“Ông già và biển cả” là một trong những tác phẩm hay nhất của nhà văn Mỹ, Ernest Miller Hemingway. Ở tác phẩm này ông đã áp dụng triệt để “nguyên lý tảng băng trôi” nổi tiếng của ông vào tác phẩm. Và ngược lại, tác phẩm cũng là “tảng băng trôi” với sự nghiệp văn chương của Hemingway. Một tác phẩm nhỏ nếu tính theo số lượng chữ nhưng lại đem tới cho ông sự nổi tiếng và những giải văn chương danh giá nhất: Ông đã nhận được Giải Pulitzer năm 1953, và Giải Nobel Văn học năm 1954. Không những thế nó còn là một trong những tác phẩm nổi bật nhất lịch sử Nobel Văn học.
Thế nào là nguyên lý tảng băng trôi?
“Nguyên lý tảng băng trôi” là dựa theo đặc tính của tảng băng trôi: ba nổi, bảy chìm. Thể hiện vào văn chương là biểu hiện của một dạng văn chương “tinh giản”, chỉ thể hiện một cách tối thiểu nhất, nhưng lại bộc lộ được tối đa dụng ý của tác giả muốn truyền tải đến người đọc, thậm chí nhiều hơn thế.
Trước khi “Nguyên lý tảng băng trôi” ra đời, các tác phẩm tiểu thuyết thường khá đồ sộ, thường từ 800 – 1000 trang trở lên. Nhiều nhà văn khi ấy có quan niệm rằng một tác phẩm lớn thì trước tiên phải có một khối lượng chữ đồ sộ nên cố ý viết càng dài, càng chi tiết càng tốt. Điều này dẫn tới việc độc giả theo dõi khá mệt mỏi và cũng không phù hợp với đời sống hiện đại, khi con người sống vội vã hơn, cuộc sống bề bộn hơn và thời gian đọc ít hơn. Việc ra đời các tác phẩm theo “nguyên lý tảng băng trôi” của Hemingway là rất đúng thời điểm.
Hemingway áp dụng “Nguyên lý tảng băng trôi” vào văn chương như thế nào?
Hemingway trước khi trở thành là văn thì ông là một nhà báo. Hơn thế nữa, ông còn là một phóng viên khi còn rất trẻ, 18 tuổi, cho tờ The Kansas City Star.
Là một phóng viên thì cần phải tốc ký để nhanh chóng ghi lại sự việc, sự kiện,. Nên lối tư duy của nhà báo là mọi câu chuyện cần được ghi nhanh nhất, tóm tắt nhất, nhưng vẫn phải chính xác nhất. Đây chính là lối tư duy để Hemingway áp dụng vào văn chương và được gọi là “Nguyên lý tảng băng trôi”.
Ta có thể thấy trong các sáng tác của mình Hemingway thường sử dụng các câu văn ngắn, gọn và sáng nghĩa, không hề có chi tiết rườm rà. Ông cũng cắt đi tất cả những lí luận dài dòng, ông miêu tả nội tâm nhân vật phần nhiều qua hành động. Điều đó khiến nhân vật của ông vừa rất sinh động, nhưng cũng không kém phần sâu săc.
“Nguyên lý tảng băng trôi” trong Ông già và biển cả
Có thể nói Ông già và biển cả là tác phẩm được Hemingway áp dụng nguyên lý “Tảng băng trôi” triệt để nhất và cũng là tác phẩm đạt đến độ “chín” nhất trong phong cách văn chương của ông.
Không chỉ là một câu chuyện đánh cá

Đến với Ông già và biển cả, độc giả sẽ theo dõi hành trình kéo dài ba ngày để bắt được con cá kiếm khổng lồ vô cùng khó khăn của ông lão Santiago. May mắn đã mỉm cười khi ông đã đánh được một con cá kiếm đẹp nhất, to lớn nhất trong cuộc đời của mình. Nhưng rồi những con cá mập đã lao vào để làm sạch con cá của ông già. Và thật đáng buồn, khi cuộc hành trình kết thúc, kết quả duy nhất mà ông lão có được là một bộ xương vô dụng.
Nội dung câu chuyện đơn giản, nhưng ẩn chứa trong đó là những tầng ý nghĩa sâu sắc và thông điệp ý nghĩa đến độc giả. Đây là nguyên tắc “tảng băng trôi” mà nhà văn đã sử dụng triệt để trong tác phẩm của mình, giúp câu chuyện không còn đơn thuần nói về một ông già câu cá. Không giống như các tác phẩm khác chỉ phác họa một thông điệp duy nhất, Ông già và Biển cả là một loạt các ý nghĩa biểu tượng trong suốt tác phẩm.

Gợi ý đầu tiên phải kể đến là chi tiết về hành trình kiếm cá của ông già. Con đường chinh phục cá kiếm thực sự là con đường chinh phục giấc mơ của con người, giấc mơ có màu hồng, nhưng con đường lại không bằng phẳng. Có những thứ tưởng chừng nó thuộc về ta và ta rất cố gắng nắm nó trong lòng bàn tay, nhưng rốt cuộc vẫn để vuột mất.
Cao trào của câu chuyện được đẩy lên việc ông lão chiến đấu một mình với cá mập để bảo vệ chiến lợi phẩm của mình. Đúng như mong đợi của một nhà văn tài năng, Hemingway đã mang đến sự hồi hộp cho độc giả. Khi đọc, dường như người đọc hòa cùng hơi thở của ông già, như thể đang đứng lên chiến đấu với những con cá mập tàn nhẫn. Rồi khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta chợt nhận ra hình ảnh quen thuộc của mình trong câu chuyện của ông già. Ta dũng cảm, không đầu hàng trước số phận, không chịu khuất phục trước khó khăn, nhưng số phận không phải lúc nào cũng mỉm cười với ta.
Cuộc chiến với số phận là cuộc chiến không cân sức. Cũng như cuộc chiến của ông lão vậy. Ngay từ khi con cá mập đầu tiên xuất hiện, ta đã biết trước được số phận của con cá kiếm rồi. Con cá kiếm đáng thương đã bị lũ cá mập rỉa sạch thịt, điều duy nhất còn sót lại cho ông lão chỉ là một bộ xương. Cái kết mà nhà văn xây dựng đã khiến nhiều bạn đọc hụt hẫng, thậm chí nhiều người còn phẫn nộ thay cho nhân vật trung tâm câu chuyện. Thế nhưng, chúng ta buộc phải nhìn nhận một điều rằng: đây không phải một câu chuyện cổ tích.
Có lẽ Hemingway không muốn xây dựng một mẫu chuyện nơi mà mọi nàng công chúa đều được sống hạnh phúc bên hoàng tử, ý nghĩa của kết truyện này còn sâu xa hơn thế. Điều cuối cùng mà đại văn hào của nền văn học Mỹ muốn thể hiện qua tác phẩm này chính là lột tả cuộc sống không như mơ. Quả thật, cuộc đời chúng ta đang sống chưa bao giờ chỉ khoác lên mình một màu hồng rực rỡ mà còn được phủ bởi sự tàn nhẫn và bất công.
Mặc cho ông lão đã chiến đấu kiên cường đến đâu, con cá cũng không còn nguyên vẹn, cũng giống con người, không phải cứ cố gắng thì sẽ có thành công.

Tác phẩm nhỏ, “dung lượng” lớn
Ông già và Biển cả dài khoảng 150 trang, so với các tác phẩm kinh điển khác thì rất ngắn, có thể chỉ so với một số truyện dài chứ chưa thể được gọi là “tiểu thuyết”. Nhưng theo nhiều người đánh giá, Ông già và Biển cả có “dung lượng” của một cuốn “tiểu thuyết lớn”.
Toàn bộ tác phẩm chỉ xoay quanh câu chuyện câu cá, bối cảnh truyện diễn ra trong khoảng 3 ngày. Câu cá là một sự việc khá đơn điệu, nhưng với tài năng của mình, Hemingway đã triển khai nó thành một câu chuyện vô cùng cuốn hút và cũng vô cùng chân thực. Một ông già trên dưới 80 tuổi, chân tay đã yếu, lại hơi nghễnh ngãng vì tuổi già. “Mọi thứ trên người lão đều toát lên vẻ già nua, trừ đôi mắt”. Ở độ tuổi “thất thập cổ lai hi” như thế, trước đại dương bao la, trước con cá kiếm lớn nhất của cuộc đời, làm sao ông có thể chiến thắng được?
Đây chính là yếu tố làm nên sự hấp dẫn của câu chuyện, nhưng cũng là yếu tố then chốt để thể hiện tài năng của Hemingway. Ông phải viết sao cho thuyết phục được người đọc, ông không thể mang sức mạnh của một thanh niên trai tráng vào cơ thể già nua ấy, cái mà thuyết phục người đọc chính là kinh nghiệm đi biển của ông lão Santiago, cũng chính là kiến thức và kinh nghiệm của tác giả. Qua câu chuyện, người đọc có thể nhận thấy ông lão Santiago tuy già, nhưng kinh nghiệm cực kỳ phong phú, ông biết cách để chiến thắng con cá kiếm khổng lồ với đôi tay, ý chí và của mình. “Cuộc sống này chỉ thực sự kết thúc khi chúng ta thôi không còn ước mơ, thôi không còn hy vọng.”
Trong cuộc chiến đấu với con cá kiếm, ta có thể nhận thấy giới hạn sức lực của ông lão Santiago cũng như cảm giác được độ tuổi của ông với những sự nghễnh ngãng, mông lung chợt hiện trong tư tưởng. Đây cũng chính là một yếu tốt tạo ra tính hồi hộp, hấp dẫn của tác phẩm. Người đọc luôn dõi theo, luôn lo lắng và luôn đặt câu hỏi: liệu rằng với tuổi như thế ông có thể chiến thắng? Và một chiến thắng kịch tính, đầy mãn nhãn đã làm thỏa lòng tất cả người đọc.
“Ông già và biển cả” thực sự là một “tảng băng trôi” của nền văn học thế giới. Một tác phẩm với nội dung ngắn gọn, nhưng càng tìm hiểu, ta càng thấy độ kỳ vĩ của nó. Một tác phẩm ngắn gọn nhưng lại là kết tinh những gì tinh túy nhất của một đời nhà văn Hemingway.
Đông Tuyền (TH)
Xem thêm: