“Những cậu con trai phố Pál” là cuốn sách mang chất kiểu “Tuổi thơ dữ dội” của văn học Hungary. Bằng ngòi bút của mình, tác giả Molnár Ferenc đã tạo nên được một tác phẩm hay, có chiều sâu và được yêu mến ở nhiều quốc gia.
Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của những thiếu niên Hungary những năm 90 của thế kỉ 19. Đó là những cậu con trai phố Pál, sau giờ học thường tụ tập trên một mảnh đất trống chơi bóng, đánh trận giả. Họ có chủ tịch, tướng quân, thượng úy và cả một “chú lính trơn”. Với người lớn, Khu đất trống chỉ là một mảnh đất khô cằn, gồ ghề nơi thủ đô, bị thu hẹp bởi hai ngôi nhà cao lớn nhưng với các cậu trai phố Pál, đó là “một vùng vô tận, là niềm tự do mà buổi sáng là đồng cỏ châu Mỹ, buổi chiều là bình nguyên Hung trong mưa, là biển mùa đông, là cực Bắc”. Họ coi khu đất ấy là Tổ quốc và sẵn sàng xả thân bảo vệ chúng khỏi sự xâm chiếm của đội quân bên Vườn Cỏ. Không phải là một cuộc gây gổ kiểu trẻ con, đó là cuộc chiến thực sự, có mưu kế, có chiến thuật, sự chỉ huy, sự công bằng và lòng dũng cảm để từ đó, mỗi người đều rút ra được những bài học của riêng mình.
Nếu là người yêu thích những cuốn sách như “Quân khu Nam Đồng” hay “Tuổi thơ dữ dội” thì đây có thể là một sự lựa chọn khá thú vị. Mỗi quyển sách đều có dư vị riêng của nó nhưng khi mình đọc cuốn này thì bất giác hai tựa sách kia đã nảy ra trong đầu mình.
“Những cậu con trai phố Pál” không mang vẻ cầu kì mà ngược lại rất dung dị cả về nội dung và cách thể hiện. Là những trò nghịch ngợm, là những cuộc đấu tranh của lũ trẻ được miêu tả một cách chân thực và gần gũi. Đặc biệt, những đoạn nói về tình yêu của lũ trẻ với Khu đất trống được thể hiện rất tỉ mỉ, gây ấn tượng mạnh. Ban đầu, mình nghĩ phải chăng tác giả đã làm quá lên nhưng đặt mình vào hoàn cảnh của từng nhân vật, cộng thêm hoàn cảnh sáng tác truyện là thời điểm vẫn đang trong thời chiến thì thấy rằng điều đó hoàn toàn dễ hiểu.
Ban đầu, mình không bị thu hút bởi diễn biến của truyện nhưng càng về sau đọc càng thấy cuốn và hơn hết, bài học sau câu chuyện này được thể hiện khá rõ ràng. Đó là sự anh dũng quả cảm, lòng trung thành, sự khao khát tự do và cả tình yêu mãnh liệt. Bên cạnh đó, câu chuyện cũng phê phán những thói hư của con người như sự ghen ghét, đố kị, tính ăn cắp, thói quan liêu cứng nhắc… Tuy nhiên, nếu thành tâm hối cải thì luôn có một con đường để làm lại.
“Những cậu con trai phố Pál” là tập hợp khá nhiều nhân vật, mỗi người một vẻ, mỗi người đều có nét riêng đáng học tập hay phê phán. Tuy nhiên nổi bật lên có thể kể đến Boka, Gereb, Nemecsek. Boka hiện lên là một người chững chạc, thông minh, biết suy nghĩ. Là một người lãnh đạo, lên kế hoạch cho cuộc chiến, cậu rất xứng đáng bởi sự bình tĩnh, tự tin, quả quyết của mình. Gereb ngược lại là một người đầy tham vọng, đố kị với người khác nhưng sau cùng cậu lại là người dạy ta biết điều gì mới là quan trọng. Cuối cùng là Nemecsek, đó là chú lính trơn duy nhất trong đội quân phố Pál, nhỏ nhắn, gầy guộc, yếu ớt nhưng là nhân vật khiến ta nhớ mãi. Nemecsek dạy ta bài học về lòng dũng cảm, lòng trung thành, sự xả thân vì những gì mà mình yêu quý dù có phải trả giá đắt đi chăng nữa. Nếu bạn từng ngưỡng mộ một nhân vật hay khóc vì một nhân vật trong sách thì mình tin Nemecsek có thể khiến bạn như vậy.
Có một kết thúc buồn, như vậy lại khiến mình nhớ hơn về câu chuyện này. Dù là câu chuyện về những đứa trẻ nhưng bài học trưởng thành của chúng gây ấn tượng với cả những người lớn hơn lứa tuổi đó như mình. Đọc xong câu chuyện mà nỗi buồn vẫn còn phảng phất, day dứt khó tả…
Thông tin tác giả:
Molnár Ferenc là một nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch Hungary gốc Do Thái – Đức. Từ khi còn trẻ, ông đã viết cho nhiều tờ báo danh tiếng rồi tiếp tục dấn thân làm phóng viên chiến trường trong Thế chiến I. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, sâu sắc kèm chút châm biếm, ông nhanh chóng chinh phục được độc giả, không những vậy, ông còn thể hiện sự đa tài ở nhiều lĩnh vực như kịch nghệ, văn chương. Vào cuối những năm 1930, chạy trốn khỏi sự hằn thù Do Thái của phát xít Đức, ông sang Pháp, Thụy Sỹ rồi định cư tại Mỹ. Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, mặc dù không chỉ một lần đối mặt với trầm cảm, ông vẫn miệt mài lao động nghệ thuật, gửi gắm sự thấu cảm sâu sắc nơi ngòi bút. Các tác phẩm của ông được yêu thích tại nhiều nước trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là tiểu thuyết Những cậu con trai phố Pál (A Pál utcai fiúk, 1907), vở kịch Chàng Liliom (Liliom, 1909) và truyện ngắn Những kẻ ăn cắp than (Széntolvajok, 1918). Năm 1952, ông từ giã cõi đời vì căn bệnh ung thư.
Nguồn: Hà Trang
Xem thêm: