Heyse, Paul
Giải Nobel Văn học 1910: Heyse, Paul (15/3/1830 - 2/4/1914)

Paul Heyse (15/3/1830 – 2/4/1914) là nhà thơ trữ tình, nhà viết kịch, viết tiểu thuyết và tác giả của hơn 100 truyện ngắn, P. Heyse được đánh giá là người đã khởi đầu xây dựng thể loại truyện tâm lí hiện đại. Ông còn là một dịch giả thơ Italia rất nổi tiếng. Ông được trao giải Giải Nobel Văn học 1910 vì những tác phẩm mang tính nghệ thuật xuất sắc và tính lí tưởng cao cả.

Heyse, Paul
Giải Nobel Văn học 1910: Heyse, Paul (15/3/1830 – 2/4/1914). Ảnh: Wikipedia

Tiểu sử Paul Heyse

Cha của Paul Johann Ludwig Heyse là nhà ngôn ngữ học, giảng viên trường Đại học Tổng hợp Berlin. Mẹ ông xuất thân từ gia đình trí thức Do Thái, là “một phụ nữ sâu sắc, đa cảm lạ thường”, đã có ảnh hưởng rất quan trọng đến con trai của mình. Khách đến thăm gia đình P. Heyse thường là các nhà khoa học, nhà văn, họa sĩ nổi tiếng. Học văn học cổ điển và ngữ văn ở trường Đại học Tổng hợp Berlin, sau đó học thêm một khóa ngữ văn Roman tại trường Đại học Tổng hợp Bonn, năm 1852 P. Heyse sang Italia học tiếp. Tại đó ông bắt đầu làm thơ, viết kịch và truyện ngắn.

Năm 1854 vua xứ Bavaria (nay thuộc Đức) là Macximilian II dành cho Paul Heyse một khoản học bổng đáng kể và mời ông ở lại Hoàng cung München(1) . Ông đã tham gia vào đời sống trí tuệ được nhà vua bảo trợ, kết hôn với Margaret Kugler – con gái thầy dạy của mình – và sống suốt đời cùng gia đình tại München, chuyên tâm vào hoạt động văn chương, không phải quan tâm đến việc mưu sinh.

Năm 1855, Paul Heyse đăng thiên truyện Arrabiata kể về mối tình của một cô gái làng chài đầy thơ mộng, và cùng năm cho xuất bản tiểu thuyết Marion; từ đó ông cho ra đời nhiều tiểu thuyết, tập thơ, kịch (đến cuối đời ông đã công bố 24 tập truyện ngắn, sáu tiểu thuyết, chừng 60 vở kịch và chín tập thơ). Các tiểu thuyết nổi tiếng nhất của P. Heyse là Những đứa trẻ của thế giới (1873), Ở thiên đường (1875) và Merlin (1892). Ngoài ra ông còn là dịch giả tài hoa; thơ của P. Heyse không để lại dấu ấn rõ nét trong lịch sử văn học bằng những bản dịch thơ Alesandro Mandzoni, Giacomo Leopardi của ông.

Năm 1910, Paul Heyse được nhận Giải Nobel với tư cách nhà viết kịch, viết tiểu thuyết và nhà thơ. Do bị bệnh, ông không đến Stockholm để dự lễ nhận giải. Cũng trong năm này ông trở thành công dân danh dự của thành phố München.

Những năm đầu thế kỷ XX, thế hệ các nhà phê bình trẻ, cảm nhận luồng gió mới trong văn chương, đặc biệt là từ các vở kịch của H. Ibsen, đã phát biểu chống chủ nghĩa lãng mạn của Paul Heyse. Tuy nhiên, P. Heyse vẫn trung thành với đam mê của bản thân đối với thế giới lãng mạn của cảm xúc, không quan tâm đến những mặt đen tối của đời sống và giữ nguyên ác cảm với chủ nghĩa tự nhiên.

Paul Heyse mất năm 1914 tại München vì bệnh viêm phổi. Ông viết khá nhiều, nổi tiếng đương thời, nhưng ngày nay hầu như đã bị quên lãng vì có rất ít người đọc tác phẩm của ông.

Tác phẩm của Paul Heyse

– Arrabiata (L’ arrabiata, 1853), truyện ngắn.

– Marion (1855), truyện ngắn.

– Cô gái từ Treppi (Das Mädchen von Treppi, 1858), tiểu thuyết.

– Chân dung người mẹ (Bild der Mutter, 1859), truyện ngắn.

– Andrea Delfin (1859), truyện ngắn.

– Kolberg (1865), kịch.

– Hadrian (1865), kịch.

– Tuyển tập tác phẩm (Gesammelte Werke, 1871-1910), thơ [Collected Works].

– Tập kịch (Dramatische Dichtungen, 1864-1905), 36 tập [Dramatic Works].

– Hans Lange (1866), kịch lịch sử.

– Những đứa trẻ của thế giới (Die Kinder der Welt, 1873), tiểu thuyết [Children of the World].

– Ở thiên đường (Im Paradiese, 1875), tiểu thuyết.

– Nerina (1875), truyện ngắn.

– Những con kì nhông (Der Salamander, 1879), thơ.

– Merlin (1892), tiểu thuyết.

Maria von Magdalina (1899), bi kịch.

– Ngược dòng (Gegen den Strom, 1904), tiểu thuyết.

– Các nhà thơ Italia từ giữa thế kỷ XVIII: thơ dịch và khảo luận (Italienische Dichter seit der Mitte des 18ten Jahrhunderts: Uebersetzungen und Studien, 1889-1905), 5 tập [Italian Poets Since the Middle of the 18th Century: Translations and Studies].

– Thần Vệ Nữ giáng sinh (Geburt der Venus, 1909), tiểu thuyết.

– Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ trữ tình và anh hùng ca (Romane, Novellen, lyrische und epische Gedichte, 1902-1912) [Novels, Novellas, Lyrical and Epic Poems].

* Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt:

– Bài thơ Sáng chủ nhật diện đồ đỏm dáng (Am Sonntag Morgen zierlich angetan), Triomphe dịch in trên classicalvietnam.info.

Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển(2)

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – Wikipedia tiếng Việt

Nhiều nhà văn nổi tiếng từ nhiều nước trên thế giới đã được đề cử Giải Nobel Văn học năm nay. Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng cao quý này cho một nhà văn mà việc đề cử ông đã được ủng hộ bởi hơn 60 chuyên gia người Đức về nghệ thuật, văn học và triết học. Tên ông là Paul Heyse – một cái tên đã gợi lại kí ức về tuổi trẻ và tuổi thành niên của chúng ta. Chúng ta vẫn còn nhớ những điều thú vị do sáng tác của ông mang lại, đặc biệt là các truyện ngắn. Tuy nay tuổi đã cao nhưng ông vẫn tích cực làm việc. Ông là nhân vật mà ban giám khảo không thể bỏ qua nếu họ muốn thể hiện lòng ngưỡng mộ khi trao giải thưởng cao nhất cho tác phẩm văn học có ý nghĩa nhất. Ban giám khảo cũng không thể bị tác động bởi tuổi tác hay bất kì nhân tố gì khác ngoài giá trị văn chuơng đích thực.

Paul Heyse sinh tại năm 1830 Berlin. Cha ông là nhà triết học Karl Wilhelm Heyse, một học giả lịch duyệt nhưng quyết đoán. Mẹ ông, bà Julie Saaling là người Do Thái, có lẽ ông được thừa hưởng từ bà tính cách linh lợi và đôn hậu. Heyse, người đuợc tạo hóa ưu ái ở nhiều phuơng diện, có may mắn lớn lên trong một gia đình hạnh phúc. Những năm học ở trường của ông trôi qua rất nhanh. Ông là người học một biết muời. Có một thời gian ông học ở Berlin, về sau ông học ngành triết học lãng mạn duới sự huớng dẫn của Fiedrich Diez tại trường Đại học Bonn. Năm 1852, ông nhận hàm tiến sĩ ở Berlin “với vòng nguyệt quế”, nhờ vậy ông nhận được học bổng ở Italia và nhanh chóng trở nên thân thiết với nghệ thuật và văn chuơng đất nuớc này. Ông sớm đính hôn với Margarete Kugle, con gái của một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật mà ông được làm quen qua nhà thơ trung gian Emanuel Geibel, người bảo trợ của ông. Trong khi chưa biết sẽ tìm việc làm ở đâu, thì ông lại được giải thoát khỏi những lo toan về vật chất nhờ Geibel, người đã hơn một lần giúp đỡ ông. Theo đề nghị của Geibel, nhà vua Maximilian II phong cho ông chức giáo sư ở München. Nhiệm vụ duy nhất của ông là tham gia các buổi dạ hội văn học của nhà vua. Ngày 15 tháng 5 năm 1854, ông kết hôn với Margarete và đến sống tại München. Từ đó, ông sống hẳn ở thành phố này, trừ một vài lần sang nước Italia mà ông yêu quý. Ông sớm trở thành nhân vật trung tâm của một đời sống văn hóa sôi nổi. Bởi đây không phải lúc để nói về tiểu sử của ông nên ta chỉ cần biết rằng một vài năm sau khi Margarete chết, ông kết hôn một lần nữa với Anna Schubart, một cô gái xinh đẹp.

Trong những năm từ 1855 đến 1862, ông đã viết bốn truyện ngắn đầu tiên, một thể loại mà ông trở thành bậc thầy. Trong rất nhiều tác phẩm của ông, ta có thể kể ra đây L’Arrabbiata (1853), Andrea Delfin (1859) – một tác phẩm mang đậm màu sắc Venise, Nerina (1875), kể về một giai đoạn trong đời Leopardi(3), Chân dung người mẹ (Bild der Mutter, 1859) mang tính đạo đức sâu sắc, và truyện ngắn diễm tình tuyệt diệu Marion (1855). Trong truyện ngắn của ông, Heyse tuân thủ những qui tắc khắt khe về bố cục nhưng không làm giảm sự quyến rũ và diễn biến tự nhiên của câu chuyện. Ông phát triển một lí thuyết riêng về truyện ngắn. “Một truyện ngắn có giá trị văn học”, ông viết, “cần phải tái hiện một phận người điển hình. Đó không thể là chuyện diễn ra hàng ngày, mà phải phát lộ cho chúng ta một khía cạnh mới của bản chất con người. Phạm vi hẹp của câu chuyện đòi hỏi sự tập trung nghiêm ngặt”.

Thật đúng đắn khi đánh giá Heyse là người sáng lập ra truyện ngắn tâm lí hiện đại. Ông hiếm khi phát biểu chủ kiến của mình trong truyện ngắn, và đó hẳn là lí do khiến chúng ta thích sự khách quan kiểu Goethe của chúng hơn là những truyện dài của ông như Những đứa trẻ của thế giới (Kinder der Welt, 1872), và Ở thiên đường (In Paradiese, 1875) những tác phẩm về các vấn đề đạo đức. Tác phẩm đầu tiên phản ánh sự độc lập của đạo đức trước những giáo điều hẹp hòi, tác phẩm thứ hai nói về sự bảo vệ nghệ thuật chống lại chủ nghĩa đạo đức khắc kỉ. Cả hai tác phẩm đều bộc lộ rõ chủ nghĩa nhân văn Heyse. Ngoài ra, trong Ở thiên đường còn miêu tả sống động về giới nghệ sĩ ở München. Trong Ngược dòng (Gegen den Strom, 1904), Heyse dũng cảm thách thức những thành kiến thâm căn cố đế bằng cách chỉ trích tập quán thách đấu vì danh dự trong giới quý tộc Châu Âu (duel). Một sức mạnh trẻ trung đến kì lạ bộc lộ rõ trong cuốn Thần Vệ Nữ giáng sinh (Geburt der Venus, 1909) ra đời năm ngoái, trong đó ông đã phát triển một cách kiên định và rành mạch những niềm tin thẩm mĩ suốt đời ông bằng cách bảo vệ tự do của nghệ thuật trước kiểu chủ nghĩa khổ hạnh một chiều, và bằng cách luận chiến chống lại kĩ thuật tự nhiên chủ nghĩa chuyên sao chép những gì thấp kém, tầm thường và thô thiển.

Tuy nhiên, Heyse không chỉ là nhà tiểu thuyết và viết truyện ngắn mà còn là nhà thơ trữ tình quan trọng nhất nước Đức đương đại. Ông đã viết những truyền thuyết ngắn thú vị bằng thơ, trong đó đặc biệt nổi bật là tác phẩm Những con kì nhông (Der Salamander, 1879). Mặc dù kịch không phải là sở trường của ông, nhưng ông đã viết những vở kịch tuyệt vời và trong số hơn năm mươi vở, đáng kể nhất là vở kịch thể hiện lòng yêu nước Kolberg (1865) và vở kịch thú vị Hadrian (1865), trong đó sự thông tuệ và nỗi buồn của Hadrian hòa quyện vào nhau và được thể hiện một cách vô cùng cảm động.

Thị hiếu nghệ thuật của Heyse rất đặc biệt. Trong khi rất ngưỡng mộ tác phẩm Những kẻ tranh ngôi báu và các Viking ở Helgeland của bạn ông là Henrik Ibsen – nhà viết kịch nổi tiếng người Nauy, ông lại không thích Hồn ma bóng quỉ hay những vở kịch biểu tượng về sau cũng của ông này. Ông cũng là người có thị hiếu âm nhạc sâu sắc, nhưng không thích Wagner bằng Beethoven, Mozart, Schubert, Chopin và Brahms.

Trong mọi tình huống gay go của cuộc đời, Heyse luôn giữ tính độc lập như vậy. Khi Geibel, bạn ông bị tước bổng lộc dành cho nhà thơ ở triều đình Bavarian vì một bài thơ trình lên vua William thể hiện niềm hi vọng về một nước Đức thống nhất dưới quyền nước Phổ thì Heyse cũng gửi một bức thư, với lời lẽ tôn kính, xin từ chức, bởi ông nhất trí với Geibel về mọi điểm và do đó ông muốn cùng chung số phận với bạn.

Heyse được hầu hết mọi người ở Italia cũng như ở Đức biết đến. Nhiều bản dịch xuất sắc của ông đã giúp cho nền văn học Italia được biết đến tại Đức. Nhờ có ông mà Leopardi, Manzoni, Foseolo, Monti và Giusti bây giờ được đọc rộng rãi và ngưỡng mộ tại đất nước này.

Nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng nhà văn Heyse xuất chúng, thường được gọi là kẻ được số phận biệt đãi, là kẻ không phải bận tâm về bất cứ điều gì hoặc luôn luôn được công nhận trong giới tinh hoa ở nước ông. Là một người cha, ông từng vô cùng đau khổ khi mất những đứa con yêu quý. Ông đã bộc lộ nỗi đau trong những bài thơ mà mặc dù mang vẻ u sầu tối ám vẫn tỏa sáng một vẻ đẹp bất tận.

Theo ý kiến giới văn chương, nhà thơ điềm đạm và quyến rũ đúng là thành danh rất sớm, nhưng cũng đúng khi nói rằng có những lúc tình thế thay đổi. Chủ nghĩa tự nhiên, vốn nảy nở vào những năm tám mươi và thống trị nền văn học cả thập kỉ tiếp theo, đã chĩa mũi dùi “lật đổ thần tượng” (iconoclastic) đặc biệt vào Heyse, đối thủ đáng gờm nhất của nó. Ông là người quá hài hòa, quá yêu cái đẹp, quá “cổ điển”(4) và cũng quá cao thượng với những kẻ vu cáo ông bằng bất cứ giá nào. Do vậy, chủ nghĩa tự nhiên đòi văn chương phải gây kích động, phải hiệu quả, phải phóng dật, và phải lặp lại một cách ngu xuẩn những thực tại xấu xa. Ông đã không khuất phục. Quan điểm của ông về hình thức bị xúc phạm bởi sự bất nhã của họ. Ông muốn văn học phải nhìn cuộc sống bằng một ánh sáng lí tưởng có thể thay đổi thực tế. Trong Merlin (1892) – một câu chuyện khá hay và cảm động, ông đã diễn tả cảm giác bị tổn thương của mình một cách rất con người. Bây giờ vận may đã trở lại với ông, và lẽ ra Heyse có thể được đất nước mình đề cử cho Giải Nobel sớm hơn nếu không có sự hiềm khích hẹp hòi của những người theo chủ nghĩa tự nhiên. Hiện nay dường như có một phép màu đã thay đổi mọi thứ. Hình ảnh nhà văn kì cựu là mục tiêu ngưỡng mộ ở nơi nơi; ông là công dân danh dự của München nơi một con đường được mang tên ông; ông tràn ngập trong niềm vinh hạnh.

Sau nhiều lần cân nhắc, Viện Hàn lâm Thụy Điển, thể theo tiến cử của nhiều nhà phê bình, để chứng tỏ lòng ngưỡng mộ, đã quyết định trao Giải Nobel cao quý cho nhà thơ cao tuổi này.

Heyse đã đi theo con đường riêng của mình. Về thẩm mĩ, ông là người trung thành với sự thật phản ánh nội tâm trong thực tại bên ngoài. Những lời nổi tiếng của Schiller: Life is serious, art serene (Cuộc đời nghiêm túc, nghệ thuật thì an nhiên), nếu hiểu đúng, mở ra một sự thật sâu xa mà ta có thể tìm thấy trong cuộc đời và tác phẩm của Heyse. Cái đẹp phải được giải phóng và tái tạo; nó không nên bắt chước thực tại một cách nô lệ, cũng không nên kéo thực tại vào bụi đất. Cái đẹp phải có một sự giản đơn sang trọng (noble simplicity). Heyse đã phát lộ cái đẹp theo khía cạnh này. Ông không dạy đạo đức, vốn là thứ có thể tước đoạt khỏi cái đẹp vẻ tự nhiên của nó, nhưng có nhiều minh triết và thanh cao trong tác phẩm của ông. Ông không giảng về tôn giáo, nhưng người ta sẽ hoài công nếu muốn tìm một cái gì đó có thể làm tổn thương tình cảm tôn giáo. Mặc dù quan tâm đến khía cạnh đạo đức nhiều hơn khía cạnh giáo điều của tôn giáo, ông vẫn rất tôn trọng mọi quan điểm nghiêm túc (liên quan đến nó). Ông rất độ lượng nhưng không thờ ơ. Ông ca ngợi tình yêu, nhưng là phương diện thiên đường chứ không phải phương diện trần thế. Ông thích những người trung thành với bản tính của họ, nhưng những cá nhân mà ông cảm thông nhất là những ai gắn bó với bản tính cao hơn chứ không phải bản tính thấp hơn của họ.

Trong ngày lễ trọng đại này, Heyse không thể tham dự vì bệnh tình của ông. Chúng tôi đã cảm ơn ông vì niềm vui mà tác phẩm của ông đã mang lại cho hàng nghìn người, và chúng tôi cũng chuyển lời chúc mừng của mình tới gia đình ông tại Louisenstrasse ở München, nơi đã nhiều năm nay là ngôi nhà của các nàng Thơ (…).

Trong buổi lễ, giáo sư Oscar Montelius đã có lời nhận xét như sau: Tôi lấy làm tiếc rằng chúng ta không được thấy nhà thơ vĩ đại, người được trao Giải Nobel Văn học năm nay ngồi giữa chúng ta. Nhưng ông được thay mặt bởi Thủ tướng Đức, Bá tước von Pyckler, và, thưa ngài Bá tước, tôi đề nghị khi nào về nước, Ngài hãy giúp Paul Heyse yên tâm rằng khi nâng cốc chúc mừng những người đoạt Giải, chúng tôi đã không quên ông.(5)

Trần Tiễn Cao Đăng và Tân Đôn dịch từ bản tiếng Anh
 (Nguồn: http://nobelprize.org)
©  Culture Globe

Ghi chú:

(1) München là tên thành phố viết bằng bản ngữ (tiếng Đức); tiếng Anh, tiếng Pháp là.Munich.

(2) Do C. D. af Wirsén, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.

(3) Giacomo Leopardi (1798-1837): Nhà thơ nổi tiếng Italia nửa đầu thế kỉ XIX.

(4) Nguyên văn: quá “Hi Lạp” (too Hellenic).

(5) Ngài Thủ tướng, Bá tước Von Pyckleri phát biểu thay mặt Paul Heyse Ngài nhớ lại cách đây hai năm Giải Nobel Văn học được trao cho một triết gia người Đức, lần này lại là một nhà thơ vĩ đại. Ngài xác nhận mối giao lưu sinh động giữa văn học Đức và văn học Thụy Điển, càng được tăng cường kể từ khi Viện Hàn lâm Thụy Điển trở thành một “Hội đồng học sĩ” có trách nhiệm theo dõi sít sao nền văn học của toàn thế giới và trao Giải Nobel cho những người có tài năng kiệt xuất. Ngài kết thúc bài phát biểu bằng lời chào kính trọng gửi đến Viện Hàn lâm Thụy Điển, Hội đồng học sĩ đầu tiên trên thế giới..

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here