Chiến tranh và Hòa Bình là cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn người Nga Lev Tolstoy. Đây được đánh giá là tác phẩm nổi tiếng nhất của Tolstoy, người mệnh danh là con sư tử của nền văn học Nga. Người Việt Nam chúng ta hầu như ai cũng biết tới tác phẩm này và cũng nghe nhiều đánh giá trong sách này sách nọ,… nhưng với tôi thì đây là cuốn sách rất khó đọc.
Nội dung tác phẩm
Phần này dành cho những ai chưa đọc “Chiến tranh và hòa bình”, mà hẳn là rất nhiều người chưa đọc vì đây là tác phẩm không dễ đọc chút nào (tôi sẽ đề cập ngay phần sau). Tôi sẽ tóm tắt thật ngắn gọn, vì cuốn tiểu thuyết này thực sự quá lớn nên đoạn ngắn tóm tắt dưới đây chỉ là sự bóc tách hết sức sơ lược thôi nhé.
Nội dung cuốn tiểu thuyết gồm 2 sự kiện song song:
Chiến tranh: Tác phẩm đề cập đến các cuộc chiến tranh diễn ra năm 1805 và 1812 gồm những trận đánh Austerlitz và Borodino. Đây đều là những trận đánh cực kỳ quan trọng ảnh hưởng tới vận mệnh của dân tộc Nga. Trận Austerlitz được chỉ huy bởi Nga hoàng non kinh nghiệm nên thất bại thảm hại, còn trận Borodino dưới sự chỉ huy bởi nguyên soái lão luyện Koutouzov quân Nga đã đánh thiệt hại nặng quân Pháp, tuy sau đó quân Nga rút lui nhưng sĩ khí quân đội tăng lên rất cao. Trận Borodino là trận đánh then chốt để quân Nga chiến thắng Naponeon trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812.

Hòa Bình: Đó là câu chuyện về lý tưởng và tình yêu của giới quý tộc Nga xoay quanh hai nhân vật chính là công tước Andrei Bolkonsky và Pierre (hai nhân vật này có những mối tình khác nhau chứ không phải tình yêu đồng giới như ngày nay nhé).
Về lý tưởng, tuy khác nhau về tính cách, một người khắc khổ về lý trí, một người hồn nhiên sôi nổi song Andrei và Pierre rất quý mến nhau và đều là những chàng trai trung thực, luôn khát khao đi tìm lẽ sống. Andrei vào quân đội để trở thành người đàn ông chân chính nơi chiến trường, còn Pierre đang tham gia vào hội Tam điểm với mong muốn làm việc có ích cho đời.
Về tình yêu, cái chết và sự phản bội trong tình yêu liên tục khiến các câu chuyện tình yêu trở lên phức tạp và đời thường. Nhưng cuối cùng cũng có một cái kết tạm coi là đẹp sau rất nhiều mất mát.
Các tình tiết và cốt truyện nói trên gắn bó khăng khít với nhau, và đề tài chiến tranh quán xuyến toàn bộ tác phẩm đan chéo với đề tài về hòa bình.
Đánh giá về “Chiến tranh và hòa bình”
Vì vốn dĩ thích tiểu thuyết lịch sử hơn nữa cuốn tiểu thuyết này quá nổi tiếng, hẳn không còn bàn cãi gì về chất lượng, nên tôi đã mua bộ “Chiến tranh và hòa bình” vào năm thứ 2 đại học với số tiền tích cóp được trong 1 tháng nhịn ăn sáng. Hình như mấy trăm nghìn gì đó, vào năm 2008 đó là một số tiền lớn.
Và khi đọc… thật đúng là ác mộng! Đây là một cuốn sách rất khó đọc! Câu văn lê thê với dài dằng dặc những biện luận rối rắm. Sau từng ấy năm trời, tôi vẫn chưa tìm ra lí do để có thể thích cuốn “Chiến tranh và hòa bình”. Có lẽ cuốn sách chỉ phù hợp với người Nga, văn hóa Nga chứ người Việt chúng ta thì không hợp lắm. Vì tôi nghĩ để đọc được cuốn sách này thì cần một lượng phông văn hóa Nga lớn với hiểu biết nhất định về lịch sử Nga. Thêm nữa, có nhiều cái tôi cũng không thích trong tác phẩm này.
Thứ nhất, đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử. Nhưng khi đọc tác phẩm ta thấy bác Lép (Lev) đi nhiều vào tiểu tiết và cá nhân mà không đề cập mấy đến cái tổng thể nên rất khó nắm bắt diễn biến của các sự kiện, trận đánh. Khuyến cáo bạn đọc là nên đọc song song với Wikipedia không thì sẽ tù mù lắm. Như tác giả miêu tả trận Austerlitz, đang thấy mấy anh sĩ quan Nga hùng hổ tấn công, cướp cờ hiệu thì đùng một cái đạn bay vèo vèo, rồi chả biết tại sao thi nhau chạy qua sông băng,… tình thế thay đổi, quân Nga thua lúc nào mà không biết luôn! Với tôi, một bài miêu tả tốt thì phải miêu tả được cái không khí của trận đánh, đánh ra sao, đấm thế nào, cò cưa một lúc rồi ông này thắng thế, bất ngờ một sự kiện nào đó khiến tình huống đảo ngược… “Chiến tranh và hòa bình” ngay cả những đoạn chiến trận đọc cũng rất mệt và không cuốn hút.
Thứ hai, tôi không thích cách miêu tả nhân vật của bác Lép. Không được khách quan. Như Napoleon thì bác miêu tả như một anh chàng hài hước, hết sức điệu đà. Như việc ra lệnh cho quân tấn công, Napoleon rút cái găng tay trắng muốt ra phẩy một cái. Dĩ nhiên bác Lép đứng ở góc độ người Nga và có thể nhìn nhân vật dưới góc độ một người yêu nước. Nhưng chính vì thế nó hợp với người Nga, chứ không hợp với người của các dân tộc khác, bởi họ đâu có tình yêu với nước Nga. Tôi đọc nhiều sách sử và thấy Napoleon đúng là có cái chất lãng mạn của người Pháp nhưng là một vị hoàng đế dày dạn kinh nghiệm chiến trận, không giống với cách miêu tả của bác Lép. Viết truyện lịch sử thì nên có cái nhìn trung thực về các nhân vật lịch sử.

Với các nhân vật khác của bác Lép thì cũng vậy, bởi vì những tràng lí luận liên miên nên rất khó nắm bắt tính cách. Với lại tính cách nhân vật không giống lắm một con người bình thường. Andrei, Pierre, Natasha,… tôi đều thấy tính cách nhân vật có phần gượng ép. Phải chăng vì tác giả muốn lãng mạn hóa nhân vật nên nó thiếu đi chất chân thực của một con người? Chẳng hạn như đoạn Andrei bị thương, tác giả không miêu tả nỗi đau của một con người mà miêu tả dưới khía cạnh lí tưởng, anh bị thương, nằm trên sa trường, ngắm bầu trời trong xanh, mơ về những điều tươi đẹp… giá mà cứ để anh đau tí rồi đến khi mê sảng rồi cho đoạn lí tưởng hóa kia vào có phải thực hơn không?
Chê một tác phẩm kinh điển rất dễ bị ăn gạch. Nhưng đứng từ góc độ sáng tác, tôi thấy bác Lép rất tham tiểu tiết nên làm cốt truyện bị loãng, khó theo dõi. Thời gian đầu tập tành viết tiểu thuyết, cái gì tôi cũng muốn đưa vào, rồi sau này đọc lại lại cắt xén, bỏ hết bảy tám phần. Tôi nghĩ tiểu thuyết là một kết cấu lớn, để người đọc dễ theo dõi, khi viết chỉ nên tập trung vào những tình tiết có tính thúc đẩy cốt truyện. Còn các tình tiết râu ria thì có thể bỏ qua hoặc tóm tắt. Đọc “Chiến tranh và Hòa Bình” quả thực có nhiều râu ria quá, đọc mệt, đọc xong rồi mà chả đọng lại tẹo nào trong đầu.
Cái này có thể không phải là bác Lép viết kém mà là sự khác biệt về thời đại. Có lẽ con người thời đó sống chậm, họ có thể ngồi cả ngày để nghiền ngẫm từng câu chữ của cuốn sách, còn thời hiện đại ngày nay, mỗi ngày có hàng tỉ lượng thông tin cần xử lý, câu chữ cần ngắn gọn xúc tích dễ hiểu để người ta đọc thật nhanh.
Nhưng dù sao, tôi vẫn không đánh giá cao “Chiến Tranh và Hòa Bình”. Nước Nga khi ấy có tác phẩm lớn khác là “Sông Đông êm đềm” – ra đời sau “Chiến tranh và Hòa bình” mấy chục năm. Trong khi con sư tử của nền văn học Nga bị hội đồng trao giải Nobel gạt phăng để rồi trao giải Nobel văn học cho một nhà Sử học- Theodor Mommsen, thì anh chàng Sholokhov ít tên tuổi lại được giải thưởng Nobel văn học danh giá.
Tôi đã đọc bộ tiểu thuyết “Sông đông êm đềm” và thấy nó đúng là ăn đứt “Chiến Tranh và Hòa Bình” về mọi mặt: tâm lý nhân vật phức tạp nhưng hết sức chân thực, miêu tả lôi cuốn, tạo ra được bầu không khí truyện để người đọc tiến nhập vào mà đắm mình trong tác phẩm. Cuốn “Sông đông êm đềm” dài không thua gì “Chiến tranh và hòa bình” nhưng đọc không thấy mệt, không phải “tua”.
Từ trước đến nay người ta cứ kêu không trao giải Nobel văn học cho Lev Tolstoy là bất công. Nhưng tôi thì thấy rất hợp lý, tôi sẽ chia sẻ sâu về vấn đề này ở bài viết khác. Còn về cuốn “Chiến tranh và Hòa Bình” thì tôi xin dừng lại ở đây.
Đông Tuyền
Xem thêm:
Hum, hum
alo
Tác giả thực ra muốn bộc lộ góc nhìn về cuộc chiến của mỗi người thông qua các câu thoại dài lê thê đó. Thực sự nếu nghĩ theo chiều tâm lý nhân vật rồi nhìn rộng ra về quan điểm người đó thì rất thú vị đó bạn. Nhưng mình đồng ý là không dễ cảm nhận vì tâm lý nhân vật để hiểu được thì sẽ đi kèm với trải nghiệm của mỗi người nên càng ít trải nghiệm thì càng khó hiểu cuốn này