làm đĩ - vũ trọng phụng
Ảnh: 1ty.vn

Trong cái trăn trở của một đêm, sau khi đọc tiểu thuyết “Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng, lòng tôi là cả một suy tư hỗn độn. Từ trước đến nay, Vũ Trọng Phụng đã nổi tiếng qua những phóng sự, tiểu thuyết – hay tôi còn gọi đó là tấm gương phản chiếu thực tại của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Tiểu thuyết “ Làm đĩ” của ông thực sự làm tôi ấn tượng, vì nó không chỉ có giá trị nhân đạo mà còn mạng đậm tính giáo dục, có giá trị lớn đến ngày hôm nay và cả mai sau nữa, được nhiều người ví là tiếng chuông cảnh tỉnh về giáo dục giới tính hay tiếng nói thức tỉnh về đạo đức.

làm đĩ - vũ trọng phụng

Chuyện là một thiên bút ký của Huyền – một cô gái con nhà lương thiện, đứng đắn. Cô được ví như “Nàng thơ” trong mắt mọi chàng trai, khiến các chàng phải tranh giành, sinh sự, ghen tuông lẫn nhau. Thế nhưng ai biết được sau cái hào nhoáng ấy là một cuộc đời xấu xa, tội lỗi.

Truyện gồm bốn phần chính: “ Tuổi dậy thì – Ra đời – Lấy chồng – Trụy lạc.” Huyền sinh ra trong một gia đình có bố là một ông phán, cháu một ông đốc tờ. Nhưng ở cái tuổi dậy thì ấy, Huyền là một đứa bé thông minh và vô cùng tò mò, nó luôn tự hỏi:” Người ta làm thế nào để có con? Bao giờ em có con?”, nó muốn khám phá cho ra lẽ huyền bí của Tạo vật, về những cái mà con người bấy giờ coi là thô tục, tằn tĩu không muốn nhắc đên – Tình dục.

Chính vì người lớn chỉ giải thích qua loa khiến cho Huyền phải tự tìm hiểu trong khi em mới là một đứa nhỏ, đây là nguồn cội dẫn đến những sai lầm sau này của Huyền. Thái độ vô trách nhiệm của bậc làm cha mẹ trong xã hội đương thời ở chỗ đáng lẽ người lớn, cha mẹ hay thầy cô phải giảng giải cặn kẽ cho trẻ nhỏ sự lợi và hại của tình dục là như thế nào thì họ lại im lặng, hay đánh mắng bọn nhỏ. Vấn đề ấy giấu đi mà có hại đến mức đấy thì sao họ lại không đem ra, nói thẳng mà ngăn cấm trẻ con chứ?

Năm mười ba tuổi, Huyền phải chiến đấu trong im lặng với sự rạo rực của tình dục vì sự phát triển của cơ thế ở lứa tuổi dậy thì, cô hỏi mẹ thì mẹ lại nói đến khi nào lấy chồng con sẽ biết. Cái lẽ ra cần phải được giáo dục ngay từ nhỏ thì ở Việt Nam nó lại bị người lớn giấu diếm,tự cho là ghê tớm, đáng khinh. Điều thứ nhất tôi đúc kết lại được là: Giáo dục giới tính dành cho trẻ em từ khi còn nhỏ là một điều vô cùng cần thiết, có liên quan mật thiết với cuộc sống của trẻ.

Ở cái xã hội mà phong trào vật chất đảo lộn mọi thuần túy, nề nếp của một xã hội, người ta dùng những từ ngữ dối trá để miêu tả về cái mà người ta cho là : văn minh, tiến bộ. Nào là những tiệm khiêu vũ (phá tan hạnh phúc gia đình, làm người đàn bà hóa đĩ,…) hay những mốt y phục được coi là hợp thời (làm đàn bà ngày một phô thêm ít đùi, ít đít hay một ít vú,..) Huyền sống trong xã hội ấy đã nghĩ rằng thế mới là hợp thời, là văn minh , cô chạy theo những phong trào ấy, nay đi chớp bóng, mai đi dự tiệc, ngày kia đi nhảy đầm. Huyền càng sống giống một cô gái “tân thời “ hơn nữa khi thầy nàng chót ăn nằm với một ả đào khiến nàng ta có mang, phải rước cô vợ bé ấy về, khiến mẹ của Huyền chán nản, về quê với đứa em út.

Lúc này Huyền gặp Nguyễn Lưu – anh họ xa của cô đến ở nhờ nhà để tiện cho việc học hành. Lúc này sự đen tối, xấu xa của cuộc đời mới thực sự ập đến nàng. Huyền và Lưu yêu nhau trong sự giấu diếm, hai người đã định bỏ trốn với nhau nhưng trước ngày ấy, Lưu lại tự sát. Còn bố Huyền lúc này thấy con gái đã đến tuổi gả chồng liền gả nàng cho một cậu tham Kim- một thanh niên bảnh bao, con nhà giàu, lại là một ông tham tá, và đã say mê Huyền từ lâu. Lấy Huyền về, Kim vốn đã bị bệnh từ trước không thể quan hệ tình dục trong thời gian chữa bệnh nên lại càng nâng niu, yêu thương Huyền mà không hay biết Huyền đã mất trinh. Nhưng chính vì sự cưng chiều, yêu vợ và tin vợ một cách mù quáng của Kim nên Huyền đã thừa nước đục thả câu, ngoại tình với Tân – một người bạn giàu có, học thức của Kim.

Tân với những tư tưởng quái lạ, lầm lạc: hôn nhân chỉ dồn con người vào đường cụt của tình yêu, vậy nên chỉ yêu nhau mà thỏa mãn nhau cái “ái tình” thôi là được. Về sau Kim phát hiện vợ ngoại tình với Tân – bạn mình thì chàng đã vô cùng đau khổ, Kim đe dọa Huyền, một là li hôn nàng rồi trả về nhà mẹ, cho cả nhà Huyền biết được sự thối tha, dâm tục của nàng, còn hai là nàng vẫn sẽ là vợ Kim nhưng phải làm và ăn ở như một con người làm.

Một quãng thời gian dài chịu đựng, Huyền đã vô cùng ăn năn, nhưng biết làm sao giờ chồng đã không còn thương nàng, đối xử với nàng một cách lạnh nhạt, như người ngoài, xong nàng muốn đi tìm kẻ bạc tình Tân kia. Quyết chí, Huyền dùng hết tiền của vào Sài Gòn tìm Tân, sau lại sang Angkor, rồi lại về Sài Gòn. Vì vậy mà Huyền không còn một xu, nàng buộc phải tìm đến con đường làm đĩ để kiếm sống.

Tóm lại, với giọng văn trào phúng bậc thầy của Vũ Trọng Phụng tiểu thuyết” Làm đĩ” Thử hỏi nếu lúc ấy, khi Huyền hỏi thầy me về những vấn đề liên quan đến tình dục mà họ giải thích cho Huyền hiểu được cái lợi cái hại của việc này thì cô sẽ không tự mình tìm hiểu lấy, sẽ không dối lừa, phụ bạc chồng mình, cũng sẽ không lâm vào bước đường cùng phải đi “làm đĩ”. Thế nhưng sự đời luôn chớ trêu như vậy, cái xã hội ấy vẫn coi trọng chữ “trinh”, vẫn cổ hủ và thật “văn minh, tiến bộ” như cách họ nghĩ.

“Làm đĩ” đã thực sự lên án xã hội mà những người đạo đức giả tự coi mình là văn minh, tiến bộ, là hợp thời. Và điều quan trọng hơn cả mà Vũ Trọng Phụng muốn gửi đến người đọc chính là: Trách nhiệm giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ. Đây thực sự là một tiểu thuyết ý nghĩa, vì từ xưa đến nay, không có nhân thức đúng đắn về tình dục mà đã có rất nhiều trẻ nhỏ bị tha hóa đồi trụy, bị hiếp dâm hay nhiều vấn nạn khác liên quan đến tình dục.

Tôi thật sự vô cùng thán phục tầm nhìn xa của Vũ Trọng Phụng trong thời buổi lúc bấy giờ, khi mà con người vẫn coi tình dục là sự ghê tởm, đáng khinh thì ông đã phân tích và thấu đáo hơn ai hết về cái xã hội loạn dâm. “Làm đĩ” đã thực sự là một cái tát mà Vũ Trọng Phụng dành cho xã hội “tân thời” lúc bấy giờ.

Tra My Nguyen/ Facebook: Trạm Review Sách

Xem thêm:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here