Có thể nói, đường dẫn tới vinh quang của phần lớn những người được Giải Nobel Văn chương luôn gập ghềnh khúc khuỷu.
Một nét khác biệt lớn hay điểm trội của các nhà văn được Giải Nobel là ý chí sống và quyết tâm phụng sự lí tưởng cao cả, bất chấp mọi khó khăn, cản trở. Hơn nữa, như triết gia Đức Nietzsches nói, sáng tạo là hiểm nguy, sống sáng tạo là chọn một lối sống hiểm nguy, mà văn chương lại là một lĩnh vực sáng tạo. Bởi thế, có thể nói, đường dẫn tới vinh quang của phần lớn những người được Giải Nobel Văn chương luôn gập ghềnh khúc khuỷu.
Guatémala M. Asturias

Nhà văn Guatémala M. Asturias, Giải Nobel 1967, do đối lập với các chế độ độc tài, mấy lần phải sống lưu vong, có lần bị tước cả quyền công dân. Song nếu không kiên định như vậy, ông không thể khám phá và phát huy cội rễ sâu xa của văn hóa dân gian, không thể trở thành “cha đẻ của nền văn học Mỹ – Latinh” lớn lao, nền văn học biết biểu lộ chiều sâu văn hóa của châu lục này và vươn lên ngang tầm các nền văn học vĩ đại của quá khứ và hiện tại. Người ta không thể không thừa nhận M. Asturias, cùng với G. Garcia Marquez, là một đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ – Latinh.
P. Neruda
Số phận của nhà thơ Chile vĩ đại P. Neruda, Giải Nobel 1971, không kém phần chìm nổi nhưng cũng đầy vinh quang. Ông sống trong tranh đấu, tha hương, rồi cả sau khi chết, được cả thế giới ngưỡng mộ, ông vẫn không được nhắc đến ở tổ quốc mình. Mãi đến gần đây, năm 2004, nhân dân Chile mới tưng bừng kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông, coi ông là niềm tự hào dân tộc, biểu tượng bất khuất của nhân loại.
Y. Kawabata

Người Nhật Bản đầu tiên nhận Giải Nobel năm 1968 là Y. Kawabata lại chịu “nhọc nhằn” theo kiểu khác. Suốt đời ông cô độc, suốt đời dường như ông chỉ một mình mình biết, một mình mình hay. Ra đời chưa bao lâu, ông mất lần lượt cha, mẹ, người chị duy nhất và bà. Nhà văn phải sống với ông nội. Song người ông bị mù, ốm yếu và tạ thế năm 1914. Những vất vả về vật chất để tồn tại không át được nỗi cô đơn đôi khi khủng khiếp đến độ chàng trai đã bỏ nhà, đến sống trên bán đảo Isu. Những chuyến đi lang thang đầy ắp xúc cảm ấy mở đầu cho cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, tìm kiếm lí tưởng của nhà văn, cho quá trình thai nghén các tác phẩm sau này.
Đích cuối cùng của cuộc tìm kiếm bao gồm hai hành trình phải thực hiện đồng thời: đi sâu tìm hiểu thế giới từ bi và thế giới quỷ dữ. Thâm nhập vào thế giới từ bi dễ bao nhiêu thì vào thế giới quỷ dữ khó bấy nhiêu! Mâu thuẫn này là bi kịch tinh thần của Y. Kawabata mà ông muốn đi tới cùng. Theo một số học giả, chính địa ngục này là nguyên nhân của cái chết gây chấn động mạnh của ông. Ngày 6/4/1972, Y. Kawabata tự sát tại một gian nhà nhỏ mà ông thuê ở Zushi bên bờ bể cách không xa ngôi nhà lớn của ông.
H. Martinson

Trải nhiều gian truân đời thường nhất chắc hẳn là đồng Giải Nobel 1974, nhà văn Thụy Điển H. Martinson. Bố mới chết một năm mẹ đã di cư sang Mỹ, bỏ các con cho xóm làng. Người ta luân phiên nuôi lũ trẻ, H. Martinson chuyển hết nhà này đến nhà khác. Lớn lên một chút, ông đi làm thủy thủ, rồi qua đủ nghề lao động vất vả, lang bạt nhiều nơi trên thế giới.
Đáng chú ý là trong suốt những tháng năm cơ cực ấy, ông kiên trì và say mê tự học, đồng thời kiên trì tập viết, thường trên giấy loại tận dụng. Từng bước một, khi các tác phẩm thơ và truyện lần lượt ra đời, ông được chú ý và ngưỡng mộ dần lên. Về sau, H. Martinson được bầu là Viện sĩ Hàn lâm Thụy Điển và nghị sĩ suốt đời. Điều nổi bật nhất trong sáng tác của ông là cảm hứng vũ trụ độc đáo, từ đó lộ ra nỗi lo tương lai rằng “Lòng dũng cảm và sự khéo léo không thiếu trong thời đại vũ trụ và thống trị bầu trời – Chỉ thiếu tình nhân loại mà thôi”.
K. Hamsun

Cuộc đời của nhà văn Na Uy K. Hamsun, Giải Nobel văn chương 1920, cũng cơ cực không kém một con người cơ cực nào. Ông sinh ra trong một gia đình rất nghèo, từ nhỏ sớm phải đi ở đợ, làm thuê, bị đánh đập, bỏ đói, lớn lên lang thang tha hương kiếm sống, đói khát, bệnh tật, viết văn nhưng không được người đời để ý…
Bạn đọc Việt Nam ngày nay có thể hiểu cuộc sống của K. Hamsun lúc đó qua cuốn tiểu thuyết mang nhiều tính tự truyện Đói đã được dịch và in mấy lần bằng tiếng Việt. Và mặc dù về cuối đời, tư tưởng chính trị của ông trở nên cực kì phản động, ông bị buộc tội thân phát xít, bị kết án và phạt tiền, nhưng vinh quang văn chương của ông ít ai sánh kịp. Âu đó cũng là sự gian truân trớ trêu của số phận.
A. Solzhenisyn
Trên một quy mô rộng lớn hơn, với tính điển hình sâu xa hơn, nhà văn Nga A. Solzhenisyn, Giải Nobel văn chương 1970, có lẽ sẽ còn được nhắc tới nhiều. Cha mất trước khi ông ra đời sáu tháng, mẹ phải làm nghề đánh máy tốc kí để nuôi đám con mồ côi. Do thương mẹ, ông theo học đại học toán lí gần nhà, nhưng theo học từ xa các môn lịch sử, triết học và nhất là văn chương.

Ông tham gia đoàn thanh niên cộng sản, nhập ngũ năm 1941, chiến đấu dũng cảm, được khen thưởng và thăng chức nhanh. Do chỉ trích Stalin trong thư riêng, năm 1945, đại úy A. Solzhenisyn bị kết tội chống chính quyền Xô viết và phải đi cải tạo tám năm. Ông đã trải qua lao động cưỡng bức, lưu đày, bệnh tật, dư luận lên án, bị tước quyền công dân, trục xuất khỏi Tổ quốc – tất cả chỉ vì tiếng nói không khoan nhượng của lương tâm nhà văn đối với những cái xấu, cái ác của con người, của một cơ chế xã hội.
Sở dĩ ông vượt qua được những thăng trầm khốc liệt ấy là nhờ có một mục đích vững vàng và một tình yêu văn chương vô bờ bến. Mục đích của ông: khám phá kì hết tâm hồn Nga để thúc đẩy dân tộc Nga tiến lên. Tình yêu văn chương đưa ông vượt lên tất cả, trở thành nhà văn vượt biên giới quốc gia.
Trên đây chỉ là mấy ví dụ được nhắc đến khá ngẫu nhiên. Qua những dòng tiểu sử của mỗi nhà văn rất ngắn gọn trong cuốn sách này, bạn đọc có thể thấy ngay rằng, không có con đường đến vinh quang nào là dễ dãi, không có số phận nghệ sĩ đích thực nào là nông nổi.
Nguồn: TTVHNN Đông Tây