“Trường Ca Achilles” – Nghe thì có vẻ đậm chất sử thi, nhưng kỳ thực đây là tác phẩm phái sinh từ thần thoại Hy Lạp, được chắp bút bởi Madeline Miller, một nữ tiểu thuyết gia hiện đại người Mỹ.
Góc nhìn mới về những nhân vật anh hùng
Trường ca Achilles sử dụng góc nhìn của nhân vật Patroclus, vốn là một nhân vật phụ trong thần thoại Hy Lạp, nhưng lại là người ảnh hưởng lớn đến cái chết của Achilles.
Trong Thần thoại Hy Lạp, Achilles và Patroclus là hai người bạn thân thiết. Trong trận chiến thành Troy, Patroclus chẳng may bị Hector giết chết. Điều này khiến Achilles tức giận, giết chết Hector. Sau đó đến lượt Achilles bị em trai Hector là Paris giết chết.
Trong Trường ca Achilles, Madeline Miller đã dựa vào dữ liệu này mà cho rằng giữa Achilles và Patroclus có tồn tại tình yêu đồng giới. Patroclus sống dưới cái bóng của mặt trời Achilles, ngưỡng mộ Achilles và từ lòng ngưỡng mộ đó biến thành tình yêu, một tình yêu ngay từ khởi đầu đã biết trước bi kịch. Patroclus và Achilles lớn lên cùng nhau như những người bạn tuổi thơ, chỉ có điều ngăn cách giữa họ: Patroclus là phàm nhân, còn Achilles là á thần.
Khi tin tức truyền tới rằng nàng Helen xứ Sparta đã bị bắt cóc, những chiến binh Hy Lạp, bị trói buộc bởi lời thề máu, phải nhân danh nàng mà vây hãm thành Troy. Bị cám dỗ bởi lời hứa hẹn về một số mệnh huy hoàng, Achilles tham gia hàng ngũ của họ. Bị giằng xé giữa tình yêu và nỗi lo sợ dành cho người bạn của mình, Patroclus ra trận theo Achilles.
Và cuộc ra trận đó đã trở thành bi kịch cho cả hai!
Theo đánh giá của cá nhân mình, góc nhìn của Madeline Miller khi sử dụng để viết Trường Ca Achilles tuy mới mà không lạ!
Nó mới, bởi vì Trường Ca Achilles đã kể lại câu chuyện thần thoại nổi tiếng bậc nhất theo một cách riêng.
Nhưng không lạ, bởi motip tình yêu đồng giới vốn đã khá quen thuộc trong văn chương cũng như trong cuộc sống.
Tuy vậy, đọc Trường Ca Achilles ta cũng thấy một vài thứ hay ho!
Bởi nó không đơn thuần chỉ là câu chuyện của một Patroclus nhỏ bé, cô độc đáng thương hay một Achilles coi thanh danh là tất cả những gì cậu có mà còn hơn thế nữa. Lần thứ hai đọc mình đã chú ý hơn đến Thetis, đến Priam.
THETIS – “Con trai ngươi rồi sẽ vĩ đại hơn cha nó”
Đó là những gì mà những nữ thần số mệnh đã nói với bà. Những vị thần khác đã lùi bước khi nghe lời tiên tri ấy. Họ biết những đứa con trai quyền lực sẽ làm gì với cha của chúng – những tia sét của Zeus vẫn mang mùi cháy thịt và mùi giết cha. Vì thế họ đẩy bà cho phạm nhân, cố gông cùm quyền năng của đứa trẻ. Pha loãng nó bằng nhân tính, khiến nó lu mờ.
Mình không biết bà đã cảm thấy những gì khi đứa con trong bụng ngày một lớn dần. cảm thấy ra sao khi biết rằng nó chỉ là một phàm nhân?
Chỉ là mình muốn tin, muốn tin rằng dù bà có là một nữ thần mạnh mẽ, lạnh lẽo đến đâu thì nếu đã trở thành một người mẹ bà cũng sẽ muốn đem lại cho con mình những điều gì tốt nhất. Thế nhưng, có lẽ bà đã làm sai cách, bà đã làm những gì: cố biến cậu thành bất tử, thành chiến binh vĩ đại nhất Hy Lạp được người đời nhớ đến. Nhưng “nhìn xem bây giờ cậu ấy được nhớ đến như thế nào. Giết Hector, giết Troilus.
Những làm sao kết liễu một sinh mạng được coi là vinh quang được.” Mình hoàn toàn đồng ý với Patroclus, Achilles nên được nhớ đến về lòng nhân từ khi câu trả thi thể Hector về với Priam, việc cậu thu nhận những thiếu nữ để họ không phải chịu khổ trong tay những vị vua khác. Bà cũng chưa bao giờ ủng hộ hạnh phúc của cậu khi cậu còn sống, thứ bà day dứt nhất vẫn là “ta đã không thể biến nó thành thần”. Nhưng thật may sao, đến cuối cùng bà cũng đã hiểu. Dòng chữ PATROLUS bà khắc bên cạnh ACHILLES và câu nói: ”Đi đi. Nó đang đợi ngươi đấy” đã nói lên tất cả.
PRIAM – Một vị vua đáng kính của thành Troy
“Vào thời khắc sâu thẳm nhất của màn đêm… một người đàn ông già nua đến lều của chúng tôi. Áo ông vẫn ướt khi bơi qua sông “ta tới để đón con ta” – ông nói.”
Ông là một vị vua đáng kính của thành Troy. Nhưng giờ đây tất cả những gì mình có thể thấy là ông đang quỳ dưới chân Achilles với mái đầu bạc trắng, với đôi vai đang run rẩy vì tuổi già. Ông đã liều mạng mình đi vào nơi nguy hiểm nhất, ngay lúc này đây ông không phải là một vị vua quyền lực đáng kính, ông chỉ đơn thuần là một người cha, một người cha sẵn sàng hy sinh tất cả vì con mình.
Hẳn là không ít người xúc động khi nghe ông nói:
“Nếu có khả năng linh hồn con trai ta được an nghỉ thì điều đó xứng đáng cho ta bỏ cả sinh mệnh này ra”
Nói chung, 10 năm Madeline Miller bỏ ra để nghiên cứu và hoàn thành cuốn sách này cũng không vô nghĩa. Trường ca Achilles đã chạm đến tim người đọc hay còn nhiều hơn thế khi tác phẩm được trao giải thưởng Orange, giải thưởng văn học dành cho các nhà văn nữ có tác phẩm viết bằng tiếng Anh, năm 2012.
Xem thêm: