John Galsworthy
John Galsworthy (14/08/1867 - 31/01/1933)

John Galsworthy (14/08/1867 – 31/01/1933) được trao giải Nobel Văn Học năm 1932 vì ngòi bút miêu tả chân thực quá trình suy đồi của giai cấp tư sản Anh trong hàng loạt tác phẩm của mình, đặc biệt là bộ tiểu thuyết “Truyện gia đình Forsyte” đã giúp  ông nổi tiếng thế giới. Ông còn là người sáng lập và lãnh đạo Hội Văn bút Quốc tế và có bằng danh dự của gần chục trường đại học, cao đẳng của nhiều nước.

Xem thêm: Wladyslaw Reymont, nhà văn với những tác phẩm có tính điển hình nhân loại.

John Galsworthy
John Galsworthy (14/08/1867 – 31/01/1933)

Tiểu sử

John Galsworthy là con trai duy nhất của một luật sư giàu có. Ông học phổ thông ở Harrow và ngành luật ở Đại học Oxford. Năm 1890, J. Galsworthy trở thành luật sư nhưng rồi bỏ nghề; năm 28 tuổi ông đi du lịch nhiều nơi ở Nga, Châu Mỹ, Châu Đại Dương và bắt đầu viết văn do chịu ảnh hưởng của người tình (lúc đó đang là vợ của một người anh em họ; bảy năm sau (1904) họ mới cưới được nhau). Những tác phẩm đầu tiên của ông như Jocelyn, Bốn ngọn gió được xuất bản dưới bút danh John Sinjohn.

Sự nghiệp văn học đích thực của J. Galsworthy bắt đầu từ năm 1904 với tiểu thuyết Đảo của những kẻ đạo đức giả, phê phán những tầng lớp giàu có trong xã hội; với tác phẩm này J. Galsworthy đã kí tên thật của mình.

 Bộ tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông là Truyện gia đình Forsyte gồm 5 tác phẩm: ba tiểu thuyết Người tư hữu (1906), Trong thòng lọng (1920), Cho thuê (1921), hai truyện ngắn Mùa hè cuối cùng của Forsyte (1917) và Thức tỉnh (1920), miêu tả nhiều thế hệ của một gia đình tư sản, phản ánh sự cố gắng làm giàu của giai cấp tư sản thời nữ hoàng Victoria đến khoảng giữa hai cuộc chiến tranh (1886-1926); in trọn bộ năm 1922. Bộ ba tiểu thuyết thứ hai về gia đình Forsyte mang tên Hài kịch hiện đại được nhà văn hoàn thành năm 1928. Năm 1929, J. Galsworthy được tặng huân chương Huân công của nước Anh. Năm 1932, ông nhận Giải Nobel, nhưng đã bị ốm quá nặng không thể đến dự lễ; gần hai tháng sau ông qua đời.

Với sự nghiệp sáng tác hơn 30 năm, J. Galsworthy là một trong những tác giả lớn nhất của nền văn học Anh – Mỹ có khối lượng tác phẩm đồ sộ: 20 tiểu thuyết, 27 vở kịch, 3 tập thơ, 173 truyện ngắn, 5 tập tiểu luận, 700 bức thư và rất nhiều bút kí, ghi chép khác. Đáng tiếc là tác phẩm của ông ít được dịch sang tiếng Việt.

Ông là một trong những người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn bút Quốc tế (1921); số tiền từ giải thưởng Nobel cũng được ông trao vào quỹ Hội này.

Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1):

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – Wikipedia tiếng Việt

Dường như sự nghiệp văn chương của John Galsworthy phát triển suôn sẻ một cách khác thường, được thúc đẩy nhờ năng lực sáng tạo không biết mỏi mệt. Tuy nhiên, ông không thuộc những người đến với nghiệp văn nhanh chóng, không do dự. Sinh ra trong một gia đình khá giả, ông theo học luật trường Đại học Harrow và Oxford, nhưng không hành nghề mà đi du lịch vòng quanh thế giới. 28 tuổi, lần đầu tiên ông bắt đầu viết, lý do trực tiếp là sự cổ vũ của một người bạn gái. Đối với ông đó chỉ là để giải trí, hiển nhiên là do những định kiến cố hữu của giới trưởng giả đối với nghề viết văn. Hai tập truyện ngắn đầu tiên của ông được xuất bản dưới bút danh John Sinjohn và số sách đã in bị chính tác giả thu hồi. Mãi đến năm 37 tuổi, John Galsworthy mới thật sự bắt đầu sự nghiệp viết văn với việc cho ra đời cuốn tiểu thuyết Đảo của những kẻ đạo đức giả (The Island Pharisees) năm 1904, và hai năm sau cuốn Người tư hữu (The Man of Property) – tác phẩm mở đầu cho danh tiếng của ông được xuất bản cùng lúc với kiệt tác The Forsyte Saga.

Ngay từ cuốn truyện hoạt kê Đảo Pharisees, đặc điểm cơ bản đánh dấu tất cả các tác phẩm sau này của ông đã bộc lộ rõ ràng. Tác phẩm kể về một nhà tư sản Anh sống ở nước ngoài lâu đến nỗi quên hết các tập quán qui ước của tầng lớp mình. Ông ta phê phán nặng nề không khí xã hội ở quê hương, lại được tiếp tay bởi một gã người Bỉ lang thang tình cờ làm quen trên một chuyến tàu Anh và trở thành định mệnh của ông. Vào thời gian đó, bản thân Galsworthy là một kẻ giang hồ quay trở về quê hương, sẵn sàng đấu tranh chống lại xã hội quý tộc tư sản với cương lĩnh giống như Bernard Shaw, mặc dù khác với B. Shaw chuyên sử dụng vũ khí trí tuệ, Galsworthy trước hết tìm cách nắm bắt những cảm xúc và ý tưởng. Thói vị kỉ đạo đức giả của tầng lớp quý tộc tư sản thống trị là chủ đề ban đầu của Galsworthy nhưng sẽ còn được ông đề cập sau này, cụ thể hơn trong từng tác phẩm. Ông đấu tranh không mệt mỏi chống lại tất cả những hẹp hòi nhỏ nhen, thô bỉ trong tính cách dân tộc mình. Những cuộc tấn công bền bỉ nhằm vào các mặt xấu của xã hội cho thấy ông có những ấn tượng mạnh mẽ và tình cảm về lẽ công bằng bị thương tổn sâu sắc. Với mẫu nhân vật Forsyte, ông nhằm vào giới trung lưu khá giả, những thương gia giàu có, những người chưa thật sự có địa vị quý tộc nhưng đang cố hướng tới lí tưởng về một quý ông thượng lưu khắt khe, điềm tĩnh và đường bệ. Những người này đặc biệt cảnh giác với những cảm xúc nguy hiểm. Tuy nhiên, việc ấy không loại trừ những sa sảy bất ngờ, khi nỗi đam mê xâm nhập vào cuộc sống của họ, và tự do thì đòi hỏi quyền tồn tại trong một thế giới của bản năng chiếm hữu. Cái đẹp được thể hiện qua nhân vật nàng Irene không thể sống chung với người đàn ông thực dụng. Phẫn uất với điều đó, Soames Forsyte trở thành hầu như một nhân vật bi kịch. Không chắc rằng ngay từ đầu Galsworthy đã nghĩ tới cuốn tiếp theo của tiểu thuyết đầu tiên này về dòng họ Forsyte, một kiệt tác về thiên tính con người: mạnh mẽ, kiên định và độc lập. Mãi 15 năm sau, ông mới lại viết tiếp Forsyte, lúc này, hậu quả của chiến tranh thế giới đã làm thay đổi hoàn toàn giác độ của tiểu thuyết; nhưng tác phẩm được mở rộng hơn. In Chancery (1920) và To Let (1921) là hai truyện ngắn được viết thêm. Truyện gia đình Forsyte (The Forsyte Saga) được hoàn thành như vậy.

Chưa hết duyên nợ với thế hệ trẻ trong dòng họ Forsyte, Galsworthy viết Hài kịch hiện đại (A Modern Comedy), một tiểu thuyết bộ ba mới mà cấu trúc giống hệt cuốn trước đó, gồm 3 tiểu thuyết: Con khỉ trắng (The White Monkey, 1924), Chiếc thìa bạc (The Silver Spoon, 1926) và Khúc hát thiên nga (Swan Song, 1928), liên kết với nhau nhờ hai truyện ngắn. Hai tiểu thuyết bộ ba này là một thành tựu văn học hiếm có. Nhà văn dựng lại lịch sử thời đại mình thông qua ba thế hệ một gia đình, và ông đã thành công tuyệt vời trong việc nhào nặn những chất liệu cực khó ấy của mình cả về qui mô lẫn chiều sâu. Đến nay, nó vẫn là một đỉnh cao trong văn học Anh và càng đáng khâm phục vì tiểu thuyết này đã khai thác thành công lĩnh vực mà Châu Âu lục địa từng có nhiều tác phẩm xuất sắc.

Bề nổi của cuốn biên niên sử này là thực tế cuộc sống hàng ngày của gia đình Forsyte, tất cả những rủi may, xung đột và những tấn bi hài kịch. Nhưng bối cảnh của truyện là diễn tiến âm thầm của các sự kiện lịch sử. Độc giả chắc vẫn còn nhớ chương miêu tả Soames và người vợ thứ hai của anh ta chứng kiến đám tang Nữ hoàng Victoria trong một ngày xám xịt ở phía ngoài hàng rào công viên Hyde Park, họ đã điểm qua cuộc đời bà kể từ lúc lên ngôi: “Đạo đức đã thay đổi, cách đối nhân xử thế đã thay đổi, con người trở thành con khỉ hai lần bị xua đuổi và Chúa trở thành thần Tài, một ông thần đáng kính đến mức tự lừa dối mình”. Trong tiểu thuyết Forsyte, chúng ta được chứng kiến sự biến đổi và tan rã của thời đại Victoria – bộ tiểu thuyết đầu tiên miêu tả giai đoạn nước Anh tiến hành sáp nhập tầng lớp quý tộc với giới tài phiệt, kèm theo đó là sự thay đổi khái niệm “quý ông thượng lưu” (gentleman), tựa như một sự phồn vinh ngắn ngủi trước những ngày bão táp. Bộ ba tiểu thuyết thứ hai không còn được gọi là “saga” nữa mà là “hài kịch”, miêu tả cuộc khủng hoảng sâu sắc của nước Anh mới mà nhiệm vụ là khôi phục lại đống đổ nát của quá khứ và biến các trại lính tạm bợ của thời chiến thành ngôi nhà tương lai. Tiểu thuyết của ông miêu tả tỉ mỉ, hoàn hảo tất cả các mẫu người. Từ các nhà kinh doanh cỡ bự, các bà lớn hư nết, các bà cô chuộng ăn mặc theo lối cổ, các thiếu nữ nổi loạn, quý ông ở các câu lạc bộ, chính khách, nghệ sĩ, trẻ em và thậm chí cả những con chó – con vật được Galsworthy rất cưng chiều – đều xuất hiện rõ nét trong một bức tranh toàn cảnh London sống động trước mắt chúng ta.

Tác phẩm của Galsworthy tái hiện như một cuốn phim tài liệu hấp dẫn về những thăng trầm của một gia tộc với những đặc điểm di truyền nhất định. Các chân dung trong dòng họ ấy không ai giống ai và tất cả đều phục tùng luật lệ của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, chúng ta hãy xem quan điểm của Galsworthy dần thay đổi như thế nào qua các tiểu thuyết của ông. Sự chỉ trích mang tính cấp tiến đối với văn hóa phát triển theo cấp độ thành một nhận thức khách quan hơn và quan điểm thoáng hơn về những gì thuần túy con người. Một điển hình thường được nhắc tới là cách xử lí nhân vật Soames của ông, một người Anh điển hình, ban đầu là châm biếm, chế nhạo nhưng sau đó, một cách miễn cưỡng, ngày càng kính trọng hơn và cuối cùng chuyển thành thiện cảm đích thực. Galsworthy đã nắm được sự đồng cảm này và thể hiện nó trong tính cách của Soames, nhân vật đáng nhớ nhất trong saga về dòng họ Forsyte và tấn hài kịch của các hậu duệ. Hẳn mọi người đều nhớ một trong những đoạn kết tuyệt diệu của Swan Song trong đó Già Soames, sau khi lái xe trở lại ngôi làng của tổ tiên ở bãi biển phía Tây, dựa vào một bản đồ điều tra dân số cũ để tìm lại nơi trước đây từng là trang trại nhà Forsyte, nơi chỉ còn lại một tảng đá duy nhất để làm dấu. Có cái gì đó như ma quỉ trên con đường mòn đã dẫn ông trở lại một thung lũng đầy cỏ và cây kim tước. Ông hít thở không khí biển trong lành, thô ráp; không khí ấy ngấm dần lên đầu ông. Ông choàng lên mình chiếc áo khoác ngoài, ngồi trầm ngâm suy nghĩ, lưng tựa vào tảng đá. Ông tự hỏi phải chăng tổ tiên ông đã xây dựng nhà cửa trên mảnh đất lẻ loi này, họ có phải là những người đầu tiên đến định cư tại đây? Nước Anh của cha ông xưa hiện lên trước mắt ông, một nước Anh của “những con ngựa thồ và rất ít khói, bụi bặm, than bùn, bếp lửa và những bà vợ không bao giờ bỏ ta, có lẽ bởi vì họ không thể”. Ông ngồi đó rất lâu và đắm chìm trong những suy tư về mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

“Và có một điều gì đó xao động trong ông, như thể sự độc lập mặn chát của mảnh đất hiu quạnh này vẫn còn đó trong xương tủy ông. Già Jolyon, thân phụ ông cùng các chú bác nữa – thật dễ hiểu vì sao họ đã từng độc lập như thế, với bầu không khí này, sự hiu quạnh này trong máu họ – và dẫu đau như xát muối nhường kia, họ không thể chiụ thua, không thể buông xuôi, không thể chết. Trong giây lát, ông dường như đã hiểu chính mình”.

Vậy đối với Galsworthy, Soames trở thành một trong những đại diện cuối cùng của nước Anh xưa cũ không biến đổi. Không có gì giả dối trong ông; ông có cách phấn đấu của riêng mình nhưng ông là người trung thực. Bằng cách này, tính cách đáng trọng tầm thường và tỉnh táo được tôn vinh xứng đáng trong chủ nghĩa hiện thực của Galsworthy; và điều này đã được chỉ ra là nhân tố quan trọng trong phán xét của ông về bản tính con người. Thời gian trôi đi, thói dễ dãi, chán chường, cay độc ngày càng trở nên hợp thời; nhà văn nhận thấy có những điểm mà trong những hoàn cảnh khác bị đánh giá thấp thì có lẽ lại chính là bí mật của sức đề kháng của nước Anh. Về tổng thể, các tiểu thuyết sau này của Galsworthy thấm đẫm một tình cảm yêu nước mang tính tự vệ vốn cũng xuất hiện trong những miêu tả về quê hương và các nghiên cứu về thiên nhiên của ông. Thậm chí, các bài nghiên cứu thiên nhiên cũng được diễn tả với chất thơ dịu dàng và day dứt hơn, với cảm xúc muốn bảo vệ cái gì đó quý giá nhưng đã bị ám bóng một nỗi mất mát nào đó. Có thể đó là những căn phòng cũ nơi mọi người từng sống và như vẫn sẽ còn ở đó mãi mãi. Đó cũng có thể là một khu vườn kiểu Anh, nơi mặt trời tháng chín chiếu sáng rực rỡ trên các tán lá sồi màu đồng và hàng cây thông đỏ trăm năm tuổi.

Thời gian không cho phép tôi đào sâu chi tiết các tác phẩm khác của Galsworthy, những tác phẩm mà chất lượng văn học hoàn toàn có thể sánh với loạt tác phẩm về gia đình Forsyte và chỉ kém hơn về qui mô sử thi. Chính trong những truyện như Điền trang (The Country House, 1907), Bác ái (Fraternity, 1901), và Hoa tối (The Dark Flower, 1913) ông tìm kiếm nhân vật chủ yếu trưởng thành của mình. Trong truyện đầu tiên, ông tạo nên nhân vật nữ có lẽ là tinh tế nhất của ông, bà Pendyce – kiểu mẫu hoàn hảo về một phụ nữ quyền quý với tất cả tấn bi kịch khiêm nhường vây quanh một bản tính thực sự cao quý bị ràng buộc, nếu không muốn nói là bị hủy diệt, bởi xiềng xích của truyền thống. Trong tác phẩm Bác ái, một pha trộn kín đáo giữa thương hại và mỉa mai, ông miêu tả kẻ tuẫn đạo bất thành của lương tâm xã hội, nhà mĩ học bị cái bóng ma của đám đông vô sản London dày vò, nhưng không dám đi bước quyết định và hành động theo sự thôi thúc của lòng vị tha. Chúng ta cũng gặp một nhân vật độc đáo, ông già Stone, con người mơ ước viển vông với những độc thoại triền miên dưới bầu trời đêm, đó thực là một trong những nhân vật đáng nhớ nhất của Galsworthy. Chúng ta cũng không thể quên Hoa tối, có thể gọi là một bản xô nát tâm lí được chơi bằng những ngón tay điêu luyện và dựa trên vô vàn sắc thái của đam mê và cam chịu ở mọi thời đại của con người. Thậm chí trong hình thức truyện ngắn, Galsworthy cũng có thể gây được phản ứng cảm xúc thông qua sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng như một họa sĩ. Ông có thể làm được như vậy chỉ trên vài trang giấy chúng trở nên sống động nhờ văn phong đặc biệt của ông, chẳng hạn khi ông kể câu chuyện giản dị về ông thợ đóng giầy người Đức trong tác phẩm Chất lượng, nói về cuộc đấu tranh vô vọng của giới thợ thuyền chống việc trả công rẻ mạt.

Bằng cách kêu gọi hướng đến giáo dục và ý thức về công lí, nghệ thuật tự sự của Galsworthy luôn gây ảnh hưởng nhẹ nhàng tới các quan niệm sống và thói quen tư duy đương thời. Điều này cũng đúng khi nói về các tác phẩm kịch của ông, vốn thường là đóng góp trực tiếp của ông vào tranh luận xã hội và dẫn tới những cuộc cải cách ít nhất cũng trên một lĩnh vực, đó là việc quản lí các nhà tù ở nước Anh. Kịch của ông cho thấy một sự phong phú hiếm thấy về ý tưởng kết hợp với sự chân thật và các kĩ năng khác trong việc tạo ra hiệu quả sân khấu. Khi nguời xem nhận ra một quan điểm nào đó trong tác phẩm, những quan điểm đó luôn luôn là công bằng và nhân đạo. Chẳng hạn trong Rừng (The Forest, 1924), ông phê phán lòng tham vô độ đã khiến người ta lợi dụng lòng anh hùng thích chinh phục thế giới của người Anh vì những mục đích ngu xuẩn. Tác phẩm Buổi trình diễn (The Show, 1925) miêu tả một bi kịch gia đình trong đó cá nhân không có khả năng tự vệ trước áp lực của báo chí, sự hiếu kì tàn bạo của giới báo chí vận hành như một cỗ máy điếc và không thể kiểm soát, tước bỏ khả năng qui trách nhiệm cho bất cứ ai về cái ác xảy ra như là hậu quả của nó.

Tác phẩm Lòng trung thành (Loyaties) miêu tả vấn đề danh dự trong đó lòng trung thành được thử thách và được kiểm định một cách công bằng trong các giới khác nhau: gia đình, công ty, nghề nghiệp, quốc gia. Sức mạnh của tác phẩm nằm ở cấu trúc logic và hành động tập trung, đôi khi chúng cũng có một không khí thơ ca không tầm phào một chút nào. Tôi muốn đặc biệt nhắc tới tác phẩm Bồ câu (A Pigeon, 1912) và Một chút tình (A Bit o’ Love, 1915), tuy nhiên chúng không thành công lắm trên sân khấu. Nhìn chung, mặc dù kịch của Galsworthy về mặt nghệ thuật không thể so sánh được với tiểu thuyết của ông, song chúng khẳng định quá trình theo đuổi lí tưởng tự do từ thời trai trẻ của ông mạnh mẽ đến mức nào. Thậm chí, trong các vở kịch khá lạnh lùng của ông, chúng ta vẫn gặp một kẻ thù truyền kiếp của mọi sự áp bức, cả tinh thần lẫn vật chất, một con người nhạy cảm đấu tranh hết mình chống lại sự thờ ơ và không bao giờ từ bỏ đòi hỏi về một cách ứng xử cao thượng.

Về kĩ thuật, Turgenev là một trong những người thầy đầu tiên của ông. Cũng như ở nhà kể chuyện người Nga quyến rũ này, ta nhận thấy ở Galsworthy một sự duyên dáng đầy nhạc tính đến mức nắm bắt và lưu giữ được cả các cảm xúc ẩn kín. Trực giác của ông chắc chắn đến mức ông có thể bằng lòng với cả những lời bóng gió hay gợi ý thẳng thừng. Nhưng sự châm biếm, mỉa mai của Galsworthy, một thủ pháp đặc biệt, khiến cho ngay cả giọng văn của ông cũng khác hẳn các tác giả khác. Có nhiều kiểu châm biếm khác nhau. Kiểu điển hình nhất thường mang ý nghĩa tiêu cực và có thể so sánh với sương giá trên cửa sổ một ngôi nhà không được sưởi ấm, nơi lò sưởi đã nguội lạnh từ lâu. Nhưng cũng có sự châm biếm thân mật với cuộc đời và xuất phát từ nhiệt tình, sự quan tâm và lòng nhân đạo, đấy chính là lối châm biếm của Galsworthy. Cái mỉa mai của ông trong những tình huống bi hài dường như đặt câu hỏi tại sao chuyện lại xảy ra như vậy, nó có tất yếu không và có phải không gì sửa chữa được không. Đôi khi Galsworthy để thiên nhiên tham gia vào vở kịch châm biếm về con người nhằm nhấn mạnh sự cay đắng hay ngọt ngào của các tình tiết, với gió, mây, mùi hương và tiếng chim. Nhờ lối châm biếm này, ông gợi được những liên tưởng tâm lí, cách tốt nhất để thấu hiểu và cảm thông.

Galsworthy từng xác định rõ phương châm nghệ thuật của mình là hài hòa, cân xứng. Phương châm này đánh dấu sự vận động tự nhiên trong tư duy của ông, một lí tưởng tinh thần ngày nay thường bị nghi ngờ, có lẽ bởi quá khó đạt tới. Chẳng bao lâu ta khám phá rằng nhà thơ này, người từng kiên trì và khắc nghiệt phê phán kiểu người quý tộc tự mãn, cũng đã thành công trong việc đưa cuộc sống mới vào các khái niệm cũ, để nó vẫn duy trì được mối liên hệ cả với cái mang tính người trực tiếp lẫn thiên hướng thẩm mĩ vô giới hạn. Nở rộ trong con người nghệ sĩ Galsworthy là những phẩm chất của tâm tính mà trong tiếng Anh được lĩnh hội bằng cái từ này: “sự dịu dàng” (gentleness). Những phẩm chất ấy thể hiện trong tác phẩm của ông, và bằng cách đó chúng trở thành một đóng góp văn hóa cho thời đại của chúng ta.

Khi Galsworthy không may lâm bệnh, ông đã mong mỏi được nhận giải thưởng Nobel Văn học năm 1932, và giải thưởng này bây giờ sẽ được trao cho người đại diện của Vương quốc Anh cũng có mặt ở đây, Ngài Công sứ Clark Kerr.

Kính mời Ngài Clark Kerr lên nhận giải thưởng Nobel Văn học do đích thân Nhà Vua Thụy Điển trao, giải thưởng dành cho công dân yêu quý của đất nước Ngài.

Tác phẩm của Clark Kerr:

Bốn ngọn gió (From the Four Winds, 1897), tập truyện.

Jocelyn (1898), tiểu thuyết.

Biệt thự Rubein (Villa Rubein, 1900), tiểu thuyết.

– Bác ái (Fraternity, 1901), tiểu thuyết.

– Đảo của những kẻ đạo đức giả (Island Pharisees, 1904), tiểu thuyết.

Truyện gia đình Forsyte (The Forsyte Saga), bộ tác phẩm gồm 3 tiểu thuyết: Người tư hữu (The Man of Property, 1906), Trong thòng lọng (In Chancery, 1920), Cho thuê (To Let, 1921); và 2 truyện ngắn: Mùa hè cuối cùng của Forsyte (The Indian Summer of a Forsyte, 1917), Thức tỉnh (Awakening, 1920).

– Chiếc hộp bạc (The Silver Box, 1906), kịch.

– Điền trang (The Country House, 1907), tiểu thuyết.

– Tình anh em (The Fraternity, 1909), tiểu thuyết.

Xung đột (Strife, 1909), kịch.

– Công bằng (Justice, 1910), tiểu thuyết.

Nhà quý tộc (The Patrician, 1911), tiểu thuyết.

– Bồ câu (A Pigeon, 1912), tiểu thuyết.

– Hoa tối (The Dark Flower, 1913), tiểu thuyết.

– Băng đảng (The Mob, 1914), kịch.

– Đất tự do (The Freelands, 1915), tiểu thuyết.

– Một chút tình (A Bit o’ Love, 1915), tiểu thuyết.

Năm câu chuyện (Five Tales, 1917), tập truyện.

Miếng đòn chết người (The Skin Game, 1920), kịch.

Những người trung tín (Loyalties, 1922).

– Rừng (Forest, 1924), tiểu thuyết.

– Buổi trình diễn (The Show, 1925), tiểu thuyết.

Người qua đường (Passersby, 1927) tiểu thuyết.

Thành công thầm lặng (A Silent Wooing, 1927), tiểu thuyết.

– Hài kịch hiện đại (A Modern Comedy, 1928), bộ ba tiểu thuyết gồm: Con khỉ trắng (The White Monkey, 1924), Chiếc thìa bạc (The Silver Spoon, 1920) và Khúc hát thiên nga (Swan Song, 1928).

Về sự thay đổi của nhà Forsyte (On Forsyte Change, 1930), tập truyện ngắn.

Hết chương (End of the Chapter), bộ ba gồm: Cô gái chờ bạn (Maid in Waiting, 1931), Sa mạc nở hoa (Flowering Wilderness, 1932), Qua sông (Over the River, 1933).

Lòng trung thành (Loyaties).

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

– Ông chủ (nguyên tác: The Man of Property, tiểu thuyết), Hoàng Túy – Cảnh Lâm dịch và giới thiệu, Nxb Văn nghệ TP.HCM, 2001.


Tân Đôn dịch từ bản tiếng Anh
Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính
 (Nguồn: http://nobelprize.org)
© Culture Globe

Ghi chú:

(1) Do Anders Esterling, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here