Karl Gjellerup (2/6/1857 – 11/10/1919) được trao giải Nobel Văn Học 1917 bởi sự nghiệp sáng tác thơ phong phú và những lý tưởng nhân đạo cao cả, nhờ những đóng góp cho việc củng cố khối thống nhất các dân tộc Scandinavia. Là nhà văn người Đan Mạch sáng tác bằng tiếng Đức mà ông gọi là phương tiện thể hiện chân chính của mình, ông đã tìm được sự thấu hiểu và quý mến thật sự ở nước Đức.
Xem thêm: Verner Von Heidenstam, người tái sinh nền thơ ca Thụy Điển

Tiểu sử Karl Gjellerup
Karl Adolph Gjellerup xuất thân trong một gia đình mục sư. Ba tuổi cha mất, ông đến Copenhagen ở với bác họ đằng mẹ. K. Gjellerup sáng tác từ rất sớm, vừa tốt nghiệp trung học ông đã viết hai vở kịch Spicio Africanus và Arminius nhưng đều không được in. Năm 1874, ông vào học Đại học Tổng hợp Copenhagen, khoa Thần học nhưng về sau lại trở thành người vô thần. Điều này thể hiện qua các tác phẩm như Người lí tưởng (1878, kí bút danh Epigon), Antigonos (1880) v.v…
Năm 1882, ông chuyển đến Đức sinh sống và du lịch qua nhiều nước như Italia, Hi Lạp, Nga, Thụy Điển, Thụy Sĩ; ấn tượng thu lượm được phản ánh trong các tác phẩm Tháng cổ điển (1884), Brynhild (1884). Sáng tác của K. Gjellerup được viết bằng tiếng Đan Mạch và tiếng Đức, thể hiện sự thán phục của ông đối với tinh thần nhân bản và khía cạnh tâm linh trong văn hóa Đức. Tiểu thuyết Chiếc cối xay (1896) tiêu biểu cho giai đoạn này viết về cuộc sống của những người nông dân Đan Mạch được coi là kiệt tác.
Tác phẩm của ông bộc lộ rõ ảnh hưởng của trào lưu Suy đồi (Décadence) nhưng từ khoảng năm 1906 trở đi, ông quan tâm đến đề tài tôn giáo. Phật giáo là nguồn cảm hứng giúp ông hoàn thành vở kịch Ngọn lửa hiến tế (1903) cùng cuốn tiểu thuyết Kamanita, người hành hương (1906). Hai cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là Những người bạn của Chúa Trời (1916) và Cành vàng (1917) đánh dấu sự trở về với Cơ đốc giáo.
Năm 1917, nằm trong ý đồ củng cố chính trị khối liên minh các dân tộc Scandinavia, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao Giải Nobel cho K. Gjellerup cùng với một nhà văn Đan Mạch khác là Henrik Pontoppidan. Người dân Đan Mạch không hào hứng lắm với việc ông nhận Giải Nobel vì cho rằng ông là nhà văn Đức. Sau khi mất, danh tiếng của K. Gjellerup mờ dần.
Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1)

Karl Gjellerup sinh năm 1857 và mất ngày 11 tháng 10 năm 1919. Cũng giống như Henrik Pontoppidan, ông sinh ra trong một gia đình giáo sĩ đạo Tin Lành. Ông đã chọn con đường làm nghề giáo sĩ mặc dù không cảm thấy mình có xu hướng gì đặc biệt với công việc này. Các thiên hướng tự nhiên lôi cuốn ông mạnh mẽ tới văn chương và cùng với việc “học hành vì miếng cơm manh áo”, ông còn lao vào đọc các nhà kinh điển Hi Lạp, Anh và nhất là Đức. Trong tiến trình nghiên cứu thần học, ông dần dần có thái độ thuần túy tiêu cực đối với thần học và bị hấp dẫn bởi trường phái văn học triệt để do Georg Brandes đứng đầu. Vào năm 1878, ông bắt đầu khởi nghiệp văn chương dưới bút danh “Epigonos” với thiên tiểu thuyết ngắn tiêu đề Người lý tưởng (En idealist). Sau đó, ông nhanh chóng và liên tiếp xuất bản cả loạt truyện kể và thơ trong tư thế một kẻ thù cuồng nhiệt của mọi thứ gì thuộc về thần học và trong tư cách một con người cực đoan đi theo học thuyết tiến hóa của Darwin.
Sau giai đoạn chiến đấu đầu tiên chẳng mấy độc đáo, sâu sắc chống lại thần học này, Gjellerup làm một chuyến đi ra nước ngoài, suốt thời kỳ đó ông thâu góp các tư tưởng của mình và có được một sự cân bằng trí tuệ. Cũng trong thời gian này, tài năng văn chương của ông thể hiện ra rõ rệt hơn: ông mô tả cả một kỷ nguyên trong tác phẩm Romulus (1883); ông có thiên truyện ngắn tuyệt đẹp Gam Sol-trưởng (G-Dur, 1883) là một chân dung bạn bè và đặc biệt là có vở kịch lớn Brynhild (1884) là đỉnh cao tài năng ông trong giai đoạn này. Đề tài của vở kịch lấy từ tình tiết trong thiên trường sử Volsunga kể chuyện Sigurd và Brunhilde cùng gặp nhau trên một quả núi, song số phận hai bên lại bị chia lìa tuy rằng họ vẫn mơ tưởng nhau và ao ước gặp được nhau. Cuộc đợi chờ đầy bão lòng này, niềm ao ước yên bình này khiến cho tấn bi kịch tràn đầy tình cảm bộc lộ được mạnh mẽ, đầy chất thơ và hình ảnh thật phong phú. Lời thơ và nhất là dàn đồng ca soạn theo phương thức cổ thời, đạt tới một vẻ đẹp trữ tình lớn lao. Tác phẩm có sức biểu hiện cao là nhờ chiều sâu cùng với hình thức biểu đạt của nó, nhờ tính lý tưởng và chiều cao đạo đức của nó, là cái đối lập hoàn toàn với những tác phẩm khác của giai đoạn chủ nghĩa tự nhiên trong nghệ thuật, cũng là thời kỳ chính tác phẩm này được viết ra. Mặc dù có tư duy tự do, song về cơ bản Gjellerup chẳng giống bao nhiêu với trường phái tự nhiên chủ nghĩa. Ngược lại, ông có nhiều phần gần gũi với chủ nghĩa cổ điển Đức, với nền văn chương thời cổ đại, với sự phong phú tình cảm của nhà soạn nhạc Wagner và khi ông nhận ra điều này thì ông cũng dứt khoát và công khai cắt đứt mọi liên hệ với trường phái Brandes qua cuốn du ký có tên Năm lãng du (Vandreaaret, 1885). Các tác phẩm văn chương của ông (kịch bản, thơ trữ tình, truyện) từ đó hướng hẳn tới chủ nghĩa lý tưởng, thế nhưng trong giai đoạn đầu, đó mới chỉ thuần túy là quan điểm nghệ thuật của trường phái này, và trong tác phẩm của mình thấy hiện rất rõ sự phong phú thi ca thiên bẩm của ông. Cuốn sách hay nhất trong các cuốn sách ông xuất bản thời gian này là cuốn tiểu thuyết vô cùng duyên dáng Minna (1889), một câu chuyện tình thực sự đẹp và một công trình nghiên cứu tinh tế về tâm lý đàn bà, đủ sức được xếp ở bậc cao nhất trong các tiểu thuyết vùng Scandinavia. Ta cũng phải kể đến cuốn tiểu thuyết có nền tảng rộng và cấu tạo vững, cuốn Chiếc cối xay (Möllen , 1896), một sự phân tích kỳ thú về trạng thái tâm lý một kẻ giết người sau rồi ăn năn và tự thú. Tầm của tác phẩm đó lớn lao đến độ bi thảm. Tuy thấp hơn về nghệ thuật nhưng những ý tưởng đạo đức được Gjellerup biểu đạt đầy ấn tượng về hôn nhân và mối quan hệ giới tính trong những vở kịch thị dân hiện đại của ông, Herman Vandel (1891), Wuthhorn (1893), và Hans Excellence (1895). Những vở này không phải là những lời biện hộ cho hôn nhân mà đích thực tư tưởng của tác giả là đòi hỏi hôn nhân phải cao hơn những quy ước nhạt nhẽo và chính vì ông coi hôn nhân cao quý đến thế nên ông không thể thấy quan niệm đó được thực hiện trong những cuộc hôn nhân thông thường. Ông đề xuất một dạng kết đôi thuần túy tự do mặc dù có thể không được Nhà nước và Nhà thờ thừa nhận, miễn là cách thức kết đôi đó là lần duy nhất trong đời một con người.
Những vở kịch có xu hướng tôn giáo này, mặc dù có những nổi loạn cá nhân chủ nghĩa, tạo thành một giai đoạn chuyển tiếp giữa những tư tưởng ban đầu của tác giả với những tư tưởng đặc trưng cho thời kỳ về sau, thời kỳ quan trọng nhất trong đời viết văn của ông. Không nghi ngờ gì nữa, lòng nhiệt thành của ông với nhạc kịch Wagner, người được ông dâng tặng bằng một tác phẩm bậc thầy, đã đưa ông đi vào nghiên cứu trí tuệ Phật giáo, mong qua được sự vô ngã mà tới được cõi Niết bàn. Trong những tác phẩm Gjellerup viết hồi thế kỷ XX, những công trình tốt nhất đều được gợi hứng từ những suy nghĩ tư biện về Ấn Độ với các đối tượng Hindu diễn đạt đầy chất thơ và đầy tính lý tưởng, được chiêm ngưỡng rộng khắp. Giai đoạn sáng tác này bắt đầu bằng vở nhạc kịch Lửa hiến tế (Offerildene, 1903), đây là câu chuyện một học trò trẻ của Brahma, người chỉ với tâm hồn sùng kính đơn giản cũng tìm thấy được trí tuệ (nhà Phật) bên dưới những ngôn từ luật lệ (Phật) và anh mong muốn duy trì mãi mãi cho thế giới này bập bùng ngọn lửa hiến tế: ngọn lửa của tâm hồn, ngọn lửa của tình yêu và ngọn lửa giàn hỏa thiêu đang đốt cháy thi thể con người. Ở tác phẩm này, tư duy triết học được gắn bó tự do và hài hòa với trí tưởng tượng sáng tạo của nhà thơ. Trong tiểu thuyết huyền hoặc lớn Người hành hương Kamanita (Pilgrimen Kamanita, 1906) có đề cập tới lịch sử thời đại Phật, Gjellerup đã làm sáng tỏ những đặc điểm căn bản trong quan điểm của Phật về thế giới, học thuyết Phật về vô ngã, nỗ lực của Phật để được hoàn thiện và mơ ước của Phật về chốn Tây Thiên, về Niết bàn và về vạn vật hủy điệt. Kamanita là con người đi kiếm tìm lạc thú trần gian, con người sau khi nhìn thấu đáo sự mảnh dẻ của vạn vật, chỉ còn muốn kiếm tìm những kho báu vĩnh cửu mà thôi. Chúng ta dõi theo nhân vật này không chỉ trong quãng đời trần gian của anh mà còn qua những kiếp luân hồi anh trải qua trong cõi Tây Thiên, ở đó anh kiếm tìm lại được cảnh huy hoàng nhiệt đới của xứ Ấn Độ. Tại đây, đời những ai từng bị hủy hoại được trỗi dậy, rũ bỏ những chồi hoa sen trên người để tham gia vào vũ điệu những con người được hưởng phúc và trải qua các kiếp luân hồi mới, tiếp đó tâm hồn của họ được bắt đầu cuộc sống mới dài cả ngàn vạn năm tại xứ nhà Phật. Mặc cho còn có những tư biện không ngừng về triết học Hindu, bài thơ này tạo ra một sự mê hoặc lạ kỳ. Một cách như thể hoàn toàn trực giác, nhà thơ dường như thâm nhập được vào đời sống tâm linh của những con người ở đâu đó rất xa và diễn đạt được những ước mơ với một tầm nhìn thiên phú. Tại một vài đoạn của tác phẩm thơ này, ta bắt gặp cái thần của những đêm Ả-rập và tại một số đoạn ta lại gặp cái chốn Tây Thiên với hình ảnh đầy xúc cảm của sự huy hoàng trong cuộc đời những người được hưởng phúc. Cũng theo mạch đó, vở kịch Bà vợ của kẻ Toàn Vẹn (Den fuldendtes hustru, 1907) nói về những sự thanh lọc mà vợ của Đức Phật phải trải qua để đi đến sự hoàn thiện, là một vở kịch lớn. Tác giả thành công trong việc để cho bản tính mình và tài năng mình phát sáng thông qua những phát lộ tín ngưỡng và triết học có cả nghìn năm tuổi đó. Tác phẩm lớn cuối cùng Những kẻ phiêu du trong cuộc đời (Gjellerup Verdens vandrerne, 1910), với đạo đức nửa Đông phương và nửa Tây phương, không đạt tới mức cao đẹp như các tác phẩm khác nhưng lại chứa đựng những chi tiết đẹp và làm cho chúng ta phải đọc cho đến cùng vì nó chứa đựng một vẻ huyền hoặc đầy sức tưởng tượng cũng như sự phát triển của hành động.
Karl Gjellerup là sự kết hợp lạ kỳ ấy, ông là nhà bác học đồng thời là nhà thơ. Trí tưởng tượng sáng tạo và cái thiên phú trong chất thơ thấu thị của ông lắm khi khó mà hài hòa được với sự hiểu biết lạ kỳ và trí thông minh sinh động của ông. Các tác phẩm thời kỳ đầu của ông có đặc điểm là những miêu tả rất rộng mặc dù đôi khi vụng về và mang tính suy tư triết học nhiều hơn là vẻ hồn nhiên bột phát. Những tác phẩm này thường bị coi nhẹ về hình thức nghệ thuật nhưng chúng bao giờ cũng phong phú về tư tưởng và càng khám phá càng thấy độc đáo. Trong những tác phẩm đó có những tác phẩm đáng chú ý như Brynhild và Minna. Một nhà thơ thu hái tất cả các loài hoa, một trí tuệ tìm tòi không biết mệt cho tới khi đạt tới được thế giới của sự huyền bí Hindu, ở đó tư duy sâu sắc và nỗ lực tinh thần muốn làm sáng tỏ những bí ẩn của chân lý và cuộc đời được kết hợp với bản năng nghệ thuật của ông: đó chính là Gjellerup của giai đoạn sau. Một tư tưởng chất chứa cảm xúc, một sự hiểu biết lớn lao về tâm hồn con người, một ước vọng to tát đối với cái đẹp và một nghệ thuật thơ làm nảy sinh ra những tác phẩm có giá trị bền vững. Gọi tác giả của Pilgrimen Kamanita và Den fuldendtes hustru là “nhà thơ kinh điển của đạo Phật” quả thật là đúng.
Tác phẩm của Karl Gjellerup
– Spicio Africanus (1875), kịch.
– Arminius (1875-1876), kịch.
– Người lí tưởng (Ein Idealist, 1878), tiểu thuyết [An Idealist].
– Antigonos (1880), tiểu thuyết.
– Truyền thống đạo lí (Arvelighed og moral, 1881) [Heredity and Morals].
– Cây sơn tra (Rödtjörn, 1881), tập thơ [Hawthome].
– Cậu học trò của những người Đức (Germanernes laerling, 1882), tiểu thuyết [The Apprentice of the Teutons].
– Tâm hồn và thời đại (Aander og tider, 1882), tập thơ [Spirits and Times].
– Gam sol trưởng (G-dur, 1883), truyện [G-maijo].
– Romulus (1883), tiểu thuyết.
– Tháng cổ điển (En klassisk maaned, 1884) [A Classical Month].
– Brynhild (1884), bi kịch.
– Năm lãng du (Vandreaaret, 1885) [Wander Year].
– Thánh Just (Saint Just, 1885), kịch.
– Thamyris (1887), kịch thơ.
– Hagbard và Signe (Hagbard og Signe, 1889), bi kịch văn xuôi và thơ [Hagbard and Signe].
– Cuốn sách tình yêu của tôi (Min kaerligheds bog, 1889), tập thơ [Book of my Love].
– Minna (1889), tiểu thuyết.
– Herman Vandel (1891), kịch.
– Vua Hjarne (Kong Hjarne, 1892), kịch [King Hjarne].
– Wuthhorn (1893), kịch.
– Đức Ngài (Hans Excellence, 1893), kịch.
– Mục sư Mors (Pastor Mors, 1894), tiểu thuyết.
– Chiếc cối xay (Möllen , 1896), tiểu thuyết.
– Độc tố và kháng độc tố (Gift og modgift, 1898), hài kịch [Toxin and Antitoxin].
– Fabler (1898) [Fables].
– Từ xuân sang thu (Fravaar til hứst, 1898) [From Spring to Autumn].
– Tại vùng biên giới (Ved graensen, 1897), tiểu thuyết [At the Border].
– Nhà tiên tri (Tankelaeserinden, 1901), tiểu thuyết [The Soothsayer].
– Lửa hiến tế (Die Opferfeuer, 1903), kịch [The Sacrificial Fires].
– Kamanita, người hành hương (Pilgrimen Kamanita, 1906), tiểu thuyết [The Pilgrim Kamanita].
– Bà vợ của kẻ Toàn Vẹn (Den fuldendtes hustru, 1907), kịch [The Wife of the Perfect One].
– Những kẻ phiêu du trong cuộc đời (Verdens vandrerne, 1910), tiểu thuyết.
– Những kẻ hành hương vĩnh cửu (Die Weltwanderer, 1910), tiểu thuyết [The World Travellers].
– Đến tuổi trưởng thành (Reif für das Leben, 1913), tiểu thuyết [Ripe for Life].
– Những người bạn của Chúa Trời (Die Gottesfreunde, 1916), tiểu thuyết [The Friends of God].
– Cành vàng (Der goldene Zweig, 1917), tiểu thuyết [The Golden Bough].
* Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt:
– Kamanita, kẻ hành hương (tiểu thuyết), Ngụy Hữu Tâm dịch, Nxb Lao động – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005.
Phạm Toàn dịch từ bản tiếng Anh
(Nguồn: http://nobelprize.org)
© Culture Globe / Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Ghi chú:
(1) Do Sven Sửderman, nhà phê bình văn học của Thụy Điển đọc.