
Giosuè Carducci (27/7/1835 – 16/2/1907) được trao giải Nobel Văn Học năm 1906 vì những nỗ lực sáng tạo không mệt mỏi, vì phong cách mới mẻ và sức mạnh trữ tình trong thơ. Tuyển tập “Những đoản thi man dại” chủ yếu viết về đề tài lịch sử, và tập thơ trữ tình “Thơ mới” được đánh giá là tinh tế nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông, thể hiện những quan niệm sâu sắc về tính liên tục của đời sống con người.
Xem thêm: Fredéric Mistral – nhà thơ suốt đời đề cao lí tưởng dân tộc

Đôi nét tiểu sử Giosuè Carducci
Giosuè Carducci là con trai lớn của bác sĩ Michael Carducci, thành viên hội Carbonari(1). Trước năm 1848, G. Carducci được dạy dỗ tại nhà vì gia đình ông thường xuyên phải di chuyển nơi ở. Năm 1848, khi chuyển tới Florencia, G. Carducci mới bắt đầu đến trường. Ông say mê văn học cổ điển, đọc nhiều, bắt đầu viết về đề tài lịch sử, làm thơ trào phúng, dịch khúc thứ 9 trong trường ca Iliade của Homer. Năm 1853 vào trường Đại học Pisa, học triết và văn học, ông kết bạn với những người đồng chí hướng thuộc nhóm Văn Đàn.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Pisa, G. Carducci làm giảng viên tại trường trung học thành phố Man-Miniato-al-Tedesco. Năm 1857, ông cho ra đời tập thơ đầu tiên Thi vận. Ông là một trong những người đứng đầu đã tập hợp quanh mình nhóm tác giả của tạp chí Phụ bản do Pietro Tuar ấn hành, coi nhiệm vụ của mình là bảo vệ nền thơ ca Italia thoát khỏi cái mà họ gọi là “ảnh hưởng nguy hại của chủ nghĩa Lãng mạn”.
Những năm 1857-1858 G. Carducci gặp nhiều khó khăn: tài chính eo hẹp, anh trai tự tử, cha mất sau đó một năm. Sang năm 1859, ông lấy vợ; năm sau nhận được chân giảng viên khoa tiếng Hi Lạp tại trường Đại học Pistoja. Còn sau vài tháng, ông trở thành giáo sư Văn học Italia tại Đại học Tổng hợp Bologna, giữ chức trưởng khoa đến khi về hưu vào năm 1904.
Di sản thơ của G. Carducci không nhiều, trong bộ tuyển 30 tập chỉ có bốn tập thơ, phần còn lại là khảo luận, chuyên luận khoa học và các bài tranh luận. Các tác phẩm tiêu biểu của ông là Những đoản thi man dại (ba tập, 1878-1889), Thơ mới (1861-1887), Nhẹ nhàng và nghiêm trọng (1861-1868)… Những năm cuối đời G. Carducci nổi tiếng là một nhà hùng biện, được tôn vinh là nhà thơ lớn của dân tộc. Năm 1890 ông được bầu vào Thượng viện Italia, một phần nhờ vào những đóng góp trong lĩnh vực văn học. G. Carducci luôn tránh sự khoa trương lãng mạn, theo phong cách cổ điển nghiêm ngặt và nhìn cuộc sống con người có phần xa lạ.
Từ năm 1902 G. Carducci đã được đề cử tranh Giải Nobel nhưng đến năm 1906 mới được nhận vinh dự đó với lời đánh giá “không chỉ vì những hiểu biết sâu sắc và trí tuệ phê phán, mà trước hết vì những nỗ lực sáng tạo, sự tươi mới của phong cách và sức mạnh trữ tình là đặc điểm các kiệt tác của ông”. Do sức yếu, G. Carduci không thể đến dự lễ trao giải. Một năm sau ông qua đời. Trong lịch sử văn học, tên tuổi và sự nghiệp sáng tác của ông luôn gắn với phong trào đấu tranh thống nhất chính trị Italia vào thế kỷ XIX.
Tác phẩm của Giosuè Carducci:

– Thi vận (Rime, 1857), thơ [Rhymes]; in lại bổ sung năm 1889 dưới tên Bài ca tuổi trẻ (Juvenilia).
– Tụng ca cho Satan (Inno a Satana, 1865), thơ [Hymn to Satan].
– Nhẹ nhàng và nghiêm trọng (Levia gravia, 1861-1868), thơ [Light and Serious].
– Thơ Iamb và Epodes (Giambi ed epodi, 1882), thơ [Iambics and Epodes].
– Những giai điệu mới (Rime nuove, 1861-1887), thơ [New Poems].
– Những đoản thi man dại (Odi barbare, 3 tập, 1878-1882-1889), thơ [The Barbarian Odes].
– Nghiên cứu về những thế kỷ đầu tiên của quá trình phát triển văn học Italia (Studii su la letteratura italianna dei primi secoli), khảo luận.
– Về sự phát triển nền văn học dân tộc (Dello svolgimento della letteratura nazionale, 1868-1871), khảo luận.
– Nghiên cứu văn học (Studi letterati, 1874), khảo luận [Literary Studies].
– Phác thảo phê bình và tranh luận văn học (Bozetti critici e discorsi letterari, 1876), khảo luận [Critical Sketches and Literary Discussions].
– Thi vận và tiết điệu (Rime e ritmi, 1898), thơ [Rhymes and Rhythm].
* Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt:
– Ở vùng Terme di Caracalla, Tiếng khóc (thơ), Nguyễn Viết Thắng dịch, in trên thivien.net và Các nhà thơ giải Nobel, Nxb Lao Động – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2006.
Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển(2)

Trong số lượng lớn một cách khác thường các nhà thơ và tác giả được đề cử cho Giải Nobel năm nay, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã chọn một nhà thơ lớn người Italia, người đã thu hút sự chú ý của cả Viện Hàn lâm và toàn thế giới văn minh trong một thời gian dài.
Từ thời cổ đại, người phương Bắc đã biết đến đất nước Italia qua lịch sử, các giá trị nghệ thuật cũng như khí hậu tốt lành và dịu mát. Họ đã không dừng chân cho đến khi tới được thành Roma vĩnh cửu, cũng giống như cuộc chiến tranh vì sự thống nhất nước Italia chỉ dừng lại khi chinh phục được thành Roma. Nhưng trước khi tới Roma, du khách đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của rất nhiều nơi khác. Một trong số đó, ở vùng Appenines, là thành phố Etruscan của Bologna, từng được biết đến qua Những bài ca của Enzo của Carl August Nicander.
Từ thời Trung cổ, khi được một trường đại học danh tiếng đưa trở thành một trung tâm học vấn, Bologna luôn luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử văn hóa Italia mặc dù từ xa xưa, nó đã lừng lẫy về luật học và ngày nay nó đặc biệt nổi tiếng với những áng thơ ca tuyệt tác. Vì thế, giờ đây Bologna vẫn xứng đáng với câu thành ngữ “Bononia docet” (Bologna thuyết giáo). Bologna có được những thành tích tuyệt diệu nhất trong thơ ca thời đại này là nhờ công lao người đoạt thưởng Nobel năm nay – Giosuè Carducci.
Carducci sinh ngày 27 tháng 7 năm 1835 tại Val di Castello. Chính ông đã thuật lại những ấn tượng thú vị của mình thời thơ ấu và thời trai trẻ, và ông cũng đã trở thành chủ đề của một số cuốn tiểu sử nổi tiếng.
Để đánh giá đúng mức sự phát triển trí tuệ và tài năng của ông, ta cần biết rằng cha ông, bác sĩ Michele Carducci, là thành viên của Carbonari (một tổ chức chính trị hoạt động bí mật vì sự thống nhất Italia) và rất tích cực trong các phong trào chính trị đấu tranh giành tự do cho Italia. Đồng thời cũng cần biết rằng mẹ ông là một phụ nữ thông minh, có tư tưởng giải phóng.
Do ông Michele tìm được việc làm bác sĩ tại Castagneto, nhà thơ trẻ tuổi đã sống những năm đầu cầm bút tại Tuscan Maremma. Ông học tiếng Latin do người cha dạy, và nền văn học Latin đã trở nên quen thuộc với ông. Mặc dù sau này Carducci phản đối quyết liệt những tư tưởng của Manzoni, trong một thời gian dài ông vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự ngưỡng mộ của cha ông dành cho dòng thơ này. Vào thời điểm đó, ông còn nghiên cứu Iliad và Aeneid, Gerusalemme của Tasso, Lịch sử Roma của Rollin, và các tác phẩm về cách mạng Pháp của Thier.
Lúc đó, tình hình chính trị rất căng thẳng, và ta hoàn toàn có thể tin trong những ngày xung đột và đàn áp này, trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ trẻ đã hấp thu tất cả mọi điều liên quan tới quyền tự do xưa kia và sự thống nhất đang ở trước mắt.
Chàng trai đã sớm trở thành một nhà cách mạng tí hon. Theo như ông kể lại, trong các trò chơi với anh trai và các bạn ông, ông thường lập ra các nền cộng hòa nhí được điều hành bởi các quan chấp chính, các quân sư hoặc các bộ lạc. Những cuộc cãi nhau kịch liệt thường xuyên xảy ra. Cách mạng được coi là chuyện thường ngày, nội chiến luôn là vấn đề nghị sự cần bàn bạc. Chàng trai trẻ Carducci đã ném đá vào nhân vật tưởng tượng Caesar khi ông ta đang định liều mạng xông lên. Caesar bỏ chạy và nền cộng hòa đã được cứu vãn. Nhưng ngày hôm sau, người anh hùng yêu nước nhỏ bé này nghe vọng lại âm thanh bại trận từ vị Caesar đã qui hàng.
Chẳng cần quá đề cao những trò chơi này, bởi lẽ chúng thường chỉ là trò của trẻ nhỏ. Nhưng trong thực tế, về sau Carducci đã ủng hộ nhiệt thành chế độ cộng hòa.
Năm 1849, gia đình chuyển tới Florence, ông ghi tên vào học một trường mới. Tại đây, ngoài những môn học bắt buộc, ông bắt đầu đọc thơ của Leopardi, Schiller và của Byron. Sau đó không lâu, ông bắt tay vào viết những bài thơ châm biếm ngắn. Thời gian sau ông học tại Scuola Normale Superiore ở Pisa, nơi ông làm việc rất hăng say. Học xong ông trở thành giáo viên dạy môn hùng biện ở San Miniato. Do những tư tưởng chính trị cấp tiến, chính quyền đại công tước bãi bỏ việc chọn ông vào dạy trường tiểu học Arezzo. Tuy nhiên sau đó, ông dạy môn tiếng Hi Lạp tại tổ chức truyền bá văn học nghệ thuật ở Pistoia. Cuối cùng, ông trở thành giáo sư trường Đại học Bologna, nơi ông đã đạt được thành công lớn lao và lâu dài trong sự nghiệp.
Trên đây là những nét chính trong cuộc sống ngoại cảnh của Carducci. Ông đã phải đấu tranh không ngừng cho sự nghiệp của mình. Thậm chí ông bị đình chỉ giảng dạy ở Bologna một thời gian, một vài lần ông có tham gia vào những cuộc bút chiến kịch liệt với một số tác giả người Italia. Ông phải chịu đựng những bi kịch cá nhân, trong đó việc anh trai Dante tự tử khiến ông đau đớn khôn cùng. Cuộc sống gia đình và tình yêu dành cho vợ con là niềm an ủi lớn nhất của ông.
Cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Italia vô cùng quan trọng đối với những biến chuyển tình cảm của ông. Carducci là một nhà yêu nước nồng nhiệt. Ông ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với tất cả ngọn lửa con tim mình. Cho dù ông có đau đớn biết nhường nào trước những thất bại ở Aspromonte và Mentana, cho dù ông thất vọng đến đâu với chính phủ nghị viện mới, một chính phủ không được tổ chức đúng như ông mong muốn, Carducci vẫn vui mừng khôn xiết khi lí tưởng ái quốc thiêng liêng của mình chiến thắng.
Ông luôn tự dày vò mình khi thấy một điều gì đó, theo quan điểm của ông, có thể gây trở ngại cho việc hoàn thành sứ mệnh thống nhất Italia. Ông không phải là người có thể kiên nhẫn chờ đợi; ông luôn đòi hỏi những kết quả tức thời và rất ghét những bữa tiệc ngoại giao dài dằng dặc.
Trong khoảng thời gian đó, thơ ca của ông nở rộ. Mặc dù ông còn là nhà phê bình lịch sử và văn học kiệt xuất nhưng chúng ta nên dành mối quan tâm lớn nhất cho thơ ca của ông, bởi lẽ chính nhờ thơ ca mà ông đã giành được tiếng tăm vang dội nhất cho mình.
Cũng như tên của nó, tập Bài ca tuổi trẻ (Juvenilia, 1863) nói về sự nghiệp thời trai trẻ của Carducci những năm 1850. Có hai giá trị tiêu biểu trong tuyển tập này: một bên là sắc thái và ngữ điệu cổ điển như cảnh Carducci đón tiếp Phoebus Apollo và Diana Trivia, một bên là lòng yêu nước nồng nhiệt cùng với sự căm ghét gay gắt nhà thờ Thiên Chúa giáo và quyền lực của Giáo Hoàng, những cản trở quyết liệt nhất đối với sự thống nhất của Italia.
Phản đối mạnh mẽ thuyết Giáo Hoàng nắm trong tay quyền lực tuyệt đối, trong các bài ca của mình, ông đã khơi dậy những kí ức về thành Roma xa xưa, những hình ảnh của cuộc Cách mạng Pháp vĩ đại và các nhân vật của Garibaldi và Mazzini. Đôi khi ông nhận ra tình trạng tuyệt vọng của Italia và sợ rằng những giá trị tốt đẹp và những chiến công hào hùng từ xa xưa của Italia đang bị mai một dần, những lúc đó ông chìm sâu trong tuyệt vọng.
Sự chua xót này là nguyên nhân của những đòn công kích của Carducci tới rất nhiều tác giả và những người khác. Carducci thường rất gay gắt trong các cuộc bút chiến của mình. Nhưng trong Bài ca tuổi trẻ, một số bài thơ mang nội dung tương đối tích cực, như bài hát ca ngợi Victor Emanuel được viết năm 1859, thời điểm mà mọi người đều biết rõ cuộc chiến tranh với Áo sẽ xảy ra vào nay mai. Trong bài ca này, ông hào hứng tán dương vị vua đã dựng lên ngọn cờ thống nhất Italia.
Chủ nghĩa yêu nước thực sự được điễn tả trong hai bài ca Sắc đỏ sậm (Magenta) và Toàn dân bầu cử (Il Plebiscito), trong đó, ông tiếp tục nhiệt thành ca tụng Victor Emanuel… Bài ca hay nhất trong Bài ca tuổi trẻ có lẽ là bài viết về cuộc sống gian khổ của Savoy…
Tuyển tập tiếp sau có tên là Nhẹ nhàng và nghiêm trọng (Levia Gravia, 1868) gồm những bài thơ vào những năm 1860. Các bài thơ mang âm hưởng buồn. Tâm trạng chua xót của Carducci bắt nguồn từ sự trì hoãn kéo dài trong cuộc chinh phục Roma, nhưng cũng còn nhiều lí do khác nữa, như việc ông không hào hứng với những quan điểm chính trị hiện hành. Carducci trông đợi ở tình hình chính trị mới nhiều hơn những gì nó đem lại. Tuy nhiên tuyển tập cũng có một số bài thơ hay. Carducci đã quá quen thuộc với dòng thơ ca thế kỉ XIV – kỉ nguyên đã sản sinh ra không ít tiếng vang, ví dụ như trong Những nhà thơ của Bữa tiệc Trắng (Poeti di Parte Bianca) và bài thơ của ông là bản tuyên ngôn của vương quốc Italia.
Chỉ trong Những giai điệu mới (Rime nuove, 1887) và trong ba tập của Những đoản thi man dại (Odi barbare, 1878-89), sự trưởng thành toàn diện thể loại trữ tình và vẻ đẹp điêu nghệ hoàn mĩ của Carducci mới xuất hiện. Ta không còn thấy một nhà thơ chối bỏ, người đã chiến đấu bằng thanh gươm và ngọn lửa dưới bút danh Enotrio Romano. Thay vào đó, ta được đến với những giai điệu ngọt ngào hơn, nhẹ nhàng hơn. Bài thơ mở đầu Tới các giai điệu (Alla Rima) mang đầy chất nhạc, một bài thơ thực sự ngợi ca vẻ đẹp của giai điệu. Phần kết thúc của bài thơ mô tả xuất sắc tính cách của chính Carducci… Rõ ràng Carducci hiểu rõ tính khí của mình, ông đã từng ví nó như biển Tyrrhenian. Những tâm trạng bứt rứt của ông không còn nữa và những nốt nhạc vui nhộn vang lên trong bài thơ vui Bài ca tháng Năm (Idillio di Maggio). Buổi sáng (Mattinata) gợi lại cho ta bóng dáng của Hugo, cũng nhí nhảnh giống như bài hát có tiêu đề Mùa xuân trong Sử Hi Lạp (Primavere Elleniche(3))…
Cuộc nổi loạn (Ca Ira), một chương của Những giai điệu mới, bao gồm một loạt các bài thơ trữ tình ngắn. Mặc dù giá trị thơ ca không lớn nhưng nó ít nhiều bộc lộ sự ngưỡng mộ Cách mạng Pháp của tác giả.
Tài năng kiệt xuất của nhà thơ thể hiện đầy đủ hơn trong tác phẩm Những đoản thi man dại, tập đầu được xuất bản năm 1877, tập thứ hai năm 1882 và tập thứ ba năm 1889. Tuy nhiên, những chỉ trích về hình thức của tác phẩm không phải là không có lí.
Mặc dù Carducci tuân theo nhịp thơ cổ điển nhưng ông đã biến đổi chúng nhiều đến mức ai đã quen với những áng thơ cổ đại sẽ không thể nghe nổi giai điệu cổ điển nữa. Phần lớn các bài thơ này đạt tới đỉnh cao của sự hoàn mĩ về nội dung. Tài năng của Carducci chưa bao giờ chín muồi như trong tác phẩm Những đoản thi man dại. Tác phẩm Miramar hấp dẫn và bài thơ mang giai điệu u buồn Trên sân ga trong một sáng mùa thu (Alla Stazione in una Mattinata d’Autunno) là những sản phẩm của cảm hứng tuyệt diệu nhất. Bài ca Miramar nói về vị hoàng đế bất hạnh Maximilian và chuyến phiêu lưu ngắn ngày tới Mexico của ông. Nó không những xuất sắc về lối diễn tả bi kịch đầy cảm động mà còn về hình tượng một bản chất cao cả. Bãi biển Adriatic được miêu tả như một hành tinh nhỏ hoàn hảo. Bài ca gợi lên lòng trắc ẩn, một cảm giác hiếm thấy trong thái độ của Carducci đối với những vấn đề người Áo, và một lần khác tâm trạng này lại xuất hiện trong một bài ca hay nói về số phận đau buồn của Nữ hoàng Elizabeth trong Thi vận và tiết điệu (Rime e Ritmi, 1898)…
Rõ ràng có nhiều sự tương phản xuất hiện trong chất thơ dồi dào và mãnh liệt của Carducci. Không ít người lên tiếng phản đối, nhưng cũng không ít người ngợi ca thơ ông. Tuy nhiên không còn nghi ngờ gì nữa, Carducci là một trong những thiên tài vĩ đại nhất của nền văn chương thế giới. Những sự phản đối như thế, cho dù có cả từ phía những đồng bào của ông, không phải là điều hiếm thấy, ngay cả đối với những nhà thơ thiên tài nhất. Không ai hoàn hảo.
Mặc dù vậy, những chỉ trích không nhằm vào khuynh hướng đôi lúc nhiệt tình ủng hộ chế độ cộng hòa của ông. Hãy để cho những quan điểm đó là tài sản riêng cá nhân ông. Không ai tranh cãi về vị trí chính trị độc lập đó. Trong bất cứ trường hợp nào, sự chống đối của ông đối với nền quân chủ cũng giảm dần theo năm tháng. Ông dần dần xem triều đại Italia là người bảo vệ nền độc lập cho nhân dân. Thực tế, Carducci thậm chí còn sáng tác thơ dâng tặng hoàng hậu Italia, Margherita. Một phụ nữ đáng kính được hầu hết các đảng phái tôn sùng, tâm hồn đầy chất thơ của bà được Carducci tán dương với ngòi bút nghệ thuật điêu luyện. Ông dành cho bà sự tôn trọng vẻ đẹp và nét trìu mến trong bài ca hùng tráng Dâng tặng Nữ hoàng Italia (Alla Regina d’Italia) và bằng bài thơ bất hủ Đàn Lute và đàn Lyre (II Liuto e la Lira), trong đó, qua những phong cảnh và những thảm cỏ đồng quê, ông bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với vị Nữ hoàng cao quý… Những người cộng hòa nhỏ nhen, ngoan cố, viện cớ những tác phẩm đề tặng này và những tác phẩm đề tặng khác, coi Carducci là kẻ làm cạn kiệt lí tưởng của họ. Tuy nhiên, ông chỉ đáp lại rằng một bài ca ngưỡng mộ dâng tặng một phụ nữ cao thượng và tốt bụng chẳng có can hệ gì đến chính trị, và rằng ông có quyền được nghĩ và được viết về bất cứ điều gì mà ông hài lòng về Hoàng gia Italia và các vương tôn quyền quý.
Những lí do mà bạn bè và các thành viên đảng phái chính trị đưa ra để phản đối chống lại ông có bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau. Sự phản đối này phần nào do ông công kích quyết liệt những người có quan điểm chính trị khác biệt. Tuy nhiên nguyên nhân cơ bản là chủ nghĩa ngoại giáo quá khích của ông, thường mang một giọng điệu cay độc nhằm vào đạo Cơ đốc. Thái độ chống đối đạo Cơ đốc giải thích vì sao ông sáng tác rất nhiều bài hát ca ngợi quỉ Satan.
Có nhiều đánh giá công bằng về các cuộc công kích chống Cơ đốc giáo của Carducci. Mặc dù ta không thể hoàn toàn tán thành cách mà ông đã cố gắng bảo vệ mình trong tác phẩm Lời thú tội và những trận chiến (Confessioni e battaglie) và trong các tác phẩm khác song sự hiểu biết về những tình tiết trong nội dung câu chuyện phần nào giúp ta lí giải, nếu chưa thể biện hộ, cho thái độ của Carducci.
Sự báng bổ của Carducci ít ra một người theo đạo Tin Lành có thể hiểu được. Là một người yêu nước nồng nhiệt, ông thấy trong nhà thờ đạo Tin Lành, mọi hoạt động đều thể hiện là một lực lượng lừa lọc thối nát, kẻ thù của nền tự do Italia yêu quý. Carducci hoàn toàn dễ nhầm lẫn giữa đạo Tin lành với đạo Cơ đốc, vì thế đã đổ lên đạo Cơ đốc những sự chỉ trích khắt khe, những chỉ trích mà đôi khi ông nhằm để tấn công nhà thờ.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn không thể quên những tình cảm tôn giáo chính thống được thể hiện trong một số bài thơ của ông. Cũng cần nhớ rằng, phần kết của Nhà thờ Polenta (La Chiesa di Polenta) tương phản hoàn toàn với tác phẩm Trong nhà thờ Gotic (In una Chiesa Gotica).
Giống như trong tác phẩm dữ dội Tụng ca cho Satan (Inno a Satana, 1865), thật không phải với Carducci khi phân biệt ông với Baudelaire và lên án ông vì đã sùng bái quỉ Satan độc địa và bệnh hoạn. Thực tế, quỉ Satan của Carducci chỉ là cái tên bị chọn nhầm. Nhà thơ rõ ràng có ý ám chỉ một quỉ Satan theo nghĩa đen – một kẻ đem lại ánh sáng, sứ giả tư tưởng tự do và văn hóa, là kẻ thù của sự hành xác khổ hạnh, chối bỏ hay miệt thị những quyền lợi tự nhiên. Mặc dù vậy, có vẻ kì cục khi nghe những lời cầu nguyện của Savanarola, trong đó sự khổ hạnh bị xỉ nhục. Cả bài ca chứa đầy những mâu thuẫn. Chính Carducci gần đây đã bỏ đi toàn bộ bài thơ và gọi nó là một “bài ca thô tục”. Vì thế, chúng ta chẳng nên bàn luận gì thêm về bài thơ mà chính tác giả đã chối bỏ.
Carducci là một nhà nghiên cứu lịch sử văn học uyên bác, ông đã được nuôi dưỡng bằng nền văn học cổ xưa và chịu nhiều ảnh hưởng của Dante và Petrarca. Nhưng thật khó có thể xếp ông thuộc nhóm nào. Ông không đi sâu vào chủ nghĩa lãng mạn mà đi sâu vào lí tưởng cổ điển và chủ nghĩa nhân văn của Petrarca. Dù người ta chỉ trích ông đến đâu, không ai có thể phủ nhận sự thực rằng một nhà thơ bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa yêu nước và tình yêu đối với nền tự do, người không bao giờ hi sinh quan điểm của mình chỉ để có được sự yêu mến của người khác, người không bao giờ ham mê khoái lạc tầm thường, chỉ có thể là một tâm hồn được hấp thụ những lí tưởng cao siêu nhất.
Với khiếu thẩm mĩ hiếm thấy trong thơ ca, Carducci được coi là người xứng đáng nhất cho Giải Nobel Văn học năm nay.
Vì thế, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã chọn ông, một nhà văn vang danh khắp thế giới, và bổ sung thêm một lời ngợi ca vào kho tàng những lời ca tụng mà quê hương đã dành cho ông. Italia đã bầu Carducci làm Thượng nghị sĩ và đáp lại lòng kính trọng mà ông đã dành cho đất nước bằng việc trợ cấp suốt đời cho ông một khoản tiền đáng kể(4).
Tân Đôn dịch từ bản tiếng Anh
(Nguồn: http://nobelprize.org)
© Culture Globe
Ghi chú:
(1) Carbonari (tiếng Italia: những người đốt than): Tổ chức bí mật đấu tranh giải phóng dân tộc và thành lập chính thể lập hiến đầu thế kỉ XIX ở Italia.
(2) Do C. D. af Wirsén, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc tại buổi lễ trao giải.
(3) Elleniche (Sử Hi Lạp): Tác phẩm của nhà sử học Hi Lạp Cổ đại Senofonte.
(4) Trong bữa tiệc, C. D. af Wirsén đã nói bằng tiếng Italia về nhà thơ mà bệnh tật đã khiến ông không thể tới được Stockholm. Sau đó, ông hướng về vị Đại biện Lâm thời Italia, Bá tước Caprara, và nhắc lại rằng qua Giải Nobel này, người dân Thụy Điển muốn thể hiện lòng ngưỡng mộ đối với một trong những người con vĩ đại nhất của đất nước Italia. Bá tước Caprara, sau bài diễn văn gửi tới quê hương của Alfred Nobel, bày tỏ lòng biết ơn của mình và hứa sẽ truyền đạt lại sự tôn kính này tới nhà thơ..