Grazia Deledda (27/9/1871 – 16/8/1936) được trao giải Nobel Văn Học 1926 vì các tác phẩm thơ mô tả cuộc sống ở hòn đảo quê hương bà hết sức êm đềm, duyên dáng, và đồng thời vì chiều sâu trong cách tiếp cận các vấn đề thuộc về con người nói chung. Đỉnh điểm thời kì hiện thực trong sáng tác của Deledda là tiểu thuyết “Người mẹ”. Các tác phẩm xuất sắc nhất của Deledda phảng phất tinh thần của “Kinh Thánh” với cái cao cả cổ xưa trong “Cựu Ước”.
Xem thêm: Rabindranath Tagore, tác giả của những vần thơ tuyệt diệu

Tiểu sử
Grazia Deledda xuất thân trong một gia đình giàu có, cha là luật sư, ba lần được bầu làm thị trưởng. Vào các kì nghỉ, gia đình G. Deledda thường tiếp đón bạn bè của cha đến chơi nên nữ nhà văn tương lai có điều kiện quan sát tính cách của nhiều con người khác nhau để mô tả trong những cuốn tiểu thuyết của mình sau này.
Deledda học tiểu học ở Nuoro, ngoài ra còn học thêm tiếng Pháp và tiếng Italia. Bà đọc nhiều sách văn học, bắt đầu viết thơ và truyện ngắn từ 8 tuổi, năm 15 tuổi đã đăng truyện ngắn Giọt máu Sardegna trên một tạp chí thời trang. Năm 1891,tập truyện ngắn đầu tiên của bà được in, năm sau đến lượt tiểu thuyết đầu tiên Bông hoa vùng Sardegna. G. Deledda viết rất nhanh và rất nhiều, gần như mỗi năm một tiểu thuyết, đa số ghi lại những kỉ niệm hồi nhỏ ở Sardegna. Bà chịu ảnh hưởng của trào lưu hiện thực cuối thế kỉ XIX, trong tác phẩm thường thể hiện đời sống cực nhọc và tinh thần đấu tranh dũng cảm của người dân Sardegna.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên thực sự thành công của G. Deledda là Elias Portolu (1903), đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ở các nước châu Âu. Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là Người mẹ (1920), kể về một vị linh mục quyết tâm dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa và cho người mẹ của mình. Tiểu thuyết tự truyện Cosima ghi lại toàn bộ cuộc đời và tư tưởng của G. Deledda được xuất bản năm 1937, sau khi bà qua đời.
Năm 1926, trong lễ nhận Giải Nobel, G. Deledda chỉ nói vài lời ngắn gọn, không đọc diễn từ như thông lệ. Vài tháng sau, phát hiện mình bị ung thư, nhưng bà vẫn tiếp tục cần cù làm việc và mất ở Roma sau 10 năm. Chủ đề quen thuộc trong các tác phẩm của G. Deledda là con người và thiên nhiên cùng hòa hợp để vượt qua những khó khăn, thể hiện cái nhìn lạc quan về cuộc sống ngay cả khi phải trải qua những đau khổ, như đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển đã phát biểu tại buổi lễ trao Giải Nobel: “Tác phẩm của G. Deledda nhiều khi buồn nhưng không bao giờ bi quan”.
Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1)

Grazia Deledda sinh tại Nuoro, một thị trấn nhỏ miền Sardinia. Thời thơ ấu và niên thiếu của bà đã trôi qua ở đây. Khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống người dân Nuoro đã để lại dấu ấn sâu sắc trong trái tim Grazia Deledda, và đó chính là linh hồn, nguồn cảm hứng cho các sáng tác sau này của bà.
Qua khung cửa sổ của ngôi nhà, Grazia Deledda có thể ngắm nhìn dãy núi vùng Orthobene với những cánh rừng đen sẫm và những đỉnh núi xám lởm chởm. Xa hơn nữa là dãy núi đá vôi, đôi khi mang màu tím rồi màu vàng chanh, có lúc lại mang màu xanh đen, tùy thuộc vào sự thay đổi của ánh sáng. Xa xa, nổi lên đỉnh núi Gennargentù tuyết phủ trắng.
Nuoro khá biệt lập với phần còn lại của thế giới. Một số khách du lịch thường cưỡi ngựa tới đây, phụ nữ ngồi sau đàn ông. Sự đơn điệu của cuộc sống thường nhật chỉ bị xáo động khi có những ngày lễ tôn giáo truyền thống, những kì nghỉ lễ và những bài hát, những điệu nhảy trên đường phố vào thời gian tổ chức hội hè.
Trong môi trường đó, nhân sinh quan của Grazia Deledda đã phát triển hết sức chân thật và đơn sơ. Ở Nuoro, trở thành kẻ cướp không bị coi là điều hổ nhục. Nhân vật bà nông dân trong một cuốn tiểu thuyết của Deledda đã nói: “Anh nghĩ rằng kẻ cướp là người xấu? Ồ, anh nhầm rồi. Họ chỉ là những người cần phô trương kĩ xảo của họ, vậy thôi. Thời xưa, người ta đi gây chiến. Ngày nay, không còn chiến tranh nữa nhưng con người vẫn cần phải đánh nhau. Và vì vậy họ chuyển sang cướp bóc, ăn trộm, đánh cắp gia súc nhưng không phải để gây tai họa mà chỉ để tìm cách thể hiện khả năng và sức mạnh của họ”. Vì vậy, những tên kẻ cướp luôn được cảm thông. Nếu anh ta bị bắt và bỏ tù, người nông dân chỉ nghĩ rằng anh ta đang “gặp rắc rối”. Và khi anh ta được trả tự do, người ta không coi việc ở tù là một vết nhơ. Trên thực tế, khi trở lại thị trấn quê hương, anh ta được chào đón bằng những câu như “Từ nay còn nhiều rắc rối hơn vậy!”.
Mối thù truyền kiếp vẫn còn là một tập tục ở Sardinia. Một người được kính trọng nếu anh ta trả nợ máu cho người bà con đã bị giết. Trên thực tế, người ta coi việc phản bội lại sự báo thù là một tội ác. Một nhà văn đã viết: “Thậm chí nếu tăng gấp ba lần giải thưởng cho ai lấy được đầu của anh ta thì cũng chẳng có một người đàn ông nào trên toàn tỉnh Nuoro tiết lộ thông tin về anh ta. Chỉ có một đạo luật duy nhất thống trị ở đó: tôn trọng sức mạnh của con người và khinh miệt công lí của xã hội”.
Trong thị trấn Nuoro chịu rất ít ảnh hưởng của đất liền này, Grazia Deledda lớn lên giữa khung cảnh thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ và giữa những con người còn mang chút ít bản tính cổ xưa, trong một ngôi nhà đơn sơ theo dáng vẻ trong kinh thánh. Grazia Deledda viết: “Bọn con gái chúng tôi không bao giờ được phép đi ra ngoài trừ khi tụ hội thành đám đông hay đôi lúc đi dạo trong khung cảnh đồng quê.” Bà không có cơ hội học lên cao, và cũng giống như những đứa trẻ thuộc tầng lớp trung lưu trong vùng, bà chỉ được học ở trường địa phương. Sau này, bà có học tư một chút tiếng Italia và tiếng Pháp bởi gia đình của bà chỉ nói thổ ngữ Sardinia. Sau đó, việc học hành của bà cũng không được mở rộng thêm. Tuy nhiên, bà thích thú và trở nên quen thuộc với những bài dân ca trong vùng, những bài thánh ca, những bản ballad và bài hát ru con của miền quê. Bà cũng rất quen thuộc với những truyền thuyết và tập tục của vùng Nuoro. Hơn nữa, ở nhà, bà còn có cơ hội được đọc những tác phẩm văn chương của Italia và một vài cuốn tiểu thuyết dịch, bởi vì theo những tiêu chí của Sardinia thì gia đình bà thuộc loại khá giả. Nhưng tất cả chỉ có vậy. Tuy nhiên, cô gái trẻ đó rất ham mê học tập, và ở tuổi 13, cô đã viết một truyện ngắn kì dị và bi thảm: Giọt máu Sardinia (Sangue Sardo, 1888) được đăng trên một tờ báo ở Roma. Người dân Nuoro chẳng thích cách phô diễn táo bạo này chút nào, vì phụ nữ không nên quan tâm tới bất cứ cái gì khác ngoại trừ công việc nội trợ. Nhưng Grazia Deledda không tuân theo tục lệ này; thay vào đó, bà dành hết tâm trí cho việc viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết đầu tiên của bà có nhan đề Bông hoa vùng Sardinia (Fior di Sardegna, 1892); sau đó là Con đường của cái ác (La via del male, 1896), Ông già sơn cước (Il vecchio della montagna, 1900), Elias Portolú (1903) và những tác phẩm khác đã giúp bà gây dựng danh tiếng. Bà được thừa nhận là một trong những nhà văn nữ trẻ xuất sắc nhất ở Italia.
Bà đã có một khám phá lớn lao, đó là phát hiện ra Sardinia. Giữa thế kỉ XVIII, một trào lưu văn học mới nổi lên ở châu Âu. Những nhà văn giai đoạn này đã quá mệt mỏi với những khuôn mẫu định sẵn của văn chương Hi Lạp và La Mã. Họ muốn đổi mới. Trào lưu của họ nhanh chóng hòa nhịp cùng một trào lưu khác, trào lưu mở đầu cho kỉ nguyên tương tự với sự tôn vinh con người của Rousseau trong cái nhà nước tự nhiên, không bị nền văn minh làm xáo trộn của ông. Những trường phái mới được thiết lập từ hai trào lưu này đã dần phát triển và tạo được thế đứng, hòa nhịp cùng những năm tháng cực thịnh của chủ nghĩa lãng mạn. Tác phẩm của Grazia Deledda đã đem lại những chiến lợi phẩm mới nhất cho trường phái này. Trong những trang mô tả về màu sắc vùng quê và cuộc sống người nông dân, bà đã có những bậc tiền bối, ngay cả ở chính quê hương mình. Trường phái được gọi là “Chủ nghĩa khu vực” trong văn học Italia đã có những đại diện đáng kính như Verga với những phác họa về vùng Sicilia và Fogazzaro với những phác họa về Lombardo-Veneto. Nhưng phát hiện ra Sardinia rõ ràng là công lao của Grazia Deledda. Bà biết tường tận mọi ngõ ngách trên mảnh đất quê hương mình. Bà đã sống ở Nuoro cho tới khi 25 tuổi, và chỉ đến lúc đó bà mới có đủ dũng khí để tới Cagliari, thủ phủ của Sardinia. Tại đây, bà đã gặp Madesani và cưới ông năm 1900. Sau lễ cưới, bà cùng chồng chuyển tới sống ở Roma, và bà đã cố gắng thu xếp thời gian để có thể vừa sáng tác vừa làm nội trợ. Trong những tiểu thuyết viết sau khi chuyển tới Roma, bà tiếp tục khai thác đề tài Sardinia, chẳng hạn như tác phẩm Cây thường xuân (L’Edera, 1912). Tuy nhiên ở những cuốn tiểu thuyết sau L’Edera, hành động thường diễn ra trong bối cảnh ít mang tính địa phương hơn, ví như cuốn tiểu thuyết gần đây nhất: Trốn chạy tới Ai Cập (La Fuga in Egitto, 1925) mà Viện Hàn lâm đã nghiên cứu và đánh giá cao. Tuy nhiên những quan niệm về con người và thiên nhiên của bà, như thường lệ, về cơ bản vẫn mang đặc tính Sardinia. Mặc dù giờ đây ngòi bút nghệ thuật của bà chín chắn hơn, bà vẫn là một nhà văn nghiêm túc, có tài hùng biện mà không hề phô diễn, người đã viết nên La via del male và Elias Portolú.
Một người nước ngoài không dễ gì có thể đánh giá đúng giá trị nghệ thuật văn chương của Grazia Deledda. Vì thế, tôi xin dẫn lời một trong những nhà phê bình nổi tiếng nhất Italia về bà: “Phong cách của bà là phong cách của những bậc thầy vĩ đại nhất trong thể văn kể chuyện; nó mang đặc tính tiêu biểu của tất cả những tiểu thuyết gia xuất chúng. Không ai ở Italia hiện nay có thể viết những tiểu thuyết mang một phong cách tràn trề sinh lực, sự điệu nghệ, cấu trúc hay những vấn đề liên quan đến xã hội như tôi đã thấy trong một số hoặc ngay trong những tác phẩm gần đây nhất của Grazia Deledda như Người mẹ (La Madre, 1920) và Bí mật con người đơn độc (Il Segreto dell’uomo solitario, 1921)”. Tuy nhiên, tác phẩm của Grazia Deledda không có sự thống nhất chặt chẽ như mong muốn, những đoạn văn ngoài sự mong đợi thường đem đến ấn tượng về một sự chuyển đổi vội vã. Nhưng nhược điểm này được bù đắp một cách quá hào phóng bởi những đức hạnh của bà. Ở góc độ là một họa sĩ vẽ phong cảnh thiên nhiên, bà có rất ít người ngang tài trong làng văn châu Âu. Bà không bao giờ phung phí những màu sắc tươi sáng nhưng thiên nhiên mà bà miêu tả vẫn mang những nét đơn giản, khoáng đạt của những phong cảnh cổ xưa, giống như thiên nhiên từ bao đời vẫn mang sự tinh khiết trong lành và vẻ oai nghiêm tao nhã. Đó là một thiên nhiên sống động đẹp đẽ vô cùng, hài hòa với đời sống tâm lí các nhân vật của bà. Giống như một nghệ sĩ vĩ đại thực thụ, bà đã phối hợp thành công giữa tình cảm con người và phong tục tập quán trong những bức họa thiên nhiên. Trên thực tế, người ta chỉ nhớ những miêu tả cổ điển về cuộc lưu trú của những người hành hương trên núi Mount Lula trong tác phẩm Elias Portolú. Họ khởi hành vào một sáng tháng Năm. Từng gia đình lần lượt tiến về nhà nguyện cổ, một số cưỡi ngựa còn một số đi trên những chiếc xe ngựa cũ kĩ. Họ mang theo thực phẩm đủ dùng cho một tuần. Những gia đình giàu có tạm trú trong những căn lều lớn dựng bên cạnh nhà thờ. Những gia đình này có nguồn gốc từ những người thành lập nhà thờ, và mỗi gia đình có một que nhọn trên bức tường và thềm lò sưởi để đánh dấu khu vực thuộc về họ. Không một ai có thể đặt chân lên khu vực này. Mỗi tối, các gia đình tụ họp trong khu vực tương ứng của mình cho đến khi các bữa tiệc kết thúc. Họ nấu ăn trên bếp lửa, kể những truyền thuyết, chơi nhạc và hát suốt đêm hè. Trong tiểu thuyết La via del male, Grazia Deledda miêu tả những tục lệ cưới hỏi và ma chay kì lạ của người Sardinia với sự hiểu biết sâu sắc. Khi có một đám tang diễn ra, tất cả cửa ra vào đóng kín, tất cả cửa chớp cũng đóng, các đống lửa bị dập tắt, không ai được phép nấu ăn, những người khóc mướn thì rền rĩ những bài tang lễ ngẫu tác. Sự diễn tả những phong tục nguyên sơ đó thật sống động, giản dị và tự nhiên đến nỗi có thể gọi chúng là những tác phẩm của Homer. Tiểu thuyết của Grazia Deledda hơn hẳn những tiểu thuyết khác ở chỗ con người và thiên nhiên tạo thành một hợp thể duy nhất. Vì vậy, cũng có thể nói rằng con người là những cái cây nảy mầm trên chính mảnh đất Sardinia. Đa số họ là nông dân bình dị với những tình cảm và suy nghĩ mộc mạc nhưng trong họ có cái gì đó hết sức cao quý của bức tranh thiên nhiên Sardinia. Một vài người trong số họ có thể đứng ngang tầm với những hình tượng kì vĩ trong kinh Cựu Ước. Và cho dù họ có khác biệt so với những con người mà ta biết đến mức nào, họ đã để lại trong ta ấn tượng về sự thực và cái thuộc về cuộc sống thực. Họ không một chút giống những con rối trên sân khấu. Grazia Deledda là bậc thầy trong việc hợp nhất chủ nghĩa hiện thực với chủ nghĩa lí tưởng.
Grazia Deledda không thuộc số những nhà văn nghiên cứu, bàn luận về các vấn đề rắc rối. Bà luôn tránh xa những cuộc bút chiến của thời đại. Một lần, khi Ellen Key cố lôi kéo sự chú ý của bà vào các cuộc tranh luận kiểu đó, bà đã trả lời “Tôi thuộc về quá khứ”. Lời tuyên bố này có thể không hoàn toàn đúng. Chắc chắn Grazia Deledda cảm nhận được mối liên hệ chặt chẽ giữa bà với quá khứ và lịch sử, nhưng bà cũng biết làm thế nào để sống và thích ứng với thời đại. Bà không quan tâm tới các học thuyết, nhưng bà rất quan tâm đến những khía cạnh của cuộc sống. Trong một tác phẩm bà đã viết: “Nỗi đau lớn nhất của chúng ta là cái chết dần dần. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng giảm tốc độ sống, tăng cường các hoạt động để sao cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa nhất. Mỗi người phải cố gắng sống vượt lên cuộc sống của chính họ, tựa như đám mây bay trên biển cả”. Cuộc sống đối với bà dường như quá đa dạng và hấp dẫn, bà chẳng bao giờ tham gia vào những tranh cãi về chính trị, xã hội hay văn chương trong thời đại bà. Bà yêu con người hơn là những học thuyết và sống một cuộc sống yên bình, tách biệt khỏi những náo động của thế giới. Trong một tác phẩm khác bà viết: “Định mệnh đã khiến tôi sinh ra ở trung tâm của vùng Sardinia đơn độc. Nhưng thậm chí nếu tôi có sinh ra ở Roma hay ở Stockholm, tôi cũng không có gì khác. Tôi vẫn luôn luôn là tôi bây giờ – một tâm hồn say mê với những rắc rối của cuộc sống và luôn cảm nhận một cách sáng suốt về con người như họ vốn có, trong khi vẫn tin tưởng rằng có lẽ họ sẽ tốt hơn và không ai khác ngoại trừ chính họ có thể ngăn họ đạt được quyền uy của Đức Chúa nơi phàm tục. Tất cả đều là lòng thù hận, máu và đau thương; nhưng, có thể một ngày nào đó, tất cả sẽ bị chinh phục bởi tình yêu và những ý nguyện tốt đẹp”.
Câu cuối thể hiện nhân sinh quan của Grazia Deledda, một cái nhìn nghiêm túc và sâu sắc mang màu sắc tôn giáo. Nó thường đượm buồn nhưng không bao giờ bi quan. Bà tin rằng trong cuộc đấu tranh sinh tồn, sức mạnh của cái thiện cuối cùng sẽ chiến thắng. Nguyên tắc bao trùm lên toàn bộ sáng tác của bà được thể hiện rõ và kiên định trong phần cuối của cuốn tiểu thuyết Tro tàn (Cenere, 1904). Mẹ của Anania bị tật nguyền. Để không trở thành rào cản hạnh phúc của con trai, bà đã từ bỏ cuộc sống và chết ngay trước mặt anh. Khi anh mới là một cậu bé, bà đã trao cho anh một lá bùa hộ mệnh . Anh đã mở ra và thấy trong đó chỉ toàn là tro. “Vâng, tất cả chỉ là tro bụi: cuộc sống, cái chết và con người, và cả chính cái số phận đã tạo ra bà. Tới tận giờ cuối cùng, khi đứng trước thi thể của một người cùng khổ nhất trong thế giới loài người – người mà sau khi làm những việc xấu xa và phải chịu hậu quả dưới mọi hình thức, đã chết để mong mang đến điều tốt đẹp cho một người khác, anh vẫn nhớ trong đám tro tàn ấy vẫn còn ẩn chứa một tia dạ quang tinh khiết. Và anh hi vọng. Và anh vẫn còn yêu cuộc sống”.
Alfred Nobel mong muốn giải thưởng văn chương phải được trao cho nhà văn có những tác phẩm đầy tính nhân văn, những tác phẩm giống như giọt rượu tiên truyền tới người đọc sinh lực và sức mạnh của đời sống đạo đức. Phù hợp với ước nguyện của ông, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng Nobel Văn học năm nay cho Grazia Deledda vì “những tác phẩm thấm đẫm chủ nghĩa lí tưởng, đã phác lên những bức tranh tươi sáng về cuộc sống trên quê hương bà, đồng thời khai thác những vấn đề của con người nói chung với một ngòi bút cảm thông sâu sắc”.
Trong bữa tiệc, Tổng Giám mục Nathan Sửderblom, viện sĩ Viện Hàn lâm đã nói với nhà văn đoạt giải: “Thưa bà, ngạn ngữ có câu: Mọi con đường đều dẫn tới thành Roma. Trong những sáng tác của bà, mọi con đường đều dẫn đến trái tim. Bà không bao giờ thấy buồn chán mà còn nghe một cách trìu mến các truyền thuyết, những huyền thoại, những xung đột, nỗi băn khoăn và khát khao bất tận. Những phong tục cũng như những chế định xã hội thông thường khác nhau tùy thuộc vào từng thời đại, với đặc tính và lịch sử của từng quốc gia, với đức tin và truyền thống, phải được tôn sùng. Làm khác đi và biến mọi thứ thành đồng nhất là một tội ác đối với nghệ thuật và chân lí. Nhưng trái tim con người và những cảm xúc của nó ở bất kì đâu cũng giống nhau. Tác giả, người mà biết làm thế nào diễn tả bản chất con người và những thăng trầm của cuộc đời một cách sống động nhất, và quan trọng hơn, biết tìm cách khám phá và lột tả những thế giới con tim – tác giả đó có giá trị toàn cầu, cho dù anh ta có bị bó hẹp bởi biên giới quốc gia.
Thưa bà, bà đã không trói buộc mình vào con người. Trước hết, bà đã khám phá cuộc đấu tranh giữa thú tính của con người và những phẩm chất cao đẹp trong tâm hồn anh ta. Đối với bà, con đường luôn rộng mở. Bà đã thấy con đường nhiều lữ khách đã đi qua mà không nhận biết được về nó. Đối với bà đó là con đường dẫn đến Chúa. Vì lẽ đó mà bà tin vào sự tái sinh, bất chấp sự thoái biến và sự mỏng manh của con người. Bà biết rằng có thể khai hoang vùng đầm lầy, biến nó thành một vùng đất bền vững và màu mỡ. Vì vậy, trong những tác phẩm của bà luôn loé lên những tia hi vọng. Qua bóng tối và những bất hạnh của loài người, bà đã chiếu lên vầng hào quang của ánh sáng bất diệt”.
Tác phẩm của Grazia Deledda:
– Giọt máu Sardinia (Sangue Sardo, 1888), truyện ngắn
– Tình yêu hoàng tộc (Amore regale, 1891), tập truyện.
– Bông hoa vùng Sardegna (Fior di Sardegna, 1892), tiểu thuyết, [Flower of Sardinia].
– Những tâm hồn trung thực (Anime onest, 1895), tiểu thuyết, [Honest Souls].
– Con đường của cái ác (La via del male, 1896), tiểu thuyết, [The Evil Way].
– Ông già sơn cước (Il vecchio della montagna, 1900), tiểu thuyết, [The Old Man of the Mountain].
– Sau li dị (Dopo il divorzio, 1902), tiểu thuyết, [After the Divorce].
– Elias Portolú (1903), tiểu thuyết.
– Thù hận (Odio vince, 1904), tiểu thuyết [Hate Wins].
– Tro tàn (Cenere, 1904), tiểu thuyết, dựng thành phim năm 1916, [Ashes].
– Hoài niệm (Nostalgia, 1905), tiểu thuyết.
– Những may rủi trong cuộc sống (Il giuochi della vita, 1905), truyện ngắn, [The Gambles in Life].
– Ông chủ của chúng tôi (Il nostro padrone, 1910), tiểu thuyết, [Our Master].
– Tới giới hạn (Sino al confine, 1910), tiểu thuyết, [Up to the Limit].
– Ở sa mạc (Nel deserto, 1911), tiểu thuyết, [In the Desert].
– Cây thường xuân Cây thường xuân (L’edera, 1912), kịch 3 hồi, thực hiện cùng Camilo Antona Traversi, [The Ivy].
– Tối và sáng (Chiaroscuro, 1912), truyện ngắn, [Light and Dark].
– Bồ câu và chim ưng (Colombi e sparvieri, 1912), tiểu thuyết [Doves and Falcons].
– Cây sậy trong gió (Canne al vento, 1913), tiểu thuyết [Canes in the Wind].
– Lỗi lầm người khác (Le colpe altrui, 1914), tiểu thuyết, [The Others’ Faults].
– Cậu bé ẩn nấp (Il fanciullo nácóto, 1915), truyện ngắn, [The Hidden Boy].
– Marianna Sirca (1915), tiểu thuyết.
– Đám cháy trong rừng ô liu (L’incendio nell’oliveto, 1918), tiểu thuyết, [The Fire in the Olive Grove].
– Sự trở về của đứa con trai (Il ritorno del figlio, 1919), tiểu thuyết, [The Son’s Return].
– Đứa bé gái bị đánh cắp (La bambina rubata, 1919), truyện ngắn, [The Stolen Child].
– Người mẹ (La madre, 1920), tiểu thuyết, [The Mother].
– Làm bạn với tội ác (Cattive com pagnie, 1921), truyện ngắn, [Evil Company].
– Bí mật con người đơn độc (Il segreto dell’uomo solitaro, 1921), tiểu thuyết, [The Secret of the Solitary Man].
– Chúa của người sống (Dio dei viventi, 1922), tiểu thuyết, [God of the Living].
– Tiếng sáo trong rừng (Il flauto nel bosco, 1923), truyện ngắn, [The Flute in the Wood].
– Điệu nhảy của chuỗi hạt (La danza della collana, 1924), tiểu thuyết, [The Dance of the Necklace].
– Bên trái (A sinistra, 1924), kịch, [To the Left].
– Trốn chạy tới Ai Cập (La fuga in Egitto, 1925), tiểu thuyết, [The Flight into Egypt].
– Dấu ấn tình yêu (Il sigillo d’amore, 1926), truyện ngắn, [The Seal of Love].
– Annalena Bilsini (1927), tiểu thuyết.
– Ngôi nhà của nhà thơ (La casa del poeta, 1930), tiểu thuyết, [The Poet’s House].
– Xứ gió (Il paese del vento, 1931), tiểu thuyết, [Land of the Wind].
– Mặt trời mùa hạ (Sole d’estate,1933), tiểu thuyết, [Summer Sun].
– Rào chắn (L’argine, 1934), tiểu thuyết, [The Barrier].
– Cosima (1937), tiểu thuyết tự truyện.
– Cây tuyết tùng ở Li Băng (Il cedro di Libano, 1939), tiểu thuyết, [The Cedar of Lebanon].
* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:
– Khi ngọn gió đông thổi, Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ bản tiếng Anh While the East Wind Blows, đăng trên trang web evan.com.vn năm 2004.
Tân Đôn dịch từ bản tiếng Anh
(Nguồn: http://nobelprize.org)
© Culture Globe
Ghi chú:
(1) Do Henrik Schick, Chủ tịch Quỹ Nobel đọc.