Sau khi đọc những tác phẩm “kinh điển” được tung hô, cảm xúc văn chương trong tôi bị thui chột và một nỗi sợ mơ hồ mang tên… đọc tiểu thuyết. Đọc “2 Vạn dặm dưới đáy biển” của tác giả Jules Verne, tôi mới giải khai được tâm trạng bấy lâu. Tiểu thuyết hay lắm, chứ đâu nhàm chán như trước nay vẫn quan niệm, chỉ là có chọn lựa đúng cuốn mà mình thích hay không mà thôi…
Ngày xưa, bị ảnh hưởng bởi văn chương nhà trường, tôi quan niệm rằng, những tác phẩm văn học kinh điển phải là những tác phẩm được dạy trong nhà trường hoặc ít ra thì cũng được nhắc tới.
Bị cái quan niệm ấy chi phối mà trong thời gian dài tôi chỉ tìm đọc các tác phẩm “kinh điển”… mà không biết rằng thế giới văn học thực ra phong phú hơn rất nhiều.
“2 Vạn dặm dưới đáy biển” là cuốn sách đầu tiên khiến tôi được “thông não”.
Cũng giống như các cuốn sách hấp dẫn khác. Trước khi đọc “2 vạn dặm dưới đáy biển”, tôi “nghe danh” nó đã lâu khi cuốn sách được nhắc tới khá nhiều trên báo chí, được chuyển thể thành tác phẩm dành cho thiếu nhi hay lên sóng phim truyền hình. Nhưng một phần do công việc, một phần do ảnh hưởng bởi quan niệm cũ mà tôi đã không đọc bởi nghĩ nó không được nhắc tới trong SGK thì hẳn không hay.
Và khi đọc thì… thật kinh ngạc! Tôi đắm chìm trong thế giới diệu kỳ dưới đáy biển, bị lôi vào những cuộc phiêu lưu kỳ thú. Hóa ra đọc tiểu thuyết cũng thú vị đến thế! Thật khác với những cuốn sách dài hàng ngàn trang với những con chữ bất tận, cầu kỳ khó hiểu, biện luận lê thê, vừa đọc vừa chống lại cơn buồn ngủ dữ dội.
Đã rất lâu rồi mới có được sự lôi cuốn cùng với cái cảm giác sợ hết sách.

Nội dung cuốn “2 Vạn dặm dưới đáy biển”
2 Vạn dặm dưới đáy biển là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng kinh điển của nhà văn Pháp Jules Verne được xuất bản năm 1870. Nó kể về câu chuyện của thuyền trưởng Nemo – một người đàn ông ghét đất liền với các chính phủ độc đoán, ông quyết định đóng đóng một con tàu ngầm độc đáo, hiện đại tên là Nautilus có thể đi lại khắp đại dương, tự giải phóng mình khỏi ràng buộc của luật pháp để được tự do khám phá tri thức khoa học.
Trong một chuyến đi để điều tra sinh vật biển bí ẩn trên tàu Lincoln, Giáo sư Aronnax – một giáo sư yêu thích kiến thức phong phú khám phá đã rơi khỏi tàu và vô tình bị bắt trong tàu ngầm Nautilus của thuyền trưởng Nemo. Từ đây, họ bắt đầu cuộc hành trình khám phá thế giới đại dương huyền ảo với thuyền trưởng Nero và các thủy thủ trên tàu Nautilus.
Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất với nhân vật tôi là giáo sư Aronnax.
Cảm nhận về nhân vật chính của tác phẩm
Trong tác phẩm có hai nhân vật chính: Thuyền trưởng Nemo và giáo sư Aronnax, nhưng nhân vật trung tâm là thuyền trưởng Nemo.
Tôi rất khâm phục khả năng xây dựng tính cách nhân vật của tác giả Jules Verne. Một số nhà văn thường chỉ xây dựng được nhân vật đơn tính: hoặc là ác, hoặc là thiện, hoặc là khôn ngoan, hoặc là ngu ngốc,… Những nhân vật kiểu này rất nhàm chán và dễ đoán được hành động tiếp theo của họ, qua đó mất đi sự hấp dẫn, tính tò mò của tác phẩm.
Thuyền trưởng Nemo là một người có tính cách phức tạp. Ông là người có tư tưởng tự do phóng khoáng, không muốn bị ràng buộc với xã hội, nhưng mặt khác, ông như một người khổ hạnh với lý tưởng của mình, với những gì mình theo đuổi. Ông là một người vô chính phủ, nhưng trên tàu ông lại thể hiện ra điều ngược lại, rất kỷ luật, bằng chứng là con tàu được ông điều hành rất trơn tru và các thành viên trên tàu đều rất tin tưởng, khâm phục ông. Ông là người độc ác, đã đâm chìm rất nhiều tàu, nhưng cũng là người lịch sự, kính trọng những người có học như giáo sư Aronnax,… Nói chung tính cách của thuyền trưởng Nemo rất phức tạp, đến mức bí ẩn, nhưng đều hợp lý và thống nhất trong con người ông.
“Tôi hoàn toàn không thuộc loại người mà ngài gọi là văn minh! Tôi đã cắt đứt mọi quan hệ với xã hội vì những lý do xác đáng. Xác đáng đến mức nào, chỉ riêng tôi biết. Tôi không phục tùng những luật lệ của cái xã hội đó” – Thuyền trưởng Nemo.
Nhiều nhà văn khi xây dựng tính cách nhân vật, thường biến nhân vật na ná giống như tính cách của mình, còn Jules Verne thì xây dựng ra một nhân vật thuyền trưởng Nemo giống như một con người thật bằng xương bằng thịt, tồn tại độc lập với người viết. Đây là khả năng có lẽ chỉ có ở mẫu nhà văn lớn.
Bút pháp của tác giả khi viết “2 Vạn dặm dưới đáy biển”
Sử dụng góc nhìn ngôi thứ nhất
Jules Verne khi viết “2 vạn dặm dưới đáy biển” đã sử dụng góc nhìn từ ngôi thứ nhất: “tôi” để triển khai tác phẩm. Theo tôi, đây là một cách triển khai thông minh.
Thứ nhất góc nhìn “nhân vật tôi” là một góc nhìn khám phá. Điều này rất phù hợp với những truyện du ký, thám hiểm. Những tình tiết của câu chuyện được triển khai thông qua góc nhìn và suy nghĩ của “tôi” sẽ sáng tỏ dần theo những bước chân của nhân vật gây sự tò mò, hứng thú cho người đọc.
Nếu như sử dụng góc nhìn đa diện. Chẳng hạn từ góc độ của thuyền trưởng Nemo thì với những hiểu biết và tính cách của ông sẽ bộc lộ ra từ sớm, khiến tác phẩm giảm đi phần nào tính hấp dẫn. Chỉ khi sử dụng góc nhìn của “tôi” thì mới đảm bảo được tính cách bí hiểm của thuyền trưởng Nemo cũng như sự bí hiểm của đại dương.
Lối viết đơn giản, dễ hiểu
Phải nói rằng tôi cực ghét thứ văn chương màu mè, hoa mỹ. Vì sao, văn chương hoa mỹ thường khiến ta phải thêm một công đoạn giải mã ngôn ngữ để hiểu được nội dung, nếu một vài câu thì không sao, nhưng một tác phẩm hàng trăm trang thì thật mệt mỏi. Ngôn ngữ hoa mỹ nên dành cho thơ và truyện ngắn, vừa lung linh vừa đọc đỡ mệt, chứ tiểu thuyết mà sử dụng lối viết này thì đọc rất mệt.
Hình thức màu mè, hoa mỹ nhưng nội dung vẫn hay thì còn đỡ, nếu gặp phải thứ “tốt nước sơn hơn tốt gỗ” thì chẳng khác nào bị lừa. Như bạn phải giải mã để bước vào một căn phòng bí mật và sau bao nhiêu công sức thì nó là một căn phòng trống trơn, chẳng có gì. Có những tiểu thuyết sau khi tôi “cắn răng” đọc hết thì đã vứt ngay vào sọt rác.
Tiểu thuyết tốt nhất là nên viết càng dễ hiểu càng tốt. Bởi bản thân tiểu thuyết là một kết cấu lớn, nắm được kết cấu lớn ấy cũng mệt rồi, hơi đâu đi giải mã ngôn ngữ.
“2 vạn dặm dưới đáy biển” không màu mè về ngôn ngữ, Jules Verne viết ngắn gọn, dễ hiểu, cả một cuộc phiêu lưu kỳ thú như vậy mà có chừng 150 trang truyện. Ông đã làm đúng chức năng của ngôn ngữ là truyền tải thông tin, chẳng vẽ vời, nhưng thế giới dưới biển khơi cứ hiện lên lung linh, vô cùng hấp dẫn. Tôi đọc cuốn sách mà không bỏ sót một chữ, chẳng như một vài cuốn tiểu thuyết dài dòng dán mác “kinh điển”, vừa đọc vừa tua mà thở không ra hơi!
Sau khi được “thông não” bởi “2 Vạn dặm dưới đáy biển”, tôi mới giải khai được tâm trạng bấy lâu. Khi đọc những tác phẩm “kinh điển” được tung hô, cảm xúc văn chương trong tôi bị thui chột và một nỗi sợ mơ hồ mang tên đọc tiểu thuyết.
Tiểu thuyết hay lắm, chứ đâu nhàm chán như trước nay vẫn quan niệm, chỉ là có chọn lựa đúng cuốn mà mình thích hay không mà thôi.
Đông Tuyền
Xem thêm:
sách hay
Sách xứng đáng thuộc hàng kinh điển trong thể loại khoa học viễn tưởng.Sách không phải chỉ được xây dựng từ hư cấu của tác giả mà còn có những thông tin thực tế bên ngoài.Tôi vốn là người ghét học môn địa lí, nghe đến kinh độ vĩ độ là không hiểu gì cả vậy mà trong lúc đọc sách tôi đã giở thêm cuốn địa lí lớp 10 để đối chiếu thông tin (sách có liên quan đến địa lí lớp 10 mà hồi đó tôi học cảm thấy rất nhàm chán).Nhờ có sách mà tôi thêm phần yêu quý môn địa lí, có thêm nhiều kiến thức thực tế:Từ Mũi Horn, mũi Hảo Vọng, Từ kênh đào Xuy-ê, từ biển Đỏ, và cả loài cá mà tôi chưa bao giờ biết đến và nó có thật và có ở Việt Nam:CÁ NÀNG TIÊN. Phần truyện mà tôi thấy cảm động nhất ở trong sách đó là lúc tàu NAUTILUS đến NAM CỰC, cảm xúc của tôi hòa vào cảm xúc của thuyền trưởng NEMO, lúc mà ông xác định tọa độ NAM CỰC, khi mà ngày XUÂN PHÂN sắp đến và mặt trời sẽ lặn vĩnh viễn 6 tháng! Một cảm xúc dâng trào khôn tả !!!!/
sách viết hay, kiến thức phong phú nhưng k phải thể loại mình yêu thích. Sách kể về 1 chuyến phưu lưu dưới đáy biển trên 1 con tàu ngầm. Tình tiết sống động nhưng nó chỉ là tưởng tượng, k có thật. Cũng có thể ở tương lai con người sẽ làm dc nhưng dầu sao k phải là cuốn hấp dẫn mình./
Sách hay và cuốn hút cực kỳ. Tác giả mở ra một đại dương bao la, huyền ảo làm cho mình thật sự bị cuốn vào câu chuyện. Nếu mọi người cảm thấy thích cuốn Hai vạn dặm dưới đáy biển thì mình nghĩ mọi người sẽ thích cuốn Hòn đảo bí ẩn cũng của tác giả Jules Verne./
Cuốn truyện này tôi đã từng mượn đọc khi còn nhỏ, giờ mua cho các con đọc. Nội dung thì không có gì phải bàn cãi: một tác phẩm văn học quá hấp dẫn về khoa học viễn tưởng (tại thời điểm viết) nhưng giờ đã gần như trở thành hiện thực! Sách in không có hình minh họa, để cho người đọc tự hình dung, tưởng tượng theo cách mình thích. Điểm trừ duy nhất của cuốn này là mực in không được đậm màu sắc nét nên gây cảm giác nhanh mỏi mắt./
Nội dung cuốn truyện chưa thực sự lôi cuốn vì ko có quá nhiều tình tiết gay cấn. Nhưng so với thời điểm ra mắt cuốn sách này, hẳn đó là 1 cuộc phiêu lưu giả tưởng thực sự kinh ngạc. Những bạn trẻ ưa mạo hiểm, yêu thích những cuộc phiêu lưu hẳn sẽ thích cuốn sách này./