Sigrid Undset
Sigrid Undset (20/05/1882 - 10/06/1949)

Sigrid Undset (20/05/1882 – 10/06/1949) được trao giải Nobel Văn Học 1928 vì những tác phẩm xuất sắc viết về lịch sử thời Trung Cổ. Bộ ba “Kristin, con gái của Lavrans” được đánh giá là bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất của bà, trong đó không khí cuộc sống thời Trung Cổ được truyền tải rất chính xác. S. Undset đã kết hợp phương pháp phân tích tâm lí hiện đại với lối kể chuyện truyền thống của những truyền thuyết anh hùng ca Na Uy – bám chắc vào cốt truyện, chứ không vào những lời lẽ của người kể chuyện.

Xem thêm: Henryk Sienkiewicz – Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử lỗi lạc

Sigrid Undset
Sigrid Undset (20/05/1882 – 10/06/1949)

Tiểu sử S. Undset

Cha S. Undset là một nhà khảo cổ học người Na Uy, mất năm bà được 11 tuổi. Từ đó, S. Undset phải đi bán hàng kiếm sống, nuôi gia đình; rồi học thương nghiệp ở Christiania và tự học thêm văn học. Từ năm 17 tới năm 27 tuổi, S. Undset làm nhân viên văn phòng.

Năm 1905, S. Undset gửi đến nhà xuất bản bản thảo đầu tiên là một tiểu thuyết lịch sử nhưng bị trả lại với lời khuyên nên viết một cái gì đó về đề tài hiện đại. Năm 1907, tiểu thuyết Bà Marta Oulie viết về các phong tục đương đại của bà được xuất bản. Tuy nhiên, phải đến tiểu thuyết Jenny (1911) mang tính tự thuật kể về mối tình của mình với một người đàn ông hơn bà 13 tuổi (sau này hai người lấy nhau và có ba con), S. Undset mới trở nên nổi tiếng.

Từ năm 1920, bất chấp lời khuyên trước kia của nhà xuất bản, S. Undset đã trở lại với đề tài lịch sử và cho ra đời tiểu thuyết bộ ba Kristin, con gái của Lavrans (1920-1922), miêu tả toàn bộ các sự kiện lớn, phong tục tập quán, lí tưởng của quần chúng lao động trong lịch sử đau xót của Na Uy khi bị Đan Mạch xâm chiếm và đồng hóa (thế kỉ XIV). Với tiểu thuyết này, bà được đề cử trao Giải Nobel Văn học năm 1922. Tuy nhiên, phải sáu năm sau giải thưởng mới được trao cho bà. Tác phẩm viết về đề tài lịch sử tiếp theo được xuất bản gồm 2 tập Ông chủ của Hestviken chính là cuốn tiểu thuyết đầu tay bị nhà xuất bản từ chối trước đây. Năm 1928, trong lễ trao Giải Nobel cho S. Undset, đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển đã gọi bà là “thiên tài thơ ca đã lấy sức mạnh của mình trong sự vĩ đại và kiên cường của tinh thần”. Bày tỏ sự cảm kích của bản thân với việc được nhận giải thưởng, S. Undset chỉ phát biểu ngắn gọn, trong đó có câu: “Đối với tôi, viết dễ hơn là nói, nhất là nói về chính mình”.

Thời kì sau khi nhận giải thưởng Nobel, S. Undset viết thêm 5 cuốn tiểu thuyết về đề tài hiện đại, và nhiều bài báo được tập hợp thành sách Những chặng đường. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng là Bà Dorothea (1939) chống lại khuynh hướng nữ quyền của thời đại, bà cho rằng “Chớ theo chủ nghĩa nữ quyền mà hãy là người phụ nữ, những người vợ và người mẹ”.

Trong Thế chiến II, Na Uy bị quân phát xít chiếm đóng, bà tham gia kháng chiến nhưng ít lâu sau buộc phải chạy sang Thụy Điển rồi đi Mỹ, tiếp tục hoạt động ủng hộ chính phủ kháng chiến. Chiến tranh kết thúc, bà trở về tổ quốc và được tặng thưởng huân chương cao quý Thánh Olav “vì những đóng góp to lớn trong văn học và sự nghiệp phục vụ nhân dân”.

Bà mất cuối năm 1949 vì một cơn nhồi máu cơ tim.

Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1):

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – Wikipedia tiếng Việt

Trong những sáng tác đầu đời của mình, tất cả đều xuất sắc, dù là tiểu thuyết hay truyện ngắn, Sigrid Undset đều mô tả thế giới của những người phụ nữ trẻ hôm nay trên nền quang cảnh vùng Christiania. Đó là một thế hệ không mệt mỏi, sẵn sàng đưa ra những quyết định trọng đại mỗi khi niềm khao khát hạnh phúc bị hiểm nguy, một thế hệ sẵn sàng chấp nhận những hậu quả tinh thần hợp logic của tính cách dễ bùng nổ và nhiệt tình của mình đối với chân lí. Thế hệ này đã phải trả giá rất đắt cho ý nghĩa của hiện thực mà họ giành được. Họ cũng đã phải trải qua rất nhiều cuộc thử thách mới lấy lại được sự hòa hợp nội tâm, và một số đại diện của họ đã phải ngã xuống. Những phụ nữ của thế hệ này bị cô lập một cách lạ lùng trong cái thế giới hỗn loạn này. Hoàn toàn không tìm kiếm sự ủng hộ của những qui chế xã hội đã được thiết lập chặt chẽ, họ, một cách tự giác, đã từ bỏ những di sản của quá khứ. Chống đối lại tất cả trật tự xã hội đã thiết lập, cái mà họ coi là một thứ gông xiềng vô dụng, họ chỉ dựa vào chính mình để kiến tạo một xã hội mới, một xã hội nhất quán với một niềm tin sắt đá, một lòng chân thành không thể nào lay chuyển nhưng cũng rất dễ bị lừa gạt.

Với một trí tưởng tượng sinh động, Sigrid Undset đã sống cuộc sống của những người phụ nữ như thế. Bà phác họa họ bằng ngòi bút cảm thông nhưng chân thực một cách nghiệt ngã. Bà vạch rõ tấn thảm kịch cuộc đời họ, không hề cường điệu hay tô vẽ. Bà đã chuyển tải được sự thăng trầm trong số phận của họ với mạch logic tuyệt vời, hàm ý phê phán cả những nhân vật nữ lẫn cái thế giới mà họ đang sống. Bức tranh thật hấp dẫn, trong chừng mực giới hạn mà các nhân vật cho phép. Chỉ riêng những mô tả thiên nhiên tươi đẹp và sáng chói đã lôi cuốn người đọc biết chừng nào. Đọng lại mãi trong kí ức của độc giả là những cuộc du ngoạn trên xe trượt tuyết ở vùng nông thôn Na Uy hiu quạnh, những ấn tượng về những trò đỏng đảnh của ánh sáng mùa đông, niềm hồ hởi của những đợt gió lạnh buốt tim trong suốt cuộc hành trình, điệu nhảy cuồng loạn của máu trong huyết quản, tinh thần phiêu lưu, niềm phấn khích, cảm giác về sự sống và sức mạnh làm trái tim đập dồn trong lồng ngực. Và cũng với ngòi bút điêu luyện như thế, Sigrid Undset mô vẻ kì diệu của mùa xuân tràn ngập ánh sáng và đầy hứa hẹn. Trong lĩnh vực này, tài nghệ của bà đã đạt đến trình độ bậc thầy từ rất sớm.

Trình độ nghệ thuật bậc thầy đó bộc lộ trong toàn bộ sáng tác của Sigrid Undset sau khi bà từ bỏ những đề tài về những kiểu người đầy chia rẽ và mất gốc bấy giờ, những người đã từng lôi cuốn bà, để toàn tâm toàn ý viết về cuộc sống trong lịch sử xa xưa. Bà quả là người sinh ra để đi tiên phong trong lĩnh vực này. Cha bà là một nhà sử học xuất sắc, và ngay từ thuở  nhỏ bà đã sống trong một bầu không khí của các truyền thuyết lịch sử và dân gian. Hơn nữa, bà đã tiếp thu được một vốn kiến thức lịch sử vững chắc, dường như được định hướng trước bởi linh cảm về nhiệm vụ mà tài năng thiên phú đã đặt ra cho bà.

Chính ở đó bà đã tìm thấy một chất liệu thực sự phù hợp với bản tính của mình, và một nhiệm vụ tương xứng đã được đặt ra cho trí óc tưởng tượng của bà. Những nhân vật mà bà chuẩn bị dẫn ra từ quá khứ nhờ thế sẽ nhất quán toàn diện và mang sắc thái ổn định hơn những nhân vật đương đại. Không bị bó buộc vào một ốc đảo cằn cỗi, họ sẽ tham gia vào khối thống nhất vĩ đại của những thế hệ trong quá khứ. Khối dân cư đông đảo này sẽ xuất hiện sống động trong tác phẩm của bà dưới những hình thức sống động và vững chắc hơn so với cái xã hội vô định hình thời đại chúng ta. Đây là một thách thức lớn đối với một nhà văn, người cảm thấy mình có khả năng đảm đương một nhiệm vụ nặng nề.

Theo cách của mình, các thế hệ thời trung cổ cũng có cuộc sống nội tâm phong phú hơn so với thế hệ đương đại, thế hệ mà Sigrid Undset cảm thấy bị bóp nghẹt bởi mưu cầu khoái cảm tình dục, một cuộc tìm kiếm đồng thời cũng quyết định quan niệm của họ về chân lí. Những vị tiền bối quyết định gần như mọi thứ bằng danh dự và lòng trung thành. Đây là một lĩnh vực rộng lớn đối với tâm lí học. Hơn thế nữa, trí tưởng tượng của tác giả bị lôi cuốn bởi nhiệm vụ gian truân là rọi ánh sáng vào bóng đêm quá khứ còn rất ít được biết đến, nhằm khám phá cuộc sống ngoài đời của những thế hệ đi trước với tất cả những nét phong phú của nó. Những thành công của Sigrid Undset trong việc đó đã khiến mọi người phải khâm phục.

Về đời sống nội tâm, tác phẩm của Sigrid Undset thật khó chê trách. Hòa hợp với ý thức dân tộc, dưới ngòi bút của bà, danh dự vẫn giữ được tất cả tính sức mạnh và trọng lượng mà nó từng có đối với giới hiệp sĩ và những địa chủ của thế kỉ XIV. Đòi hỏi danh dự được nêu lên rõ ràng, và những mâu thuẫn được thể hiện dù hậu quả có tàn nhẫn đến đâu. Đời sống tôn giáo được mô tả chân thực đến giật mình. Dưới ngòi bút của bà, đó không phải là kì nghỉ triền miên của trí óc, xâm nhập và thống trị bản chất con người. Nó bất ổn và nổi loạn, thời này vẫn thế, thậm chí còn khắc nghiệt hơn. Ý thức sâu sắc rằng phải gìn giữ lòng trung thực trong những linh hồn mộc mạc thiếu kinh nghiệm này, tác giả đã đem lại, trong những giờ phút nguy nan, một sức mạnh vô song.

Đời sống ái tình, vấn đề thông thường đối với hai giới tính, vốn chiếm vị trí trung tâm trong mối quan tâm tâm lí của bà, cũng xuất hiện hầu như nguyên vẹn trong tiểu thuyết lịch sử của bà. Khi nói vậy, một lời phản bác nảy ra một cách tự nhiên. Trong những tài liệu thời trung cổ, vấn đề nữ quyền chưa hề được biết tới; chưa ai tìm thấy ở đó dù chỉ những lời bóng gió về đời sống riêng tư, cái về sau sẽ dẫn đến vấn đề này. Một nhà sử học, vốn bao giờ cũng đòi hỏi chứng cứ, có quyền chỉ ra điểm không thích hợp này. Nhưng đòi hỏi của nhà sử học không thể là tối thượng. Nhà thơ ít nhất cũng có quyền bình đẳng trong việc diễn đạt những suy nghĩ của mình khi anh ta có một kiến văn vững chắc và sự nhạy cảm đối với tâm hồn con người. Nhà khảo cổ buộc phải thừa nhận rằng trong quá khứ đã tồn tại những công cụ tự nhiên khác ngoài những gì chúng ta đã biết, đó là chưa kể những phương cách thường ngẫu nhiên mà kí ức về quá khứ đến được với chúng ta. Nhà thơ có quyền cho rằng bản chất của con người đã chẳng thay đổi bao nhiêu qua các thời đại, cho dù về một số phương diện các cuốn biên niên sử hoàn toàn im lặng.

Dù có những luật lệ được áp đặt, cuộc sống bình thường của người đàn ông và đàn bà cũng hiếm khi bình lặng và giản đơn. Không nghi ngờ là nó ít ồn ã hơn so với thời đại ngày nay, nhưng cũng không thoát khỏi những xung đột và rối loạn đổ máu. Sigrid Undset khiến những xung đột và rối loạn này lên tiếng, mặc dù đôi khi ta có cảm giác rằng những giọng nói ấy hơi quá hiện đại và tình cảm hơi quá tinh tế đối với một thời đại mà ảnh hưởng của thơ ca chưa mạnh. Môi trường sống dường như cũng phải nặng nề và khắc nghiệt hơn để đủ tôi luyện tính cách các nhân vật. Nhưng chính nhờ thiếu sót này, nếu thực sự chúng ta có thể nói đó là thiếu sót, mà thơ ca của bà có được một đời sống cảm động và giàu liên tưởng. Trong sự thỏa hiệp tất yếu giữa hiện tại và quá khứ, cái mà một tiểu thuyết lịch sử không thể thoát khỏi, Sigrid Undset đã lựa chọn cách thức tốt nhất.

Phong cách kể chuyện của bà mạnh mẽ, trôi chảy và đôi khi nặng nề. Nó cuốn đi như một dòng sông không ngừng tiếp nhận những nhánh phụ mà dòng chảy của chúng cũng được ngòi bút của bà mô tả chi tiết, khiến cho trí nhớ của độc giả gần như bị choáng ngợp. Điều này một phần là do chính bản chất của đề tài. Trong nhiều thế hệ nối tiếp nhau, mâu thuẫn và thân phận hòa thành một hình thái rất đậm đặc; chúng chính là những đám mây va chạm nhau tạo nên sấm chớp. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt ấy cũng là kết quả của trí tưởng tượng nóng bỏng và tức thời của tác giả, thứ tạo nên bối cảnh và đối thoại của mỗi sự kiện trong câu chuyện mà không cần nhìn lại toàn bộ bức tranh.

Và dòng sông bao la, mà dòng chảy rất khó nhận biết một cách toàn diện, cuộn lên những đợt sóng dữ dội cuốn phăng cả người đọc đang trong tình trạng mê man. Những tiếng thét gầm của dòng nước mang trong mình nó sức trẻ vĩnh hằng của thiên nhiên. Ở những chỗ nước xiết và những nơi thác đổ, độc giả tìm thấy niềm vui thích nảy sinh từ năng lượng của các thành tố, còn trong những gương hồ rộng lớn là hình ảnh của cái mênh mông, giống như hình ảnh của tất cả những gì hùng vĩ trong bản tính của loài người. Vì thế, khi dòng sông gặp biển, khi Kristin Lavransdatter đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, không ai phàn nàn về độ dài của dòng chảy, dòng chảy đã tích tụ cho số phận của bà một ý nghĩa và chiều sâu thăm thẳm. Trong thơ ca của mọi thời đại, hiếm khi có được một cảnh tượng nào sánh được.

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của bà, bộ Olav Audunssứn hai tập (1925 – 1927) cũng ở trình độ tương đương với cuốn trước, mặc dù nó không có kết cục bi thảm. Tuy nhiên, nó đã đạt tầm cao như vậy ở cảnh Olav giết chết Người xứ tuyết. Khung cảnh này tạo nên một bức tranh phi thường, một kiệt tác về mô tả đời sống nội tâm, với lòng cao thượng, công lí, một quan điểm rộng mở gần như siêu nhân, vượt lên trên mọi sự tàn bạo. Ta gặp lại ở đây sức mạnh đang chín muồi giống như trong Kristin Lavransdatter (1920 – 1922). Xét về góc độ nghiên cứu tính cách, dường như khó có thể đạt được mức độ cao hơn bức chân dung Eirik, nhân vật chính trong phần cuối tác phẩm. Đây là quá trình tiến triển toàn diện của con người, ngay từ những biểu hiện đầu tiên thời niên thiếu, được mô tả không chỉ chính xác đến mức khắt khe mà còn tràn ngập những nét mới mẻ đến bất ngờ, và tương ứng với nó, tính cách nhân vật hiện ra ngày một rõ nét hơn. Ta có thể thấy tâm hồn của con người đang tự do phát triển dưới mắt mình, một sáng tạo đích thực của một nghệ thuật siêu đẳng.

Sigrid Undset đoạt Giải Nobel văn chương khi vẫn còn đang sung sức. Đó là sự tôn vinh một tài năng thơ ca mà cội nguồn chắc chắn nằm ở tinh thần chuẩn mực và cao thượng.

Diễn từ(1):

Các diễn giả trước tôi đã bày tỏ rõ ràng hơn tôi rất nhiều về lòng biết ơn của chúng tôi đối với các giải thưởng được trao tặng cho chúng tôi, và tôi tán thành với những lời họ đã nói. Đối với tôi, viết dễ hơn là nói, nhất là nói về chính mình. Thay vào đó, tôi mong được gửi một lời chào tới đất nước Thụy Điển. Trước khi tôi khởi hành sang Thụy Điển, mọi người đã mở một bữa tiệc dành cho tôi – nói vậy có nghĩa là không phải hoàn toàn dành cho tôi mà bởi vì tôi sắp sửa sang Thụy Điển – và mọi người, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Na Uy cũng như bạn bè của cá nhân tôi đã đề nghị tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới đất nước Thụy Điển. Dù sao, nhân dân trên bán đảo của chúng ta cũng tạo thành một phần riêng biệt của thế giới. Rừng núi của hai nước chúng ta đan xen vào nhau và các dòng sông của chúng ta đem nước từ nước này sang nước kia. Những ngôi nhà của chúng tôi ở Na Uy giống như những ngôi nhà bên Thụy Điển. Ơn Chúa! Từ trước tới nay, chúng ta đã luôn sống trong vô vàn những ngôi nhà riêng biệt nhỏ bé rải rác khắp hai nước chúng ta. Công nghệ hiện đại vẫn chưa xâm nhập hoàn toàn vào đời sống của người dân Phương Bắc.

Song điều tôi mong muốn được phát biểu ở đây là mọi người đã đề nghị tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp của họ tới Thụy Điển, một đất nước mà khi nghĩ đến chúng tôi thấy trong lòng thấy vui sướng, và tới Stockholm, thành phố mà người Na Uy chúng tôi coi là xinh đẹp nhất thế giới.

Tác phẩm của Sigrid Undset:

– Bà Marta Oulie (Fru Marta Oulie, 1907), tiểu thuyết.

– Thời hạnh phúc (Den lykkelige alder, 1908), tiểu thuyết, [The Happy Age].

– Viga-Ljot và Vigdis (Viga-Ljot og Vigdis, 1909), tiểu thuyết.

– Jenny (1911), tiểu thuyết.

– Những kẻ khốn khó (Fattige skjebner, 1912), tập truyện.

– Mùa xuân (Vaaren, 1914), tiểu thuyết.

– Truyện kể về vua Artur và các hiệp sĩ Bàn Tròn (Fortellinger om kong Artur of ridderne av det Rund Bord, 1915), phóng tác sử thi.

– Bóng trong gương (Splinten av troldspeilet, 1917), tập truyện vừa.

– Kristin con gái của Lavrans (Kristin Lavransdatter, 1920-1922) tiểu thuyết (ba tập) gồm:

 Vòng hoa (Kransen, 1920), tiểu thuyết, [The Garland].

Bà chủ (Husfrue, 1922), tiểu thuyết, [The Mistress of Husaby].

­ Cây thập tự (Korset, 1922), tiểu thuyết, [The Cross].

­ Ông chủ của Hestviken (Olav Audunssứn i Hestviken, 1925), tiểu thuyết, [The Master of Hestviken]; phần tiếp là Olav và các con của ông ta (Olav Audunsson og hans born, 1927), [Olav Audunssứn and His Children].

– Cành lan dại (Gymnadenia, 1929), tiểu thuyết, [The Wild Orchid].

– Bụi cây màu lửa (Den braendende busk, 1930), tiểu thuyết, [The Burning Bush].

– Ida Elisabeth (1932), tiểu thuyết.

– Những chặng đường (Etapper, 1929 và 1933), tự truyện, [Stages on the Road].

– Mười một năm (Elleve ăr, 1934), tự truyện, [The Longest Years].

Người vợ chung thủy (Den trofaste hustru, 1936), tiểu thuyết, [The Faithful Wife].

– Bà Dorothea (Madame Dorothea, 1939), tiểu thuyết.


Nguyên Tâm, Tân Đôn dịch theo bản tiếng Anh

(Nguồn: http://nobelprize.org)

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây


Ghi chú:

(1) Do Per Hallstrửm, Chủ tịch Ủy ban Nobel, Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.

(2) S. Undset đọc trong tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel ngày 10/12/1928 tại Grand Hotel (Stockholm).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here