Jacinto Benavente
Jacinto Benavente (12/8/1866 - 14/7/1954)

Jacinto Benavente (12/8/1866 – 14/7/1954) được trao giải Nobel Văn Học năm 1922 nhờ những đóng góp quan trọng đã tiếp nối truyền thống vinh quang của sân khấu Tây Ban Nha. Trong các vở kịch của Benavente, cái chính yếu không phải là cốt truyện mà là sự hóm hỉnh, sắc sảo, những ám chỉ xã hội tinh tế và khả năng phân tích tâm lí của các tính cách điển hình. Đồng thời, ông được đánh giá là một trong những nhà soạn kịch trào phúng lớn của thế kỉ XX.

Xem thêm: Maurice Maeterlinck, tác giả của những vở kịch đậm chất cổ tích

Jacinto Benavente
Jacinto Benavente (12/8/1866 – 14/7/1954)

Tiểu sử Jacinto Benavente

Benavente Y Martinez Jacinto là con trai một bác sĩ khá nổi tiếng ở Madrid, từ nhỏ thích vào nhà hát và tự mình dựng những hoạt cảnh kịch cho gia đình, người thân. Năm 1882, J. Benavente vào học Luật ở Đại học Tổng hợp Madrid. Sau khi cha mất, ông bỏ học sang Pháp, Anh và Nga tìm kiếm việc làm có thu nhập cao để viết văn. Sau đó, ông quay trở lại Tây Ban Nha làm diễn viên, biên tập viên cho một số tờ báo rồi làm phóng viên báo chí, viết phê bình sân khấu và văn học.

Sự nghiệp viết kịch của J. Benavente bắt đầu với tác phẩm Sân khấu giả tưởng (1892), sau đó ông tiếp tục viết kịch bản, làm thơ, phụ trách tạp chí Đời sống văn học (Vida literaria) của nhóm “Thế hệ 1898” (một tổ chức văn học tập hợp các nhà văn Tây Ban Nha tìm cách khôi phục văn hóa và uy tín của Tây Ban Nha sau cuộc chiến tranh Tây Ban Nha – Hoa Kỳ) và sau đó là tạp chí Madrid hài (Madrid comico). Trong sự nghiệp viết kịch, ông đã để lại hơn 170 vở thuộc đủ các loại, đặc biệt thành công với các hài kịch châm biếm thói đạo đức giả tư sản, đã có công cách tân truyền thống nổi tiếng của sân khấu Tây Ban Nha. J. Benavente khéo xây dựng cấu trúc kịch và đi sâu vào tâm lí nhân vật. Tác phẩm lớn nhất của ông là Trò chơi quyền lợi (1908), lên án một xã hội chỉ vì đồng tiền.

Về thơ, tập đầu tiên của J. Benavente ra đời vào năm 1893, ngay lúc đó đã được nhiều người biết đến, sau đó ông tiếp tục xuất bản nhiều tập thơ khác. Ông còn viết phê bình sân khấu, văn xuôi, báo và giữ trách nhiệm đạo diễn chính của Nhà hát Quốc gia Tây Ban Nha. Năm 1924, J. Benavente được tôn vinh là Công dân Danh dự thành phố Madrid, nhận một số giải thưởng văn học và báo chí có uy tín, trở thành thành viên Viện Hàn lâm Tây Ban Nha. Năm 1922, J. Benavente nhận giải thưởng Nobel Văn học nhưng không đến dự lễ trao giải. Đại sứ Tây Ban Nha tại Thụy Điển thay mặt ông nhận giải và đọc lời cám ơn.

Benavente suốt đời sống độc thân, ông mất năm 78 tuổi vì nhồi máu cơ tim.

Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1):

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – Wikipedia tiếng Việt

Jacinto Benavente đã cống hiến tài năng sáng tạo của ông chủ yếu cho lĩnh vực kịch và dường như ông đã dẫn dắt một cách có hệ thống con đường phát triển của mình theo hướng này qua nhiều khúc đoạn khác nhau. Nhưng với người nghệ sĩ đầy sáng tạo này, hệ thống dường như là một cách thể hiện tự do và khoáng đạt toàn bộ bản thể ông. Xem ra, không ai có thể đạt được mục đích nếu chỉ bỏ ra một ít nỗ lực và trăn trở không tương xứng với giá trị của thành tựu của mình.

Cảm xúc khiến ông trăn trở thường là bản chất hoàn hảo và hài hòa một cách khác thường. Đó không chỉ là nghệ thuật kịch và bầu không khí của nhà hát mà ông yêu mến, ông đã ấp ủ một tình cảm nồng nhiệt không kém dành cho cuộc sống bên ngoài, cho thế giới hiện thực mà nhiệm vụ của ông là phải đưa thế giới đó lên sân khấu. Đó không phải là chuyện tôn thờ cuộc sống một cách hời hợt và không có tinh thần phê phán. Ông quan sát thế giới của mình với con mắt cực kì sắc sảo, những điều quan sát thấy, ông nghiền ngẫm và suy xét bằng trí tuệ linh hoạt và nhạy bén. Ông không cho phép mình bị lừa dối bởi con người hay ý kiến, thậm chí dù đó là ý kiến của chính ông hay cảm xúc của riêng ông. Tuy nhiên, ông hoàn toàn không gây ấn tượng về một con người cay độc, thậm chí là chán chường.

Văn phong của ông do đó đã đạt được tính độc đáo nhất: sự trang nhã. Đây là giá trị hiếm có, đặc biệt là trong thời đại chúng ta, thời đại có rất ít nhu cầu cho giá trị đó trên thị trường và hầu hết mọi người không nhận biết. Thế nhưng, sự trang nhã khác thường như thế nào thì nó cũng quý giá bằng ngần ấy. Đó là biểu tượng về sự cân bằng của các thế lực, của kỉ luật tự thân và sự bảo đảm cho nghệ thuật, nhất là khi sự trang nhã ấy không phải là mục đích tự thân, không đơn thuần là một sự phù phiếm mà nó in dấu ấn một cách tự nhiên, không dụng sức lên toàn bộ tiến trình định hình. Vậy, nó không chỉ dựa trên bề mặt mà ảnh hưởng tới thể loại. Nó quyết định mỗi thành tố trong việc xử lí đề tài và mỗi dòng văn trong quá trình miêu tả.

Đây chính là trường hợp của Benavente. Hiệu quả mà ông đạt được có thể thay đổi rất lớn về sức mạnh. Hiệu quả đó dựa trên sự khéo léo không sai sót và sự trung thành nghiêm ngặt với đề tài. Ông mang lại cho người đọc những gì mà đề tài có thể mang lại mà không cần phí sức cũng không cần từ ngữ phô trương. Những tình tiết ông đưa ra có thể không ít thì nhiều phong phú và hấp dẫn nhưng luôn luôn thuần nhất. Đây là một nét cổ điển trong nghệ thuật của Benavente.

Tuy vậy, trên tất cả, thiên hướng của ông vẫn là hiện thực. Nếu chúng ta loại bỏ cái nhãn “hiện thực” đó mọi cách hiểu quen thuộc về xu hướng xã hội, những triết lí cũ rích, hay mọi cố gắng tầm thường nhằm gây hiệu quả để tái hiện sự phong phú và năng động của đời sống, hoạt động của các nhân vật và cuộc đấu tranh giữa các ý chí, bằng cách càng tiến gần đến hiện thực càng tốt, thì đó chính là ý đồ của ông. Khi ông hướng tới bất cứ điều gì vượt xa hiện thực – để kích thích tư duy, giải quyết các vấn đề, bác bỏ những thành kiến, làm tăng tình thân ái giữa con người với con người -, ông làm điều đó với sự thận trọng tối đa để không làm ảnh hưởng tới tính chính xác khách quan của miêu tả văn học. Ông áp dụng nguyên lí phi thường này ngay cả khi đối mặt với cám dỗ lớn nhất của một nhà viết kịch, đó là kịch tính và hiệu quả sân khấu. Dù cho một màn kịch có thể dễ dàng gây ấn tượng hơn bằng cách tăng thêm sự gay cấn của xung đột và cốt truyện, bằng lối diễn đạt hoa mĩ, bằng cách nâng cảm xúc lên tới cao trào nhưng Benavente chưa bao giờ thực hiện điều này bằng cách hi sinh sự thật: ông không cho phép bất kì sự mơ hồ nào trong giọng điệu. Ông là một minh chứng hiếm thấy về tài viết kịch bẩm sinh, một người mà trí tưởng tượng tự nó sáng tạo tuân theo những quy luật của sân khấu nhưng tránh được tất cả những giả tạo kiểu phường tuồng cũng như những cách diễn đạt sáo rỗng khác.

Phạm vi sáng tác của ông chủ yếu là hài kịch nhưng thuật ngữ đó tại Tây Ban Nha mang nghĩa rộng hơn là ở nước ta (Thụy Điển, ND). Nói chung, nó bao hàm những vở kịch thuộc tầng lớp trung lưu không có kết cục bi thảm. Nếu có một kết cục như thế, vở kịch được gọi là drama (có thể hiểu là chính kịch, ND) và Benavente cũng đã viết những vở như vậy, trong đó có vở gây xúc động và để lại nhiều ấn tượng là Cô gái bất hạnh (La Malquerida, 1913). Ông cũng sáng tác nhiều tác phẩm lãng mạn và hư cấu, trong đó có những tác phẩm đặc sắc với nghệ thuật thơ ca tinh tế, đặc biệt là những tác phẩm có qui mô nhỏ.

Nhưng sáng tác trung tâm của Benavente là các vở hài kịch vừa nghiêm túc vừa vui nhộn và các thể loại hài kịch ngắn mà văn học Tây Ban Nha đã phát triển thành các thể loại hài kịch đặc biệt có truyền thống vẻ vang lâu đời. Trong thể loại thứ hai này, Benavente là một bậc thầy có ma lực bởi sự dí dỏm tự nhiên, tính khôi hài, bản chất nhân hậu ngời sáng, sự trang nhã. Tôi chỉ có thời gian để điểm qua vài tác phẩm: Vì những nguyên do nhỏ nhặt (De pequeủas causas, 1908), Tình yêu đáng sợ (El amor asusta, 1907), Cấm hút thuốc (No fumadores, 1904). Nhưng còn nhiều tác phẩm khác, một kho tàng gồm toàn những câu chuyện hài hước, nơi mà trận chiến nổ ra quá đỗi nhẹ nhàng và nền nã tới mức luôn luôn tạo ra cảm giác dễ chịu, cho dù vũ khí có sắc bén đến đâu. Trong các tác phẩm có quy mô lớn hơn của ông, chúng ta kinh ngạc trước sự phong phú và đa dạng của các phương diện đời sống và đề tài. Ta gặp ở đây cuộc sống của người nông dân, mọi tầng lớp xã hội ở chốn thành thị, thế giới các nghệ sĩ cho tới những gánh xiếc rong phiêu bạt tha phương, những người được nhà thơ bày tỏ sự cảm thông mãnh liệt và đánh giá cao hơn nhiều tầng lớp khác.

Nhưng tựu trung, đối tượng chính của ông là cuộc sống của các tầng lớp thượng lưu ở hai trung tâm điển hình là Madrid và Moraleda. Morareda là một nơi không có tên trên bản đồ nhưng, với ánh nắng chói chang và sự đa dạng đầy sức quyến rũ của nó, vẫn bao gồm đầy đủ những nét điển hình của một thị trấn vùng Castile. Trong Hội các diễn viên hài kịch (La farándura, 1897), nhà chính trị đầy tham vọng đã tới thành phố này để vận động và giành sự ủng hộ của những người toàn tâm toàn ý tin vào một lí tưởng được định nghĩa có phần mơ hồ. Trong Phu nhân thống đốc (La Gobernadora, 1901), những giấc mơ đầy tham vọng và ngạo mạn của một sân khấu lớn hơn dành cho các tài năng vĩ đại hơn. Moraleda thực sự là một thế giới trên hành tinh chúng ta, được lôi cuốn và rọi sáng bởi Madrid và chỉ có thể phát lộ đầy đủ sức mạnh hài kịch của mình khi so sánh với Madrid.

Chúng ta có thể hiểu về thủ đô Madrid và đời sống tinh thần của nó đầy đủ hơn qua những thăng trầm của số phận cá nhân mà vốn dĩ, cũng như những tập tục và nền văn hóa của nó, được định đoạt bởi sự phân chia đẳng cấp xã hội. Chúng ta thấy bước phát triển rõ rệt trong nghệ thuật của Benavente. Ban đầu, ông thường chú trọng mô tả cảnh quan với đa dạng màu sắc, ngồn ngộn chi tiết của đời sống và những đặc điểm lột tả tính cách. Nhân tố kịch tính mà tác giả không chủ ý tìm kiếm, cũng như mọi thứ khác trong bố cục, phần lớn tồn tại chỉ nhằm giữ cho hành động tiến triển. Chức năng của nó là sắp xếp lại vòng xoay tít mù của cuộc đời thành một bức tranh được bố cục thành từng nhóm, với những phân cảnh đặc sắc và mạnh mẽ. Ông đã mất nhiều công sức để tạo ra một tấm gương trung thực và mang tính nghệ thuật, rồi sau đó để tấm gương này tự nó cất lên tiếng nói.

Về sau, tác phẩm của ông trở nên dữ dội hơn. Mặc dầu được bố cục chặt chẽ quanh xung đột kịch mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn và nhiều tính tâm linh hơn nhưng tác phẩm lại giản dị như khi Benavente đơn thuần viết những đoạn văn miêu tả xã hội, không một chút giả dối, không một chút trừu tượng và dị biệt trong những số phận con người được tái hiện. Cũng như trước, những vở kịch này vẫn gắn liền với thế giới xung quanh nhưng ánh sáng bị giới hạn chặt chẽ, chỉ phô bày những gì trọng yếu xét từ quan điểm kịch. Sự khắc họa sắc sảo tính cách nhân vật được tiến hành chỉ vừa đủ để nêu bật hành động, sự miêu tả tâm lí đơn thuần chỉ là công cụ, không phải là chủ đích. Không có gì được chuẩn bị một cách công phu từ trước, không có gì gây ấn tượng thực sự được chuẩn bị trước, mỗi điểm mấu chốt trong hành động kịch xảy đến như thể đồng hành với những bất trắc khôn lường của cuộc sống – có thể nói như vậy – và có thể khiến mọi người sửng sốt cho tới khi họ hoàn hồn trong giây lát, như vẫn thường diễn ra trong chính cuộc sống. Thủ pháp cũng hoàn toàn theo trường phái hiện thực và không hề kiếm tìm những kiểu mẫu trong bi kịch cổ điển. Nhìn lại quá khứ không phải là chức năng chính trong thể loại kịch này, đối thoại cũng không phải là một kiểu kiểm tra chéo để khám phá lại quá khứ. Những khám phá cần thiết được thực hiện bởi chính cuộc sống thông qua diễn biến không chút gượng ép của hành động.

Xét trên bình diện rộng, Benavente không có ý định làm khán giả mủi lòng. Cái ông tìm kiếm là một giải pháp tháo gỡ các xung đột, một giải pháp hài hòa ngay cả trong những nỗi buồn đau. Sự hài hòa này thường đạt được thông qua sự kham nhẫn, không mỏi mệt, hờ hững hoặc lâm li và không có những hành vi to tát. Các nhân vật chịu thống khổ, bị giằng xé trong những mối quan hệ, bị cuốn theo của cải (mà con đường đạt được là phải bước qua vận mệnh kẻ khác), vật lộn với những xung đột, trải nghiệm trong thế giới của họ và bản thân họ, đạt được tầm nhìn sáng rõ hơn và rộng mở hơn thông qua sự hạn hẹp của chính họ. Cái còn lại sau cùng không phải là sự đam mê, trên thực tế hoàn toàn không phải là cái tôi, mà là cái giá trị tinh thần đã được minh chứng là lớn lao đến nỗi, nếu mất đi, cái tôi sẽ trở nên nghèo nàn và của cải thành vô nghĩa. Nhân vật quyết định mà không hề thỏa hiệp, đơn giản vì y phải đối mặt với hậu quả sự lựa chọn số phận của chính y, và y tự do lựa chọn, trên cơ sở cảm xúc bản năng hơn là dựa theo lí thuyết.

Tôi chỉ có thời gian để kể tên một hay hai nhan đề của những vở kịch kì lạ, đơn giản và không ồn ào của ông: Linh hồn chiến thắng (Alma triumfante, 1902), Lòng tự trọng (La propria estimacion, 1915) và Tấm biển trắng (Campo de armiủo, 1916). Còn nhiều tác phẩm khác cũng có giá trị tương tự, ít nhiều giống như các vở này. Nét đặc trưng của tất cả là tính nhân bản thuần khiết đặc sắc, thoạt tiên gây kinh ngạc về một nhà viết kịch trào phúng sắc sảo và nhạy bén, trong khi sự tiết chế và sự tự do từ tất cả tính ướt át trong hình thức biểu hiện hoàn toàn phù hợp với nền tảng giáo dục của ông. Trên thực tế, tất cả những đặc điểm đó kết hợp hài hòa với nhau: nếu sự duyên dáng trong hình thức của ông là một nét cổ điển thì cảm xúc và nội thức của ông cũng vậy: cổ điển, được kiểm soát nghiêm ngặt, hài hòa, trong sáng và sâu sắc. Sự mộc mạc trong hình thức biểu hiện và giọng điệu tiết chế của ông cũng có nguồn gốc như vậy.

Tuy nhiên, độc giả nói tiếng Đức không thể không nhận thấy ngay trong trường hợp một nghệ thuật tuyệt vời như kịch của Benavente cũng bắt nguồn từ một khí chất dân tộc khác và những truyền thống thơ ca khác với chúng ta (độc giả các nước Bắc Âu, ND). Thể loại trữ tình mà chúng ta mong đợi, ít nhất là trong không khí của thế giới kịch, nhìn chung có lẽ hoàn toàn không được các nước Latinh (Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha,) biết tới. Cái ánh sáng nhá nhem, cả trong thiên nhiên và tâm hồn con người, (thứ ánh sáng điển hình ở các nước phương Bắc) không có ở họ (người phương Nam). Đối với họ, tất cả những gì có trong bản thể con người đều được lột tả, hay dường như có thể được lột tả. Tư tưởng của họ có thể tỏa sáng, có thể tinh nhanh và tất nhiên là rõ ràng nhưng họ khiến ta ngạc nhiên bởi vì họ thiếu sức mạnh, dường như họ thuộc về một bầu không khí rỗng hơn và họ có ít sức sống hơn trong nội thể của họ. Ngược lại, người phương Nam cũng có thể chỉ ra trong nghệ thuật của người phương Bắc chúng ta nhiều yếu điểm không kém nhưng ta phải tập làm quen với việc ngưỡng mộ những gì ta hiểu và loại khỏi sự phán xét thẩm mĩ của chúng ta những gì mà vì những lý do kể trên, không làm chúng ta thỏa mãn.

Trong các tác phẩm mà tác giả người Tây Ban Nha từ bỏ thể loại hài kịch miêu tả xã hội và cá nhân con người để thay vào đó những phức hệ tư tưởng lớn hơn và tìm cách diễn dịch tất cả những trăn trở và khát vọng của thời đại chúng ta, chúng ta không thể ngưỡng mộ ông như những người đồng hương của ông. Điều này đúng với tác phẩm Dải ngân hà (El collar de estrellas, 1915) và một số tác phẩm khác.

Ở đây, tôi sẽ không nói về những hạn chế trong nghệ thuật của Benavente mà tìm cách chỉ rõ những phẩm chất chủ yếu trong tài nghệ của ông ở đất nước và thời đại ông. Tôi tin rằng hiếm có một kịch  gia đương đại nào có thể nắm bắt cuộc sống một cách đa chiều và trung thực đến thế, đồng thời phản ánh đời sống một cách kịp thời qua hình thức nghệ thuật vừa mộc mạc, vừa tinh tế, có khả năng tồn tại lâu bền. Truyền thống của thơ ca Tây Ban Nha là tính hiện thực mạnh mẽ, khỏe khoắn và bạo liệt, một sức tăng trưởng dồi dào, một sự hấp dẫn không thể nào bắt chước trong tinh thần hài kịch tươi vui được xây dựng trên hiện thực chứ không phải trên sự dí dỏm kiểu trà dư tửu hậu. Benavente đã cho thấy ông thuộc về trường phái này và, bằng một hình thức độc đáo riêng, ông đã sáng lập một nền hài kịch hiện đại mang nhiều tinh thần cổ điển. Ông đã chứng tỏ mình là người kế thừa xứng đáng nền thi ca cổ xưa và thanh nhã. Ngần ấy điều có lẽ là đủ nói về ông.

*Diễn từ(1):

Thực khó mà diễn tả nổi sự toại nguyện khôn cùng mà tôi cảm thấy hôm nay. Lẽ ra phải hiện diện tài năng của J. Benavente thì mới xứng tầm đảm đương nhiệm vụ của tôi và nhiệm vụ của cử tọa của tôi. Vì lợi ích của tôi cũng như của quý vị, tôi càng lấy làm tiếc gấp bội về sự vắng mặt của tác giả vĩ đại. Cái vinh dự mà quý vị đã dành cho Jacinto Benavente một cách chính đáng thì quý vị cũng đã dành tặng cho Tây Ban Nha cùng tất cả các nước, nơi người ta sử dụng tiếng nói của chúng tôi và tôi vui mừng được thấy một vài đại diện trong số họ có mặt cùng với chúng ta. Tôi hi vọng giải thưởng này sẽ góp phần tăng cường những mối quan hệ đoàn kết giữa chúng ta, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước chúng ta và củng cố tình hữu nghị chân thành của chúng ta. Cuối cùng, cho phép tôi biểu lộ tất cả lòng mến phục mà tôi cảm thấy đối với đất nước của quý vị.

Tác phẩm của Jacinto Benavente

Sân khấu giả tưởng (Teatro fantastico, 1892), tập kịch.

– Thơ (Versos, 1893), thơ.

Những bức thư của một người đàn bà (Cartas de mujeres, 1892-1893), tập truyện [Women’s Letters].

Tổ lạ (El nido ajeno, 1894), kịch [Another’s Nest].

Những người nổi tiếng (Gente conocida, 1896), kịch [High Society].

– Hội các diễn viên hài kịch (La farándura, 1897), hài kịch.

Thức ăn của dã thú (La comidade las fieras, 1898), kịch.

Phu nhân thống đốc (La gobernadora, 1901), kịch [The Governor’s Wife].

– Linh hồn chiến thắng (Alma triumfante, 1902), hài kịch.

Buổi tối thứ bảy (La noche del sabado, 1903), kịch.

– Cấm hút thuốc (No fumadores, 1904), hài kịch.

Những bông hồng mùa thu (Rosas de otono, 1905), kịch [Autumnal Roses].

– Công chúa Bebe (La princesa Bebe, 1906), hài kịch.

– Tình yêu đáng sợ (El amor asusta, 1907), hài kịch.

– Bà chủ (Seňora ama, 1908), kịch [The Lady of the House].

– Vì những nguyên do nhỏ nhặt (De pequeủas causas, 1908), hài kịch.

– Cô gái bất hạnh (La malquerida, 1913), kịch.

Trò chơi quyền lợi (Los intereses creados, 1907), kịch [The Bonds of Interest].

– Lòng tự trọng (La propria estimacion, 1915), kịch.

Dải ngân hà (El collar de estrellas, 1915), kịch.

– Tấm biển trắng (Campo de armiủo, 1916), kịch.

Thành phố vui vẻ và vô tư (La ciudad alegrey confiada, 1916), hài kịch.

Những bài học của tình yêu đẹp (Lecciones de buen amor, 1924), kịch.

– Anh có lỗi (La culpa es luya, 1942), hài kịch.

Don Juan đến (Ha llegado Don Juan, 1952), kịch.

Kim găm trong miệng (El alfiler en la boca, 1953), kịch.

Tuyển tập kịch (1941-1955, 10 tập).

– Những người con, những người cha của bố mẹ (Hijos, padres de sus padres, 1954), kịch [Sons, Fathers of Their Parents].

Trần Tiễn, Cao Đăng, Tân Đôn, Nguyên Tâm dịch từ bản tiếng Anh
(Nguồn: http://nobelprize.org)

Ghi chú:

(1) Do Per Hallstrum, Chủ tịch Uỷ ban Nobel Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.

(2) Bá tước De Torata, Đại sứ Tây Ban Nha tại Thụy Điển, đọc trong tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel ngày 10/12/1922 tại Grand Hotel (Stockholm).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here