Ngày nay và trong suốt hơn một trăm năm qua, có lẽ hiếm thấy tên tuổi nào được nhắc đến nhiều và đầy ngưỡng mộ như Alfred Nobel – từ trên các diễn đàn cao sang và quan trọng nhất thế giới đến các xứ tận cùng heo hút của Trái Đất, từ cửa miệng các học giả, văn hào đến những cô cậu học trò phía trước còn hàng chục năm trên ghế nhà trường…

Điều đó là nhờ ở tài năng, sự nghiệp lúc sinh thời của người mang danh Alfred Nobel, – một trong những nhà kinh doanh thành đạt giàu có nhất đương thời, một nhà khoa học kiệt xuất, – nhưng còn nhiều hơn là nhờ ý nguyện của ông để lại trong bản Di chúc đã được thực hiện một cách thành công và nghiêm túc: việc trao Giải Nobel hàng năm cho các thành tựu xuất sắc mà loài người đạt được trong các lĩnh vực khoa học, văn chương và đấu tranh vì hòa bình.

Gia đình

Alfred Nobel
Alfred Nobel (21 tháng 10 năm 1833 – 10 tháng 12 năm 1896)

Alfred Nobel (21 tháng 10 năm 1833 – 10 tháng 12 năm 1896) xuất thân từ một dòng họ khá khiêm tốn có nguồn gốc nông dân, ông nội làm nghề thợ cạo kiêm thầy lang. Emanuel Nobel (1801-1872), cha của Alfred Nobel, vốn là kiến trúc sư xây dựng, một người có tài sáng chế, phát minh, ban đầu phải trải qua nhiều năm kiếm sống bằng những công việc không thường xuyên cho đến khi quyết định tìm vận may trong ngành công nghiệp dầu lửa ở Baku, nước Nga. Năm 1827, ông cưới vợ là Karolina Andrietta Ahlsell (1803-1879), con một gia đình khá giả; họ có tám người con, nhưng chỉ có bốn người qua được tuổi vị thành niên là Robert, Ludvig, Alfred và Emil.

Alfred Bernhard Nobel chào đời ngày 21-10-1833 tại Stockholm, là con thứ tư trong gia đình. Đúng vào năm đó, Emanuel Nobel bị phá sản, và nhà bác học tương lai, cậu bé Alfred ốm yếu bệnh tật đầy mình, đã trải qua một tuổi thơ nặng nề. Người cha phải để gia đình ở lại Thụy Điển, một mình đến Đan Mạch và sau đó là St. Petersburg (Nga) tìm cách gây dựng lại cơ nghiệp; ở nhà, bà Andrietta mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để kiếm thêm tiền nuôi con. Năm 1842, khi Alfred lên 9 tuổi, cả gia đình chuyển sang Nga, nơi Emanuel Nobel đã gây dựng được nhà máy và có những hợp đồng cung cấp thuốc nổ cho quân đội Nga hoàng. Nhờ điều kiện kinh tế gia đình đã trở nên khấm khá, cậu bé Alfred được học hành tử tế. Emanuel Nobel không cho con đến trường mà thuê gia sư về dạy các môn cơ bản như khoa học tự nhiên, ngôn ngữ, văn học. Năm 17 tuổi, Alfred Nobel đã thành thạo năm thứ tiếng (Thụy Điển, Anh, Nga, Pháp, Đức), quan tâm đến vật lí, hóa học và đặc biệt say mê văn học, viết thơ, nhưng người cha lại chỉ mong con trai trở thành kĩ sư để nối nghiệp kinh doanh của mình.

Chiến tranh Crưm ở Nga kết thúc (1853-1856), tình hình thị trường có nhiều biến đổi, Emanuel Nobel lại một lần nữa đứng trước nguy cơ bị phá sản. Cùng với hai con trai Alfred và Emil, ông trở về Thụy Điển tìm cách cứu vãn tình thế, và họ đã thành công: sau một thời gian, nhờ đầu tư vào công nghiệp dầu mỏ, gia đình Nobel dần dần trở thành một trong số những người giàu có nhất thời bấy giờ. ở Thụy Điển, Alfred Nobel bắt đầu tập trung nghiên cứu chất nổ nitroglycerine, một loại hóa chất có sức công phá mạnh nhưng hết sức nguy hiểm khi sử dụng. Trải qua nhiều năm tháng, cho đến tận cuối đời, ông không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến chất nổ đó, tìm ra những cơ chế và cách thức biến nó thành thứ thuốc nổ an toàn và ứng dụng thành công vào công nghiệp, đặc biệt là trong việc xây dựng đường sá, hải cảng, đường hầm xuyên núi hay xuyên biển, khai thác mỏ… Alfred Nobel là chủ sở hữu của 355 bằng phát minh sáng chế, 93 công ty, xí nghiệp ở trên 20 quốc gia. Ngoài thuốc nổ, ông còn nghiên cứu sản xuất cao su tổng hợp và tơ lụa nhân tạo. Ông cũng đã bắt tay vào nghiên cứu việc truyền máu, công trình mà sau này nhà bác học áo Karl Lantsteiner thực hiện thành công và đoạt Giải Nobel Y học năm 1930.

Sự nghiệp

Sinh thời Alfred Nobel rất nổi tiếng và thành đạt, tỏ rõ tài năng xuất chúng và nghị lực phi thường, nhưng đồng thời ông cũng là một con người đầy mâu thuẫn, thậm chí là bất hạnh. Ông thích nghiên cứu, thí nghiệm khoa học hơn nhưng buộc phải bỏ một phần rất lớn thời gian cho việc kinh doanh, lập và điều hành vô số công ti, tính toán chống đỡ những đòn cạnh tranh, phá hoại từ phía các đối thủ và cả các chính phủ. Ông sản xuất và kinh doanh, làm giàu bằng thuốc nổ nhưng mơ ước nhân loại sống trong hòa bình. Ông muốn các nhà chính trị và khoa học tìm mọi cách ngăn cản và loại bỏ chiến tranh, xây dựng một thế giới hòa bình bền vững. Ông từng mơ ước chế tạo được một chất hay một cỗ máy có sức công phá lớn đến mức đẩy lùi được mọi cuộc chiến tranh. Ông có những ý tưởng đậm màu sắc nhân đạo như từng đề nghị Thị trưởng Paris lập một khách sạn dành cho những người muốn tự tử, ở đó “khách” có thể được ăn một bữa thịnh soạn, qua một đêm vui vẻ rồi được chết nhanh chóng và không đau. Về cá nhân, ông là người ưa cô độc, sống tách biệt, nhưng lại quá nổi tiếng, phải tiếp xúc, đi lại nhiều nơi khắp thế giới. Trong cuộc sống riêng với gia đình, ông gặp lắm điều không may: bốn trong số tám anh em của ông mất sớm; người cha 8 năm cuối đời bị bại liệt bất toại; em trai Emil 21 tuổi chết khi làm thí nghiệm tại xí nghiệp sản xuất thuốc nổ; mẹ và hai anh trai còn lại lần lượt qua đời trước khi ông mất để ông là người sống cuối cùng trong gia đình. Ông trải qua vài mối tình nhưng suốt đời sống độc thân. Năm 43 tuổi, ông yêu một thiếu nữ trồng, bán hoa 20 xuân xinh đẹp, nhưng như cô ta tiết lộ về sau, mối quan hệ giữa họ chỉ là sự “giúp đỡ tài chính” từ phía ông. Năm 1876, ông đăng báo “Một người đàn ông trung niên giàu có và học thức cao sống ở Paris muốn tìm một phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành giỏi ngôn ngữ để làm thư kí và quản gia”. Cô Bertha Kinsky 33 tuổi lọt vào sự lựa chọn của Alfred Nobel, nhưng chỉ được một thời gian ngắn cô lại quay về áo lấy chồng. Về sau, Bertha Kinsky (với họ chồng là Bertha von Suttner) trở thành một nhà hoạt động hòa bình nổi tiếng và bà vẫn giữ mối quan hệ gần gũi với Alfred Nobel, thường xuyên thư từ qua lại. Chính bà đã có ảnh hưởng tích cực tới quyết định của Alfred Nobel lập ra Giải Nobel Hòa bình và năm 1905 bà đã được trao tặng giải thưởng này.

Alfred Nobel
Huy chương Giải Nobel

Alfred Nobel mất ngày 10-12-1896 tại nhà riêng ở San Remo, Italia vì xuất huyết não, không một người thân thích bên cạnh, để lại một tài sản khổng lồ 33.200.000 cuaron Thụy Điển, tương đương 9 triệu USD. Trong bản Di chúc kí một năm trước đó, ngày 27-11-1895, ông viết:

Số gia tài của tôi để lại sẽ được giải quyết như sau. Toàn bộ số vốn phải được những người do tôi ủy nhiệm lưu giữ bảo đảm an toàn và được dùng để tạo ra một quỹ với chức năng dùng làm giải thưởng cho những người trong năm trước đó có đóng góp to lớn nhất cho lợi ích của loài người. Số tiền này được chia làm năm phần bằng nhau và được trao tặng như sau: một phần giành cho người có khám phá hoặc phát minh quan trọng nhất trong lĩnh vực vật lí; phần thứ hai cho người có khám phá hoặc cải tiến quan trọng nhất trong lĩnh vực hóa học; phần thứ ba giành cho người có khám phá quan trọng nhất trong lĩnh vực sinh lí học hoặc y học; phần thứ tư giành cho người sáng tạo ra tác phẩm xuất sắc nhất theo định hướng lí tưởng trong lĩnh vực văn học; và cuối cùng, phần thứ năm giành cho người có công lao trong việc củng cố cộng đồng các dân tộc, loại bỏ hoặc hạn chế sự căng thẳng đối địch giữa các lực lượng vũ trang, cũng như trong việc tổ chức hoặc thúc đẩy các hành động của các lực lượng yêu chuộng hòa bình.

Các giải thưởng thuộc lĩnh vực vật lí và hóa học sẽ do Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao; các giải thưởng thuộc lĩnh vực sinh lí học và y học sẽ do Viện Karolinska ở Stockholm trao; các giải thưởng thuộc lĩnh vực văn học sẽ do Viện Hàn lâm (Thụy Điển) ở Stockholm trao; và cuối cùng, giải thưởng Hòa bình sẽ được trao bởi một ủy ban gồm năm thành viên do Nghị viện Na Uy bầu ra. Đó là ý nguyện của tôi, và việc trao giải thưởng không kèm theo điều kiện về việc người đó thuộc dân tộc nào, cũng như trị giá của giải thưởng không phụ thuộc vào quốc tịch người được trao.

Nguồn: TTVHNN Đông Tây

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here