Các nhà văn là những người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa, tư tưởng xã hội. Hãy cùng Việt Trí điểm qua những nhà văn Việt Nam và thế giới sinh tháng 1.

tháng 1

VIỆT NAM

VĂN LINH (01.01.1930: 80 năm sinh): Tên thật là Trần Viết Linh, nhà văn, nhà biên kịch, quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ngoài 16 tiểu thuyết, ông còn có 23 tập truyện ngắn, 3 tập sách thiếu nhi, 20 kịch bản phim truyện, phim truyền hình, phim hoạt hình. Một số tiểu thuyết tiêu biểu: Mùa hoa dẻ, Đêm sương muối, Gương mặt một người thân, Kỉ niệm nơi đáy hồ, Sông Gianh (bộ ba), Đất nước ông bà…

NGUYỄN TRUNG ĐỨC (27.7.1942 – 02.01.2000: 10 năm mất): Dịch giả, quê Phong Châu, Phú Thọ. Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã dịch hơn 30 tác phẩm văn học Châu Mĩ Latinh như Sự tráo trở của phương pháp, Ngài đại tá chờ thư, Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả…

KHUẤT QUANG THUỴ (12.01.1950: 60 năm sinh): Nhà văn quê ở Phúc Thọ, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Một số tác phẩm: Không phải trò đùa, Những bức tường lửa, Trong cơn gió lốc, Trước ngưỡng cửa bình minh, Giữa ba ngôi chúa, Người đẹp xứ Đoài, Thềm nắng, Con nhà võ, Người ở bến Phù Vân …

ĐÀO HỒNG CẨM (04.01.1924 – 16.01.1990: 20 năm mất): Tên thật là Nguyễn Khắc Vi, nhà thơ, nhà lí luận phê bình văn học, quê Bình Giang, Hải Dương. Tác phẩm chính: tập thơ: Giác Linh hương; U Minh; Thuở ấy hào hoa; Thời gian vô cực; trường ca: Vô thanh lệ nhạc; Làng nghèo; tiểu luận, phê bình: Qua những chặng đường văn nghệ; Nhận thức và thẩm định; Chủ nghĩa siêu thực trong thơ Pháp thế kỉ XX.

NGUYỄN VĂN DÂN (16.01.1950: 60 năm sinh): Nhà lí luận-phê bình văn học, dịch giả, quê Vĩnh Phúc, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm chính: Lý luận văn học so sánh, Nghiên cứu văn học – lý luận và ứng dụng, Văn học phi lý, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Vì một nền lý luận – phê bình văn học chất lượng cao..; khoảng 20 tập sách dịch từ tiếng Rumani, Pháp và Anh sang tiếng Việt.

ĐÀO MINH HIỆP (20.01.1950: 60 năm sinh): Nhà văn, dịch giả, quê ở An Nhơn, Bình Định. Tác phẩm chính: tập truyện: Lời tự thú muộn màng; các dịch phẩm: Đức mẹ mặc áo choàng lông, Những ngọn cờ trắng, Sếu đầu mùa, Thám tử buồn, Đường hầm, Người giàu cũng khóc…

HOÀNG TÍCH LINH (18.9.1919 – 26.01.1990: 20 năm mất): Nhà soạn kịch, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, quê ở Tiên Sơn, Bắc Ninh. Ông đã viết khoảng 30 kịch bản sân khấu. Tác phẩm chính: Anh bộ đội Cụ Hồ, Luyện chắc tay súng, Ánh sáng Hà Nội, Cơm mới, Vết sẹo, Cô giáo Hồng…

NƯỚC NGOÀI

tháng 1

ANATOLI VLADIMIROVITR ZHIGULIN (А. В.  ЖИГУЛИН, 01.01.1930 – 6.8.2000: 80 năm sinh): Nhà thơ, nhà văn Nga. Nước Nga là hình tượng quan trọng nhất trong thơ Zhigulin, với những tập thơ như Ánh lửa thành phố, Đống lửa-con người, Những ngày trong suốt, Vỏ bạch dương cháy, Kalina đỏ – kalina đen, Trong hy vọng vĩnh cửu…

ISAAC ASIMOV (02.01.1920 – 6.4.1992: 90 năm sinh): Một trong những nhà văn giả tưởng Hoa Kì nổi tiếng nhất với các tiểu thuyết Động thép, Kết liễu sự vĩnh cữu, Mặt trời loã thể, Chính tự thánh thần… Ông được tặng nhiều giải thưởng văn chương; một trong những tạp chí khoa học giả tưởng phổ biến nhất của Mĩ mang tên ông: Asimov’s Science Fiction and Fantasy.

CAO HÀNH KIỆN (04.01.1940: 70 năm sinh): Nhà văn quốc tịch Pháp gốc Trung Quốc, Giải Nobel năm 2000. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt như Linh Sơn; Kinh thánh cho một người; Truyện ngắn Cao Hành Kiện; các vở kịch Trạm xe, Bờ bên kia, Người đi đêm, Trú mưa, Giữa sống và chết…

ALBERT CAMUS (7.11.1913 – 04.01.1960: 50 năm mất): Nhà văn Pháp, đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh, Giải Nobel năm 1957. Các tiểu thuyết nổi tiếng Người xa lạ (L’Étranger), Dịch hạch (La Peste) đều đã được dịch sang tiếng Việt.

PAVEL NICOLAIEVITR VASILIEV (П. Н. ВАСИЛЬЕВ; 5.1. 1910 – 16.7.1937: 100 năm sinh): Nhà thơ, nhà văn Nga, tác giả của các tập thơ, trường ca Tôi tin vào cảm xúc chưa từng có, Những mùa xuân đang trở lại, Cuộc nổi dậy của muối…Năm 1932 bị bắt theo lời buộc tội tham gia nhóm phản cách mạng; năm 1937 bị xử bắn vì tội mưu sát Stalin; năm 1956 được minh oan.

KURT TUCHOLSKY (09.01.1890 – 21.12.1935: 120 năm sinh): Nhà thơ, nhà chính luận Đức, chiến sĩ chống phát xít. Các tập truyện, thơ chính: Lời ca toả ngát hương; Những ước mơ cạnh bếp lò Phổ; Nụ cười của Mona Lisa; Nước Đức, nước Đức trên hết; Hãy học cười không nước mắt; Năm mã lực; Raynsberg; Cuốn sách tranh cho những người đang yêu; Lâu đài Gripsholm…

KAREL TRAPEK (Karel ČAPEK; 09.01.1890 – 25.12.1938: 120 năm sinh): Một trong những nhà văn Czech nổi bật nhất của thế kỉ XX, nhà văn giả tưởng kinh điển đã đưa từ “robot” vào ngôn ngữ nhân loại, tác giả của những vở kịch Mẹ, R.U.R; các tiểu thuyết Krakatit; Gordubal, Sao băng, Một cuộc sống bình thường; Chiến tranh với loài lưỡng thê (đã dịch sang tiếng Việt)…

AADU HINT (10.01.1910 – 26.10.1989: 100 năm sinh): Nhà văn Estonia, tác phẩm chính có Con người thường ngày (kịch), Bệnh hủi (tiểu thuyết); Trại hủi ở Vatku (tiểu thuyết); tiểu thuyết Bến bờ đầy gió là tác phẩm lớn nhất của ông, kể về cuộc đời của người dân Estonia trải qua suốt 50 năm, qua ba thế hệ của các nhân vật.

NEVIL SHUTE (17.1.1899 – 12.01.1960: 50 năm mất): Nhà văn Anh, kĩ sư hàng không, tác phẩm chính có Điều gì đã xảy ra với Corbett; Niềm say mê cổ xưa; Thiếu những con đường; Đất liền, Mùa mưa (đã dịch sang tiếng Việt). Tác phẩm nổi tiếng nhất là Trên bờ, kể về cái chết của thế giới vì cuộc chiến tranh Trung-Nga, đã được chuyển thành phim.

PEDRO CALDERÓN DE LA BARCA (17.01.1600 – 25.5.1681: 500 năm sinh): Nhà viết kịch lớn nhất của trường phái Baroque Tây Ban Nha; các tác phẩm nổi tiếng: Không đùa với tình yêu, Madam vô hình; Hoàng tử kiên cường; Thị trưởng Salameysk; Đời là một giấc mơ…

ANNE BRONTË (17.01.1820 – 28.5.1849: 190 năm sinh): Nhà văn, nhà thơ nữ người Anh, em của Charlotte Brontë (tác giả của tiểu thuyết Jane Eyre) và Emily Brontë (tác giả Đồi gió hú). Tác phẩm có: tiểu thuyết Agnes Gray,  Người xa lạ từ Uayldfell Hall.

JOY ADAMSON (Joy-Friederike Victoria GESSNER, 20.01.1910 – 3.1.1980: 100 năm sinh): Nhà văn, hoạ sĩ, nhà tự nhiên học người Anh; các tác phẩm của bà mô tả cuộc sống ở giữa các động vật hoang dã Châu Phi và những nỗ lực để bảo vệ chúng. Tiểu thuyết Trái tim hoang dã nổi tiếng là một cuốn sách bán chạy nhất.

OLECG VASILIEVITR VOLKOV (О. В. ВОЛКОВ, 21.01.1900 – 10.2.1996: 110 năm sinh): Nhà văn Nga; đã trải qua hơn 27 năm trong các trại tập trung, về sau được phục hồi danh dự hoàn toàn. Tiểu thuyết tự sự của ông Lặn vào đêm tối đã được in lần đầu tại Pháp, năm 1992 được trao Giải thưởng Nhà nước Nga.

ALEXANDR IVANOVITR GERTSEN (А. И. ГЕРЦЕН, 06.4.1812 – 21.01.1870: 140 năm mất): Nhà cách mạng dân chủ, nhà báo, nhà văn Nga; các tác phẩm nổi tiếng về triết học Thái độ hời hợt trong khoa học; Chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy tâm… và văn học Ai có lỗi?; Bác sĩ Krupov; Con quạ-kẻ cắp; Quá khứ và suy ngẫm…

DEREK ALTON WALCOTT (23.01.1930: 80 năm sinh): Nhà thơ, nhà soạn kịch Saint-Lucia,Giải Nobel Văn học 1992; đã xuất bản hơn 40 tập sách, gồm thơ Vịnh và những bài thơ khác; Nho biển; Vương quốc Star-Apple; Đứa con phóng đãng…; và kịch: Lễ tưởng niệm và kịch câm; Giấc mơ trên đồi khỉ và những vở kịch khác; Odyssey…

JUSTAS PALECKIS (22.1.1899 – 26.01.1980: 30 năm mất): Nhà báo, nhà văn, dịch giả, nhà chính khách Látvia, tác giả của nhiều tập thơ, tiểu luận, truyện ngắn, hồi kí, như Phục sinh; Chào Litva Xô viết!; Trên đường đời; Cuộc sống bắt đầu; Vị hoàng đế cuối cùng; Trong hai thế giới…

ISAAC EMMANUILOVITR BABEL (И. Э. БАБЕЛЬ; 13.7.1894 – 27.01.1940: 70 năm mất): Nhà văn  Nga người Do Thái, bị gán tội âm mưu chống chính quyền Xô viết và năm 1940 bị xử bắn theo lệnh Stalin, năm 1954 được minh oan. Tác phẩm có Kỵ binh (đã dịch sang tiếng Việt), Chuyện Odessa…

ERNST MORITZ ARNDT (26.12.1769 – 29.1.1860: 150 năm mất): Một trong những nhà thơ trữ tình vĩ đại nhất của Đức thời chiến tranh giải phóng chống Napoleon;  tác giả của rất nhiều công trình về chính trị và lịch sử, các tập thơ, văn, kịch.

Xuân Kiên

Xem thêm:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here