Người thầy đầu tiên

“Xin đừng tiếc hơi ấm đang nồng nàn trong tim các bạn, hãy lại gần đây, thế nào tôi cũng phải kể lại câu chuyện này…”. Lời mời gọi dẫn ta vào thế giới tác phẩm “Người thầy đầu tiên” dung dị, ấm áp mà thiết tha quá đỗi…

Người thầy đầu tiên

Tác phẩm viết về thầy Đuysen- người thầy đầu tiên mở trường ở một vùng quê nghèo nơi miền núi Kirghizia của vùng Trung Á. Thầy Đuysen đã vượt qua biết bao khó khăn với tấm lòng yêu thương, quý trọng học trò của mình. Hình ảnh người thầy qua hồi ức của viện sĩ Antưnai với những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn để lại trong ta nhiều ấn tượng sâu sắc.

Ta không thể nào quên hình ảnh người thầy bế học sinh qua sông trong ngày đông giá rét mặc những người xung quanh chế giễu…

Ta không thể nào quên hình ảnh người thầy trở về trong đêm mưa rét trong nỗi sợ hãi bị chó sói đuổi để kịp buổi học sớm mai, giữ lời hứa với những học trò nhỏ bé của mình.

Ta không thể nào quên hình ảnh người thầy và cô học trò Antưnai trồng hai cây phong non với niềm tin sâu sắc: Tất cả những gì đẹp nhất đều hãy còn ở phía trước…

Hai cây phong - người thầy đầu tiên
Hai cây phong. Ảnh: Hoc360.net

Ta không thể nào quên hình ảnh người thầy với niềm day dứt ân hận vì không bảo vệ được cô trò nhỏ Antưnai: Dù em có tha thứ nữa thì thầy cũng không đời nào có thể tự tha thứ cho mình…

Ta không thể nào quên hình ảnh người thầy trong buổi tiễn Antưnai đi học khi thầy cất tiếng gọi Antưnai lần cuối cùng, đứng nhìn theo cô với đôi mắt nhòa lệ, thầy đã kìm nén tình cảm riêng vì tương lai học trò của mình.

Ta cũng không thể nào quên hình ảnh người thầy ấy đến cuối đời vẫn âm thầm, lặng lẽ làm công việc đưa thư, cần mẫn và không ngừng nghỉ .

Đọc “Người thầy đầu tiên” ta bắt gặp những lời văn trong trẻo nhưng cũng thấm đượm biết bao ý vị triết lí cuộc sống, Nó làm ta thấm thía sâu sắc những bài học về con người, về cuộc đời và từ đó hiểu sâu sắc một người thầy. Xin chép ra đây để chúng ta cùng lắng lòng với những trải nghiệm ấy:

Tại sao vết chân con người không còn lại mãi mãi ở những nơi thân thiết, đáng ghi nhớ đối với lòng họ? Giá giờ đây tôi có thể tìm lại con đường mòn mà Đuysen đã đưa tôi xuống núi, tôi sẽ phục xuống đất và hôn lên những vết chân của thầy tôi. Đối với tôi, con đường mòn ấy là con đường dẫn tới mọi con đường, thiêng liêng và diễm phúc thay ngày hôm ấy, con đường ấy, con đường đã dẫn tôi trở về với cuộc sống, với niềm tin mới vào bản thân mình, với những niềm hi vọng mới, với ánh sáng… Cảm ơn ánh sáng mặt trời, cảm ơn mảnh đất ngày hôm ấy …”, “Trên núi có những dòng suối như vậy: một con đường mới được đắp lên, người ta quên lãng con đường mòn dẫn đến suối, và ngọn suối kia dần dần phủ kín dưới lau lách, bụi bờ. Đứng xa mà nhìn chẳng thấy suối đâu nữa. Và ít khi có ai nhớ tới dòng suối cũ mà cái đường cái rẽ về bên suối vào cái ngày nóng nực để uống cho đỡ khát. Nhưng rồi một hôm có người tìm thấy nơi vắng vẻ ấy, rẽ đám lau lách ra rồi khẽ thốt lên: dòng nước mát mẻ, trong trẻo lạ lùng đã từ lâu không ai khuấy động làm vẩn đục, đang chảy lặng lờ, sâu thẳm, khiến cho khách phải ngạc nhiên. Khách nhìn xuống nước và trông thấy mình, thấy ánh thái dương, bầu trời, những rặng núi… Và khách nghĩ rằng không biết đến những nơi như thế này thật có tội, phải kể lại cho bạn bè cùng biết. Khách nghĩ như thế rồi quên bẵng đi cho đến ngày thấy lại dòng suối lần nữa. Trong cuộc sống đôi khi cũng như vậy. Nhưng có lẽ chính như thế nó mới là cuộc sống…”

Đọc “Người thầy đầu tiên”, tôi cứ ám ảnh mãi về một con người đẹp đẽ, cao quý âm thầm, lặng lẽ chở đò qua sông, không ồn ào khoa trương mà có sức lay động lòng người. Người thầy ấy cũng như dòng suối trong trẻo kia, cho ta nhìn ra chính mình, mở rộng cho ta tầm nhìn đến với thế giới quanh ta… dòng suối ấy rồi lại sẽ khuất nẻo trên con đường đời, con đường mà mỗi chúng ta cứ vội vã lướt qua, vội vã vì những đam mê, vì một cái đích còn xa mờ phía trước để rồi ta đã quên đi những gì dung dị mà có ý nghĩa sâu sắc với đời ta, với lòng ta. Đọc “người thầy đầu tiên” là một cách để ta lắng lại, có một khoảng lặng để tri ân với những người thầy đã đi qua đời ta, làm nên ta ngày hôm nay.

người thầy đầu tiên

Nói về người thầy, tôi muốn dùng hình ảnh “người thắp lửa”, “người giữ lửa”. Người thầy là người giúp cho mỗi học trò biết “cháy lên mà tỏa sáng”. Đuysen không hẳn đã là một người thầy thực giỏi giang về chuyên môn nhưng chính thầy đã đem lại niềm tin, hi vọng vào tương lai, lòng khát khao học tập, mong muốn hoàn thiện mình cho học trò. Đấy mới chính là bài học lớn đầu tiên, bài học nhập môn để cho mỗi người tiếp tục cuộc hành trình riêng bằng nghị lực của chính bản thân mình. Đuysen đã thắp lửa cho biết bao học trò của mình bằng hành động, suy nghĩ của chính thầy. Điều ấy thực giản dị song cũng thấm thía và nhiều ý nghĩa biết bao nhiêu.

Đuysen đã dạy cho ta biết hi sinh một cách âm thầm, biết tin yêu con người, và nhất là dạy ta biết làm thầy thì khó biết chừng nào…Mỗi năm chỉ có một ngày 20/11 để ta tỏ lòng kính yêu thầy, còn thầy có ngày nào trong năm là không tin yêu và dìu dắt ta. Đọc “Người thầy đầu tiên” để ta hiểu hơn về thầy ta, để ta biết yêu thầy nhiều hơn trong từng ngày trôi qua, để tri ân với thầy bằng tấm lòng chân thành của ta.

Thanh Thùy

Xem thêm: [Review sách] XÓM BỜ GIẬU – một cuốn sách đẹp cả về hình thức lẫn nội dung

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here