NHững cuộc phiêu lưu của Tom Xoyơ

Mark Twain (1835 – 1910) là nhà văn hiện thực – trào phúng Mĩ. Ông được xem là “vì tinh tú đầu tiên” của nền văn học hiện đại Mĩ và cho đến nay vẫn được coi là “ngôi sao sáng nhất” trong giới những người cầm bút trên văn đàn Mĩ. Góp phần quan trọng làm nên tên tuổi của Mark Twain phải kể đến “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”. Cuốn truyện đã được người đọc ở nhiều lứa tuổi, nhiều dân tộc khác nhau yêu mến và nâng niu.

Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer

Tác phẩm mang tính hài hước và có yếu tố phiêu lưu

Nếu xét lớp ngôn từ bề mặt, “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” là một tác phẩm hài hước có yếu tố phiêu lưu rất hấp dẫn đối với trẻ thơ.

Tính hài hước

Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính là cậu bé Tom Sawyer, tên thường gọi ở nhà là Tom: “Tomato Sawyer” – như Tom ý thức được – “là tên người ta gọi tôi khi cho tôi ăn đòn. Khi tôi ngoan thì chỉ là Tom không thôi”.

Tom là một cậu bé rất nghịch ngợm, luôn tìm cách bày trò làm cho cuộc sống của cậu vui tươi, sôi động, đỡ chán hơn. Những trò nghịch ngợm của cậu, dưới con mắt của người lớn, thật đáng bực mình. Chính dì Polly – người nuôi nấng Tom vì mẹ Tom mất sớm – đã nói: “Tom, tao thương mày mà hình như mày cứ cố tình tìm cách làm chuyện lếu láo để làm khổ lòng già này”. Nhưng dưới con mắt của trẻ thơ, những trò Tom bày ra đều rất thú vị, hấp dẫn.

Khi sắp bị dì Polly đánh roi, Tom kêu: “Trời ơi! Kìa dì, nhìn lại đằng sau kìa!” và thế là trong lúc dì Polly mất cảnh giác quay lại phía sau, Tom thừa cơ chạy vụt đi, thoát khỏi trận đòn roi.

Khi bị dì Polly phạt phải quét vôi hàng rào, không được đi chơi như các bạn, Tom đã làm ra vẻ quét vôi là một việc rất vinh quang, đáng tự hào khiến các bạn thèm muốn, phải năn nỉ đổi đồ vật cho Tom mới được Tom cho quét vôi. Cuối cùng, Tom không phải làm gì mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ quét vôi hàng rào, lại được đông bạn đến chơi cùng rất vui vẻ và thu được nhiều đồ chơi từ các bạn.

Khi đến nhà thờ học vào sáng chủ nhật, Tom láu cá đổi những đồ vật hôm trước nhờ trò quét vôi có được để lấy các phiếu xanh, phiếu đỏ, phiếu vàng. Theo quy định của trường học chủ nhật, cứ thuộc lòng hai câu trong Kinh thánh thì được thưởng một phiếu xanh. Mười phiếu xanh bằng một phiếu đỏ. Mười phiếu đỏ bằng một phiếu vàng. Ai có mười phiếu vàng sẽ được thưởng một quyển Kinh thánh – phần thưởng trang trọng rất ít người đạt được. Nhưng nhờ sự láu cá, Tom dù không thuộc nổi một cách trôi chảy hai câu Kinh thánh đã có đủ chín phiếu vàng, chín phiếu đỏ, mười phiếu xanh, buộc ngài Hiệu trưởng phải trao tặng cho cuốn Kinh thánh. Tom trở thành vị anh hùng đầy vinh quang sán lạn trước tất cả mọi người có mặt trong nhà thờ hôm đó.

Cũng trong sáng chủ nhật ở nhà thờ, khi mục sư giảng phần lí luận khô khan, Tom lấy con bọ càng mang theo người ra chơi, chẳng may bị bọ càng cắp ngón tay, Tom hất mạnh khiến con bọ càng văng ra xa. Nhiều người trong nhà thờ nhìn theo con bọ càng lấy đó làm trò giải trí. Có con chó con đến hít hít mõm xoay quanh con bọ càng, bị bọ càng quắp liền kêu rú lên, hất con bọ càng ra xa. Sau đó con chó lại vô tình ngồi ngay lên con bọ càng, lại bị quắp, lại kêu rú lên và chạy quanh giáo đường… khiến mọi người trong nhà thờ phải nín cười. Tom thấy buổi lễ ở nhà thờ hôm đó thật vui vẻ.

Chuyện Tom vờ ốm để không phải đi học, cách nhổ răng Tom của dì Polly, chuyện Tom tán tỉnh Becky – cô bé mà Tom đã phải lòng ngay từ lần gặp đầu tiên…, tất cả đều hài hước, hấp dẫn.

Đọc những chuyện ấy, các bạn nhỏ chắn chắn sẽ yêu mến hơn là ghét bỏ Tom, dù Tom không phải là hình mẫu một đứa trẻ ngoan, biết nghe lời như người lớn mong muốn.

Yếu tố phiêu lưu

Không chỉ gắn với các tình huống hài hước, cậu bé Tom nghịch ngợm còn gắn với những tình huống có tính chất phiêu lưu, mạo hiểm.

Tom đã cùng Huckleberry Fin nửa đêm mang con mèo chết ra nghĩa địa để chữa mụn cơm. Tại nghĩa địa, chúng đã chứng kiến vụ bác sĩ Robinson thuê lão Muff Potte đang say rượu và thằng Injun Joe đào ngôi mộ mới chôn, vụ xô xát giữa ba người, thằng Injun Joe vì mối thù trong quá khứ đã thẳng tay giết chết bác sĩ Robinson, dàn dựng hiện trường đổ tội cho lão Muff Potte.

Tom và Joe Harper cảm thấy bị mọi người xung quanh ruồng bỏ, không quan tâm, đã rủ Huckleberry Fin nửa đêm đến chỗ vắng vẻ trên bờ sông, đánh cắp một chiếc bè chèo ra một hòn đảo vắng, tưởng tượng chúng là những tay cướp biển, sống cuộc đời tự do thoải mái. Trong khi đó, dân làng tưởng ba đứa trẻ đã chết. Và đúng lúc dân làng tổ chức lễ tang cho Tom, Joe Harper, Huckleberry Fin thì ba đứa trẻ trở về trong sự ngạc nhiên, mừng rỡ của mọi người.

Vào mùa hè, Huckleberry Fin rủ Tom đi đào kho báu ở một ngôi nhà có ma, vô tình thấy thằng Injun Joe và đồng bọn định chôn giấu một số tiền lớn trong ngôi nhà. Thằng Injun Joe trong lúc đào hố chôn tiền lại vô tình đào được một hòm tiền vàng. Thế là chúng chuyển tất cả số tiền chúng có và đào được đi giấu ở một nơi khác. Huckleberry Fin và Tom suýt bị thằng Injun Joe phát hiện. Qua câu chuyện giữa thằng Injun Joe và đồng bọn, Tom biết thằng Jô muốn trả thù Tom vì Tom đã ra làm chứng ở tòa chứng minh Muff Potte vô tội, thằng Injun Joemới chính là kẻ giết chết bác sĩ Robinson.

Những tình huống phiêu lưu, mạo hiểm đó khiến người đọc cũng nín thở, không thể rời mắt khỏi những trang sách của nhà văn Mark Twain.

Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer – Hàm ẩn nhiều ý nghĩa sâu xa

Không chỉ hấp dẫn ở tầng nghĩa bề mặt, “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” còn hàm ẩn nhiều ý nghĩa sâu xa đối với người lớn.

Cách giáo dục trẻ em

Tác phẩm được viết từ năm 1876 nhưng cho đến nay nhiều hàm ý vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng hạn như cách giáo dục trẻ em. Tom là một cậu bé nghịch ngợm, luôn tìm cách vượt mọi khuôn phép người lớn đặt ra, luôn làm rầu lòng người lớn. Nhưng có ai trong chúng ta ghét nhân vật này? Cách mọi người đối xử với Tom, những việc làm và suy nghĩ của Tom khiến ta phải tự nhìn lại cách giáo dục trẻ con.

Chúng ta nên để trẻ con phát triển một cách tự nhiên, tự do khám phá thế giới xung quanh, làm những gì mình muốn hay nhất định phải khép chúng vào trong những cái khuôn, bắt chúng tuân theo những giá trị mà người lớn đề cao, để chúng trở thành những đứa trẻ biết nghe lời, ngoan ngoãn, hoàn hảo theo suy nghĩ của người lớn?

Chúng ta đã thực sự để tâm đến điều mà trẻ con mong muốn, những thứ mà trẻ con cần chưa hay chúng ta thường trao cho chúng điều người lớn muốn, thứ người lớn cần? Giáo dục trẻ con liệu có cần đến mắng mỏ, đòn roi hay quan trọng hơn cả là tình yêu thương, sự quan tâm?

Cậu bé Tom dù đi học muộn, dù đã thú thật mình dừng lại nói chuyện với Huckleberry Fin – thằng bé hư đốn theo quan niệm của người lớn – nhưng lỗi ấy có nghiêm trọng đến mức khiến thầy giáo “đánh mãi cho đến khi thầy sái cả tay”? Chính Tom khi hiểu dì Polly thương Tom, buồn rầu vì tưởng Tom đã chết đuối, cũng rất xúc động, rất thương dì Polly. Có lẽ trẻ con, đặc biệt là những đứa trẻ hiếu động, tinh nghịch cần được người lớn hiểu, bao dung, quan tâm nhiều hơn.

Tom Sawyer

Giá trị của nền văn minh tư sản ở Mĩ thế kỉ 19

Trong “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer“, nhà văn Mark Twain cũng đã đặt ra câu hỏi về giá trị thực sự của nhà thờ. Tom không học gì nhưng nhờ mánh khóe đã được thưởng một quyển Kinh thánh, thầy giáo giảng Kinh thánh nhưng học sinh thực sự không quan tâm, không lắng nghe, ngay cả người lớn cũng không chú tâm nghe mục sư giảng kinh trong nhà thờ, tất cả mọi người đều thở phào nhẹ nhõm khi buổi lễ ở nhà thờ kết thúc, một thằng bé vì cố gắng đọc một mạch mấy nghìn câu Kinh thánh mà bị ngớ ngẩn gần như mất trí… Những sự việc đó cho thấy có vẻ như Mark Twain coi nhẹ giá trị của nhà thờ, sâu xa hơn là coi nhẹ giá trị của nền văn minh tư sản ở Mĩ thế kỉ 19.

Sự coi nhẹ giá trị nền văn minh tư sản ở Mĩ thế kỉ 19 còn được nhà văn Mark Twain thể hiện qua việc đề cao những tay lục lâm hảo hán sống ngoài vòng pháp luật. Chính Tom và Joe Harper đã “lấy làm buồn là ngày nay không còn có những tay lục lâm hảo hán sống ngoài vòng pháp luật như xưa kia và bất giác tự hỏi không biết nền văn minh hiện đại đã mang lại những gì để đền bù lại những điều thiệt thòi đó. Chúng nói chúng thà được một năm làm nghề lục lâm trong rừng Sơút còn hơn là làm tổng thống Mĩ suốt đời”. Hay Tom đã có lần nói với Joe Harper và Huckleberry Fin: “Làm cướp biển thì thời nào cũng được người ta kính nể”. Tuy đó chỉ là câu nói, suy nghĩ của những đứa trẻ nhưng rất đáng để chúng ta suy ngẫm về những giá trị trong nền văn minh Mĩ thế kỉ 19 và ngày nay.

“Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” còn chứa đựng hàm ý về nhiều vấn đề khác trong đời sống, trong xã hội. Mỗi chúng ta hãy tự đọc và khám phá.

Mark Twain đã từng viết trong “Lời nói đầu” của cuốn “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer“: “Tuy viết cuốn sách này cốt để mua vui cho thiếu nhi nhưng tôi cũng hi vọng không vì thế mà người lớn sẽ chê không đọc”. Quả thật, gần 150 năm qua, những câu chuyện về cậu bé Tom Sawyer đã thu hút, làm say mê nhiều lứa tuổi bạn đọc chúng ta.

Sao Băng

Xem thêm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here