Frans Eemil Sillanpää
Frans Eemil Sillanpää (16/09/1888 - 03/06/1964)

Frans Eemil Sillanpää (16/09/1888 – 03/06/1964) là nhà văn hàng đầu của Phần Lan nửa đầu thế kỉ XX, được trao giải thưởng Nobel Văn Học vì các tiểu thuyết viết về người nông dân Phần Lan, mô tả phong tục tập quán và cuộc sống thiên nhiên của họ với bút pháp trữ tình thơ mộng và tinh tế. Tiểu thuyết lớn nhất “Thiếu nữ chết trẻ” mang lại cho ông danh tiếng toàn châu Âu và thế giới.

Frans Eemil Sillanpää
Frans Eemil Sillanpää (16/09/1888 – 03/06/1964)

Tiểu sử Frans Eemil Sillanpää

Frans Eemil Sillanpää sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, thuộc xứ đạo Họmeenkyrử. Cuộc sống vất vả khiến bố mẹ ông chỉ có thể nuôi ông ăn học trong 5 năm đầu tại trường trung học Tampere, 3 năm sau đó ông phải tự kiếm tiền để học tiếp. Năm 1908, ông đỗ vào Đại học Helsinki, ngành sinh vật học, với số điểm loại ưu. Nhưng chỉ theo học được một thời gian ngắn, ông đã phải bỏ, về nhà mở cửa hàng văn phòng phẩm kiếm sống. Ở nhà, ông bắt đầu viết truyện và ngay từ truyện ngắn đầu tiên, ông đã được tổng biên tập một tờ báo lớn đánh giá cao và mời cộng tác. Tiểu thuyết đầu tay của ông là Cuộc sống và mặt trời, in năm 1916. Năm 1919, tiểu thuyết Cái nghèo thanh cao đã đưa ông vào hàng ngũ những nhà văn danh tiếng, khiến một nhà xuất bản nổi tiếng đề nghị ông viết sách cho họ và sẵn sàng ứng tiền để ông chuyên tâm vào công việc; từ năm 1920 ông được chính phủ Phần Lan trao một khoản trợ cấp trọn đời. Tiểu thuyết đỉnh cao giúp ông đoạt Giải Nobel năm 1939 là Thiếu nữ chết trẻ, kể về số phận bi thảm của những gia đình nông dân Phần Lan bị những mối quan hệ tư bản thâm nhập vào nông thôn tàn phá.

Cuối đời, F. Sillanpää viết nhiều tiểu luận và hồi kí tự thuật. Trong các tác phẩm của mình, ông luôn khẳng định sức mạnh bản năng và tư tưởng thần bí, bi quan. Năm 1936, ông được Đại học Helsinki trao bằng Tiến sĩ Danh dự và năm 1939 được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao Giải Nobel. Do chiến tranh, buổi lễ trao giải không tổ chức được nhưng ông đã nhận bằng trong một cuộc họp của Viện Hàn lâm Thụy Điển vào tháng 12 năm 1939. Thời gian này, sức khỏe của ông giảm sút, ông rơi vào trạng thái trầm cảm nặng vì vợ mất và đất nước bị chiến tranh tàn phá, phải điều trị tại bệnh viện tâm thần đến năm 1943. Tác phẩm cuối cùng của ông là bộ hồi kí gồm ba cuốn xuất bản từ năm 1953 đến năm 1956.

Sillanpää được toàn thể nhân dân Phần Lan yêu quý, trìu mến gọi là “Ông Cụ” và ông thường được mời phát biểu trên đài phát thanh. Ông mất năm 66 tuổi.

Đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển(1):

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – Wikipedia tiếng Việt

Giải Nobel Văn chương năm nay vừa được trao cho Ngài và Ngài cũng đã biết những lý do khiến cho Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao phần thưởng danh dự này cho tác phẩm văn học của Ngài. Những lí do đó được trình bày ngắn gọn trong tờ giấy này, nhưng Ngài đã không thể đón nhận những niềm kính trọng dành cho Ngài trong buổi lễ trao Giải Nobel.

Cũng chính những niềm kính trọng đó, Ngài sẽ tìm thấy nơi đây, trong sự giản dị vốn có của những cuộc họp như thế này, song cũng với sự nồng ấm mà lẽ ra Ngài đã nhận được trong phòng lễ tân vào ngày trao giải thưởng. Không một ai trong chúng tôi biết ngôn ngữ Phần Lan của Ngài; chúng tôi chỉ có thể đánh giá những tác phẩm của Ngài qua bản dịch, nhưng không thể nghi ngờ gì Ngài là một nhà văn với tài nghệ kiệt xuất. Tài nghệ này lớn đến nỗi nó thể hiện rất rõ ngay cả khi tác phẩm được dịch sang tiếng nước ngoài. Đơn giản, ngắn gọn, khách quan và không chút kiểu cách, ngôn ngữ của Ngài tuôn chảy với sự trong sáng của dòng suối và phản chiếu những gì con mắt nghệ sĩ của Ngài nắm bắt được. Ngài đã chọn những môtip của mình với sự tinh tế nhất, và, hầu như có thể nói, với một cái gì đó như rụt rè trước những gì là cái đẹp hiển hiện. Ngài muốn tạo ra cái đẹp từ những gì hiện hữu trong tự nhiên đời thường, nhưng cung cách Ngài làm việc đó thường là bí mật của riêng Ngài. Người ta không thấy Ngài làm việc ở chiếc bàn của nhà văn, mà thấy Ngài trước khung vẽ của họa sĩ tranh màu nước, và, qua vai Ngài, người ta thường tập cho đôi mắt họ quen với một cách nhìn mới. Thỉnh thoảng, khi vẽ khoảng không và những đám mây trong ánh sáng một ngày hè, Ngài đã quên nỗi sợ về một môtip quá nhiều thuận lợi và sau đó Ngài chuyển sang nghệ thuật âm nhạc với bàn tay của một bậc thầy. Nét đặc trưng này, tình yêu đối với cái đơn giản và cái điển hình, cũng bộc lộ trong việc miêu tả con người trong tác phẩm của Ngài. Sự miêu tả này thích thú với việc biểu hiện cuộc sống hàng ngày của người nông dân, một cuộc sống gắn chặt với đất và từ đó có được sức mạnh. Trong việc miêu tả những việc làm bình thường, Ngài cũng bộc lộ một tài năng không kém, và tạo được hiệu quả chỉ bằng những phương tiện đơn giản nhất.

Về tác phẩm nổi tiếng nhất của Ngài, Ngài đã nói một câu mà không ai khác có thể nghĩ ra được: “Mọi thứ làm Silja xúc động nhìn chung là một cái tầm thường vĩ đại”. Không một nghệ sĩ nào khác có thể đi xa hơn thế trong khát vọng trung thành một cách tôn kính đối với thực tại của sự vật. Vì vậy, không một chút màu mè, kiểu cách, Ngài đã đại diện cho dân tộc Ngài.

Vào thời điểm này, ngay tên của đất nước Ngài cũng trở nên có ý nghĩa ở mọi nơi. Giản đơn như Ngài vẫn thấy, nhân dân Ngài tự nhận ra mình là con mồi của những thế lực định mệnh, vĩ đại một cách anh hùng trong sự dũng cảm bất khuất, trung thành với nhiệm vụ tới phút cuối cùng, không run sợ trước cái chết. Với lòng biết ơn đối với những gì Ngài đã mang lại, với tất cả lòng ngưỡng mộ và tình cảm của chúng tôi, ý nghĩ của chúng tôi còn đi xa hơn, đến với dân tộc Ngài và đất nước Ngài.

Tác phẩm của Frans Eemil Sillanpää:

Cuộc sống và mặt trời (Elọmọ ja aurinko, 1916), tiểu thuyết, [Life and Sun].

Những con người trong đường đời (Ihmislapsia clọmọn saatossa,1917), tập truyện, [Children of Man in Life’s Procession].

– Cái nghèo thanh cao (Hurskas kurjuus, 1919), tiểu thuyết, [Meek Heritage].

Tổ quốc yêu dấu (Rakas isọnmaani, 1919), tiểu thuyết, [Beloved Fatherland].

Hiltu và Ragnar (Hiltu ja Ragnar, 1923), tiểu thuyết, [Hiltu and Ragnar].

Sự bảo trợ của các thiên thần (Enkelten suojatit,1923), tiểu thuyết, [Wards of the Angels].

Về chính tôi và cho chính tôi (Omistani ja omilleni, 1924), tiểu thuyết, [About My Own and to My Own].

Từ độ cao của Trái Đất (Maan tasalta, 1924), tiểu thuyết, [From the Earth’s Level].

Ngọn đồi ổ chuột (Tollinmaki, 1925), tiểu thuyết, [Shanty Hill].

Xưng tội (Rippi, 1928), tiểu thuyết, [Confession].

– Cám ơn Chúa đến đúng lúc… (Kiitos hetkista, Herra…, 1930), tiểu thuyết, [Thanks for the Moments, Lord…].

– Thiếu nữ chết trẻ (Nuorena nukkunut, 1931), tiểu thuyết, [The Maid Silja].

Con đường của người đàn ông (Miehen tie, 1932), tiểu thuyết, [A Man’s Way].

Dưới đáy sông (Virrranpohjalta, 1933), tiểu thuyết, [From the Bottom of the Stream].

Những người trong đêm hè (Ihmiset suviyửssọ, 1934), tiểu thuyết, [People in the Summer Night].

Thứ mười lăm (Viidestoista, 1936), tiểu thuyết, [The Fifteenth].

Tháng Tám (Elokuu, 1944), tiểu thuyết [August].

Hạnh phúc và đau khổ của đời người (Ihmiselon ihanuus ja kurjuus, 1945), tiểu thuyết [The Loveliness and Wretchedness of Human Life].

Cậu bé đã sống cuộc đời mình (Poika eli elamaansa, 1953), hồi kí, [The Boy Lived His Life].

– Tôi kể chuyện và tôi mô tả (Kerron ja kuvailen, 1954), hồi kí.

Ngày cực điểm (Pọiva korkeimmillaan, 1956), hồi kí, [Day at Its Highest].

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

– Xinja hay số phận mỏng manh (tiểu thuyết), Nguyễn Văn Quảng dịch từ bản tiếng Pháp Silja ou une brève destinée, Nxb Quân đội Nhân dân, 1996.

– Thiếu nữ chết trẻ (trích tiểu thuyết Thiếu nữ chết trẻ), Lê Xuân Giang dịch, Bùi Việt Hoa giới thiệu, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6 năm 1997.

Tân Đôn dịch từ bản tiếng Anh
Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính
 (Nguồn: http://nobelprize.org)
Culture Globe

Ghi chú:

(1) Do Per Hallstrum, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.

Xem thêm: Ivan Bunin, nhà văn Nga đầu tiên đoạt Giải Nobel Văn học

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here