José de Echegaray (19/4/1832 - 14/9/1916)
José de Echegaray (19/4/1832 - 14/9/1916)

José de Echegaray là nhà viết kịch Tây Ban Nha được trao nhà văn được giải Nobel Văn học 1904 nhờ có nhiều công lao trong việc phục hồi truyền thống kịch của Tây Ban Nha. Kịch của ông giàu bản sắc, bi thương, thể hiện cuộc đấu tranh của cái Đẹp và chủ nghĩa anh hùng với định mệnh mù lòa, hoặc với thói lãng mạn đặt lòng ghen và hằn thù trên hết thảy. J. Echegaray đã kết hợp thống nhất trong sáng tác của ông những tưởng tượng phong phú và thẩm mĩ nghệ thuật tinh tế.

Xem thêm: Fredéric Mistral – nhà thơ suốt đời đề cao lí tưởng dân tộc

José de Echegaray (19/4/1832 - 14/9/1916)
José de Echegaray (19/4/1832 – 14/9/1916)

Đôi nét cuộc đời José de Echegaray

Jose Maria Valdo Echegaray Y Eizaguire sinh tại Madrid nhưng từ năm 3 tuổi gia đình ông đã chuyển đến sống ở thành phố nhỏ Murcia ven biển Địa Trung Hải. Bố José de Echegaray là giáo sư tiếng Hy Lạp ở trường Đại học Murcia. J. Echegaray đi học sớm, say mê tiếng Hy Lạp, Latinh, lịch sử, triết học và toán. Nhận chứng chỉ tú tài triết học năm 14 tuổi, ông trở về Madrid và học tại trường Trung học Kỹ nghệ và tốt nghiệp trước thời hạn vào năm 1853.

Làm kỹ sư một vài năm, rồi trở thành giáo sư toán lý thuyết và ứng dụng tại trường Trung học Kỹ nghệ, J. Echegaray là một trong những nhà toán học xuất sắc nhất Tây Ban Nha thời đó, nghiên cứu triết học, địa lỹ và kinh tế – chính trị học, yêu thích nghệ thuật sân khấu. Sau cuộc cách mạng dân chủ tư sản năm 1868, ông lần lượt giữ các chức Bộ trưởng Xã hội, Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Tài chính. Năm 1874, sau khi vương triều Bourbon được khôi phục, J. Echegaray buộc phải lưu vong sang Paris. Cuối năm ông về nước, viết vở kịch đầu tiên Cuốn ngân phiếu, rồi từ bỏ việc nghiên cứu toán học và những khoa học khác, cũng như các hoạt động chính trị. Ba mươi năm tiếp theo J. Echegaray chỉ chuyên tâm vào văn học nghệ thuật, mỗi năm viết vài ba vở kịch cho đến cuối đời. Trong số 60 vở kịch của ông có đến hơn nửa là kịch thơ. Vở kịch nổi tiếng đầu tiên của ông là Vợ kẻ báo thù (1874); năm 1895 vở Điên khùng hay thần thánh (viết năm 1877) được dịch sang tiếng Anh và mang lại tiếng tăm thế giới cho ông. Tác phẩm nổi tiếng nhất của J. Echegaray là Galeoto vĩ đại (1881), viết về sức tàn phá của những tin đồn thổi khiến những người vô tội trở thành nạn nhân.

Năm 1894 ông được bầu vào Viện Hàn lâm Hoàng gia Tây Ban Nha. Năm 1904 ông nhận Giải Nobel cùng Fredéric Mistral vì rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp phục hồi các truyền thống của kịch Tây Ban Nha. J. Echegaray không đến dự lễ trao giải ở Thụy Điển.

Năm 1912 ông được trao Huân chương Lông Cừu Vàng.

Các nhà phê bình đánh giá khác nhau về J. Echegaray. Một số cho rằng ông là mắt xích kết nối giữa kịch cổ điển và hiện đại Tây Ban Nha; số khác coi nghệ thuật của ông là bằng chứng suy thoái của nền nghệ thuật kịch Tây Ban Nha cuối thế kỷ XIX.

Các tác phẩm của J. Echegaray:

Tác phẩm "Người đàn bà bối rối" của J. Echegaray
Tác phẩm “Người đàn bà bối rối” của J. Echegaray (La desequilibrada, 1904), kịch.

– Đứa con gái ngoài hôn thú (La hija natural, 1865), kịch.

– Cuốn ngân phiếu (El libro tahonano, 1874), kịch.

– Vợ kẻ báo thù (La esposa del vengador, 1874), kịch [The Avenger’s Wife].

Đêm cuối cùng (La última noche, 1875), kịch.

 – Chuôi kiếm (En el puño de la espada, 1875), kịch [The Sword’s Handle].

– Điên khùng hay thần thánh (O locura o santidad, 1877), kịch [Madman or Saint].

– Cột mốc và thập giá (En el pilar y en la cruz, 1878), kịch [The Stake and the Cross].

– Galeoto vĩ đại (El gran Galeoto, 1881), kịch [Great Galeoto].

– Xung đột nghĩa vụ (Conflicto entre dos deberes, 1882), kịch [Conflict of Duties].

– Con trai Don Juan (El hijo de Don Juan, 1892), kịch.

– Người đàn bà bối rối (La desequilibrada, 1904), kịch.

Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1)

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – Wikipedia tiếng Việt

Sau thời kì rực rỡ của sân khấu, Hi Lạp, Anh và Tây Ban Nha là những nước chủ yếu có nền sân khấu phát triển nhất. Để hiểu được kịch hiện đại Tây Ban Nha, cần phải hiểu hoàn cảnh xã hội đương thời lúc đó. Trong một thời gian dài, kịch Tây Ban Nha thường phản ánh những xung đột gay gắt. Một mặt là sự nở rộ của trí tưởng tượng bay bổng, mặt khác thể hiện sự tư biện hết sức tinh tế và ước lệ. Ở chỗ này là sắc màu rực rỡ, ở chỗ khác lại là cảm hứng dạt dào đối với những phản đề hùng biện. Ngôn ngữ mạnh mẽ kết hợp với cốt truyện phức tạp. Kịch tính cao, chất trữ tình cũng đậm đặc. Những nghịch âm chói tai và xung đột luôn dẫn đến kết cục bi thảm. Nhưng cuộc sống bên trong cũng rất phong phú, và tính khốc liệt không hề loại trừ sự xuất hiện ngẫu hứng và ngoạn mục của trí tưởng tượng. Trong sân khấu Tây Ban Nha, cái nhân tạo được kết hợp một cách khéo léo với cội rễ chân thực.

Người thừa kế và tiếp tục truyền thống độc đáo và vinh quang đó là nhà văn được nhận đồng giải thưởng Nobel năm nay. Là con đẻ của thời hiện đại và hoàn toàn độc lập trong đánh giá, quan niệm về thế giới của ông khác hẳn quan niệm của Calderón. Yêu chuộng tự do và đã không ngừng đấu tranh vì sự khoan dung, ông không thể là bạn của cả chế độ chuyên chế hoặc xã hội đẳng cấp, nhưng ở ông còn có nguyên vẹn ngọn lửa nhiệt tình kì lạ và phẩm giá vốn là đặc điểm nổi bật của các kịch tác gia Tây Ban Nha thời trước. Nhà văn đó chính là José de Echegaray. Cũng như các bậc tiền bối, ông biết cách thể hiện các xung đột, ông cực kì nhạy cảm và hết sức quan tâm đến những bản tính và lí tưởng khác nhau. Và cũng như họ, ông say mê nghiên cứu các biểu hiện phức tạp nhất của ý thức. Ông là bậc thầy của nghệ thuật buộc khán giả phải xúc động hoặc sợ hãi, những hiệu quả căn bản của bi kịch. Cũng như những bậc thầy của kịch Tây Ban Nha trước đây, ông có khả năng kết hợp đáng kinh ngạc trí tưởng tượng sống động nhất với nghệ thuật trực cảm vô cùng tinh tế. Vì thế, có thể nói như một nhà phê bình – không có thiện cảm với ông – rằng “Ông mang trong mình dòng máu Tây Ban Nha thuần khiết”. Tuy nhiên quan niệm về thế giới của ông rất rộng. ý thức về bổn phận ở ông thật trong sáng, các quan niệm của ông thật nhân ái, và thái độ dũng cảm mang tính luân lí của ông vừa là đặc trưng cho dân tộc vừa mang những nét phổ quát toàn nhân loại.

José de Echegaray sinh tại Madrid năm 1833 nhưng lớn lên ở Murcia, nơi cha ông là giám đốc Viện Nghiên cứu Hi Lạp. Nhận bằng cử nhân năm 14 tuổi, ông vào học trường Kĩ thuật Xây dựng. Ông học rất xuất sắc, nhờ cần cù và có kĩ năng đào sâu kiến thức. Năm năm sau, năm 1853, ông tốt nghiệp ngành xây dựng với tấm bằng loại ưu. Toán học và cơ học là những môn ông ưa thích nhất. Sự hiểu biết sâu sắc các môn học này khiến chỉ một năm sau ông đã được bổ nhiệm làm Giáo sư ở chính ngôi trường mà trước ông vừa theo học. Trong những năm đầu ông phải vật lộn rất vất vả, ông phải dạy thêm để duy trì một cuộc sống ở mức khiêm tốn nhất. Bất chấp những khó khăn đó, ông sớm trở thành một giáo sư xuất sắc, nổi tiếng cả về môn toán lí thuyết lẫn toán thực hành, đồng thời ông cũng trở thành một kĩ sư tài ba. Cũng vào thời điểm này ông đã dành nhiều thời gian vào việc nghiên cứu kinh tế chính trị và những lí thuyết về thương mại tự do. Không lâu sau, con người xuất chúng, vị kĩ sư tài năng ấy được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng và cao quý nhất. Ông đã từng ba lần giữ chức Bộ trưởng. Những người từng biết ông, cho dù là đối thủ hay bạn bè, đều phải công nhận rằng ông là một người rất giỏi trong việc quản lí tài chính và những việc công cộng.

Thật dễ hiểu, việc công chúng rộng rãi đã ngạc nhiên thế nào khi học giả này, người đã công bố những chuyên luận về hình học giải tích, về vật lí, về điện, lại hăng say với việc viết kịch. Có người nói rằng những sáng tác cho sân khấu của ông giống như những đẳng thức và các định đề. Nếu như tài năng của ông trong lĩnh vực mới được rất nhiều người hâm mộ thì cũng có những người phê bình gay gắt. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận rằng tác phẩm của ông có ý nghĩa đạo đức sâu xa. Xét một khía cạnh nào đó, các nhà phê bình không sai khi nhận xét rằng trong các vở kịch của mình, theo cách của một số bác sĩ phẫu thuật, ông hiếm khi sử dụng phương pháp nào khác ngoài các phương pháp “urere et secare” (đốt và cắt bỏ). Tuy nhiên, có những điều đáng khâm phục trong cảm hứng thi ca lãng mạn cũng như thái độ nghiêm khắc triệt để là không một chút khoan nhượng về bổn phận.

Không thèm đếm xỉa đến những thị hiếu thời thượng, chỉ duy nhất tuân theo cảm hứng thiên tài của mình, Echegaray dấn thân đến cùng cho sự nghiệp vinh quang đã chọn, cho ra đời một khối lượng tác phẩm sân khấu đồ sộ khiến chúng ta phải nghĩ đến Lope de Vega và Calderón.

Ngay từ thời trẻ, khi đang học tại trường Kĩ thuật Xây dựng, ông đã say mê sân khấu và thường sử dụng số tiền dành dụm được để mua vé xem kịch. Năm 1865, ông viết vở Đứa con gái ngoài hôn thú (La hija natural), sau đó, năm 1874, là vở Cuốn ngân phiếu (El libro talonario). Các tờ áp phích quảng cáo chương trình đều ghi bút danh thay vì tên ông, nhưng khán giả không mất nhiều thời gian để đoán ra rằng tác giả đang được hâm mộ đó là José de Echegaray, Bộ trưởng Bộ Tài chính Tây Ban Nha. Vài tháng sau, vở Đêm cuối cùng (La última noche) được trình diễn. Kể từ đó, khả năng hư cấu tuyệt vời của ông không ngừng cho ra đời những tác phẩm đầy sáng tạo. Chỉ trong một năm ông đã công bố ba đến bốn tác phẩm. Không có đủ thời gian kể hết các tác phẩm của ông, chúng tôi chỉ xin đề cập ở đây một vài tác phẩm gây được sự chú ý rộng rãi của công chúng.

Echegaray giành được thành công vang dội đầu tiên vào tháng 11 năm 1874, với vở kịch Vợ kẻ báo thù (La esposa del vengador). Vở kịch bộc lộ rõ nét thiên tài của ông và mặc dù vẫn còn có những chỗ khoa trương, vẻ đẹp của nó thật đáng khâm phục. Công chúng tưởng như được trở về với thời hoàng kim của sân khấu Tây Ban Nha, còn tác giả thì được ca ngợi như người tái sinh kỉ nguyên rực rỡ nhất của nền ca kịch nước nhà. Vở Chuôi kiếm (En el puño de la espada) được công diễn một năm sau đó cũng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt như vậy. Sức mạnh to lớn của những tư tưởng cao thượng trong vở kịch khiến khán giả xúc động sâu sắc với những tràng vỗ tay không ngớt suốt buổi diễn và sau cảnh diễn cuối cùng, đến nỗi Echegaray phải xuất hiện trên sân khấu bảy lần để cảm ơn. Nhưng một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra năm 1878, khi Echegaray công bố tác phẩm Cột mốc và thập giá (En el pilar y en la cruz), trong đó nhà thơ thể hiện mình là người ủng hộ tư tưởng tự do vì lòng khoan dung và chống lại sự cuồng tín. Tác phẩm tiêu biểu của Echegaray, như chính ông thừa nhận, là Xung đột nghĩa vụ (Conflicto entre dos deberes), công bố năm 1882. Sự xung đột nghĩa vụ được thể hiện trong hầu hết các tác phẩm của ông nhưng hiếm khi nó được đẩy lên tột đỉnh như trong tác phẩm này. Hai tác phẩm khác đã làm cho tên tuổi của ông lừng lẫy, đó là hai vở kiệt xuất, Điên khùng hay thần thánh (O locura o santidad) và Goleoto vĩ đại (El gran Galeoto), tác phẩm đầu công diễn vào tháng Một năm 1877, tác phẩm sau vào tháng Ba năm 1881. Vở Điên khùng hay thần thánh chứa đựng rất nhiều ý tuởng sâu sắc. Nó kể về thân phận một người đàn ông vì trung trực mà từ bỏ sự giàu có vật chất nên bị mọi người, trong đó có cả bạn bè coi như một thằng điên. Lorenzo de Avendano từ chối tên tuổi và những tài sản mà anh ta phát hiện một cách tình cờ, hoàn toàn có thể thuộc về mình. Anh ta kiên quyết giữ nguyên quyết định đó ngay cả khi những bằng chứng hiển nhiên cho thấy anh ta không có quyền hưởng tài sản không còn nữa. Chủ nghĩa lí tưởng đó của anh bị gia đình coi là điên rồ, còn Lorenzo thì bị mọi người chế giễu là một Don Quixote bướng bỉnh và ngốc nghếch. Kết cấu chặt chẽ của vở kịch là biểu hiện phẩm chất của một kĩ sư, người có thể đo đếm chính xác từng chi tiết, nhưng nó cũng cho thấy rằng ông là một nhà thơ thiên tài đang độ chín. Không đơn thuần là những xung đột bề ngoài, vở kịch mô tả những xung đột bên trong của một nhân vật mang nỗi buồn vô hạn. Đó là sự đấu tranh giữa bổn phận, nghĩa vụ với chủ nghĩa cơ hội và khi đi theo tiếng gọi của lương tâm, Lorenzo đến với nỗi thống khổ của kẻ tử vì đạo. Kinh nghiệm cho thấy rằng, thói thường, những ai trung thành với lương tâm sẽ chuẩn bị phải đối mặt với số phận của người tử vì đạo.

Goleoto vĩ đại gây được ấn tượng mạnh mẽ hơn. Ngay trong tháng đầu tiên kể từ khi ra mắt, tác phẩm đã được tái bản không dưới năm lần và dấy lên trong toàn quốc một cơn sóng hâm mộ đối với tác giả. Nhờ lối diễn tả tâm lí nhân vật bậc thầy, chắc chắn vở kịch sẽ có những giá trị lâu bền. Nó cũng nói lên sức mạnh của sự vu khống. Cái vô tội nhất cũng có thể bị bóp méo và xuyên tạc bởi những kẻ ngồi lê đôi mách. Ernesto và Teodora không làm gì đáng bị chê trách, nhưng người đời tin rằng họ có tội, và cuối cùng, khi bị tất cả mọi người bỏ rơi, họ đã để mặc cho số phận đưa đẩy. Khả năng phân tích tâm lí tinh tế được thể hiện qua sự quan sát tỉ mỉ, sắc sảo. Hai sinh linh cao quý ấy không hề có ý định đánh cắp những gì thuộc về người hàng xóm, nhưng họ bị cuốn hút vào lúc nào không biết. Họ chỉ thực sự nhận ra tình yêu của mình khi chính họ bị rơi vào tình cảnh ngược đãi. Chủ nghĩa lãng mạn đã thành công vang dội trong một vở kịch mang vẻ đẹp thi ca với những chi tiết trữ tình ngoạn mục và một cấu trúc hoàn hảo.

Với tư cách là một nhà kịch gia, Echegaray đã không ngừng nghỉ. Năm nay, 1904, ông vừa công bố một vở mới, Người đàn bà bối rối (La desequilibrada), trong đó màn thứ nhất thực sự là một kiệt tác về nghệ thuật thể hiện và xây dựng nhân vật điển hình. Vở kịch cũng cho thấy một cảm hứng thi ca không hề suy kiệt. Trong vở kịch này chúng ta gặp Don Mauricio de Vargas, một trang hiệp sĩ rất đẹp dưới con mắt của Echegaray, một trang hiệp sĩ không muốn mua, thậm chí đến cả hạnh phúc của bản thân nếu phải xâm hại đến bổn phận.

Giải Nobel cho nhà thơ lớn này là một quyết định đúng đắn. Sự nghiệp của ông nổi bật nhờ khả năng sáng tạo dồi dào và cách nhìn thế giới mang những ý tưởng cao cả. Chính vì lý do đó, một nhà phê bình nổi tiếng của Đức đã nói về ông như sau: “Ông xử sự đúng quyền và trách nhiệm ở mọi hoàn cảnh”.

Echegaray đã để cho một nhân vật trong Goleoto vĩ đại nói những lời vô cùng bi quan rằng thế giới sẽ “không bao giờ công nhận sự tinh tế của thiên tài, cho đến ba thế kỉ sau khi ông ta chết”. Điều này rất có thể xảy ra, chẳng có gì đáng nghi ngờ. Nhưng để phản bác rằng điều đó không phải bao giờ cũng đúng, chúng tôi xin đưa ra một bằng chứng là sự hâm mộ rất xác đáng của công chúng đối với tác phẩm của Echegaray. Để thêm một lời ca ngợi nữa đối với ông, Viện Hàn Lâm đã đồng trao Giải Nobel cho nhà thơ nổi tiếng, niềm vinh dự và tự hào của Viện Hàn Lâm Tây Ban Nha, José de Echegaray.(2)

(Nguồn: http://nobelprize.org)
© Culture Globe/TTVHNN Đông Tây

Ghi chú:

(1) Đây là phần tiếp theo, nói về José de Echegaray, trong Lời tuyên dương của Viện Hàn Lâm Thụy Điển đối với hai nhà thơ được nhận giải Nobel Văn học năm 1904, do C. D. af Wirsén đọc trong buổi lễ trao giải. Phần đầu, nói về Frédéric Mistral

(2) Tại bữa tiệc,  Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy điển C. D. af Wirsén đã điểm lại sự nghiệp đồ sộ của Echegaray, lấy làm tiếc về tình trạng sức khỏe của ông và giải thích rằng công sứ Tây Ban Nha đã không tham dự được buổi lễ chiêu đãi và nhận lời chúc mừng thay cho người đồng bào nổi tiếng của mình. Ngài Công sứ Pháp Marchand đã thay mặt đồng nghiệp của mình, Công sứ Tây Ban Nha, bày tỏ lòng biết ơn của ông Echegaray, đối với Viện Hàn lâm Thụy Điển và các quan khách cùng dự.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here