Người Thụy Điển xem Giải Nobel là biểu tượng của danh dự và niềm tự hào quốc gia, đồng thời lại muốn nhấn mạnh và bảo đảm tính quốc tế của giải nên họ có ý thức cố không để những tác động thời sự – chính trị khu vực hoặc nhất thời ảnh hưởng đến việc xét giải.

Để thực hiện Di chúc của Alfred Nobel, sau nhiều bàn cãi (theo không ít người, những điều khoản trong Di chúc là chưa đủ rõ ràng và rất khó thực hiện) những tổ chức được ủy quyền đã quyết định thành lập Quỹ Nobel và đề ra quy chế xét và trao giải dựa theo ý nguyện của Nobel.
Quỹ Nobel là một tổ chức độc lập, phi chính phủ, có nhiệm vụ bảo toàn và làm sinh lợi số tài sản Nobel để lại và bảo đảm các hoạt động liên quan đến việc chọn và trao giải, nhưng không trực tiếp tham gia vào quá trình đề cử, xem xét và quyết định những người được giải – việc này do các tổ chức trao giải thực hiện một cách độc lập. Những Giải Nobel đầu tiên (Vật lí, Hóa học, Y học, Văn học, Hòa bình) được chính thức trao vào năm 1901. Từ năm 1969, có thêm Giải Nobel Kinh tế do Ngân hàng Thụy Điển đề xuất và tài trợ nhân dịp cơ quan này tròn 300 năm hoạt động.
Ngày nay, qua hơn 100 năm tồn tại, Giải Nobel trở thành giải thưởng có uy tín và đáng mong đợi nhất trên địa cầu. Điều đó có được một phần nhờ trị giá vật chất rất lớn của giải, và nó không ngừng được tăng lên (cho đến nay, năm 2008, đã là khoảng 1,5 triệu USD cho một giải). Nhưng một nguyên do khác không kém phần quan trọng làm nên uy tín của Giải Nobel, là quy chế xét giải chặt chẽ, cố gắng đạt đến độ công bằng cao, được đề ra ngay từ đầu và không thay đổi trong suốt hơn mười thập kỷ qua.
Thêm vào đó, theo nhận định chung của cộng đồng quốc tế, Thụy Điển là một quốc gia trung lập, phát triển, có truyền thống văn hóa lâu đời và tiên tiến, người Thụy Điển xem Giải Nobel là biểu tượng của danh dự và niềm tự hào quốc gia, đồng thời lại muốn nhấn mạnh và bảo đảm tính quốc tế của giải nên họ có ý thức cố không để những tác động thời sự – chính trị khu vực hoặc nhất thời ảnh hưởng đến việc xét giải.
Tất nhiên, cũng như mọi chuyện đời, vì tất cả là con người, và như thực tế cho thấy, đã không phải không có những sai lầm đáng tiếc, các quyết định không phải lúc nào cũng đủ thuyết phục, làm hài lòng tất cả mọi người. Có những giải trao cho người chưa hoặc không xứng đáng. Có những người rất xứng đáng lại không được trao giải. Chẳng hạn, chiến sĩ hòa bình vĩ đại người ấn Độ Mahatma Gandhi không được trao giải Hòa bình. Đại văn hào Nga L. Tolstoi không được trao giải Văn chương. Nhà bác học thiên tài A. Einstein suýt trượt giải Nobel Vật lí (và khi được trao thì lại cho công trình thứ yếu của ông)…

Nhưng nhìn chung, dù sao, với tất cả những thiếu sót, sai lầm đã có, Giải Nobel vẫn là niềm mơ ước và tự hào thậm chí của các cá nhân thiên tài, các quốc gia siêu cường, là giải thưởng danh giá số một hành tinh!
Cơ chế đề cử, tuyển chọn và quyết định người được trao giải rất phức tạp, và mọi thông tin trong quá trình xét giải được giữ bí mật tuyệt đối. Chỉ các cá nhân mới có quyền đề cử người được trao giải, các tổ chức, cơ quan không có quyền này vì để tránh việc thảo luận hoặc bầu bán công khai.
Hàng năm, vào mùa thu năm trước, các tổ chức trao giải mời hơn 6000 người trên khắp thế giới (các Viện sĩ hàn lâm, những người đã từng nhận Giải Nobel trước đó, các chuyên gia lớn có uy tín trong từng lĩnh vực) đề cử người xứng đáng nhận giải. ý kiến đề cử phải được thể hiện bằng văn bản, nêu rõ lý do lựa chọn, và được gửi lên ủy ban Nobel trước ngày 01/2 của năm trao giải.
Thường có 100-250 ứng viên được đề cử cho mỗi lĩnh vực. Cho đến tháng 9, các ủy ban xét giải cùng với hàng ngàn chuyên gia thẩm định được mời từ bên ngoài thực hiện việc đánh giá những người được đề cử để lựa chọn và trình một danh sách 5 người xứng đáng nhất lên Viện Hàn lâm Thụy Điển. Tháng 10, Viện Hàn lâm họp bỏ phiếu kín để chọn người được giải. Theo quy chế, giải chỉ được trao cho các cá nhân (ngoại trừ giải Hòa bình có thể trao cho một tổ chức), không trao cho người đã chết (ngoại trừ trường hợp người đó qua đời sau khi giải đã được quyết định) và không có quá ba người cùng nhận một giải (trong một năm). Giải thưởng bao gồm một Huy chương vàng, một Bằng chứng nhận và một ngân phiếu (trị giá thay đổi theo từng năm).
Các giải Vật lí, Hóa học, Y học, Văn học do đích thân vua Thụy Điển trao tại cung Hòa nhạc ở Stockholm trong buổi lễ long trọng có 1200 người dự; giải Hòa bình do chủ tịch ủy ban Nobel Na Uy trao với sự chứng kiến của vua Na Uy và các thành viên hoàng gia. Theo thông lệ, những người nhận giải đọc một bài Diễn văn Nobel, văn bản này về sau sẽ được in trong ấn phẩm đặc biệt Những người được Giải Nobel.
Minh Tâm
Xem thêm: