Rudolf Eucken là người thứ hai không phải nhà văn đúng nghĩa đoạt giải Nobel Văn học sau Theodor Mommsen, nhà Sử học được giải Nobel văn học. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu công phu trong các lĩnh vực khác nhau của môn triết học và là người bảo vệ nhiệt tình của tính tinh thần đích thực, chống lại thói đạo đức bề ngoài, vì đời sống thanh cao và phẩm hạnh của con người. Ông được trao Giải Nobel Văn học vì những tìm kiếm chân lí nghiêm túc, sức mạnh xuyên suốt của tư tưởng, nhãn quan rộng, sự linh hoạt và tính kiên định mà ông dựa vào để bảo vệ và phát triển triết học lí tưởng của mình.

Đôi nét về cuộc đời Rudolf Eucken
Rudolf Christoph Eucken sinh tại thành phố nhỏ Aurich cạnh biên giới Hà Lan; bố làm nghề bưu điện nhưng có khả năng toán học; mẹ là con gái mục sư, có học vấn và nghị lực. Sau cái chết của bố và em trai, R. Eucken bị bệnh nặng, người mẹ phải cho thuê nhà để có tiền cho con đi học. Ông có thiên hướng triết học ngay từ sớm, khi còn học phổ thông đã từng học thần học, sau học triết học, văn học và lịch sử tại các trường Đại học Tổng hợp Göttingen, Berlin và viết các luận án tốt nghiệp bằng tiếng Hi Lạp cổ.
Năm 1871-1874, R. Eucken dạy triết tại Đại học Tổng hợp Basel, sau đó trở thành giáo sư triết học của Đại học Tổng hợp Jena (đến năm 1920); năm 1912 được mời sang Đại học Tổng hợp Harvard; năm 1914 dự định sang Đại học Tổng hợp Tokyo nhưng rồi nổ ra Thế chiến I. Trong các công trình thời kì đầu, Eucken nghiên cứu lịch sử triết học, logic học, về sau chuyển sang đạo đức học. Ông là tác giả của các quan điểm “phương pháp logic học tinh thần” và “siêu hình học tinh thần”, cho rằng con người có thể đạt đến hạnh phúc của đời sống tinh thần chỉ nhờ những nỗ lực không ngừng của bản thân theo hướng này. Tư tưởng của R. Eucken rất phổ biến trong những năm đầu thế kỉ XX ở Đức, Anh, Mĩ, Nhật và các nước vùng Scandinavia.
Năm 1908, ông là người thứ hai không phải là người trong giới văn học được Giải Nobel Văn học.
Eucken thường bị phê phán là không chú ý đến các thành tựu của khoa học hiện đại, nhưng ông có không ít các môn đệ của mình, và được đánh giá là một trong những nhà tư tưởng và nhà đạo đức học lớn nhất của thời đại chúng ta.
Ông mất năm 1926 tại Vienna ở tuổi 81.
Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1)

Alfred Nobel là người năng động. Trong suốt sự nghiệp kinh doanh thành đạt trên thương trường cạnh tranh gay gắt của biết bao quốc gia cũng như các trung tâm thương mại quốc tế, ông đã thấu hiểu những mâu thuẫn bên trong và những hiểm họa ẩn sau những bước phát triển của xã hội hiện đại. Loài người dường như đang cần được trợ giúp, vì vậy ông cho rằng phương án đầu tư tốt nhất cho gia sản của ông là dùng tiền lãi để hỗ trợ những người mà trong tương lai – theo như ông nói – “sẽ đem lại ích lợi cho loài người”.
Chính sự mập mờ tối nghĩa của công việc, của những công cụ làm việc cũng như các phương tiện chiến đấu đã thôi thúc ông lập nên một kì tích vì sự tiến bộ của loài người. Ông biết những phát minh kĩ thuật của mình mang lợi ích to lớn cho mục đích quân sự. Vì thế, ông muốn trợ giúp bất cứ nỗ lực nào nhằm mang lại hòa bình cho thế giới. Làm sao một con người từng trải như ông lại có thể làm ngơ trước thực tế rằng nền văn minh của chúng ta chứa đầy những xung đột, và khả năng phát minh của ông bị lạm dụng hay được sử dụng cho những mục đích tốt đẹp là ngang nhau, nó có thể bị biến thành điều tệ hại chẳng khác gì việc được ứng dụng hữu ích?
Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu của ông lại là giới trí thức, cho dù vẫn còn tồn tại biết bao mâu thuẫn cố hữu. Ông quan niệm, chủ nghĩa thế giới, thứ chủ nghĩa tương đồng với ngôn ngữ và nền văn minh Pháp và Anh, là phức hợp giữa nghệ thuật và khoa học, giữa khoa học tự nhiên chuẩn xác và vẻ đẹp nhân văn. Ông cố gắng thúc đẩy mối phức hợp trước bằng cách trợ giúp cho những phát hiện và phát minh phục vụ cuộc sống con người. Dành cho văn học một cái nhìn bác ái không kém, ông đã lập lên một giải thưởng mà ông cho là “tinh tú của những tác phẩm có khuynh hướng tiến đến sự hoàn mĩ”.
Alfred Nobel chịu ảnh hưởng sâu sắc của tầm nhìn trong thơ ca và triết học Victor Rydberg. Ông hiểu tư tưởng có ý nghĩa thế nào đối với tư duy con người, đối với nguyện vọng tạo dựng và gìn giữ nền văn minh, vun xới và gặt hái những thành quả của nó và qua những cuộc tranh đấu cam go cũng như những ngày tháng đen tối, sẽ hé mở ra một con đường dẫn tới một vầng sáng tươi đẹp, một nền hòa bình mới. Khi những tư tưởng đó thể hiện được khả năng vô hạn của chúng và củng cố mong muốn của con người được phụng sự lẫn nhau – cho dù hiện diện trong cảm hứng của nhà thơ, trong nỗ lực của triết gia để lí giải những bí ẩn của cuộc sống, trong những công trình của các nhà sử học hay trong tác phẩm của một học giả hoặc nhà văn nếu chúng nhìn nhận những tư tưởng này như hình mẫu cho cuộc sống tự do cũng như độc lập của tác giả – ta sẽ thấy văn học chính là điều mà Alfred Nobel đã nghĩ đến. Văn học có thể tiếp thu mọi thành quả của nghệ thuật và của khoa học. Từ việc tiếp thu đó, loài người sẽ “thu gặt được nhiều lợi ích nhất” vì nó phản ánh chân lí mà không tác động gì đến tính hữu ích của chúng. Tác phẩm và thể loại văn học cũng đa dạng như những tư tưởng, vì thế chúng luôn mới mẻ và không bị bó buộc.
Vì những lý do trên, Viện Hàn lâm Thụy Điển nhất trí thực hiện theo nguyện vọng của Alfred Nobel trao Giải Nobel Văn học năm nay cho giáo sư Rudolf Eucken – một trong những nhà tư tưởng xuất chúng nhất trong thời đại chúng ta, “để thừa nhận cuộc tìm kiếm chân lí không mệt mỏi, khả năng tư duy sâu sắc, tầm nhìn sâu rộng và cách thể hiện nồng nhiệt, táo bạo mà ông đã sử dụng trong nhiều tác phẩm để xác minh và phát triển một triết lí sống theo trường phái duy tâm”.
Trong hơn 30 năm qua, giáo sư Eucken đã xuất bản nhiều tác phẩm triết học có ý nghĩa sâu sắc. Đồng thời ông cũng có nhiều tác phẩm văn học lớn với cách lập luận chặt chẽ và bao quát. Đặc biệt những năm gần đây, ông xuất bản nhiều tác phẩm thể hiện rõ nét tư tưởng của mình. Độc giả ngày càng hiểu được những nỗ lực vĩ đại và phi thường của ông, đó là mong muốn giải quyết được những mâu thuẫn gay gắt trong nền văn minh đương đại. Ông là một trong những người đem lại hình hài hoàn thiện cho những tư tưởng chín muồi, tất cả đều hiểu được phần nào những tư tưởng mới này và hi vọng ông có thể phát triển chúng một cách toàn diện hơn trong tương lai sắp tới.
Tôi không thể thuật lại chi tiết sự nghiệp vĩ đại và trường kì của triết gia Eucken do thời gian có hạn và với những người không chuyên sâu trong lĩnh vực mà ông đặc biệt quan tâm thì chủ đề này thật khó hiểu. Tôi chỉ có thể đưa ra một số điểm khái quát và chủ yếu tập trung vào lịch sử hình thành của tác phẩm Tư tưởng (Weltanschauung), cũng như quan điểm của ông về ý nghĩa của những tiến trình lịch sử. Giáo sư Eucken thừa nhận lịch sử có ảnh hưởng quyết định đến triết học của ông và chính những nghiên cứu về ngôn ngữ và lịch sử đã dẫn ông đến với triết học. Ngay từ khi còn nhỏ, cuộc sống của con người và xã hội đã lôi cuốn ông hơn hẳn những khái niệm trừu tượng của quá trình phân tích tư duy đơn thuần. Thật đáng tiếc chúng ta sẽ phải bỏ qua nhiều khía cạnh nhỏ trong tư tưởng của ông để có một bức tranh rõ nét về những thành quả chính của những tư tưởng đó.
Chủ nghĩa duy tâm ngày càng phát triển và khẳng định vị trí của mình trong giới trí thức không chỉ ở Đức mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Nó còn lan rộng tới các tầng lớp thượng lưu và những tầng lớp tự do trong đời sống văn minh, tuy nhiên dưới hình hài mới không giống với những cấu trúc ban đầu, cấu trúc đã bị sụp đổ hàng nửa thế kỉ trước đây cùng với hệ tư tưởng đồ sộ của Hegel. Đây là một nỗ lực đem lại sự giàu có vô tận cho cuộc sống và thế giới từ những khái niệm trừu tượng bằng phương pháp biện chứng táo bạo và buộc tất cả những nghiên cứu về con người, về các nền văn minh, phải tuân theo một hệ tư tưởng hoàn chỉnh. Nhưng các phân tích chuyên sâu hơn cho thấy, nỗ lực này vượt quá khả năng tìm kiếm chân lí trong lĩnh vực triết học, thực tế nó còn thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang chủ nghĩa duy vật võ đoán.
Người Thụy Điển biết rằng, thậm chí vào thời kì huy hoàng nhất của phép biện chứng độc tôn, nhà triết học Boström vẫn công khai phản đối những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa biện chứng trên. Dựa trên những quan điểm tiền định ở trong nước cũng như ở nước ngoài, ông đã phát triển một cách nhìn hoàn toàn mới mà đến nay vẫn được nhiều người trong nước ủng hộ. Có một nét tương đồng giữa quan điểm của ông và quan điểm trong các tác phẩm của giáo sư Eucken. Điều này không có gì ngạc nhiên vì cả hai nhà triết học đều đại diện cho một trường phái nền tảng mà ngay từ những ngày đầu của nền văn minh, ngoại trừ một vài quãng thời gian u tối, nó luôn giữ gìn được sức sống trường sinh của mình mặc bao quan điểm trừu tượng của thuyết phiếm thần cũng như nỗi sợ hãi vật chất của tư tưởng đe dọa. Tuy nhiên, nét tương đồng trong quan điểm của họ không những không làm mất đi mà thậm chí còn khuyến khích sự phát triển độc lập và riêng biệt, và chưa có trường phái triết học nào lại sản sinh ra nhiều tư tưởng đặc sắc như chủ nghĩa duy tâm hiện thực. Socrates và Plato là những người theo trường phái duy tâm. Họ quan niệm triết học là môn khoa học tìm kiếm chân lí chứ không chỉ là những giáo điều cứng nhắc và cuộc tìm kiếm không mệt mỏi này, bằng cách này hay cách khác, đã phác họa được những đặc điểm cơ bản của triết học qua nhiều thời đại. Vì thế, Eucken và Bostrom đều đạt được mục đích của mình bằng các cách thức khác nhau.
Khi còn trẻ, Eucken đã để tâm quan sát tỉ mỉ những phát triển đều đặn và sinh động của triết học nhằm tái đánh giá những hiện tượng bên trong và bên ngoài để vươn tới một căn cứ vững chắc sau sự sụp đổ của hệ thống triết học sơ đẳng. Triết học phát triển theo những chiều hướng khác nhau với những phán đoán và thành công khác nhau. Khi người ta đưa ra khẩu hiệu “Quay lại quan điểm của Kant” thì nhà triết học vĩ đại theo chủ nghĩa siêu hình này trở thành hình mẫu cho việc nghiên cứu những hạn chế trong nhận thức của loài người, còn có khi người ta phải miễn cưỡng lắng nghe tuyên bố của ông về một trường phái lí luận bất tử dựa trên những nguyên tắc đạo đức bất di bất dịch. Tiếp đó lại phát sinh những cố gắng thiết lập một vị trí vững chắc cho triết học bằng cách gắn chặt nó vào những tiến bộ vượt bậc của khoa học hiện đại hoặc, thành công hơn là việc đặt câu hỏi một cách độc lập những giả định và các phương pháp luận mà nó sử dụng. Cũng có lúc, người ta lại thấy những cố gắng để khám phá bí ẩn tâm linh con người qua những biểu hiện của nó, bằng cách quan sát hoặc thực nghiệm, đã có lúc người ta hi vọng rằng nghiên cứu này sẽ khám phá ra mối quan hệ đích thực giữa sự tồn tại của thể xác và linh hồn.
Eucken đã quá quen thuộc với những trường phái này, nhưng lĩnh vực chủ đạo của ông là nghiên cứu về mặt lịch sử và những biến đổi quan trọng của sự xuất hiện và phát triển các xu hướng chính của tư duy liên quan đến sự tiến hóa và biến đổi của nền văn hóa nói chung. Giống như nhiều người tiên phong trong lĩnh vực này, ông khẳng định nếu không coi trọng đúng mức truyền thống thì loài người sẽ không thể tiến bộ được và những trang biên niên sử sẽ nhiều hơn chiếc kính vạn hoa của những hệ tư tưởng bất ngờ nổi lên và cũng bất ngờ mất đi. Eucken nhấn mạnh triết học sẽ không thể tiếp tục tồn tại nếu nó không phát triển như những khoa học khác và không ngừng giải quyết những mâu thuẫn tương tự. Ông nói như vậy cốt để mọi người không cho rằng ông bắt đầu từ đầu chỉ để một ai đó lại đặt ông vào đúng vị trí ban đầu.
Ngoài những tuyển tập chuyên khảo và tiểu luận về lĩnh vực này, từ năm 1878, Eucken đã cho ra mắt những cuốn sách vĩ đại đầu tiên về phương pháp luận của mình. Trong cuốn Những khái niệm cơ sở của tư tưởng triết học hiện đại (Grundbegriffe der Gegenwart), ông bàn về nguồn gốc, sự hình thành và phát triển của các khái niệm hiện đại phổ biến kể từ thời kì triết học kinh viện và triết học cổ đại. Trong đó, ông đưa ra một loạt những thuật ngữ như “chủ thể và khách thể”, “trải nghiệm và tiến hoá”, “nhất nguyên luận và nhị nguyên luận”, “vô cơ và hữu cơ”, “qui luật và cá thể”, “nhân cách và tính cách”, “lí thuyết và thực tiễn”, “nội tại và siêu nghiệm”, nhưng ông không chỉ quan tâm đến việc định nghĩa các thuật ngữ mà ông còn muốn miêu tả những mục tiêu và quan điểm tiêu biểu của một giai đoạn nào đó bằng cách giải thích, theo cách nói của ông, “khái niệm là cái gương phản ánh thời đại”. Nhờ phương pháp phân tích mổ xẻ, sự vật hiện tượng được phác họa ngày càng rõ nét hơn. Trong cuốn sách thứ tư xuất bản năm 1908, phạm vi bàn luận của tác phẩm đã được mở rộng, nó trở thành bài phê bình hoàn chỉnh về những mâu thuẫn trong nền văn minh hiện đại. Vì thế tiêu đề của cuốn sách được đổi thành Các xu hướng cơ bản của tư tưởng hiện đại (Geistige Strömungen der Gegenwart, 1908). Thật ra trong tác phẩm này, tác giả đã phát triển những tư tưởng của riêng mình, đây là công trình quý giá phong phú và chuyên sâu, đáng để nghiên cứu.
Một nhà tư tưởng xem xét những vấn đề cố hữu của nền văn minh loài người từ góc độ này sẽ sớm nhận ra mình không thể giải quyết những vấn đề đó nếu không quan tâm đến mối tương quan mật thiết của chúng hoặc bó hẹp mình trong những câu hỏi nhận thức luận. Rõ ràng những mâu thuẫn này không ngừng tác động lẫn nhau; chúng bao quát toàn bộ sự tồn tại của con người, ảnh hưởng đến từng cá nhân nhạy cảm, và từ đó dùng sức mạnh của mình cải cách toàn bộ các cộng đồng và các thời đại. Những cố gắng tìm kiếm chúng ngay khi còn phôi thai đồng nghĩa với việc khảo sát một cách tổng quát lịch sử tri thức loài người. Đồng thời, một công trình như vậy thu hút được sự quan tâm rộng rãi của giới triết gia hơn là những tác phẩm phân tích đơn thuần những giáo điều, những tư tưởng và trường phái mâu thuẫn nhau. Eucken đã đảm nhận phận sự đó trong tác phẩm Triết lí của các nhà tư tưởng vĩ đại: Lịch sử vấn đề của đời sống con người từ Plato đến nay (Die Lebensanschauungen der grosser Denker: Eine Entwicklungsgeschichte des Lebens Probleme der Menschheit von Plato his zur Gegenwart, 1890). Tác phẩm này đã được sửa lại và phát triển thành bảy ấn phẩm lớn và là bằng chứng về qui mô và chiều sâu nghiên cứu của ông, đồng thời thể hiện rõ sự tinh thông trong tư duy và trưởng thành trong phong cách của ông.
Eucken đã phát triển quan điểm triết học của mình trong một số cuốn sách như: Cuộc đấu tranh cho đời sống tâm linh: Những nguyên lí của một triết lí mới (Der Kampf Um einen geistigen Lebensinhalt: Neue Grundlegung einer Weltanschauung,1896) và Nền tảng của một cuộc sống mới (Grundlinien einer neuen Lebensanschauung, 1907) hay như tác phẩm nổi tiếng Ý nghĩa và giá trị của cuộc sống (Der Sinn und Wert des Lebens, 1908) và Khái luận triết học đời sống tinh thần (Einführung in eine Philosophie des Geisteslebens, 1908). Tác phẩm cuối cùng là bằng chứng hùng hồn về những quan điểm ưu việt và tiến bộ của ông.
Trong những năm gần đây, Eucken còn chuyển sang nghiên cứu tôn giáo, thể hiện trong các tác phẩm Chân lí của tôn giáo (Der Wahrheitsgehalt der Religion, 1901) và Những vấn đề cơ bản của triết học tôn giáo đương đại (Hauptprobleme der Religionsphilosophie der Gegenwart, 1907). Tác phẩm sau dựa vào ba bài thuyết trình của ông trong khóa dạy thần học được tổ chức vào mùa hè tại trường Đại học Jena. Cũng trong năm này, ông đã phát triển những tư tưởng triết học lịch sử đã được đưa vào thành chuyên luận trong cuốn Bách khoa toàn thư khổng lồ Các nền văn hóa hiện đại (Die Kultur der Gegenwart). Từ những tác phẩm gần đây của ông, ta có thể đoán rằng ông đang chuẩn bị tái khảo sát các nguyên lí đạo đức.
Với tầm hiểu biết sâu sắc lịch sử và những nỗ lực phi thường nhằm gắn kết những quan điểm về sức mạnh cuộc sống với những bằng chứng lịch sử, Eucken đã vượt xa những quan điểm nông cạn chỉ phóng đại hoặc giải thích sai lệch ý nghĩa nội tại của lịch sử, các quan điểm đã trở nên quá phổ biến trong thế kỷ lịch sử này, bóp nghẹt lòng khao khát hiểu biết chân lí khách quan.
Hơn thế, Eucken còn nhận ra mối đe dọa đối với nền văn minh trong biếm họa của chủ nghĩa lịch sử, nó góp phần vào việc nhằm lôi tất cả những mục đích kiên định và những mục tiêu cao siêu hơn vào dòng xoáy của học thuyết tương đối sai lệch, và phần nào ủng hộ những nỗ lực không ngừng hạn chế và làm tê liệt ý chí của con người bằng cách đưa toàn bộ các bước tiến và thành tựu của loài người vào mối quan hệ nhân quả theo thuyết định mệnh và chủ nghĩa tự nhiên giả định. Không giống Nietzsche, ông không tin rằng một cá nhân kiêu ngạo có thể duy trì bất chấp những nghĩa vụ đối với sự uy nghiêm bất tận của những luân thường đạo lí. Không có cá nhân hay siêu nhân nào tồn tại riêng biệt được, cái tồn tại riêng biệt được chính là tính cách mạnh mẽ được hình thành trong nhận thức về sự hòa hợp tự do cùng với sức mạnh tri thức của vũ trụ, và vì thế nó hoàn toàn độc lập. Điều đó, theo quan điểm của Eucken, được huy động để giải phóng chúng ta khỏi sự bó buộc hời hợt của tự nhiên cũng như khỏi áp lực không bao giờ mở lối thoát của chuỗi xích nhân quả của lịch sử.
Trong lịch sử cũng như trong sự tồn tại của chính mình, con người còn có một cuộc sống ở cấp bậc cao hơn, một cuộc sống không bắt nguồn từ tự nhiên mà bắt nguồn từ chính nó và cũng sống suốt vòng đời của nó, một cuộc sống tinh thần mà trên thực tế đã vượt qua cả giới hạn thời gian nhưng lại chỉ hiện hữu trước mắt chúng ta dưới những hình thái tạm thời. Tất cả những phát triển đích thực đều là hàm ý của nền tảng cho sự tồn tại. Khi con người tham gia vào cuộc sống trí thức, con người đạt được một sức mạnh bất diệt và vượt qua vòng tuần hoàn thời gian. Cuộc sống bất tử này chính là vương quốc chân lí, bởi vì chân lí mà tồn tại chỉ trong một khoảng thời gian hữu hạn là điều không thể tưởng tượng nổi. Đồng thời cuộc sống bất tử còn là một sức mạnh trường tồn, ta thấy chúng vượt lên trên thế giới nhưng lại ảnh hưởng tới thế giới vì chúng ta và thông qua chúng ta. Nó không phải là một lâu đài vô hình trong không trung mà con người có thể đến đó bằng đôi cánh của sự tưởng tượng thần bí nhưng logic, mà là một sức mạnh trường tồn, nó thách thức toàn bộ chúng ta bằng một lựa chọn ý chí, một lựa chọn làm cho tiến bộ của con người và loài người trở thành một cuộc đấu liên miên giữa đời sống bậc thấp và đời sống bậc cao.
Lịch sử là tấm gương phản ánh những chiến công và thất bại của loài người trong cuộc đấu tranh này. Sự thăng trầm của nó phụ thuộc vào năng lực tự quyết của con người. Vì thế, không có một triết học lịch sử nào có thể dự báo tương lai của cuộc đấu tranh này. Thậm chí nền văn minh mà chúng ta được thừa hưởng cũng không thể tự mình tồn tại mà đòi hỏi con người phải đấu tranh không mệt mỏi cho cuộc sống đích thực của tâm linh. Không ai khác có thể đánh giá và hỗ trợ chúng ta đạt được các giá trị đạo đức, nghệ thuật, các tác phẩm chính trị và xã hội.
Eucken quan niệm: “Thuyết vị lợi, dù biểu hiện dưới hình thức nào, cũng đối lập hoàn toàn với văn hóa tri thức. Hoạt động tư duy chỉ suy đồi khi nó không phục vụ cho lợi ích của chính nó”. Mặc dù là một người yêu nghệ thuật nhưng Eucken lại phê phán tiêu chí thẩm mĩ mà thời đại của chúng ta vẫn ca tụng. Đó là thứ thẩm mĩ mà ông cho là “Chỉ đầu độc những người theo chủ nghĩa khoái lạc đam mê lạc thú”. “Không có nghệ thuật nào có thể tự đánh giá được mình và nghệ thuật đó có thể dẫn đến lên án đạo đức. Một nghệ sĩ sáng tạo ở trình độ cao không bao giờ là một người đi theo quan điểm cho rằng cuộc sống tươi đẹp”. Runeberg là một nhà thơ sống thật với lòng mình, bởi vì ông quan niệm “sự thờ ơ của thẩm mĩ đối với các giá trị đạo đức và sự kiêu ngạo của nó với vị trí độc tôn của mình là điều hoàn toàn xa lạ đối với ông”. Chỉ có những quốc gia, dù nhỏ hay lớn, tạo dựng và duy trì được một nền văn minh đề cao đời sống tri thức thực thụ mới có thể đóng góp cho loài người. Chỉ những quốc gia không bao giờ gắng sức sử dụng sức mạnh và vũ khí văn hóa một cách vô vọng để “chuyển lượng thành chất”, những quốc gia khám phá cuộc sống bất tử trong giới hạn của cuộc sống trần tục, mới có thể cống hiến cho loài người.
Eucken không phủ nhận chủ nghĩa lí thuyết thuần túy, thứ chủ nghĩa phần nào cố gắng diễn tả được khái niệm của những sự vật gần gũi với chúng ta trong cuộc sống. Nhưng ông không xây dựng một hệ thống tư tưởng vĩnh cửu, ông cũng chẳng muốn làm như vậy. Triết học của ông là triết lí hành động chủ yếu phát triển cùng với những tiến bộ của loài người và vì vậy nó luôn biến động chứ không đứng yên. Chúng ta có thể coi ông là một Triết gia-Văn hóa (Kulturphilosoph), một người hoàn toàn đạt được các tiêu chuẩn và yêu cầu của thời đại chúng ta.
Giáo sư Eucken, chất lí tưởng uyên thâm và rộng lớn trong Tư tưởng, cách nhìn thế giới của Ngài được diễn đạt sinh động và sâu sắc trong các tác phẩm, giúp ta lí giải được vì sao Viện Hàn lâm Thụy Điển lại trao Giải Nobel Văn học năm nay cho Ngài.
Viện Hàn lâm xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ chân thành đối với Ngài, và hi vọng những tác phẩm tiếp theo của Ngài sẽ mang lại quả ngọt cho văn hóa và loài người.(2)
Chủ nghĩa tự nhiên hay chủ nghĩa lí tưởng? (3)
Lịch sử nhân loại biết đến một số vấn đề vừa rất cũ lại luôn luôn mới; các vấn đề đó cũ bởi vì bất cứ lối sống nào cũng hàm chứa lời giải đáp cho chúng, và luôn luôn mới bởi vì các điều kiện mà những lối sống đó phụ thuộc vào thường xuyên xê dịch và ở những giai đoạn gay go có thể thay đổi đến mức các chân lí đã được nhiều thế hệ an tâm chấp nhận có thể trở thành câu hỏi bỏ ngỏ, gây ra xung đột và bối rối.
Một vấn đề kiểu như vậy là sự tương phản giữa chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa lí tưởng mà hôm nay chúng ta đang giải quyết. Ý nghĩa của các ngôn từ này đã bị cùn mòn đi vì sử dụng nhiều; nhiều khi chúng gây ra hiểu lầm, và chỉ vì lười biếng chúng ta mới chịu đựng được các ngôn từ như khẩu hiệu này. Nhưng tính không tương xứng của chúng không thể che giấu được sự tương phản lớn ẩn đằng sau chúng và chia rẽ con người một cách sâu sắc. Sự tương phản này liên quan đến quan hệ của chúng ta với toàn bộ hiện thực và với nhiệm vụ kèm theo chi phối đời sống chúng ta; nó liên quan đến câu hỏi liệu con người có bị quyết định hoàn toàn bởi tự nhiên hoặc liệu con người có thể bằng cách nào đó – hoặc một cách thực sự căn bản – vượt trên tự nhiên. Chúng ta đều nhất trí về mối liên hệ rất gần gũi giữa con người và tự nhiên mà con người không thể trút bỏ được. Nhưng người ta đã và vẫn đang tranh cãi kịch liệt là liệu toàn bộ con người thực thể, các hành động và sự chịu đựng của anh ta, có bị quyết định bởi những liên hệ nói trên hoặc liệu anh ta có một cuộc sống kiểu khác mở ra một cấp độ hiện thực mới hay không. Một loại thái độ đặc trưng cho chủ nghĩa tự nhiên, loại thái độ kia đặc trưng cho chủ nghĩa lí tưởng, và hai tín điều này khác nhau về cơ bản cả ở các mục đích lẫn cách thức theo đuổi chúng. Bởi lẽ nếu phần cuộc sống bổ sung thêm kia của con người chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của anh ta, thì chúng ta phải trừ bỏ mọi dấu vết của nó khỏi các quan điểm và định chế của con người. Thay vào đó, chúng ta phải nhằm vào những liên hệ gần gũi nhất với tự nhiên và phát triển tính cách tự nhiên của đời sống con người đến một trạng thái thuần khiết; bởi khi đó đời sống sẽ khôi phục được các liên hệ với cội nguồn đích thực của mình, mà sự cắt đứt phi lí với nó gây ra thiệt hại kéo dài cho đời sống. Nhưng nếu ta thừa nhận trong con người có một yếu tố vượt lên trên tự nhiên, thì nhiệm vụ sẽ là hỗ trợ cho yếu tố này một cách tích cực nhất trong khả năng có thể và làm cho nó tương phản rõ rệt với tự nhiên. Trong trường hợp này cuộc sống sẽ chiếm vị trí chính yếu của nó trong yếu tố mới và nhìn tự nhiên từ quan điểm đó. Sự tương phản giữa hai thái độ thể hiện rõ hơn cả ở vấn đề vị trí của linh hồn trong hai hệ thống. Tất nhiên, tự nhiên có phần của nó trong đời sống linh hồn và trong rất nhiều biểu hiện có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống con người. Nhưng đời sống tự nhiên này là ngoại vi, chỉ đơn thuần là phụ trợ cho các hiện tượng vật chất của tự nhiên. Mục đích duy nhất của nó là duy trì cuộc sống thể xác, vì sự phát triển tâm lí cao hơn của con người, vì sự thông minh và tài tháo vát của anh ta, bù trừ cho sức mạnh dữ tợn, chuyển động lanh lẹ hoặc sự thính nhạy của các giác quan mà động vật được phú cho hơn hẳn con người. Nhưng ngay cả ở hình thức tột bực của nó thì cuộc sống loại này cũng không có mục đích lẫn nội dung bên trong; nó vẫn chỉ là một kết khối các điểm khác hẳn nhau. Nó không ráp nối lại trong một cộng đồng bên trong của cuộc sống, nó cũng không tạo ra một thế giới nội tại riêng của nó. Do đó hành động không bao giờ hướng tới mục đích nội tại mà hướng tới mục đích thực dụng là bảo tồn sự sống. Chủ nghĩa tự nhiên, nếu vẫn trung thành với mục đích của mình, sẽ giảm thiểu đời sống con người xuống chuẩn mực đó. Mặc khác, chủ nghĩa lí tưởng, nuôi quyết tâm giải phóng cái nội tại; theo nó thì các hiện tượng khác hẳn nhau của cuộc sống gắn kết trong một cái toàn thể bao trùm thế giới nội tại. Đồng thời, chủ nghĩa lí tưởng đòi hỏi rằng đời sống con người phải được chi phối bởi những giá trị và mục tiêu đặc thù của nó, cái chân, thiện và mĩ. Theo quan điểm của nó việc đặt toàn bộ nguyện vọng con người phục tùng mục tiêu hữu dụng có vẻ như là một sự xúc phạm không chịu nổi và là sự phản bội hoàn toàn tính vĩ đại và phẩm giá của con người. Những quan điểm khác xa nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau như vậy có vẻ như không thể hòa giải được; và chúng ta phải chọn lựa giữa hai phương án khắc nghiệt này.
Với sự lựa chọn này, không thể phủ nhận là thời đại hiện nay đang bị chia rẽ, nhất là từ khi những biến đổi sâu sắc trong cơ cấu tạo dựng sự sống đã phơi bày một số khía cạnh của vấn đề này ra ánh sáng. Bao thế kỉ truyền thống đã dạy chúng ta quen với việc phấn đấu trước hết vì một thế giới vô hình và với việc đánh giá thế giới hữu hình chỉ dựa trên mức liên quan của nó với thế giới vô hình. Đối với trí óc thời Trung cổ thì tổ ấm của con người là một thế giới tiên nghiệm; trong thế giới này chúng ta chỉ là những kẻ lượn lờ bên ngoài. Chúng ta không thể lọt vào đó, nó cũng không cho chúng ta bất cứ sự phát huy thành tựu nào hoặc giữ chúng ta bằng bất cứ dây rễ nào. Trong quan niệm như vậy, tự nhiên dễ dàng xuất hiện như một vùng thấp hơn mà người ta có thể đánh liều tiếp cận. Khi Petrarca leo lên được núi Ventoux và sững sờ trước vẻ hoành tráng của dãy núi Alps, ông đã hết sức băn khoăn không rõ niềm vui trước cảnh tạo tác này có là bất công đối với Tạo Hóa và tước mất của Tạo Hóa sự tôn thờ vốn chỉ dành cho một mình Ngài hay không. Thế là ông đành phải nương náu nơi Thánh Augustin để lấy lại sự an lòng của một tâm thức tôn giáo.
Những điều này đã thay đổi. Chúng ta đánh giá cao hơn thế giới trải nghiệm trực tiếp và nhiều thứ đã giúp chúng ta tạo cho thế giới ấy thành tổ ấm hoàn toàn của chúng ta. Khoa học đã đi đầu trong chiều hướng vận động này, vì nó đã đem đến một quan hệ gần gũi hơn với tự nhiên, góp phần tạo ra nhiều xung lực mới không chỉ làm phong phú cho các mảng đời sống của chúng ta mà còn tác động sâu sắc đến toàn bộ đời sống. Tư duy tư biện và chủ quan của các thời đại trước đã không thể phân tích được các nhận thức tri giác và đã không lọt được vào bản chất của các vật. Hơn nữa, sự thừa nhận một số tính quy tắc trong tự nhiên còn lạc hậu xa so với việc phát hiện các định luật toán học của tự nhiên mà thiên tài Kepler(4) là người đầu tiên trình bày. Và không những nó không thâm nhập được vào tự nhiên, mà ở mức độ tương tự nó cũng không biến các sức mạnh của nó thành hữu dụng với con người và đạt tới những tiến bộ trong việc phục vụ lợi ích của con người. Những sáng chế kĩ thuật nảy sinh đôi khi là kết quả may mắn ngẫu nhiên hơn là từ những tìm tòi đột phá sâu sắc; và nói chung con người vẫn không có khả năng tự vệ trước tự nhiên. Mới chỉ một thế kỉ trước đây, con người vẫn còn lúng túng và yếu đuối về mặt này. Ở thời đại của các thi sĩ và các nhà tư tưởng lớn đó, biết bao nhiêu thời gian đã bị tiêu phí nhằm khắc phục các trở ngại thiên nhiên, du lịch mới bất tiện làm sao, và dịch vụ bưu điện mới cồng kềnh làm sao. Trên mọi phương diện, thời đại chúng ta đã chứng kiến những thay đổi mà lịch sử trước kia chưa hề mơ tới. Quá trình tích lũy tri thức khoa học từ thế kỉ XVII đã mang đến một đoạn kết đại thắng lợi vào thế kỉ XIX. Bằng cách gỡ những thớ sợi riêng biệt của các quá trình tự nhiên và lần theo chúng ngược tới các yếu tố tối hậu, bằng việc đúc kết các hệ quả của những yếu tố này trong các công thức đơn giản, và cuối cùng bằng việc áp dụng ý tưởng về tiến hóa để kết hợp những gì riêng rẽ, nghiên cứu khoa học đã trao cho chúng ta một trải nghiệm gần gũi hơn và trực tiếp hơn về tự nhiên trên mọi bình diện của nó. Lí thuyết tiến hóa đồng thời đã chỉ ra sự phụ thuộc của con người vào tự nhiên: khi hiểu bản thân mình trong tự nhiên, bản chất của chính con người có vẻ trở nên rõ ràng hơn với chính anh ta.
Đi kèm với sự thay đổi các quan niệm là sự thay đổi các hiện thực cuộc sống. Công nghệ đã nắm bắt các kết quả khoa học và gây nên một cuộc cách mạng trong quan hệ của con người với môi trường. Các thời đại trước kia cho rằng vị trí của con người trong thế giới về cơ bản đã được quyết định và không thể thay đổi; con người phải chịu đựng bất cứ phán quyết nào của số mệnh và ý Chúa. Ngay cả nếu như anh ta có thể – và được trông chờ làm điều đó – tránh né đau khổ trong các trường hợp cá nhân, thì anh ta cũng không phải là đối thủ của toàn bộ sự đau khổ, do đó không có hi vọng gì xé tan được tận gốc tai họa và làm cho cuộc sống giàu có hơn, vui sướng hơn. Thế nhưng trong thời đại hiện nay, chúng ta đang biến thành hiện thực niềm tin cho rằng bằng nỗ lực chung nhân loại có thể cải thiện mức sống, và nguyên tắc lí trí có thể dần dần thay thế các thế lực phi lí tác oai tác quái. Con người lại có thể cảm thấy mình đắc thắng và đầy sáng tạo. Ngay cả nếu như quyền năng của anh ta bị giới hạn tại một thời điểm nào đó, thì cái thời điểm ấy chỉ là một thời điểm duy nhất trong một chuỗi xích dài. Những cái không thể của các thời đại trước kia đã thành hiện thực trong thời đại của chúng ta. Chúng ta đã chứng kiến những đột phá đáng kinh ngạc trong thời đại này và không thấy có giới hạn nào đặt ra trước sự vận động tiến lên này. Sự tồn tại của con người đã được làm cho phong phú vô cùng, trở nên hấp dẫn và thách thức đối với con người.
Tiến bộ kĩ thuật còn trở nên thú vị hơn khi nó tham gia vào việc phục vụ tư tưởng xã hội cho rằng không chỉ một nhóm thượng lưu tinh hoa nhỏ nhoi mà cả nhân loại sẽ được hưởng lợi bởi nó. Đòi hỏi này tạo ra một thách thức hoàn toàn mới cần đến nghị lực lớn lao nhưng cũng làm nảy sinh những phức tạp mới và những tương phản gay gắt và đến lượt chúng, chúng lại làm gia tăng mạnh mẽ niềm say mê công việc của con người trong thế giới này và làm phong phú thêm ý nghĩa của nó. Biến đổi môi trường đã trở thành mục đích của đời sống con người, cuộc sống dường như chỉ hiện thực chừng nào nó còn tiếp xúc với các sự vật. Con người không còn cần ẩn núp vào một thế giới vô hình để tìm thấy và thực hiện những mục tiêu cao xa.
Những sự kiện này là không thể tranh cãi. Môi trường vật chất của chúng ta và quan hệ của chúng ta với nó đã trở nên có tầm quan trọng to lớn. Bất cứ một triết lí nào và một tiến trình hành động nào dựa trên triết lí đó phải tính đến sự kiện này. Nhưng chủ nghĩa tự nhiên lại đi vượt lên khỏi sự kiện này, vì nó cho rằng con người hoàn toàn được quyết định bởi quan hệ của anh ta với thế giới, và anh ta chỉ là một mảnh của quá trình tự nhiên. Đó là một luận điểm khác đòi hỏi phải xem xét cẩn thận. Vì lịch sử đã dạy chúng ta rằng xét đoán của chúng ta dễ rối rắm mơ hồ và cường điệu khi các thay đổi cách mạng lật nhào sự cân bằng sự vật cũ. Các sự việc và lập luận bị con người làm cho rối rắm, vì anh ta bất lực trước sai lầm và cảm xúc. Vào một thời điểm như thế, có một nhiệm vụ trở nên cấp bách là tách các sự việc ra khỏi các lí giải dành cho chúng. Chủ nghĩa tự nhiên cũng phải chịu sự soi xét kĩ lưỡng như vậy khi nó biến một sự việc thành một nguyên lí, coi toàn bộ đời sống con người được quyết định bởi quan hệ gần gũi hơn của anh ta đối với tự nhiên và điều chỉnh mọi giá trị theo đó.
Lí lẽ chính chống lại một sự giới hạn đời sống con người như vậy là kết quả không phải của suy ngẫm chủ quan mà của một sự phân tích bản thân sự vận động hiện nay. Sự xuất hiện và tiến bộ của sự vận động đó bộc lộ một khả năng trí tuệ mà cho dù nó có tự thể hiện là sự nắm vững tự nhiên về mặt trí tuệ và kĩ thuật hay là một tạo tác xã hội có tính thực tiễn, nó chứng tỏ sự tồn tại của một phương thức sống không thể được tính đến, nếu chỉ hiểu con người là một sinh vật tự nhiên thuần túy. Vì càng tiến gần hơn tới tự nhiên con người tỏ ra mình cao hơn nó. Nếu chỉ là một bộ phận thuần túy của tự nhiên thì sự tồn tại của con người sẽ chỉ là một chuỗi các hiện tượng biệt lập. Toàn bộ cuộc sống sẽ xuất phát từ và phụ thuộc vào mối tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Sẽ không có cách nào vượt lên trên giới hạn của các giác quan. Sẽ không có chỗ nào cho bất cứ hoạt động nào được chi phối bởi một tổng thể hay một thực thể cao hơn, cũng như cho bất cứ sự kết dính nội tại nào của sự sống. Tất cả những giá trị và mục đích sẽ biến mất và hiện thực sẽ được quy về tính cấp bách thuần túy. Nhưng trải nghiệm của tạo tác con người đã chứng tỏ một bức tranh rất khác.
Khoa học hiện đại không phải là kết quả của một sự tích lũy dần dần cảm nhận của các giác quan mà là một sự đoạn tuyệt có chủ ý với toàn bộ kho tri thức truyền thống. Một sự đoạn tuyệt như vậy là cần thiết bởi vì các quan niệm cũ đã quá nhân hình hóa, trong khi hiểu biết mang tính khoa học về tự nhiên đòi hỏi sự thừa nhận sự độc lập hoàn toàn của nó đối với con người. Thế mà các quan niệm của chúng ta đã không thể trình bày rõ ràng sự độc lập của tự nhiên nếu như tư duy không giải phóng nó khỏi các ấn tượng cảm giác, và thông qua phân tích và tổng hợp mới mà tạo ra một cái nhìn mới về tự nhiên. Sự sáng tạo lại này có được là do sự tìm kiếm chân lí và mong muốn đặt mình vào các sự vật như chúng vốn có, do đó đem lại một sự bành trướng nội tại của cuộc sống. Nhưng làm sao có thể nhận thức tự nhiên theo cách như vậy nếu không có yếu tố may mắn ngẫu nhiên và sự sai lệch vốn nằm trong viễn cảnh của cá nhân, nếu như tư duy không thể hoạt động một cách độc lập với sự cảm nhận của giác quan? Tư duy logic, cố vươn tới một quan niệm thống nhất về vũ trụ, đã biến đổi sự cảm nhận trực tiếp của giác quan; nó cung cấp cái nền của thế giới tư duy cho sự tồn tại cảm giác. Thành tựu tri thức lớn lao của con người là đạt được nhận thức tự nhiên trong tổng thể của nó và chứng tỏ sự vượt trội của con người đối với thế giới tự nhiên và sự tồn tại của một cấp độ hiện thực khác. Do vậy chúng ta có thể nói rằng chủ nghĩa tự nhiên với sự nhấn mạnh vào tự nhiên của nó bị bác bỏ một cách thuyết phục không ở đâu bằng trong khoa học hiện đại khi nó biến đổi tự nhiên thành một quan niệm tri thức. Chúng ta càng công nhận thành tựu tri thức và cơ cấu bên trong của khoa học hiện đại bao nhiêu thì khoảng cách đến chủ nghĩa tự nhiên càng trở nên xa hơn.
Sự vượt trội của con người đối với tự nhiên thuần túy cũng được chứng tỏ bằng kĩ thuật hiện đại, vì nó đòi hỏi và chứng minh sự tiên đoán giàu tưởng tượng và việc lập kế hoạch, việc lần theo các khả năng mới, các tính toán chính xác và những cuộc phiêu lưu táo bạo. Làm sao tự nhiên thuần túy có thể đạt được những thành tựu này? Các phong trào xã hội cũng bộc lộ một điều rằng con người không hoàn toàn bị giới hạn bởi một trật tự cho trước, mà là một sinh vật biết nhận thức và xét đoán một tình huống có sẵn và tin rằng nó có thể thay đổi một cách căn bản bằng những nỗ lực của chính mình. Chúng ta dần biết đánh giá cao hơn các sự vật vật chất, không phải vì các đặc tính cảm quan của chúng mà bởi vì chúng giúp ta nâng cao đời sống và thống trị thế giới một cách hoàn toàn. Chúng ta không nhắm đến việc tăng các khoái cảm nhục dục mà nhắm đến một tình huống trong đó bất cứ người nào và mọi con người hợp lại có thể phát triển sức mạnh đầy đủ của mình. Chỉ đơn thuần nhắc đến một ý tưởng xã hội đã ngụ ý những mối quan tâm chung ở trên tính ích kỉ của cá nhân, và ý tưởng này sẽ không bao giờ đạt được sức mạnh mà nó có nếu nó không được nhận thức vừa là nghĩa vụ vừa là đặc quyền. Yếu tố luân lí vốn có trong nó tạo cho nó sức mạnh chinh phục các bộ óc, lôi cuốn các tín đồ cuồng nhiệt và chiếm ưu thế ngay cả đối với sự miễn cưỡng. Nhưng không hề có một chỗ nào như thế cho một yếu tố luân lí trong lãnh địa của tự nhiên thuần túy; do vậy chỉ đơn thuần sự tồn tại của một phong trào xã hội cũng đã bác bỏ chủ nghĩa tự nhiên.
Những lí lẽ trên dẫn tới kết luận rằng chủ nghĩa tự nhiên không còn là một biểu hiện phù hợp với lối sống hiện nay. Trái lại, lối sống đó đã lớn vượt khỏi cội nguồn và bộc lộ sự độc lập tinh thần lớn hơn nhiều so với điều mà chủ nghĩa tự nhiên có thể thừa nhận. Bản thân cuộc sống đã mâu thuẫn với cách lí giải cuộc sống theo kiểu đó. Việc môi trường xung quanh không có ý nghĩa gì đối với chúng ta nữa không có nghĩa là chúng ta chỉ là một phần của nó. Chủ nghĩa tự nhiên mắc sai lầm là gán cho tự nhiên những thay đổi mà trí tuệ đã tác động lên nó. Sai lầm này bắt nguồn từ việc tập trung vào các tác động và bỏ qua sức mạnh mà chỉ mình nó có thể tạo ra các tác động kia.
Điều vẫn còn lại là trí tuệ cần môi trường để làm đối tượng làm việc, và xét về phương diện này thì nó phụ thuộc vào môi trường. Nhưng liệu một tình trạng như vậy có đối đầu với cuộc sống bằng một xung đột không thể chịu nổi không? Sự biến đổi môi trường đã giải phóng những năng lực trí tuệ bao la củng cố thêm cho đòi hỏi của cuộc sống về hạnh phúc và sự thỏa mãn. Cuộc sống liệu có cảm thấy hết sức bó hẹp nếu con người chỉ phải xử lí với thế giới bên ngoài, nếu như anh ta không bao giờ quay về với chính mình và sử dụng những kết quả của bao nhiêu lao động kì lạ của mình cho hạnh phúc của chính mình? Bản thân thành quả ấy bị giới hạn nhiều nếu như đối tượng của nó bao giờ cũng chỉ là thế giới bên ngoài và không bao giờ được đưa vào chính cuộc sống của chúng ta. Nghiên cứu khoa học một đối tượng bên ngoài không bao giờ có thể dẫn tới tri thức đích thực, hoàn hảo về nội tại. Chừng nào chúng ta còn xem xét con người như một vật ở bên cạnh chúng ta, thì sẽ không có cộng đồng tương ái nội tại. Nghị lực không được chi phối bởi một trung tâm và không quay trở về với nó sẽ không bao giờ tạo ra được nội hàm của cuộc sống; nó khiến chúng ta trống rỗng giữa sự hồi hộp sôi trào. Đây là một trải nghiệm chung và đau đớn. Và phải chăng cái cảm giác trống rỗng ấy đã chứng minh rằng có những chiều sâu đáng kể bên trong chúng ta đang đòi được thỏa mãn? Vậy là chúng ta đối mặt với câu hỏi có phải cuộc sống bằng cách nào đó không đi quá cái vị trí đã đạt được cho đến nay, có phải nó không thể từ một công việc với các đối tượng bên ngoài quay về một công việc với chính nó và sự trải nghiệm và hình thành của chính nó. Chỉ có sự vận động của chính cuộc sống mới đưa ra câu trả lời; nào chúng ta hãy xem xem nó có phải là câu trả lời khẳng định hay không.
Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nói một cách tin tưởng rằng có. Chúng ta chỉ cần xem xét các hiện tượng cá thể rõ ràng và không thể tranh cãi như là một toàn thể và đánh giá cái toàn thể ấy trong ý nghĩa đầy đủ của nó nhằm công nhận rằng dĩ nhiên có một sự vận động lớn lao bên trong chúng ta, nó tạo ra một lối sống mới về cốt lõi. Cho đến nay tranh luận của chúng ta vẫn xem cuộc sống là cái gì đó nằm giữa chủ thể và khách thể, giữa con người và thế giới, giữa nghị lực và sự vật. Tuy nhiên sự vật thì chỉ được chạm tới từ bên ngoài; nó vẫn xa lạ với chúng ta xét về bên trong. Nhưng bây giờ hoạt động trí tuệ đã đi một bước ngoặt tới tác dụng là khách thể được đưa vào trong tiến trình của cuộc sống, được ráp vào trong linh hồn, nó kích thích và làm chúng ta vận động như một bộ phận của cuộc sống của chính chúng ta. Hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ, chẳng hạn ở Goethe, là một ví dụ về điều này. Chúng ta gọi đó là mục tiêu sáng tạo, nhưng nói như thế không có nghĩa rằng thế giới bên ngoài được khắc họa trong thực thể cảm giác của nó mà không có chút bổ sung nào của linh hồn; đúng hơn, khách thể bên ngoài trở thành một phần của linh hồn. Có một mối quan hệ hiệu quả giữa nghị lực và khách thể; chúng kết hợp với nhau, nâng đỡ nhau và tạo ra một thực thể sống hoàn chỉnh mới. Trong cuộc sống ấy linh hồn được hà hơi vào khách thể, hay linh hồn có ở trong nó được làm cho lên tiếng, và trong tác động đến khách thể, nghị lực mất đi đặc tính không xác định ban đầu của nó và có được sự xác định đầy đủ. Thi sĩ hiện ra như một người có phép màu ban ngôn ngữ cho các sự vật trong đó chúng ngợi ca sự tồn tại của chính bản thân chúng, nhưng chúng trở nên sinh động khi ở trong linh hồn của thi sĩ, chỉ trong thế giới bên trong. Một điều tương tự như quá trình thi vị này cũng diễn ra trong cuộc sống thực tế, trong mối quan hệ của những con người khi mối quan hệ đó biểu hiện trong luật pháp và luân lí đạo đức. Một con người khác thoạt đầu có vẻ như là một kẻ bên ngoài được đưa vào trong phạm vi cuộc đời chúng ta khi chúng ta bắt đầu có khả năng đồng nhất mình với anh ta. Không ở đâu quá trình làm nên cái phần riêng dường như lạ lẫm của bạn được thể hiện rõ như trong tình yêu, mối quan hệ cao nhất của hai cá thể. Vì ở đây sự cách biệt giữa bản thân và người kia được bắc cầu hoàn toàn; cái từng là lạ lẫm trở thành phần hữu cơ của cuộc sống bản thân mình. Chúng ta cũng không thể yêu nhân dân mình, đất nước mình hoặc toàn thể nhân loại nếu như chúng ta không tìm thấy ở họ cuộc sống và sự tồn tại của chính chúng ta. Trong một hướng khác, việc tìm kiếm sự thực dần tới việc mở rộng cuộc sống nội tại của chúng ta. Bởi lẽ làm sao chúng ta có thể mong muốn tìm hiểu đối tượng tha thiết đến thế nếu như nó không dính dáng, tồn tại theo kiểu nào đó với cái bên trong cuộc sống chúng ta, nếu như bao lao tâm khổ tứ đã bỏ ra cho việc ấy không đóng góp vào việc hoàn thiện cho sự tồn tại của chính chúng ta?
Vậy là cái chân, thiện, mĩ đều nhất trí rằng khách thể trở thành một phần của quá trình sống bên trong, nhưng điều này không thể nào diễn ra nếu không có những thay đổi sâu sắc trong cơ cấu và ý nghĩa của quá trình ấy. Giờ đây cuộc sống đang thụ lí chính bản thân nó; năng lượng và khách thể gặp nhau trong đó và đòi hỏi một sự cân bằng. Tuy nhiên, không thể có sự cân bằng nếu như cả hai cái đó không được lĩnh hội trong một cái toàn thể, cái toàn thể này tìm được sự sống và sự hoàn thiện của nó trong chúng. Vậy là sự sống đã bước vào mối quan hệ với chính nó, nó được cơ cấu trong chính bản thân nó ở các mức độ khác nhau và sinh ra trong nó một chiều sâu mới, một năng lượng toàn diện và bền bỉ. Nếu điều này xảy ra, cái toàn thể có thể hiện diện và có tác động trong từng chi tiết. Chỉ có theo cách này thì những xác tín và thái độ mới có thể có được, tính cách và cá tính mới có thể thể hiện trong các hoạt động đa dạng. Sự hòa nhập vào trong quá trình sống tạo cho khách thể một hình thức mới cao hơn, và sự sống không chỉ đơn thuần là sự thể hiện và là của riêng của một hiện tại đã cho; nó phát huy và sáng tạo; nó không tìm ra một thế giới, mà phải tạo lập một thế giới cho chính nó.
Như vậy sự sống không chỉ đối mặt với thế giới bên ngoài, mà với cả chính nó. Nó tạo ra một lãnh địa riêng của tinh thần. Bằng cách kết hợp với nhau, những vận động khác nhau sản sinh ra một thế giới nội tại, và cái thế giới nội tại này, thông qua sự đảo ngược hoàn toàn tình thế ban đầu, trở thành điểm xuất phát cho mọi hoạt động trí tuệ. Thế giới ấy không phải là một thế giới riêng; chân, thiện, mĩ không phải là riêng biệt đối với mỗi cá nhân. Chúng ta sống trong một thế giới chung và thành tựu cá nhân có giá trị và trở thành sở hữu của chúng ta. Chính sự kì vĩ của thế giới mới ấy hàm chứa ở điều này. Sự sống mới trong cá nhân có đặc tính phổ quát, và trong việc mưu cầu cuộc sống này cá nhân ngày càng tìm thấy bản ngã đích thực của mình và rời bỏ điểm xuất phát hạn hẹp của mình. Sự tự bảo tồn đơn thuần ngày càng trở nên ít thỏa mãn hơn.
Nếu chúng ta nhìn gần hơn sự phát triển này của sự sống và xem xét các năng lượng và hình thái của nó, sự đảo ngược hoàn toàn mà nó đã gây ra và những nhiệm vụ mới mà nó đã tạo nên, thì chúng ta không còn nghi ngờ gì về việc nó không phải là sản phẩm hư cấu thuần túy của trí tưởng tượng của con người nhằm thỏa mãn thú vui của mình. Hiển nhiên nó là một cấp độ hiện thực mới, tạo ra những nhiệm vụ mới cho con người. Sự vận động hướng tới những mục đích mới, sự phát triển của một mối quan hệ cơ bản thân thuộc với hiện thực và sự cấy ghép một sự sống không xác định vào sự tồn tại của con người không thể chỉ đơn thuần là những sáng tác của con người. Thậm chí con người không thể tưởng tượng được những việc như thế. ở đây phải có một xung lực sống từ vũ trụ bao trùm, lôi cuốn chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để tranh đấu cho hiện thực mới, để đưa nó vào thế giới của hiện thực tự nhiên, và để tham gia vào sự vận động của vũ trụ. Nếu như không bắt rễ vào thực tại của vũ trụ, những khát vọng của chúng ta sẽ không thể chiếm được một chỗ đứng và hướng đi chắc chắn. Cuộc sống ở cấp độ của chúng ta không thể tồn tại bên trong bản thân nó và phát huy nó nếu như không có toàn bộ hiện thực tồn tại bên trong nó và luôn ở trong một sự vận động hướng nội.
Tầm quan trọng của con người và sự căng thẳng trong đời sống của anh ta tăng lên vô ngần trong quá trình thay đổi này. Thoạt đầu thuộc cấp độ tự nhiên, con người bước lên một cấp độ hiện thực mới trong đó anh ta chủ động hoạt động với năng lượng của cái toàn thể, và như vậy anh ta không còn đơn thuần là một bộ phận của một trật tự ấn định mà trở thành một sân khấu trên đó các thế giới gặp nhau và tìm kiếm sự phát triển tiếp theo. Và anh ta còn hơn cả một sân khấu. Bởi vì dẫu rằng sự vận động ấy của thế giới không thể vượt ra ngoài anh ta, nó cũng không thể được kích hoạt trên sân khấu này nếu thiếu quyết định và hành động của con người. Anh ta hợp tác với toàn bộ các thế giới để cho sự hạn chế và tự do, cái hữu hạn và cái vô hạn đều tụ họp trong anh ta. Thế giới không còn là xa lạ với anh ta, và với cái toàn thể của sự sống của nó thì thế giới ấy trở thành tinh túy sâu xa nhất của chính con người.
Chính sự phát triển này của sự sống tới mức tự thể hiện đầy đủ mà chủ nghĩa lí tưởng đã chiếm lấy và dựa trên đó nó tạo nặn các mục tiêu của nó và tập trung các nỗ lực, tuy rằng cấp độ tự nhiên vẫn còn và đời sống trí tuệ của con người chỉ có thể phát triển trong sự giao lưu thường xuyên với nó. Nhưng điều này vẫn không giải quyết sự tương phản cơ bản là chủ nghĩa lí tưởng, khác với chủ nghĩa tự nhiên, không hiểu tinh thần bằng tự nhiên mà hiểu tự nhiên bằng tinh thần.
Sự xung đột lại mới xuất hiện giữa hai lập trường là do thế giới mới, do nó có tác dụng như thế nào đi nữa từ tận đáy linh hồn, vẫn phải được giành giật lấy chỉ trong một cuộc đấu tranh không ngừng mà nó luôn tạo nên những phức tạp mới. Không chỉ cá nhân phải làm cho thế giới ấy thành của chính anh ta, mà cả nhân loại nói chung cũng phải tranh đấu vì một hình thái xác định hơn của nó, hình thái này không cho sẵn cho chúng ta mà phải được khám phá và thực hiện bởi chính chúng ta. Lịch sử đã biết nhiều cách tiếp cận mục tiêu này, nhưng rốt cuộc chưa có cách nào tỏ ra hoàn hảo. Chúng ta trải nghiệm thế giới tinh thần thoạt đầu chỉ một cách rời rạc và mơ hồ; nhiệm vụ của chúng ta là đạt được một hình thức toàn diện tạo cho nó đặc tính xác định và làm cho nó trở thành một thứ sở hữu hoàn toàn và an toàn. Giờ đây ở những điểm cao của lịch sử, nhân loại đã cố gắng tiến tới một sự tổng hợp sự sống có thể bao quát và tạo ra hình thức cho toàn bộ cái tồn tại. Thành công dường như đã đến với cố gắng trong cao trào đầu tiên, nhưng chẳng bao lâu sau những trở ngại xuất hiện, và khi chúng lớn dần thì mới rõ rằng cuộc sống trong tổng thể của nó không phù hợp với những biện pháp đã đề ra. Những vận động cá thể giải thoát mình khỏi cơ cấu đã dự kiến, và thời kì sáng tạo khả quan cùng với sự gắn kết các yếu tố bị thay thế bởi một thời kì phê phán và rã đám, do đó việc tìm kiếm tính thống nhất của sự sống dẫn tới một sự tổng hợp mới. Vậy là, các thời đại tập trung và phát triển nối đuôi nhau, và cả hai loại này cùng phục vụ khát vọng của con người hướng tới nội dung tâm linh của sự sống. Những thành tựu quá khứ sẽ luôn luôn có vẻ như nhỏ bé, và nhu cầu bảo tồn khía cạnh tâm linh của đời sống sẽ luôn dẫn tới một nỗ lực mới. Sự kì vĩ của nhân loại được thực hiện trong sự bền bỉ đến vậy của mục đích, trong sự tiến bộ không ngừng đến vậy, và trong cuộc đấu tranh với cái vô hạn.
Sự trải nghiệm của nền văn minh Châu Âu từ kỉ nguyên Hi Lạp đã bộc lộ quá trình này với tính chất mạnh mẽ đặc biệt. Đời sống Hi Lạp có tầm quan trọng dài lâu của nó trong cái nghị lực vui vẻ mà nó dồn vào việc tổng hợp ban đầu toàn bộ phạm vi sự tồn tại của chúng ta. Nó đã làm điều đó bằng nghệ thuật, nhất là mĩ thuật, và sự tổng hợp này dùng làm điểm xuất phát cho sự tỏa nhánh đa dạng của nền văn minh. Khoa học đã cố gắng xác định tòa nhà vĩnh cửu của Vũ trụ đằng sau những hỗn độn của các hiện tượng thay đổi nhau. Hành động đã được coi là biến khối thịnh vượng chung của nhân loại thành một tác phẩm được đo lường nghiêm ngặt và cấu trúc hoàn bị, còn cá nhân là sự kết hợp một cách hết sức hài hòa mọi nghị lực, năng lượng đa dạng và những ham muốn của linh hồn. Những nỗ lực này đơm hoa kết quả trong một khuôn mẫu sự sống chi li. Hoạt động được dấy lên khắp nơi, một sự cân bằng của các bên xung đột đã đạt được cùng với sự ổn định và niềm vui bên trong. Tất cả những thành tựu này đã trở thành một thành quả thường trực. Nhưng nhân loại không thể dừng lại ở đó. Kinh nghiệm sống đã tạo ra những nhiệm vụ lớn lao hơn; những tương phản và xung đột lớn hơn mức có thể giải quyết bởi nó. Người ta nhận ra rằng một cái đích cuối cùng đã được đặt ra vội vã, quá sớm, rằng linh hồn có những bề sâu còn chưa dò được đầy đủ bởi nó. Cái tổng thể đã được đặt trên giả thiết về sự có mặt tức thời và quyền lực không chống đỡ nổi của trí tuệ trong đời sống con người, rồi một thời đại yếu đuối hơn đã tỏ ra nghi ngờ sự hiện diện đó. Một thời kì rã đám tiếp theo sau. Các yếu tố nhiều vẻ bị tách rời, nhưng bất chấp tất cả những tác động tiêu cực của nó, thời kì này đã chuẩn bị cho một sự tổng hợp mới. Một sự tổng hợp như vậy đã xuất hiện ở đạo Ki-tô nguyên sơ, nơi mà toàn bộ thực tại được đặt phục tùng cho ý tưởng đạo đức, và tính đa dạng của sự sống được quy về nghĩa vụ đạo lí. Nhưng khi xem xét tính yếu đuối về đạo đức của con người và sự thiếu lí trí trong thế giới nhân loại, sức mạnh để giải quyết một nhiệm vụ như thế đã được rút từ một trật tự mệnh lệnh. Do đó, sự tổng hợp đạo đức đồng thời có đặc tính tôn giáo và cùng với nó ảnh hưởng đến toàn bộ phạm vi đời sống; nó đã tạo ra một thế giới nội tại thuần túy lần đầu tiên thiết lập ưu thế tuyệt đối của tinh thần đối với tự nhiên.
Tuy cuộc sống kiểu này vẫn còn giá trị trong thế giới của chúng ta, hình thái ban đầu của nó đã gặp phải sự chống đối ngày càng mạnh mẽ từ khi bắt đầu thời kì hiện đại. Một nhân loại mới tràn đầy tinh thần cao đẹp đã thấy trong nó quá ít chỗ để phát triển sức mạnh của mình. Đồng thời, một mong muốn có một nền văn hóa phổ quát bao trùm lên mọi lĩnh vực đời sống với tình yêu ngang nhau, đã cảm thấy bị gò bó bởi sự tổng hợp đạo đức – tôn giáo này. Từ đây một sự tổng hợp mới nổi lên, trong đó ý tưởng cơ bản là sự phát triển vô tận của mọi năng lực và trong đó sự phát huy đời sống trở thành mục đích của chính nó. Thôi thúc này đã làm chuyển động bất cứ cái gì còn có vẻ đang tĩnh tại. Tiến bộ thường xuyên đã ảnh hưởng không chỉ đến tự nhiên, mà đến chính con người. Không gì có vẻ đặc trưng về con người hơn khả năng của nó vươn tới cái vô hạn bằng sức mạnh của tinh thần của mình bất chấp những hạn chế tự nhiên của bản thân. Đời sống kiểu này vẫn đang dâng lên quanh chúng ta từ mọi phía và đang xâm nhập ngày càng sâu hơn vào các nhánh rẽ của tồn tại. Tuy nhiên, từ dưới đáy tâm hồn chúng ta và ở đỉnh cao của nỗ lực trí tuệ, những nghi ngờ mới đang bắt đầu nổi lên về giải pháp này. Đầu tiên chúng ta băn khoăn liệu toàn bộ phạm vi cái tồn tại quả thực có thể biến thành một sự vận động đi lên phía trên hay không, và liệu bản thân sự vận động này có tạo ra những vấn đề, những phức tạp mới mà nó không thể xử lí nổi hay không; liệu sự giải phóng mọi năng lực có làm dấy lên những tương phản và những đam mê đe dọa sự thanh khiết của sự tồn tại của chúng ta hay không. Và ngay cả nếu như chúng ta chế ngự được những nghi ngờ đó, thì những nghi ngờ khác lớn hơn xuất phát từ câu hỏi liệu sự biến đổi thành hoạt động không ngừng có thực sự làm kiệt quệ đời sống và thỏa mãn được linh hồn hay không. Vì nếu sự vận động không tìm được cho nó sự cân bằng trong một trạng thái tĩnh cao hơn nó mà từ đó có thể lĩnh hội được nó, thì khả năng tồn tại sự sống bên trong nó sẽ biến mất. Chúng ta không thể gán bất cứ nội dung nào cho sự sống được nữa; nó là một sự mong mỏi thường xuyên và nôn nóng cái xa xôi không bao giờ trở về với nó và định hình được nó. Chúng ta cũng không thể bảo vệ mình chống lại chủ nghĩa tương đối vô hạn độ, nếu như chân lí của ngày hôm nay bị thay thế ngày mai. Sự bồn chồn không ngơi nghỉ và vội vã của hoạt động tiến lên như vậy không thể ngăn ngừa được sự trống rỗng đang tăng lên và ý thức về nó. Mặc dù có những thành quả kĩ thuật vĩ đại trong những lĩnh vực cụ thể, con người trong tổng thể tồn tại của mình lại phải chịu suy vi: cá tính hùng mạnh và mang tính cá thể sẽ dần dần biến mất.
Và ngay khi chúng ta nhận thức được những hạn chế và khiếm khuyết của sự tổng hợp sự sống hiện đại này, chúng ta thôi không còn tin vào nó nữa. Trật tự cũ sẽ tan rã và những tương phản sẽ lại xuất hiện với đầy đủ sức mạnh. Hoạt động tự tin một lần nữa sẽ lại nhường chỗ cho nghiền ngẫm suy tư; một lần nữa chúng ta sẽ lại từ một thời kì khả quan bước vào một thời kì nguy kịch.
Nếu cuộc sống thiếu một sự thống nhất chi phối và một trung tâm, trong khi sự biến đổi thế giới bên ngoài đạt được những thắng lợi vang dội, thì thật không thể hiểu được nếu sự cân bằng cuộc sống bị mất đi, và những thành công bên ngoài sẽ dần thống lĩnh toàn cảnh. Thành quả khiến chúng ta quên mất sức mạnh đã tạo ra nó. Giáo dục hoạt động từ cái bên ngoài vào cái bên trong, và rốt cuộc con người dường như hoàn toàn là một sản phẩm của môi trường của mình bởi vì năng lực trung tâm đã không thể đối phó được với sự ào ạt của thế giới bên ngoài được nữa. Trong một bối cảnh như thế chủ nghĩa tự nhiên lại thể hiện sức mạnh vượt trên linh hồn, và chúng ta hiểu rõ sự tiến bộ của nó là sự biểu hiện của hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng cũng chính nhờ hiểu được nó mà chúng ta càng tin chắc hơn rằng đó không phải là toàn bộ chân lí của trải nghiệm con người.
Những mưu toan kéo con người xuống cấp độ tự nhiên của nó chỉ có thể thành công chừng nào sự tồn tại của con người không đem đến những năng lực và mục đích mới. Nhưng vì chúng ta đã thừa nhận rằng con người đại diện cho một cấp độ hiện thực mới khiến cho hoạt động trí tuệ có thể diễn ra, chúng ta sẽ không đơn thuần quay về với tự nhiên. Hiện thực mới có thể tạm thời mất đi trong ý thức con người, nhưng những kết quả của lịch sử đã được ghi dấu vào linh hồn con người, giữa bao đấu tranh, nghi ngờ và sai sót. Ngay cả trong sự phủ nhận, chúng cũng vẫn đặt con người cao hơn hẳn cấp độ tự nhiên thuần túy, và chủ nghĩa tự nhiên dường như đủ chỉ vì nó không ngần ngại vay mượn một cách ồ ạt từ chủ nghĩa lí tưởng. Nếu những vay mượn này biến mất và chủ nghĩa tự nhiên phải dựa vào những cội nguồn của chính nó, thì tính chất không phù hợp sẽ trở nên hết sức rõ ràng. Sẽ có một cuộc nổi loạn có tính quyết định chống lại quan điểm nhìn cuộc sống vô cùng nông cạn, kèm theo một phong trào mạnh mẽ tiến tới chủ nghĩa lí tưởng và sự tìm kiếm một cách tổng hợp sự sống mới.
Điều chắc chắn là mong muốn mạnh mẽ mới đối với sự tồn tại của cuộc sống bên trong nó và đối với một thế giới nội tại phong phú sẽ không thể được thỏa mãn bằng cách quay trở lại một giai đoạn trước đây. Có thể sẽ có những chân lí bất hủ trong những tổng hợp cũ hơn về cuộc sống, nhưng làm sao chúng ta có thể giải thích được sự hoang mang to lớn và cảm giác không chắc chắn về toàn bộ cuộc sống nếu như những chân lí này, như chúng đã được truyền lại trong lịch sử, hàm chứa chân lí tối hậu? Chúng ta đã xem xét những thay đổi sâu sắc mà thời đại hiện nay đã mang lại, và chúng ta đã thừa nhận sự móc nối gần gũi giữa con người với môi trường và tầm quan trọng ngày càng tăng của môi trường ấy. Đồng thời, chúng ta đã thấy những trở ngại khắc nghiệt trước những cố gắng trí tuệ hóa hoàn toàn sự tồn tại, chúng ta cảm thấy sự ngăn cách sâu sắc giữa tồn tại trực tiếp của con người và những đòi hỏi của đời sống trí tuệ, và chúng ta nhận thức được rằng chúng ta phải xem xét lại hình ảnh về con người của chúng ta nhằm đạt tới điểm sáng tạo trí tuệ. Chúng ta không còn có thể hi vọng làm toàn bộ sự tồn tại vận động chỉ bằng một cú huých. Trước tiên chúng ta phải cố tạo ra một hạt nhân của sự sống và củng cố vị trí này; rồi chúng ta sẽ phải đương đầu với môi trường và dần dần lấn lên nó. Những cái nhìn sâu sắc và những nhiệm vụ mới của thời đại sẽ được sử dụng đầy đủ trong nỗ lực này, nhất là tiến bộ to lớn đã đạt được trong phúc lợi của loài người nhờ có khoa học. Chỉ có điều chúng ta không được đồng hóa những yếu tố mới này dưới dạng dục vọng trực tiếp. Chúng ta sẽ phải chiết rút ra hạt nhân của chân lí, và điều này chỉ có thể làm được trong bối cảnh toàn bộ trải nghiệm lịch sử. Bất cứ sự xác tín nào chuyển tải được nhân loại cần một trí óc mở cho những vận động của thời gian, nhưng sự cởi mở trí óc như vậy không được dẫn đến sự trôi dạt vô vọng đằng sau.
Cuộc tái sinh của chủ nghĩa lí tưởng có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn và trở ngại, nhưng nhiệm vụ là cấp bách và chúng ta không được lẩn tránh nó. Một khi nhân loại đã đạt được một sự tồn tại của sự sống bên trong bản thân mình thì họ không thể từ bỏ nó nữa; họ phải sử dụng tất cả sức mạnh và tài trí của mình để thực hiện đòi hỏi cấp bách ấy. Một khi con người đã thoát khỏi xiềng xích của đời sống tự nhiên, anh ta không thể quay trở lại với nó nữa; một khi đã vươn lên hoạt động độc lập, anh ta không thể lại làm đồ chơi của những sức mạnh bí hiểm nữa; một khi đã xâm nhập vào vũ trụ và cái vô tận của nó, anh ta không thể quay về với những ràng buộc của tồn tại tự nhiên; một khi những khao khát một mối quan hệ (bên trong nội tại) đối với thế giới đã khuấy động cõi lòng anh ta, thì những mối quan hệ bên ngoài không còn làm anh ta thỏa mãn nữa. Như vậy là có một sự thôi thúc vượt lên chủ nghĩa tự nhiên trong mọi phương hướng.
Những trải nghiệm và nhu cầu đặc thù của thời đại chúng ta mạnh mẽ đòi hỏi sự hồi sinh vận động đi tới chủ nghĩa lí tưởng. Sự gia tăng vững chắc của công việc và sự dồn dập của cuộc đấu tranh vì tồn tại đã làm mờ đi ý nghĩa của sự sống và làm cho cuộc sống chúng ta mất đi mục đích chi phối. Liệu chúng ta có thể hi vọng giành lại mục đích đó mà không cần một sự tập trung hùng mạnh và một sự nâng cao tâm hồn con người hay không? Có những nét vạch già nua trong bức tranh đầy màu sắc của cuộc sống hiện đại, và có một thúc bách lớn lao đòi hỏi trẻ hóa, đòi hỏi phải sinh ra những khởi đầu thuần khiết và độc đáo. Một sự thôi thúc như vậy có phải là ngu ngốc không nếu con người bị quyết định hoàn toàn bởi một tiến trình tự nhiên? Sức sáng tạo của trí óc mọi thời đều bị bao vây và thường bị che lấp bởi những lợi ích nhỏ mọn, nhưng chúng tạo ra một khác biệt đáng kể cho dù chúng ta có kiểm soát được lề thói ngu dân đó hay không. Nếu chúng ta có thể, thì chúng ta cần một mục đích thống nhất và nâng cao con người lên; nếu không, chúng ta bị rơi vào vòng kiềm tỏa của thói nhỏ mọn con người, mà thế giới ngày nay đang có rất nhiều. Trong mớ bòng bong của đời sống hàng ngày ít có sự phân biệt giữa cái cao và thấp, thật và giả, chân và ngụy. Không có cảm giác của cái thực chất, không có sự công nhận cái vĩ đại này khác bao trùm cuộc sống con người. Chúng ta sẽ phải tách bạch gạo với trấu và trong một hành động tập trung, thu thập tất cả những gì mà thời đại hàm chứa trong những sự vật tốt đẹp và quan trọng, sự phong phú của thiện chí và sự sẵn sàng hi sinh, sao cho những sự vật này sẽ thống nhất cho một nỗ lực chung và ban cho cuộc sống một nội dung đáng để sống. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể thực hiện được một sự tách bạch như vậy và một tập hợp như vậy nếu không có sự tổng hợp cuộc sống bên trong đưa nhân loại vượt lên nỗi bất an của những suy ngẫm cá nhân?
Sự tương phản thể hiện trong cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa lí tưởng không chỉ bó trong nét đại cương của đời sống; nó được phát hiện thấy trong bất cứ lĩnh vực cụ thể nào đại diện cho toàn bộ sự xác tín. Nó tạo nên sự khác biệt ghê gớm là hoặc con người chịu phục tùng sự tồn tại ấn định và cố gắng cải thiện nó chỉ một cách lẻ tẻ hoặc, được cổ vũ bởi niềm tin vào sự vận động đi lên của vũ trụ, con người có khả năng đóng góp một cách độc lập vào sự vận động đó, khám phá những mục đích mới và giải phóng những năng lực mới. Văn học là một trường hợp trong đó, như tôi sẽ chỉ ra trong một vài lời, chủ nghĩa tự nhiên không thể ban cho văn học một sự độc lập bên trong hoặc cho phép nó có sự chủ động của chính nó; bởi vì nếu văn học chỉ là cái kim của cuộc sống trên mặt số thời đại, thì nó chỉ có thể bắt chước và ghi nhận các sự kiện như chúng diễn ra. Bằng cách mô tả ấn tượng nó có thể giúp thời đại hiểu được những khao khát của mình tốt hơn; nhưng vì sức mạnh sáng tạo không được ban cho nó, nên nó không thể đóng góp vào sự giải phóng bên trong và sự nâng cao con người. Đồng thời nhất định nó thiếu sức mạnh kịch tính, cái này không thể tồn tại nếu không có khả năng làm thay đổi nội tại và tính cao cả. Nhưng triển vọng và nhiệm vụ lại thay đổi hoàn toàn nếu văn học thừa nhận khả năng có một bước ngoặt quyết định trong đời sống con người, được bước đi lên một bậc khác, và nếu như nó cảm thấy được rời đến để giúp ta thực hiện bước đi lên ấy. Trong trường hợp này nó có thể giúp định hình cuộc sống và dẫn dắt thời đại, bằng cách thể hiện đồng thời hướng dẫn cho cái đang dâng lên trong tâm hồn con người. Văn học có thể làm sáng tỏ và xác nhận bằng cách vẽ ra những đường viền đơn giản nào đó trong những hỗn độn gây hoang mang của thời đại và bằng cách bắt chúng ta đối mặt với những vấn đề chủ yếu của sự tồn tại trí tuệ và thuyết phục chúng ta về tầm quan trọng của chúng. Nó có thể nâng cuộc sống của chúng ta tới cái cao cả, vượt lên trên sự huyên náo của đời sống hàng ngày bằng cách thể hiện những chân lí vĩnh cửu, và giữa hoàn cảnh đen tối của chúng ta, nó có thể tăng cường niềm tin của chúng ta và lí trí của sự sống. Nó có thể hành động theo cách mà Alfred Nobel đã vạch ra khi ông dành cho văn học một vị trí danh dự trong quỹ của ông.
Như vậy có những lí do mạnh mẽ cho niềm tin tiếp tục của chúng ta vào chủ nghĩa lí tưởng và cho dự định của chúng ta tạo cho nó một hình thức tương ứng với toàn bộ những trải nghiệm lịch sử của chúng ta. Nhưng một dự định như thế sẽ không bao giờ thành công thực sự nếu không được coi là một nhu cầu thiết yếu của cá nhân và không được thực hiện như là vấn đề tự bảo tồn trí tuệ. Sự hồ hởi, lòng can đảm và niềm tin vững chắc có thể dâng lên chỉ từ một sự thừa nhận tính thiết yếu ràng buộc, không phải từ một sự ao ước về những mục đích xa xôi và lạ lẫm, mà từ một niềm tin trong cuộc sống rằng nó sống động trong ta và làm chúng ta tham dự từ bên trong vào bối cảnh rộng lớn của hiện thực. Chỉ một đức tin như thế mới có thể giúp chúng ta đương đầu với những trở ngại to lớn và làm ngập tràn trong ta niềm tin thắng lợi.
Em hãy tin và em hãy dám
Bởi thánh thần đâu có mượn cho;
Chỉ có thể một điều kì diệu
Đưa em về xứ sở diệu kì.
Các tác phẩm của Rudolf Eucken
– Phương pháp nghiên cứu của Aristotle (Die Methode der aristotelischen Forschung, 1872).
– Lịch sử và phê bình các khái niệm cơ sở của tư tưởng hiện đại (Geschichte und Kritik der Grundbegriffe der Gegenwart, 1878); năm 1908 in lại dưới nhan đề Các xu hướng cơ bản của tư tưởng hiện đại (Geistige Strömungen der Gegenwart) [Main currents of modern thought].
– Lịch sử các thuật ngữ triết học (Geschichte der philosophischen Terminologie, 1879)
– Vấn đề cuộc sống con người qua lăng kính của các nhà tư tưởng lớn (Die Lebensanschauungen der großen Denker, 1890).
– Cuộc đấu tranh vì cuộc sống tinh thần: Những nguyên lí của một triết lí mới (Der Kampf um einen geistigen Lebensinhalt: Neue Grundlegung einer Weltanschauung, 1896) [The Struggle for a Spiritual Content of Life].
– Chân lí của tôn giáo (Der Wahrheitsgehalt der Religion, 1901) [The Truth of Religion].
– Những đặc điểm cơ bản của nhận thức thế giới mới (Grundlinien einer neuen Lebensanschauung, 1907) [Life’s Basis and Life’s Ideal: The Fundamentals of a New Philosophy of Life ].
– Những vấn đề cơ bản của triết học tôn giáo đương đại (Hauptprobleme der Religionsphilosophie der Gegenwart, 1907).
– Triết học Lịch sử (Philosophie der Geschichte, 1907).
– Ý nghĩa và giá trị của cuộc sống (Der Sinn und Wert des Lebens, 1908).
– Khái luận triết học đời sống tinh thần (Einführung in eine Philosophie des Geisteslebens, 1908).
– Nhận thức và cuộc sống (Erkennen und Leben, 1912)
– Đạo đức học hiện đại trong mối quan hệ với đời sống tinh thần (Present Day Ethics in Their Relation to the Spiritual Life), tập bài giảng đọc tại Đại học Tổng hợp New York năm 1913.
– Liệu có thể vẫn là người Kitô giáo không? (Können wir noch Christen sein?, 1914).
– Những đại diện của chủ nghĩa lí tưởng Đức (Die Träger des deutschen Idealismus, 1915).
Ý nghĩa tinh thần của Kinh Thánh (Die geistesgeschichtliche Bedeutung der Bibel, 1917).
– Con người và thế giới. Một triết lý sống (Mensch und Welt. Eine Philosophie des Lebens, 1918).
(Nguồn: http://nobelprize.org)
© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Ghi chú:
(1) Do Harald Hjọrne, Chủ tịch Ủy ban giải Nobel, Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc ngày 10 tháng 12 năm 1908 tại buổi lễ trao giải.
(2) Tại tiệc chiêu đãi, ông Harald Hjọrne đã phát biểu bằng tiếng Đức chúc mừng thành công của giáo sư Eucken. Ông nhắc tới Thuringia, đặc biệt là trường Đại học Jena, Trung tâm Khoa học nhân văn của Đức và mối quan hệ giữa trường Đại học này với lịch sử phục hưng Thụy Điển. Đáp lại, giáo sư Eucken phát biểu hùng hồn về chủ nghĩa duy tâm mà ông đã không mệt mỏi chiến đấu vì nó, đồng thời ông cũng bày tỏ lòng biết ơn tới Viện Hàn lâm Thụy Điển.
(3) R. Eucken đọc ngày 27/3/1909. Nguyên tác tiếng Đức: Naturalismus oder Idealismus.
(4) Kepler, Johannes (1571-1630): Nhà toán học và thiên văn Đức, người đã phát biểu ba định luật về chuyển động của các hành tinh, sau này được gọi là các định luật Kepler.