thấp, hay bị ghen ghét, đã phát quang con đường mòn đi từ sự nhút nhát và hào hoa phong nhã của thời Victoria và Howells trong tiểu thuyết Mỹ đến sự trung thực, táo bạo và đam mê cuộc sống. Không có sự tiên phong của ông, tôi hồ nghi không biết có ai trong số chúng ta, trừ phi chúng ta muốn bị tống giam, dám tìm cách thể hiện cuộc sống, vẻ đẹp và nỗi kinh hãi.

Người đồng nghiệp rất thân của tôi là ông Sherwood Anderson đã ca ngợi sự tiên phong này của Dreiser. Tôi rất vui sướng được đồng tình cùng với Anderson. Tiểu thuyết lớn đầu tiên của Dreiser – Chị Carrie (Sister Carrie) mà ông dám xuất bản cách đây 30 năm và tôi đọc cách đây 25 năm – như một cơn gió lớn tự do từ miền Tây đã đến với một nước Mỹ quanh quẩn trong nhà và tĩnh lặng, và đối với cuộc sống gia đình ngột ngạt của chúng tôi thì nó đã mang lại cho chúng tôi luồng không khí trong lành đầu tiên kể từ thời Mark Twain và Whitman.

Thế nhưng nếu quý vị trao giải thưởng Nobel đó cho Dreiser, thì quý vị sẽ nghe được những tiếng xì xào phản đối của người Mỹ; bạn sẽ nghe thấy rằng văn phong của ông ta – và tôi cũng không dám chắc 100% cái từ “văn phong” đầy huyền bí này nghĩa là gì, nhưng tôi thấy từ đó được dùng quá nhiều trong tác phẩm của các nhà phê bình ít tên tuổi đến nỗi tôi cho rằng nó chắc chắn phải có một nghĩa gì đó – bạn sẽ nghe thấy rằng văn phong của ông ta rất rườm rà, rằng việc chọn từ của ông ta không tinh tế, rằng sách của ông ta tràng giang đại hải. Và chắc chắn những học giả đáng kính sẽ phàn nàn rằng trong thế giới của Dreiser, đàn ông và đàn bà thường là những con người tội lỗi, bi thảm và tuyệt vọng, chứ không phải là luôn luôn rạng rỡ, yêu ca hát và đức hạnh như người Mỹ chính hiệu.

Và nếu như quý vị chọn Eugene O’Neill, người không làm được gì lớn trong kịch nghệ của Mỹ ngoại trừ việc đã chuyển nó hoàn toàn từ một thế giới giả dối của những trò bịp bợm tài giỏi và khéo léo sang một thế giới lộng lẫy tráng lệ, sợ hãi và tuyệt vời trong vòng mười hoặc mười hai năm, quý vị sẽ được nhắc cho nhớ rằng ông ta đã làm một việc còn tồi tệ hơn chế nhạo rất nhiều – ông đã nhìn cuộc sống không được bố trí một cách ngăn nắp như trong nghiên cứu của một học giả mà như một cái gì đó rất kinh khủng, hùng tráng và thường xuyên đáng sợ giống như lốc xoáy, động đất, hỏa hoạn tàn phá lớn.

Và nếu như quý vị trao giải thưởng Nobel cho James Branch Cabell, quý vị sẽ được nói cho biết rằng ông ta nham hiểm quá mức. Vì vậy liệu người ta có nói cho quý vị biết, rằng cô Willa Cather, bất chấp tất cả những đức hạnh mộc mạc của các cuốn tiểu thuyết của cô viết về nông dân ở bang Nebraska, trong cuốn Người đàn bà bị bỏ rơi (The Lost Lady), đã không trung thành với tính đoan chính mang bản quyền thương hiệu có thể là nhạt nhẽo và rõ ràng của Mỹ khi cô xây dựng hình ảnh của một phụ nữ bị bỏ rơi, nhưng vẫn giữ được vẻ duyên dáng kì lạ thậm chí cả với những người tiết hạnh, câu chuyện không hề mang bài học luân lí nào; rằng Henry Mencken là người tồi nhất trong tất cả những người hay chế nhạo; rằng Sherwood Anderson đã phạm phải sai lầm ngớ ngẩn khi coi tính dục là một sức mạnh quan trọng trong cuộc sống, giống như việc đi câu cá; rằng Upton Sinclair, một đảng viên Đảng Xã hội, gây ra tội lỗi chống lại tính hoàn thiện của sản xuất hàng loạt theo phương thức tư bản chủ nghĩa của Mỹ; rằng Joseph Hergesheimer không phải là chất Mỹ trong việc coi tính thanh lịch của cách cư xử và vẻ đẹp bề ngoài có tầm quan trọng nhất định trong sức chịu đựng cuộc sống hàng ngày; và rằng Ernest Hemingway không chỉ còn quá trẻ, nhưng điều tệ hơn nhiều, là ông sử dụng thứ ngôn ngữ mà lẽ ra những người đàn ông lịch thiệp không nên biết; rằng ông ta thừa nhận say rượu là một trong những cách của người đàn ông tìm đến với niềm vui sướng muôn thuở, và khẳng định rằng một binh sĩ có thể cảm thấy tình yêu có ý nghĩa hơn là việc hăng hái tàn sát trên chiến trường.

Phải rồi, họ là những kẻ nguy hại, các đồng nghiệp này của tôi; quý vị sẽ làm một việc gần như là ác ý, nếu quý vị chọn họ, cũng như là chọn tôi vậy; và với tư cách một người Mỹ theo chủ nghĩa sô vanh, chỉ xin được nhắc quý vị rằng, là người Mỹ của năm 1930 chứ không phải của năm 1880 – tôi rất vui vì họ là những người đồng hương của tôi và tôi có thể kiêu hãnh nói về họ ngay cả ở Châu Âu của Thomas Mann, H.G.Wells, Galsworthy, Knut Hamsun, Arnold Bennett, Feuchtwanger, Selma Lagerlửf, Sigrid Undset, Verner von Heidenstam, D’Annunzio, Romain Rolland.

Số phận của tôi trong bài phát biểu này là phải liên tục dao động từ lạc quan đến bi quan và lại quay lại, và đó cũng là định mệnh của bất kì ai viết hoặc nói về bất kì điều gì ở Mỹ – một mảnh đất nhiều mâu thuẫn nhất, làm thất vọng nhất, khuấy động nhất trên thế giới ngày nay.

Vì thế, sau khi đã điểm danh một cách tự hào những người mà dường như đối với tôi là những nam, nữ văn sĩ vĩ đại trong đời sống văn học Mỹ hiện nay, và dĩ nhiên là sau khi bỏ qua hơn một chục tên khác mà tôi muốn khoe khoang tiếp nếu có thời gian, tôi phải quay lại và khẳng định rằng trong nền văn học Mỹ đương đại, mặc dù là trong tất cả các ngành nghệ thuật của Mỹ, ngoại trừ kiến trúc và điện ảnh, chúng tôi, vâng, chúng tôi – những người có những chuẩn mực mạnh mẽ và sáng tạo như vậy trong thương mại và khoa học – lại không hề có chuẩn mực nào, không hề có truyền thống chữa lành vết thương, không có anh hùng nào để chúng ta noi gương, mà cũng chẳng có kẻ hung ác nào để chúng ta lên án, chẳng có con đường nào chắc chắn để chúng ta đi theo, cũng như không có con đường nào nguy hiểm chúng ta cần phải tránh.

Các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà điêu khắc hoặc họa sĩ Mỹ phải làm việc đơn độc, bối rối, không được ai trợ giúp ngoài tính chính trực riêng của mình.

Điều đó tất nhiên xưa nay vẫn là thân phận của người nghệ sĩ. Tên du đãng và tội phạm Franỗois Villon chắc chắn là không có một nơi ẩn náu bảnh chọe và thoải mái mà ở đó các quý bà tao nhã sẽ cầm tay hắn và an ủi tâm hồn đói khát của hắn và thể xác còn đói khát hơn của hắn. Hắn thực sự là một người vĩ đại, mà ông trời đã cho được sống lâu trong lịch sử hơn tất cả các công tước và giáo chủ đầy quyền lực mà hắn bị coi là không xứng đáng được chạm vào những chiếc áo choàng đỏ thắm của họ, trong khi số phận của hắn là cuộc sống nghèo hèn và sự trơ tráo lì lợm.

Sự nghèo khổ như vậy không phải là điều dành cho người nghệ sĩ ở Mỹ. Người ta trả cho chúng tôi quá nhiều; thành thử một nhà văn bị coi là kẻ thất bại nếu anh ta không có một người quản gia cũng như môtô hay vila ở bãi biển Palm Beach(6) nơi mà anh ta được phép trà trộn gần như ngang hàng với các ông vua trong ngành ngân hàng. Nhưng anh ta liên tục bị đàn áp bởi một điều còn tồi tệ hơn cả sự nghèo khổ – bởi cảm giác rằng những gì mà anh ta sáng tạo ra là không quan trọng, rằng độc giả chỉ trông chờ ở anh ta một nghệ sĩ trang trí hoặc một anh hề, hoặc là được vui vẻ chấp nhận như một kẻ hay phỉ báng chỉ sủa chứ không cắn, là một anh chàng tốt xét từ đáy lòng, trong bất kì trường hợp nào cũng đều không cho mình là gì ghê gớm ở một nước xây nên những tòa nhà 80 tầng, sản xuất ra hàng triệu chiếc ôtô và hàng tỉ giạ lúa mì. Và anh ta không hề có tổ chức nào, không thuộc nhóm nào để có thể dựa vào mà có nguồn cảm hứng, anh ta sẵn sàng chấp nhận những lời phê bình từ đó và đối với anh ta, những lời khen của họ là rất quý giá.

Chúng tôi có những tổ chức nào?

Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Mỹ, cùng với một vài họa sĩ, kiến trúc sư và chính khách xuất sắc, chắc chắn có một vị Hiệu trưởng trường Đại học thật sự ưu tú như Nicholas Murray Butler, có một học giả đáng kính trọng và dũng cảm như Wilbur Cross, và một vài nhà văn hạng nhất: các nhà thơ Edward Arlington, Robinson and Robert Frost, nhà báo chính luận có tư tưởng tự do James Truslow Adams, và các tiểu thuyết gia Edith Wharton, Hamlin Garland, Owen Wister, Brand Whitlock, và Booth Tarkington.

Nhưng Viện Hàn lâm này lại không có Theodore Dreiser; Henry Mencken, nhà phê bình tích cực nhất của chúng tôi; George Jean Nathan, là người mặc dù vẫn còn trẻ nhưng chắc chắn là người đứng đầu hội phê bình sân khấu của chúng tôi; Eugene O’ Neill, nhà soạn kịch tài ba nhất của chúng tôi, các nhà thơ thật sự độc đáo và sinh động, Edna St. Vincent Millay và Carl Sandburg, Robinson Jeffers, Vachel Lindsay và Edgar Lee Masters, người có cuốn hợp tuyển Spoon River Anthology khác hoàn toàn với bất kì một tác phẩm thơ ca nào đã từng được xuất bản, nó rất tươi mát, rất uy tín và không hề mò mẫm hay nhút nhát đến nỗi nó xuất hiện như một sự khải huyền và tạo ra một trường phái mới của thơ ca Mỹ chính gốc. Viện Hàn lâm này không có viện sĩ là tiểu thuyết gia và các nhà văn viết truyện ngắn Willa Cather, Joseph Hergesheimer, Sherwood Anderson, Ring Lardner, Ernest Hemingway, Louis Bromfield, Wilbur Daniel Steele, Fannie Hurst, Mary Austin, James Branch Cabell, Edna Ferber, và cũng không có cả Upton Sinclair, người mà quý vị phải nói rằng, cho dù quý vị ngưỡng mộ hay căm ghét thứ chủ nghĩa xã hội lấn át của anh ta, anh ta vẫn được thế giới biết đến nhiều hơn so với bất kì một nghệ sĩ nào khác của Mỹ, dù người đó là tiểu thuyết gia, nhà thơ, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ hay là kiến trúc sư.

Tôi cũng không hi vọng bất kì một Viện Hàn lâm nào sẽ may mắn có được tất cả những nhà văn này, nhưng nếu một Viện Hàn lâm không có ai trong số họ cả, có nghĩa là đã tự mình cắt bỏ quá nhiều những gì đang tồn tại, rất mạnh mẽ và độc đáo trong văn học của Mỹ, sẽ không thể có bất kì mối quan hệ nào với cuộc sống và những khát vọng của chúng tôi. Viện Hàn lâm như vậy không đại diện cho nước Mỹ văn chương ngày hôm nay – mà nó chỉ đại diện cho Henry Wadsworth Longfellow thôi.

Người ta có thể đáp lại rằng, Viện Hàn lâm chỉ được phép có 50 viện sĩ; vì thế rõ ràng nó không thể thu nạp tất cả nhân tài. Nhưng thực tế là trong khi hầu hết những người khổng lồ trong số rất ít những người khổng lồ của chúng tôi không phải là viện sĩ của Viện Hàn lâm, trong đó vẫn có chỗ cho ba nhà thơ cực kì xoàng xĩnh, hai nhà viết kịch tầm thường và rất cường điệu kiểu kịch Mêlô, hai viện sĩ chỉ được mọi người biết đến vì họ là hiệu trưởng trường đại học, một người thì cách đây ba mươi năm được biết đến là một nhà phác họa hài hước và khá thông minh, và một vài viện sĩ khác mà tôi chưa bao giờ nghe nói đến – tôi rất buồn khi phải thú nhận sự ít hiểu biết của mình.

Cho phép tôi nhấn mạnh thêm sự thật một lần nữa – vì đó là một thực tế – rằng tôi không phải đang công kích Viện Hàn lâm Mỹ. Nó là một tổ chức có phẩm chất rõ ràng, rộng lượng và hiếu khách. Việc không có nhiều nhân vật tầm cỡ của nền văn học của chúng tôi không phải hoàn toàn là lỗi của Viện Hàn lâm. Đôi khi lại là lỗi của chính các nhà văn đó. Tôi không thể hình dung được rằng con gấu xám Theodore Dreiser cảm thấy thoải mái tại những buổi họp mặt chính thức bình lặng theo kiểu của người Athens của Viện Hàn lâm, nhưng nếu họ mời cả Mencken, thì ông sẽ làm cho họ rất tức giận bởi những lời chế giễu vui vẻ của ông. Không, tôi không phải đang công kích – tôi miễn cưỡng phải nhắc đến Viện Hàn lâm bởi vì nó là một ví dụ hoàn hảo về sự tách biệt giữa đời sống tri thức với tất cả những chuẩn mực xác thực có tầm quan trọng và có tính thực tiễn ở Mỹ.

Các trường đại học và cao đẳng, hoặc hệ thống trường trung học của chúng tôi, đa phần trong số chúng, đều thể hiện tình trạng cách biệt đáng tiếc như vậy. Tôi có thể nói về bốn trường trong số đó, là trường Đại học Rollins ở Florida, trường Đại học Middlebury ở Vermont, trường Đại học tổng hợp Michigan, và trường Đại học Tổng hợp Chicago – nơi có một sinh viên đã trở thành nhà văn viết tiểu thuyết rất xuất sắc là Robert Herrick, và có một nhà phê bình rất dũng cảm là Robert Morss Lovett – đều là những trường đại học thực sự quan tâm đến nền văn học sáng tạo đương thời. Bốn trường trong toàn bộ hệ thống. Mà các trường đại học và cao đẳng, nhạc viện, trường dạy thần học, dạy nghề thợ hàn chì và vẽ biển quảng cáo ở Mỹ thì nhiều như lưu lượng xe ôtô. Hễ khi nào bạn nhìn thấy một tòa nhà công cộng với hệ thống cửa theo kiểu kiến trúc Gôtích trên nền bê tông bang Indiana, bạn có thể chắc chắn rằng đó là một trường đại học nữa với số học sinh trong khoảng từ 200 đến 20.000, và tất cả đều cố làm sao để khỏi chịu thiệt thòi là trở thành người có học, mà tích cực giành lấy cái ưu thế xã hội nằm ở những tấm bằng cử nhân đại học.

Về mặt xã hội, các trường đại học của chúng tôi gần gũi với số đông dân chúng, và rất gần gũi với quần chúng trong lĩnh vực thể thao. Một trận đá bóng lớn của các trường đại học được 80.000 người đến xem một cách say mê, họ đã phải trả 5 đôla một vé và đi ô tô khoảng từ 10 cho đến 1000 dặm chỉ vì háo hức được xem 22 gã đàn ông đuổi nhau chạy tới chạy lui trên một cái sân cỏ. Trong suốt mùa bóng đá, một cầu thủ tài năng được xếp hạng rất gần với những anh hùng nổi tiếng nhất và đáng kính phục nhất của chúng tôi – thậm chí với cả Henry Ford, Tổng thống Hoover, và Đại tá Lindbergh.

Và trong lĩnh vực học tập – trong khoa học, các ông chủ kinh doanh, những kẻ thống soái ở nước chúng tôi, sẵn sàng tỏ lòng tôn kính đối với những người ham học. Cho dù một trong những doanh nhân quý tộc của chúng tôi có thể cau mày một cách thất vọng đến thế nào đi chăng nữa về thơ ca hoặc về những cách nhìn của một họa sĩ, thì ông ta vẫn rất hài lòng chấp nhận một Millikan, một Michelson, một Banting, một Theobald Smith.

Nhưng nghịch lí là ở chỗ các trường đại học của chúng tôi gần gũi với chúng tôi về mặt xã hội, thể thao và khoa học bao nhiêu thì trong lĩnh vực nghệ thuật lại tách biệt, xa vời với thực tiễn và hoạt động sáng tạo đang tồn tại bấy nhiêu. Đối với một giáo sư văn học hoàn toàn đáng tin cậy và trung thành ở một trường đại học của Mỹ, văn học không phải là thứ mà một con người bình dị, hiện đang sống có thể kiên nhẫn ngồi sản xuất ra được. Không; nó là một cái gì đó đã chết; nó là một cái gì đó được sản xuất ra một cách kì diệu bởi những siêu nhân, những người, nếu được coi là những nghệ sĩ đích thực, chắc chắn đã phải chết ít nhất là 100 năm trước khi có phát minh quỷ quái ra máy chữ.

Đối với các vị giảng viên đại học, dường như ý nghĩ văn học có thể được sáng tạo ra bởi một con người bình thường bất kì vẫn đang dạo bước trên đường phố, ăn vận bình thường, chẳng khác gì một anh tài xế hay một bác nông dân có cái gì đó hơi xa lạ. Các vị giáo sư người Mỹ của chúng tôi thích nền văn học của họ rõ ràng, lạnh lùng, tinh khiết và rất khô cứng.

Tôi cho rằng về vấn đề này, không phải chỉ có các trường đại học của Mỹ mới như vậy. Tôi biết, đối với các giảng viên trường Đại học Oxford và Cambridge, có lẽ hơi thiếu lịch sự khi gợi ý rằng Wells và Bennett, Galsworthy và George Moore hoàn toàn có thể sánh với những người đã chết tài giỏi như Samuel Johnson chẳng hạn, mặc dù họ đều mắc nhược điểm là vẫn đang sống. Tôi cho rằng ở các trường đại học của Thụy Điển, Pháp và Đức vẫn còn rất nhiều những giáo sư thích phân tích tỉ mỉ hơn là hiểu. Nhưng ở một nước Mỹ non trẻ, năng động và ưa thực nghiệm, người ta có thể mong đợi các giảng viên văn học ít giống các vị thầy tu hơn, con người hơn dưới những bóng tối truyền thống của Châu Âu già nua.

Thế mà họ lại không phải như vậy.

Gần đây ở Mỹ đã xuất hiện một thứ gây huyên náo đáng kinh ngạc mang tên “Chủ nghĩa Nhân văn mới” ở bên ngoài các trường đại học. Hiện nay, tất nhiên “chủ nghĩa nhân văn” hàm ý nhiều nghĩa đến nỗi nó chẳng có nghĩa gì cả. Có thể luận ra bất kì điều gì từ một niềm tin rằng tiếng Hi Lạp và tiếng Latinh gây cảm hứng nhiều hơn thứ thổ ngữ nông dân hiện thời, và từ niềm tin cho rằng một nông dân đang sống bất kì nào đều thú vị hơn một người Hi Lạp đã qua đời. Nhưng đó là chút công bằng không đáng kể để những ngôn từ không rõ ràng này có thể được chọn làm nhãn mác dán lên sự sùng bái mơ hồ này.

Trong chừng mực mà tôi đã có thể hiểu đầy đủ về chúng – vì dĩ nhiên trong một thế giới quá sôi động và đầy hứa hẹn như thế giới ngày nay, một cuộc sống rực rỡ với các khí cụ bay Zeppelins, các cuộc cách mạng của Trung Quốc, công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp và tàu biển của những người Bolsevich, với Grand Canyon(7) ở Arizona, trẻ em và nạn đói khủng khiếp và cuộc kiếm tìm Chúa của các nhà khoa học, không một nhà văn sáng tạo nào có thời gian để làm theo tất cả những quan tâm lạnh lùng của Chủ nghĩa Nhân văn mới – “giáo phái” mới nhất này khẳng định lại tính hai mặt của bản chất con người. Nó giới hạn văn học trong cuộc đấu tranh giữa linh hồn của con người với Chúa, hay linh hồn của con người với cái ác.

Nhưng thật lạ là, cả Chúa lẫn ác quỷ đều không được mặc trang phục hiện đại mà vẫn phải giữ bộ lễ phục của người Hi Lạp. Oedipus(8) là một nhân vật bi thảm đối với Chủ nghĩa Nhân văn mới; con người cố gắng giữ mình là hình ảnh của Chúa trước sự đe dọa của các động cơ phát điện, trong thế giới của nghệ thuật bán hàng hối hả, không là con người nữa. Và tiện nghi nghèo nàn mà họ đề nghị là cái đích của cuộc sống để phát triển tính kỉ luật tự giác – cho dù con người ta có làm được trò trống gì với tính kỉ luật tự giác này hay chưa. Vì vậy toàn bộ sự vận động sẽ dẫn đến học thuyết không mới lạ gì rằng cả nghệ thuật lẫn cuộc sống đều phải bị từ bỏ và âm tính. Nó là một học thuyết về phản ứng đen tối nhất được đưa vào một thế giới cách mạng khuấy động.

Thật kì lạ, cái học thuyết của sự chết này, sự thoát li khỏi đời sống rắc rối và nguy hiểm để lui vào vùng trắng an toàn của tu viện, đã trở nên rất phổ biến trong giới giáo sư ở một đất nước mà người ta chỉ chờ mong sự dũng cảm và sự phiêu lưu tinh thần, và hơn bao giờ nó ngăn cách các nhà văn sáng tạo với những ảnh hưởng tốt lành bất kì có thể tưởng tượng được từ phía các trường đại học đối với họ.

Nhưng điều đó vẫn luôn xảy ra. Nước Mỹ chưa bao giờ có một Brandes, một Taine, một Goethe, một Croce.

Với sự dồi dào tài năng sáng tạo ở Mỹ, ngành phê bình của chúng tôi vẫn chỉ là một hoạt động buồn tẻ, không quan trọng, và chỉ có những bà cô hay ghen tuông, những cựu phóng viên bóng chày, và các giáo sư hay châm chọc mới theo đuổi nghề này. Các Erasmus của chúng tôi đã là những cô giáo ở các trường làng. Làm sao có thể có chuẩn mực khi không hề có ai có năng lực để đề ra chúng?

Nhóm giáo viên nổi tiếng của Cambridge-Concord(9) giữa thế kỷ XIX – Emerson, Longfellow, Lowell, Holmes, gia đình nhà Alcotts – đều là những ánh phản chiếu ủy mị của Châu Âu, và họ không để lại một trường phái nào, một ảnh hưởng nào. Whitman, Thoreau và Poe, và ở một chừng mực nào đó, cả Hawthorne là những người bị ruồng bỏ, là những người cô đơn, bị những người theo Chủ nghĩa Nhân văn mới cùng thế hệ với họ khinh miệt và quở trách. Với sự xuất hiện của William Dean Howells, lần đầu tiên chúng tôi bắt đầu có một cái gì đó giống như một chuẩn mực, dù chuẩn mực đó còn rất tồi.

Ngài Howells là một trong những người nho nhã nhất, ngọt ngào nhất, và trung thực nhất, nhưng ông lại có những quy tắc ứng xử của một người hầu gái già sùng đạo mà sở thích lớn nhất là uống trà tại nhà của cha xứ. Ông ta không chỉ ghê tởm thói báng bổ và tục tĩu, mà ghê tởm tất cả những thứ H. G. Wells gọi là “sự thô lỗ vui nhộn của cuộc sống”. Trong cái nhìn kì cục về cuộc sống, ông ta hiểu một cách ngây ngô rằng là trên thực tế, nông dân, thủy thủ và công nhân trong nhà máy đều có thể tồn tại, nhưng nông dân không bao giờ chân lấm tay bùn, thủy thủ thì không bao giờ lăn lóc trong những ngôi nhà ổ chuột bẩn thỉu, công nhân nhà máy phải biết ơn ông chủ tốt bụng của mình, tất cả họ đều mong đợi có dịp đến thăm Florence và mỉm cười dịu dàng trước những kẻ ăn mày ngồ ngộ.

Howells cảm nhận thói trưởng giả này, triết lí của chủ nghĩa nhân văn mới này sâu sắc đến độ ông ta có thể gây ảnh hưởng rộng lớn đến những người cùng thời với ông, đến tận cả năm 1914 và thời hỗn độn của cuộc Đại Chiến.

Trên thực tế ông ta có khả năng thuần hóa cả Mark Twain, một nhà văn có lẽ là lớn nhất của chúng tôi, có đủ khả năng để nhét lão già hoang dã bốc lửa ấy vào trong áo mũ trang phục trí thức. Ảnh  hưởng của ông ta hiện nay chưa hẳn đã hết. Ông ta vẫn được tôn sùng bởi Hamlin Garland, một tác giả lẽ ra là lớn hơn Howells về mọi mặt, nhưng dưới ảnh hưởng của Howells đã bị biến từ một nhà văn hiện thực nghiệt ngã và nổi tiếng trở thành một giảng viên vui tính và không mấy quan trọng. Đến bây giờ, chúng tôi chỉ có một bậc trưởng lão trong giới nhà văn Mỹ hiện thời là Garland, và vì là bậc trưởng lão, ông rất lo về tất cả những nhà văn trẻ tuổi hơn, những kẻ thiếu tinh tế đến nỗi gợi ý rằng nam nữ không phải lúc nào cũng yêu nhau đúng như sách kinh và những người bình thường đôi khi sử dụng thứ ngôn ngữ không phù hợp ở một câu lạc bộ văn học phụ nữ trên phố Main. Thế nhưng cũng chính ông Hamlin Garland này, khi còn là một thanh niên, trước khi đến Boston và trở thành một người có văn hóa, và bị Howells hóa, đã viết hai tác phẩm đột phá và dũng cảm nhất về chủ nghĩa hiện thực là Những trục đường giao thông chính (Main-Traveled Roads) và Bông hồng của Dutcher’s Coolie (Rose of Dutcher’s Coolie).

Tôi đã đọc hai tác phẩm này khi còn là cậu bé ở một làng miền thảo nguyên bang Minnesota, giữa môi trường giống như được miêu tả trong các câu chuyện cổ tích của Garland. Tôi thật sự rất bị cuốn hút bởi hai cuốn sách đó. Khi đọc các tác phẩm của Balzac và Dickens, tôi đã nhận ra rằng có thể miêu tả những người dân thường ở nước Anh và nước Pháp như thực tế mình nhìn thấy họ. Nhưng trước đó, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể viết về người dân ở Trung tâm Sauk, bang Minnesota, như những gì chúng tôi cảm nhận về họ mà không tỏ ra khiếm nhã. Truyền thống tiểu thuyết của chúng tôi, như quý vị biết, là thể hiện tất cả dân các làng bản miền Trung Tây như những con người cao quý và hạnh phúc; rằng không một ai trong số chúng tôi sẽ đổi cuộc sống hạnh phúc đầy tình làng nghĩa xóm ở phố Main lấy cái lòe loẹt kém văn minh ở New York, Paris hay Stockholm. Nhưng trong cuốn Main-Traveled Roads của Garland, tôi phát hiện ra rằng có một con người tin rằng nông dân vùng Trung Tây đôi khi hoang mang, đói rách, đê tiện, và quả cảm. Từ góc nhìn này, tôi đã được giải thoát; tôi có thể viết về cuộc sống như nó đang tồn tại.

Tôi e rằng Garland sẽ không hài lòng mà là rất bực mình khi biết rằng ông đã làm cho tôi có thể viết về nước Mỹ đúng như tôi nhìn nhận nó, không như William Dean Howells đã nhìn nhận về nó một cách rất tươi đẹp. Và đó là bi kịch của ông, đó là một bi kịch Mỹ hoàn toàn mang tính phát giác, rằng trên mảnh đất tự do của chúng tôi, những con người như Garland, những kẻ đầu tiên khai mở con đường tới tự do, chính họ đang trở thành một giới hạn chủ yếu nhất.

Nhưng, trong suốt thời gian này, khi những người như Howells quá say sưa tìm cách để biến nước Mỹ trở thành bản sao mờ nhạt của cái thị trấn nhỏ có nhà thờ theo kiểu của nước Anh, thì lại có những kẻ không thân thiện và đáng tin cậy như Whitman và Melville, rồi đến Dreiser, James Huneker và Mencken – khăng khăng rằng đất nước của chúng tôi có một điều gì đó lớn hơn cả cái phong cách tao nhã bàn trà đó.

Và như vậy, thiếu các chuẩn mực, chúng tôi vẫn tồn tại. Còn các thanh niên rắn rỏi coi việc chúng tôi không cần có chuẩn mực nào có lẽ vẫn là tốt. Vì vậy, sau những điều có vẻ như bi quan về mảnh đất yêu dấu của tôi, tôi muốn kết thúc bài hát buồn này bằng một âm thanh lạc quan rất tươi vui.

Tôi hi vọng mọi điều và tin tưởng mọi điều cho tương lai của nền văn học Mỹ. Tôi tin rằng chúng tôi đang thoát khỏi sự ngột ngạt của chủ nghĩa tỉnh lẻ an toàn, đúng mực và tẻ nhạt không thể tưởng tượng nổi. Ngày nay có những thanh niên Mỹ, những người đang sáng tác rất tâm huyết và đáng tin cậy đến độ khiến tôi thấy buồn bởi nghĩ mình hơi quá già để trở thành một người trong số họ.

Đó là Earnest Hemingway với một tuổi trẻ cay đắng, được dạy dỗ bởi những trải nghiệm khốc liệt nhất, được rèn luyện bởi những chuẩn mực khắt khe của chính mình, một nghệ sĩ đích thực mà ngôi nhà của ông là toàn bộ cuộc đời; đó là Thomas Wolfe, một đứa trẻ, tôi tin, mới chừng 30 hoặc trẻ tuổi hơn, nhưng một cuốn tiểu thuyết, cuốn tiểu thuyết duy nhất của anh ấy là Hỡi thiên thần, hãy nhìn chốn quê nhà (Look Homeward, Angel) đáng sánh tầm với những sáng tác hay nhất trong kho tàng văn học của chúng tôi, một nhân vật kiểu Gargantua(10) tràn đầy nhiệt huyết  cuộc sống; đó là Thornton Wilder, con người trong thời đại của chủ nghĩa hiện thực vẫn mơ những giấc mơ xưa cũ và đáng yêu của những văn nghệ sĩ lãng mạn muôn thuở; đó là John Dos Passos với thái độ căm ghét những chuẩn mực an toàn và đúng mực của Babbitt và phẩm chất cách mạng tốt đẹp của ông; đó là Stephen Benét, trước quang cảnh buồn tẻ của nước Mỹ đã dựng lại thiên sử thi với kí ức tuyệt vời về John Brown quá cố; đó là Michael Gold, người đã phát hiện biên giới mới vùng East Side của người Do Thái, và William Faulkner, người đã giải phóng miền Nam khỏi những chiếc váy phồng; và còn  hơn chục nhà thơ và tiểu thuyết gia trẻ khác nữa, hầu hết họ hiện đang sống ở Paris, hầu hết họ hơi không đúng mực theo truyền thống của James Joyce, những người, cho dù là họ có thể không đúng mực đi chăng nữa, thì họ cũng đã không tỏ ra tao nhã theo khuôn thước, không theo truyền thống và không tẻ nhạt.

Tôi chào mừng họ với niềm vui rằng không còn lâu nữa, chính họ sẽ là những người trao cho nước Mỹ của núi non và đồng cỏ mênh mông, của các thành phố rộng lớn và không còn những căn lều gỗ nhỏ nữa, của hàng tỉ tiền và hàng tấn niềm tin, một nước Mỹ kì lạ như nước Nga và phức tạp như Trung Quốc, một nền văn học xứng đáng với sự lớn rộng bao la của nó.

Tác phẩm của Sinclair Lewis:

– Cuộc dạo bộ và chiếc máy bay (Hike and the Aeroplane, 1912), truyện thiếu nhi.

– Ngài Wren của chúng ta (Our Mr. Wrenn, 1914), tiểu thuyết.

– Đường bay chim ưng (The Trail of the Hawk, 1914-1919), tiểu thuyết.

– Công việc (The Job, 1914-1919), tiểu thuyết.

– Những kẻ ngây ngô (The Innocents, 1914-1919), tiểu thuyết.

– Không khí tự do (Free Air, 1914-1919), tiểu thuyết.

– Phố chính (Main Street, 1920), tiểu thuyết.

– Babbitt (1922), tiểu thuyết.

– Arrowsmith (1925), tiểu thuyết.

– Bẫy người (Mantrap, 1926), tiểu thuyết.

– Elmer Gantry (1927), tiểu thuyết.

– Người đàn ông biết Coolidge (The Man Who Knew Coolidge, 1928), tiểu thuyết.

– Dodsworth (1929), tiểu thuyết.

– Ann Vickers (1933), tiểu thuyết.

– Tác phẩm nghệ thuật (Work of Art, 1934), tiểu thuyết.

– Điều đó không thể có được ở đây (It Can’t Happen Here, 1935), tiểu thuyết phản giả tưởng.

– Bethel Merriday (1940), tiểu thuyết.

– Các bậc cha mẹ hào phóng (The Prodigal Parents, 1938), tiểu thuyết.

Gideon Planish (1943), tiểu thuyết.

– Cass Timberlane (1945), tiểu thuyết.

– Dòng máu hoàng gia (Kingsblood Royal, 1947), tiểu thuyết.

– Kẻ đi tìm Chúa (The God – Seeker, 1949), tiểu thuyết.

– Thế giới quả là rộng lớn (World So Wide, 1951), tiểu thuyết.

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

– Cuộc đời bác sĩ Arrowsmith (nguyên tác: Arrowsmith, tiểu thuyết), Bảo Sơn dịch, Nxb Quốc Bảo, 1970.

– Ông trẻ Axelbrod vào đại học, Phạm Quang Định dịch, in trong Truyện ngắn Châu Mỹ, Nxb Văn học, 2000.


Trần Việt Hưng và Tân Đôn, Trần Hoàng Hoa dịch từ bản tiếng Anh “The American fear of literature”, Nguyễn Việt Long hiệu đính

 (Nguồn: http://nobelprize.org)
© Culture Globe


Ghi chú:

(1) Do Erik Axel Karlfeldt, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.

(2) S. Lewis đọc ngày 12/12/1930.

(3) Quốc ca Mỹ.

(4) Các câu lạc bộ thuộc tổ chức Rotary International, lấy tôn chỉ phục vụ cộng đồng, làm từ thiện.

(5) Biểu tượng mang tính châm biếm của nước Mỹ.

(6) Nơi nghỉ mát nổi tiếng ở bang Florida.

(7) Grand Canyon: tên hẻm núi sâu nhất thế giới nằm ở đoạn giữa của sông Colorado thuộc bang Arizona (Mỹ).

(8) Oedipus: nhân vật trong thần thoại Hi Lạp, sinh ra đã được tiên đoán sẽ giết cha và lấy mẹ.

(9) Các địa danh ở vùng Boston, bang Massachusetts (Mỹ).

(10) Gargantua: ông vua khổng lồ, nhân vật trong các tiểu thuyết châm biếm của Rabelais.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here