G. Hauptmann (15/11/1862 – 6/6/1946) là nhà viết kịch có đóng góp đa dạng, hiệu quả cho nền sân khấu Đức và thế giới. Ông là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa tự nhiên Đức, vở kịch “Trước lúc mặt trời mọc” đã gây chấn động bởi tính hiện thực tàn nhẫn và ngôn ngữ bình dân sống động. Nhân vật nổi bật trong tác phẩm của ông có những số phận khắc nghiệt và thường phải gục ngã vì nó. Ông được giải Nobel Văn Học năm 1912.

Tiểu sử Gerhart Hauptmann
Gerhart Johann Robert Hauptmann sinh tại khu nghỉ mát Schlesien (nay thuộc đất Ba Lan), là con trai út trong một gia đình chủ khách sạn. Từ khi đi học trường làng ông học tiếng Latin. G. Hauptmann ghét trường học, 15 tuổi ông đã đến điền trang của chú ruột trong một năm để học làm điền chủ; chính tại đây đã định hình những tính cách độc lập, cương quyết và giúp ông có cái nhìn của riêng mình đối với thế giới. Năm 1880 G. Hauptmann theo học lớp điêu khắc tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật Breslau, nghe giảng lịch sử tại trường Đại học Tổng hợp Jena và làm quen với học thuyết C. Darwin – một học thuyết có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực trong các nền văn học Châu Âu. Năm 1885 G. Hauptmann kết hôn với cô Tineman, người đã giúp ông nhiều về mặt tài chính, về sống ở thị trấn Erknere gần Berlin và say mê đọc K. Marx, F. Engels, L. Tolstoi, E. Zola và H. Ibsen. Cũng trong năm này G. Hauptmann công bố trường ca sử thi Promethidenlos. Tại đây ông làm quen với các nhà thơ Tự nhiên chủ nghĩa thích thể hiện hiện thực cụ thể và trần trụi. Năm 1889, nhà hát “Sân khấu tự do” dựng vở kịch của G. Hauptmann Trước lúc mặt trời mọc kể về một gia đình nông dân giàu lên rất nhanh nhưng cũng phá sản rất nhanh. Vở kịch đã gây chấn động dư luận và tác giả của nó được chú ý như một tài năng viết kịch đầy triển vọng. Năm 1893, vở kịch Những người thợ dệt đã củng cố vững chắc danh tiếng của G. Hauptmann. Năm 1907, ông sang Hi Lạp lấy cảm hứng sáng tác, và viết Mùa xuân Hi Lạp (kí) cùng hai tiểu thuyết Tên hề trong Chúa Kitô, Emanuel Quint và Đảo của người mẹ vĩ đại. Năm 1912, G. Hauptmann được trao Giải Nobel chủ yếu vì những đóng góp trong lĩnh vực kịch.
Gerhart Hauptmann được phong làm Tiến sĩ Danh dự của nhiều trường đại học: Oxford (1905), Leipzich (1909), Praha (1921) và Colombo (1932); ba lần được trao giải thưởng cao nhất về kịch của Áo (1896, 1899, 1905). Là người suốt đời theo chủ nghĩa hòa bình, mặc dù căm ghét chủ nghĩa Quốc xã, nhưng sau khi Hitler lên nắm chính quyền, G. Hauptmann vẫn quyết định ở lại Đức. Điều này khiến nhiều người tôn sùng ông rất bất bình. Thời gian này kịch của ông ít được trình diễn. Năm 1946, quân Đồng Minh ném bom Dresden, thành phố mà G. Hauptmann rất yêu mến, nhà viết kịch bị sốc nặng. Ông mất vào năm này vì viêm phổi. Sau khi mất, danh tiếng của G. Hauptmann ngày càng lu mờ dần.
Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1)

Người xưa có câu ngạn ngữ rằng thời đại đổi thay và con người thay đổi cùng thời đại. Nhìn lại những chặng đường đã qua, chúng ta đã từng khám phá chân lí của câu ngạn ngữ này. Chúng ta, những người không còn trẻ, trong cuộc sống hối hả gấp gáp của mình đã từng có cơ hội nếm trải chân lí đó, và mỗi ngày trôi qua lại thêm một lần khẳng định. Suốt chiều dài lịch sử, những cái mới luôn nảy sinh, nhưng ban đầu ta không nhận thức được chúng, mặc dù chính những cái mới đó sẽ có tầm quan trọng trong tương lai. Hạt giống được gieo xuống đất, sẽ hồi sinh và lớn lên thành đại thụ. Một số tên tuổi trong nền khoa học đương đại cho thấy những khác biệt giữa sự khởi đầu khiêm tốn với sự phát triển về sau.
Điều này cũng đúng với kịch thơ. Ở đây, ta sẽ không đi ngược trở lại hai mươi lăm thế kỉ phát triển của kịch thơ. Tuy nhiên, có một khác biệt lớn lao giữa những bản hợp xướng của lễ hội Tửu thần Dionys, vốn được gọi là bi kịch (tragedy) xuất phát từ những tấm da cừu mà ban đồng ca dùng làm y phục, với những yêu cầu mà thời hiện đại đặt ra cho kịch thơ. Chính sự khác biệt này cho thấy nghệ thuật kịch thơ đã có sự tiến triển to lớn.
Trong thời đại chúng ta, Gerhart Hauptmann là một tên tuổi lớn ở lĩnh vực nghệ thuật kịch. Ông vừa tròn năm mươi tuổi, đã đi hết nửa cuộc đời và có thể nhìn lại sự nghiệp sáng tác vô cùng phong phú của mình. Ông viết tác phẩm đầu tiên cho sân khấu khi 27 tuổi. Ở tuổi 30, ông chứng tỏ sự trưởng thành trong nghệ thuật bằng tác phẩm Những người thợ dệt (Die Weber, 1892). Tiếp theo vở kịch này, một loạt tác phẩm khác ra đời càng củng cố thêm danh tiếng của ông. Hầu hết kịch của ông đề cập tới cuộc sống của những con người ở tầng lớp dưới, cuộc sống mà ông có nhiều cơ hội nghiên cứu, đặc biệt là ở chính quê hương Silesia của ông. Những miêu tả của ông dựa trên sự quan sát tinh tường về con người và môi trường họ sống. Mỗi nhân vật là một cá nhân được phát triển đầy đủ, không hề có dấu ấn của bất kì kiểu mẫu hay hình tượng sáo mòn nào. Thậm chí, không một ai, dù chỉ trong khoảnh khắc lại có thể hoài nghi tính xác thực về những quan sát của ông. Nhờ tính xác thực, ông được coi là một nhà hiện thực chủ nghĩa lớn. Nhưng trong kịch của mình, ông không bao giờ ca ngợi cuộc sống của những kẻ dưới đáy xã hội. Ngược lại, một khi đã xem hay đọc kịch của ông và đồng cảm với hoàn cảnh của những con người đó, người ta sẽ thấy cần phải có một bầu không khí mới và tự hỏi làm cách nào trong tương lai có thể xóa bỏ sự khốn cùng. Chủ nghĩa hiện thực trong kịch của Hauptmann đem đến cho con người giấc mơ tươi sáng về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn và ước mong hiện thực hóa giấc mơ đó.
Hauptmann cũng viết những vở kịch có tính chất hoàn toàn khác. Ông gọi chúng là “kịch thần thoại”, hay “kịch cổ tích” (nguyên văn tiếng Đức: Mọrchendramen). Trong số những vở kịch đó nổi bật lên tác phẩm đặc sắc Hannele bay lên trời (Hanneles Himmelfahrt, 1893), trong đó cuộc sống nghèo khổ và niềm phúc lạc nơi thiên đường được khắc họa với sự tương phản nổi bật; và vở kịch Qủa chuông chìm (Die versunkene Glocke, 1897) được yêu thích nhất trong các vở kịch của ông tại Đức. Bản in của vở kịch mà ủy ban trao Giải Nobel của Viện Hàn lâm Thụy Điển sử dụng cho lần trao giải này là bản in lần thứ sáu muơi.
Hauptmann cũng để lại dấu ấn đậm nét trong thể loại kịch lịch sử và hài kịch. Ông chưa xuất bản một tập thơ trữ tình nào, song những bài thơ phụ họa trong các vở kịch của ông cũng cho thấy tài năng của ông trong lĩnh vực này.
Thời kì đầu, ông có cho xuất bản một vài truyện ngắn và năm 1910, ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết Tên hề trong Chúa Kitô: Emanuel Quint (Der Narr in Christo: Emanuel Quint), kết quả của nhiều năm làm việc. Truyện Vị Tông đồ (Der Apostel, 1892) là phác thảo cho cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh về sau, trong đó chúng ta biết được đời sống nội tâm của một người đàn ông nghèo, chẳng được học hành gì ngoại trừ những điều rút tỉa từ Kinh thánh, cũng chẳng hề có khả năng đánh giá một cách phê phán về những điều mình đã đọc, cuối cùng đã đi đến kết luận rằng anh ta là hóa thân của Chúa Kitô. Chẳng dễ gì đưa ra một mô tả chuẩn xác về sự phát triển nội tại của một con người vốn có thể coi là bình thường nếu như ta xét đến tất cả mọi áp lực và hoàn cảnh tác động đến sự phát triển đó. Nhưng, càng khó khăn gấp bội để đạt tới sự thật khi mô tả sự phát triển nội tại của một tâm hồn hơi bất thường. Đây là một nỗ lực táo bạo, và để thực hiện nó phải mất hàng chục năm ròng lao động sáng tạo. Sự đánh giá tác phẩm này rất khác nhau. Tôi rất hạnh phúc được là một trong số những người coi Emanuel Quint là một giải pháp bậc thầy cho một đề tài hóc búa.
Nét đặc sắc của Hauptmann là sự am hiểu sâu sắc và có tính phê phán đối với thế giới nội tâm con người. Nhờ khả năng thiên phú này, Hauptmann đã sáng tạo trong kịch và tiểu thuyết của ông những nhân vật sống thực sự chứ không phải những kiểu nhân vật đại diện cho một quan điểm hay cách nhìn nào đó. Tất cả nhân vật mà ta gặp, kể cả nhân vật phụ, đều có một cuộc sống trọn vẹn. Đọc tiểu thuyết của ông, ta khâm phục những trang miêu tả khung cảnh và những nét phác họa về các nhân vật ít nhiều có liên quan mật thiết tới nhân vật chính của câu chuyện. Các vở kịch cho thấy tài năng to lớn của ông trong việc thu hút sự tập trung của độc giả hay khán giả từ đầu đến cuối. Dù ông khai thác đề tài nào, kể cả khi ông đề cập tới mặt trái của cuộc đời, nhân vật của ông luôn có nhân cách cao thượng. Tính cao thượng này, cùng với nghệ thuật tinh tế, mang lại cho tác phẩm của ông một sức mạnh kì diệu.
Những nhận xét trên đây nhằm sơ phác những lí do mà Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao Giải Nobel văn chương năm nay cho Gerhart Hauptmann.
Thưa Ngài Hauptmann! Trong tác phẩm đầy ý nghĩa và gây tranh cãi Tên hề trong Chúa Kitô: Emanuel Quint Ngài đã viết: “Không thể khám phá tiến trình tất yếu của một đời người ở mọi giai đoạn của nó, dù mỗi con người chỉ là đơn nhất không thể lặp lại từ đầu tới cuối và bởi người quan sát chỉ có thể hiểu đối tượng của mình trong giới hạn bản tính của chính hắn”.
Đúng như vậy. Nhưng, người quan sát cũng có nhiều loại. Có những kẻ mà trong cuộc sống tất bật hàng ngày chẳng có cơ hội cũng chẳng hề có ý muốn tìm hiểu những người đồng bào mình một cách sâu sắc hơn. Chúng ta chỉ thấy cái bên ngoài mà chẳng quan tâm nhìn sâu vào cái bên trong, trừ khi chúng ta có lợi ích cụ thể nào đó trong việc tìm hiểu động cơ của kẻ khác. Ngay cả những ai không bị cuốn theo những xáo động của đời sống hiện tại, những người tự giới hạn tầm giao tiếp với thế giới bên ngoài và có quan hệ mật thiết với những gì diễn ra trực tiếp xung quanh họ, thường cũng chẳng đi quá xa trong việc tìm hiểu tâm hồn con người. Chúng ta hoặc bị hấp dẫn nhau hoặc bị đẩy xa nhau. Ta không thờ ơ với đối tượng, nhưng ta chỉ có hai thái độ hoặc yêu hoặc ghét. Chúng ta hoặc chỉ ngợi ca hoặc chỉ buộc tội.
Thế nhưng, nhà thơ không phải là người thường. Họ có khả năng đẩy phạm vi tưởng tượng của mình đi xa hơn. Đó là vì họ có trực giác thiên phú. Và, thưa Tiến sĩ Hauptmann, Ngài có khả năng tuyệt vời này ở mức độ cao nhất. Trong tác phẩm của mình, Ngài đã tạo ra vô số nhân vật. Nhưng các nhân vật đó không chỉ tồn tại ở phạm vi những kiểu loại tính cách này hay tính cách nọ. Với độc giả và khán giả, mỗi nhân vật của Ngài là một cá nhân phát triển đầy đủ, sống và hành động cùng những người khác, nhưng khác tất cả những người khác. Đó chính là lí do tạo nên ma lực kì diệu trong tác phẩm của Ngài.
Người ta cho rằng ít nhất trong một vài tác phẩm, Ngài đã tỏ ra là một nhà Hiện thực chủ nghĩa đặc sắc. Ngài đã có nhiều cơ hội để tận dụng tài quan sát và làm quen với sự nghèo khổ của mọi tầng lớp xã hội, và Ngài đã miêu tả nó một cách trung thực. Sau khi đọc hay xem một vở kịch như vậy và bị xúc động sâu sắc, người ta không thể không có ý nghĩ: “Cần phải cải tạo cuộc sống này”. Người ta không thể phủ nhận sự hiện hữu của mặt trái cuộc sống, và nó phải có vị trí của mình trong văn học, ngõ hầu dạy cho con người sự minh triết đối với cuộc sống.
Hoạt động xã hội đa dạng của Ngài với tư cách nhà văn đã đem đến cho chúng tôi những kiệt tác khác. Tôi chỉ muốn đề cập ở đây hai tác phẩm Hannele bay lên trời và Quả chuông chìm. Những tác phẩm sau này của Ngài được đông đảo công chúng nước Ngài yêu thích.
Qua lời của nhân vật đầy tham vọng và không may mắn Michael Kramer, Ngài nói:
Nếu một kẻ nào đó có đủ sự táo tợn để vẽ nên con người đội vòng gai, anh ta sẽ mất cả đời mới làm được điều đó. Chẳng có gì vui thú cho anh ta: những giờ cô đơn, những ngày cô đơn, những năm tháng cô đơn. Anh ta sẽ phải sống một cuộc sống cô đơn, chỉ với chính mình và với Chúa. Anh ta sẽ phải tự tấn phong mình mỗi ngày. Không thể có thứ gì tầm thường về anh ta hoặc trong anh ta. Thế rồi, trong khi anh ta cày cục và cặm cụi miệt mài trong nỗi cô đơn, linh hồn của Chúa xuất hiện. Đôi khi anh ta thoáng thấy hình ảnh đó. Hình ảnh đó ngày một lớn lên, anh ta thấy được điều đó. Sau đó anh ta an trụ trong vĩnh hằng, và nhìn thấy vĩnh hằng ngay trước mặt mình trong im lặng và đẹp đẽ. Anh ta có vĩnh hằng dù không muốn nó. Anh ta nhìn thấy Đấng Cứu thế. Anh ta cảm thấy Người.
Mặc dù trong tác phẩm, Ngài không giới thiệu nhân vật Đấng Cứu thế đội vòng gai, Ngài đã đưa ra hình ảnh một người đàn ông nghèo cuối cùng bị ảo giác đánh lừa rằng anh ta là Đức Chúa thứ hai. Nhưng lời của Kramer cũng cho thấy quan điểm riêng của ông. Tiểu thuyết Tên hề trong Chúa Kitô: Emmanuel Quint, xuất hiện năm 1910, nhưng truyện Vị Tông đồ viết năm 1892 cho thấy Ngài đã dự định viết tiểu thuyết này từ hai mươi năm trước.
Nghệ thuật đích thực không phải là viết rồi quảng bá cho công chúng những suy nghĩ bất chợt xuất hiện trong khoảnh khắc nào đó, mà là đưa ra những ý tưởng hữu ích để mọi người mổ xẻ, đón nhận những ý kiến trái ngược và qua đó nhận thức được hệ quả sau cùng của chúng. Tiến trình này sẽ dần dần đưa người nghệ sĩ đích thực đến niềm tin quý báu: “Cuối cùng ta đã tiếp cận với sự thật”. Ngài đã đạt được đỉnh cao trong nghệ thuật nhờ sự nghiên cứu và chuẩn bị công phu nhưng không hề khuôn sáo, vào sự nhất quán trong cảm xúc, tư tưởng và hành động, và vào hình thức nghiêm ngặt trong các vở kịch của Ngài.
Viện Hàn lâm Thụy Điển xét thấy nhà văn lớn Gerhart Hauptmann xứng đáng được nhận giải thưởng Nobel năm nay. Ngay bây giờ, Hoàng thượng sẽ trao giải thưởng cho Ngài.
Suy nghĩ của G. Hauptmann(2)
Là người nhận giải thưởng Nobel Văn học năm nay, tôi xin cám ơn các bạn vì những lời nói tốt đẹp và nồng hậu dành cho tôi. Các bạn có thể chắc chắn rằng tôi và dân tộc tôi hiểu và cảm kích sâu sắc vinh dự dành cho tôi. Giải Nobel đã trở thành mối quan tâm văn hóa của toàn cầu và con người hào hiệp cống hiến cho giải này đã tạo dựng cho tên tuổi của mình một vị trí trong đời sống văn hóa của các dân tộc đối với mọi thời. Những con người ưu tú trên khắp thế giới sẽ thốt ra cái tên Nobel với cùng những tình cảm như nhau, giống như những người ở các thời đại trước kia đã thốt ra tên của một vị thánh đỡ đầu mà quyền năng bảo trợ là điều không còn nghi ngờ gì nữa, và tấm huy chương sẽ được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác và được mọi nhà trân trọng.
Hôm nay tôi xin được chia sẻ phần mình trong sự kính cẩn ngưỡng mộ luôn luôn mới đối với người cống hiến vĩ đại này, và sau đó đến dân tộc Thụy Điển đã sản sinh ra ông và đang quản lí một cách trung thành di sản của chủ nghĩa bác ái của ông. Cho phép tôi cũng tưởng nhớ đến những người mà sự quên mình và nhiệm vụ tinh tường của họ trên trái đất là tham gia vào việc gieo trồng mảnh đất của tinh thần, để cho các hạt giống có thể mọc rễ và những mầm mống tốt đẹp được nuôi dưỡng. Xin được cám ơn các bạn và bày tỏ mong muốn rằng các bạn sẽ không bao giờ mệt mỏi trong hoạt động thiêng liêng nhất trong các hoạt động và các bạn sẽ không bao giờ mất đi các vụ mùa bội thu.
Bây giờ tôi xin phép nâng cốc vì việc tiếp tục thực hiện lí tưởng đã tạo nên nền tảng của tổ chức này. Tôi muốn nói đến lí tưởng hòa bình thế giới, nó bao hàm các lí tưởng tột cùng của nghệ thuật và khoa học. Bởi lẽ thứ nghệ thuật và khoa học phục vụ chiến tranh không trong sạch, cũng không tột cùng; chúng chỉ như vậy khi được tạo ra bởi hòa bình, và đến lượt nó lại tạo ra hòa bình.
Tôi xin nâng cốc cho giải thưởng Nobel vĩ đại, tột cùng và lí tưởng tinh khiết mà nhân loại sẽ ban cho chính mình một khi bạo lực hung tàn bị loại khỏi mối bang giao giữa các dân tộc, cũng như nó đã bị loại khỏi mối giao tiếp giữa các cá nhân trong các xã hội văn minh.
Tác phẩm của G. Hauptmann:
– Promethidenlos (1885), trường ca sử thi.
– Thiel – người thợ hỏa xa (Bahnwärter Thiel, 1888), tiểu thuyết.
– Trước lúc mặt trời mọc (Vor Sonnenaufgang, 1889), kịch [Before Dawn].
– Ngày hội hòa bình (das Friedensfest, 1890), kịch.
– Những kẻ cô đơn (Einsame Menschen, 1891), kịch.
– Những người thợ dệt (Die Weber, 1892), kịch [The Weavers].
– Vị Tông đồ (Der Apostel, 1892, phác thảo của cuốn tiểu thuyết Tên hề trong Chúa Kitô: Emmanuel Quint xuất bản 18 năm sau đó).
– Chiếc áo lông hải li (Der Biberpelz, 1893), kịch [The Beaver Coat].
– Hannele (Hannele, 1893) – từ năm 1896 đổi thành Hanneles bay lên trời (Hanneles Himmelfahrt, 1893), kịch thơ giả tưởng [The Sumption of Hannele].
– Florian Geyer (1896), kịch.
– Quả chuông chìm (Die versunkene Glocke, 1897), kịch cổ tích [The Sunken Bell].
– Bác xà ích Henschel (Fuhrmann Henschel, 1898), kịch [Drayman Henschel].
– Rose Bernd (1903), kịch.
– Pippa múa! (Pippa tanzt!, 1906), truyện giả tưởng.
– Mùa xuân Hi Lạp (Griechischer Frühling, 1908), nhật kí đi đường [Greek Spring].
– Tên hề trong Chúa Kitô: Emanuel Quint (Der Narr in Christo: Emanuel Quint, 1910), tiểu thuyết.
– Cây cung của Odysseus (Der Bogen des Odysseus, 1914), nhật kí đi đường [The Bow of Odysseus].
– Tên tà giáo xứ Soana (Der Ketzer von Soana, 1918), tiểu thuyết [The Heretic of Soana].
– Lũ chuột cống (Die Ratten, 1911), kịch [The Rats].
– Đảo của người mẹ vĩ đại (Die Insel der grossen Mutter, 1912), tiểu thuyết.
– Till Eulenspiegel (1928), trường ca sử thi.
– Cuốn sách của đam mê (Buch der Leidenschaft, 1930), tiểu thuyết [Book of Passion].
– Trước lúc mặt trời lặn (Vor Sonnenuntergang, 1932), kịch.
– Cuộc phiêu lưu thời tuổi trẻ của tôi (Abenteuer meiner Jugend, 1937 và 1939, tiểu sử tự thuật 2 tập) [Adventure of My Youth].
– Atriden – kịch tứ hồi (Atriden – Tetralogie, 1941-1946).
– Giấc mơ vĩ đại (Der grosse Traum, 1942), kịch [The Great Dream].
– Bóng tối (Die Finsternisse, xuất bản năm 1947 – sau khi nhà văn đã mất), tiểu thuyết.
Tân Đôn/Nguyễn Việt Long dịch từ bản tiếng Anh
(Nguồn: http://nobelprize.org)
© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Ghi chú:
(1) Do Hans Hildebrand, Thư kí Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.
(2) G. Hauptmann đọc trong tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel ngày 10/12/1912 tại Stockholm.