Chúng ta đã quen nghĩ rằng “hiện thực” là những gì chân thực nhất, “mắt thấy tai nghe” về đời sống. Nhưng với tiểu thuyết “Giữa dòng chảy lạc”, tác giả Nguyễn Danh Lam đã có một cái nhìn mới về “hiện thực” đó: hiện thực gắn liền với huyền ảo. Bởi cuộc sống chính là như thế, con người không chỉ bị chi phối bởi vật chất mà còn bị chi phối bởi các yếu tố tâm linh, siêu nhiên mà ta không thể nắm bắt được.
Giữa dòng chảy lạc được xuất bản năm 2010 và cũng ngay lập tức được vinh danh tại lễ trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam. So với hai cuốn tiểu thuyết trước thì đây (Bến vô thường và Giữa vòng vây trần gian) là cuốn sách được nhà văn nghiền ngẫm, thai nghén lâu hơn cả. Phải mất bốn năm sau khi cuốn tiểu thuyết thứ hai ra đời, Nguyễn Danh Lam mới cho ra mắt người đọc Giữa dòng chảy lạc.
Đây là cuốn tiểu thuyết được đánh giá cao hơn cả và cũng là bước bứt phá trong cách vết tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam. Nhà nghiên cứu Hoài Nam đã nhận thấy ở cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Danh Lam “đã trả người đọc lại với đời thường bằng những chất liệu đời thường, những câu chuyện của đời thường và cách kể chuyện đời thường. Thường đến hết mức có thể”. Thế giới nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này là thế giới của một thứ mẫu số chung tầm thường tạo thành xã hội. Những con người ấy nếu không ánh chịu số phận bi kịch thì cũng là cuộc đời thất bại theo một cách nào đấy. Giữa dòng chảy lạc được đánh giá như cuộc đổ bộ vào cuộc sống đương đại.
Cuốn sách như đang đi tìm một gì đó giữa mênh mông kiếp người. Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết chỉ gọi bằng một cái tên không xác định đó là “anh”. Cả anh và những con người trong cái thế giới ấy, dù thế này hay thế khác họ đều là những con người đang lạc lõng trong cuộc sống này. Sự cô đơn, lạc lõng của những con người trong chính đời sống mà họ đang sống làm thành không khí u ám của cả tiểu thuyết. Với tác phẩm này, Nguyễn Danh Lam đã đưa tác phẩm đến với số đông độc giả hơn. Tác giả đã khám phá và miêu tả thế giới bên trong con người, khám phá về ý thức bản thể tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm.
Hành trình của ba cuốn tiểu thuyết cũng là hành trình cho sự trưởng thành của tác giả trong việc thể nghiệm ở lĩnh vực tiểu thuyết. Cuốn sau ra đời được đánh giá cao hơn cuốn trước, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt hơn cuốn trước đó là một thành công của Nguyễn Danh Lam. Ba cuốn tiểu thuyết cũng là minh chứng cho nỗ lực làm mới mình của một nhà văn trẻ. Tiểu thuyết Việt Nam mười năm đầu thế kỉ XXI với một khối lượng phong phú và sức sống dồi dào đã có sự đóng góp tiếng nói riêng của cây bút trẻ Nguyễn Danh Lam. Tiếng nói ấy không chỉ góp phần vào tạo nên tiếng nói chung của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ mà còn khẳng định tiểu thuyết nước nhà vẫn đang trong xu hướng vận động đi lên. Nguyễn Danh Lam tuy vẫn là một thể thể nghiệm, tìm tòi nhưng những sự tìm tòi ấy thực sự rất đáng quý và rất đáng khích lệ.
GIỮA DÒNG CHẢY LẠC – MỘT CÁI NHÌN MỚI VỀ HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG
Đến với cuốn tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc, người đọc sẽ được đưa đến với hiện thực gần với cuộc sống thường ngày hơn cả. Trong cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Danh Lam đã gửi vào đó một hiện thực bộn bề của cuộc sống đương đại. Bằng một lối viết rất chân thực, nhà văn đã phản ánh một cuộc sống mà con người ta phải chìm đắm không chỉ ở gánh nặng vật chất mưu sinh hàng ngày mà còn là một hiện thực của số phận con người đang dần bị chìm đắm, bị mất mát, bị lãng quên. Đó là cuộc sống, số phận của con người trong cái guồng quay của cuộc sống hiện đại. Tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc như một cuộc đổ bộ vào đời sống đương đại.
Nhân vật chính của tiểu thuyết được mang một cái tên không rõ ràng cụ thể là “Anh”. Anh hiện lên trong mắt mọi người là một chàng trai may mắn, bố mẹ và anh chị đều đã xuất cảnh sang Mỹ, bản thân anh cũng đang chờ cơ hội để đi. Thế nhưng đằng sau cái viễn cảnh giàu có ấy là một con người tồi tàn, nhếch nhác. Cuộc sống của anh là một chuỗi những ngày tháng ì ạch trì trệ. Anh sống một mình trong căn nhà với một con mèo già nua không khác gì tâm hồn của anh. Cuộc sống của anh càng ngày càng trì trệ, anh dần mất đi khả năng tự đứng lên sống bằng khả năng của mình. Anh thất nghiệp, sống dựa vào tiền trợ cấp của bà chị gửi về và nhờ vào sự tốt bụng của ông họa sĩ.Đối với con người của anh giờ đây cái gì cũng nhàn nhạt mờ mờ, được cũng không vui mà mất cũng không tiếc. Hàng ngày anh vùi đầu vào trong những chai bia cùng với mớ đĩa phim không có tựa đề nhãn mác. Anh đi phỏng vấn xin việc nhưng cũng chẳng nhớ nổi cái tên công ty mình định vào, chẳng hình dung được công việc mình định làm.
Cô gái mà anh quen ở lớp học tiếng anh, ẩn sau dáng vẻ tươi tắn, xinh đẹp hào nhoáng của cô là một tâm hồn mặc cảm về cuộc sống cơ cực, nghèo khó, thiếu thốn của mình. Nhà cô nghèo đến mức hàng đêm cô không có chỗ ngủ, hàng đêm cô phải đi ngủ nhờ bạn đẻ tránh khỏi phải nhìn thấy cuộc sống nhếch nhác, lộn xộn của gần chục con người chen chúc trong một căn nhà nhỏ tồi tàn nơi hẻm sâu khuất của thành phố. Trong sâu thẳm tâm hồn của cô bảo hiểm – người trở thành vợ của anh sau này là một sự đổ vỡ tâm hồn không gì có thể cứu vãn nổi. Còn ông họa sĩ, dù có một gia đình êm ấm, vợ đẹp, con ngoan, tài năng của ông được xã hội công nhận và nể phục ấy thế mà ông vẫn sống trong một tâm hồn cô đơn đầy bão táp. Phải chăng đó là cái hiện thực nghiệt ngã nhất mà mỗi con người trong cuộc sống hiện đại này đang trượt dài trong nó.
Trong tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc, Nguyễn Danh Lam vẫn hướng ngòi bút vào phản ánh gánh nặng cơm áo gạo tiền, cái gánh nặng vật chất vẫn bủa vây lấy từng con người. Khó khăn lắm Anh mới tìm được việc làm nhưng tháng lương đi làm thuê của anh bèo bọt đến nỗi anh không dám về nhà. Cô gái học Anh văn chỉ mong có cơ hội ấy người sắp xuất cảnh để thoát nghèo. Tuần trăng mật của anh và vợ hiu hắt thê lương trong một nhà trọ rẻ tiền, vì cả anh và cô cùng thất nghiệp. Người bạn của anh sau cuộc ẩu đả ở đám cưới đã sống một cuộc sống thực vật, trở thành gánh nặng cho người mẹ già và đứa em gái trong một căn phòng tồi tàn. Sau đám cưới, cả anh và cô đều đưa ra những giải pháp tích cực để thay đổi cuộc sống hiện tại “ Chồng làm phần chồng, vợ làm phần vợ. Cuộc sống chung thì góp sức lại sẻ chia, bình đẳng nam nữ, như thế giới từ lâu người ta đã vậy”. Anh chỉ tìm được một công việc làm tạm chẳng động chạm gì đến tí chuyên môn nào đó là trông coi một của hang internet rồi kiêm luôn cả nhiệm vụ trông xe, giữ xe. Vợ anh ngày càng có những chuyến công tác dài hơn. Sau mỗi ngày làm việc mỗi người lại trở về với tâm trạng chán nản hơn. Vợ chồng chẳng còn thời gian để tâm sự, chia sẻ. Cái gánh nặng cuộc sống hàng ngày cũng đã đẩy hạnh phúc gia đình của anh ngày càng đến chỗ mong manh hơn và tan vỡ nhanh hơn.
Đó còn là hiện thực trong cuộc mưu sinh, bươn trải của những con người phải dời bỏ quê hương nơi đất khách quê người. Gia đình chị gái và bố mẹ anh đã xuất cảnh sang Mỹ làm ăn kiếm sống. Trong mắt mọi người đó là cuộc sống ở một chân trời mơ ước mà biết bao nhiêu con người vẫn mơ mộng xuất cảnh. Nhưng thực tế cuộc sống ở nơi đó cũng chẳng sung sướng gì. Bà chị gái của anh phải bươn trải kiếm từng đồng tiền vất vả khó nhọc. Gia đình ông họa sĩ bán cửa nhà rồi cả gia đình dắt díu nhau đi. Thế nhưng chẳng bao lâu ông họa sĩ trở về với tâm trạng chán nản. Cuộc sống mưu sinh đã cuốn con người ta đi, cuốn theo những tình cảm giản dị đời thường của mỗi con người. Mấy đứa trẻ con ông mỗi đứa một việc chúng nó chẳng có thời gian để nói chuyện, nhìn mặt ba mẹ. Vợ ông giờ đây phải gánh trên vai gánh nặng kinh tế của cả gia đình nên phải bươn trải, phải chạy vạy.
Nhưng có lẽ ám ảnh hơn cả đó chính là hiện thực về số phận con người. Anh là một người sống rất cô đơn. Những người thân trong gia đình của anh đều xuất cảnh, chỉ còn lại một mình anh sống trong căn nhà do ba mẹ để lại. Người bạn tâm giao duy nhất của anh lúc này chính là ông họa sĩ. Anh rất chân thành tìm kiếm tình yêu. Trong một cuộc phỏng vấn anh làm quen với cô bảo hiểm và thể hiện được sự tự tin trước mặt cô. Sau đó anh mong chờ mòn mỏi một cuộc gọi, một tin nhắn của cô nhưng không thấy. Sau đó anh nhận được tin nhắn của cô, cùng nhau đi chơi, cùng nhau đi chơi biển nhưng cô ại đột nghiên đòi về. Cô lại bặt tăm. Anh chạy theo cô như một cuộc chơi ú tim. Cô cứ bất chợt đến rồi lại đi mất hút. Lần thứ ba gặp anh, Cô đề nghị hai người chỉ là bạn, anh hụt hẫng. Và cô lại mất tích trong cuộc tìm kiếm của anh. Anh gặp cô gái ở lớp học tiếng anh, một cô gái có vẻ ngoài sành điệu, xinh đẹp, nói tiếng Anh trôi chảy, lưu loát hơn anh rất nhiều. Lại mong chờ, đón đợi để được làm quen, Anh mua tặng cô bộ CD để nghe học tiếng Anh. Một lần không tiện về nhà, anh chở cô về nhà mình. Anh nghĩ đây là dịp thuận tiện để bày tỏ lòng mình. Thế nhưng buổi sáng hôm sau thức dậy cô đã bỏ đi kèm một lá thư chia tay cùng lời chúc hạnh phúc gửi đến anh. Cô nghĩ tấm hình của cô gái bảo hiểm trong máy Anh là vợ của Anh. Anh gặp lại cô bán bảo hiểm. Hai người kết hôn sau đó không lâu. Trước ngày cưới cô đã bỏ đi chơi cùng bạn, Anh giận điên người nhưng vẫn nhẫn nhịn để rồi một đám cưới vui vẻ tràn ngập niềm tin và hi vọng diễn ra. Nhưng thực tại héo hắt lại diễn ra, số tiền bà chị gửi lo liệu đám cưới, còn lại anh lại phải dồn hết vào tiền viện phí cho người bạn bị tai nạn trong đám cưới của anh. Tuần trăng mật của anh diễn ra rệu rã, tẻ nhạt trong một căn nhà trọ nghèo ven biển. Thế rồi cuộc sống vợ chồng anh cũng chẳng có gì khởi sắc khi gánh nặng vật chất cho cuộc sống tương lai bắt đầu đè lên. Vợ anh với những chuyến công tác dày hơn, và nhiều đêm cô không về nhà. Có gì đí bí mật ở cô mà Anh không biết. Bao cố gắng níu kéo cô, níu kéo hạnh phúc gia đình của anh ngày càng trở nên vô vọng để rồi một ngày anh và cô phải đối mặt nhau quyết liệt trước một sự thật nghiệt ngã. Cô là một con người thuộc thế giới khác, cô đã quyết định ra đi trong tan vỡ phũ phàng. Đến lúc này anh nhận ra “…sự sống đang trôi ra khỏi mình, chầm chậm, như những giọt máu đang kiệt dần trong huyết quản. Những giờ dài không uống, không ăn, nối nhau tan lìm lịm”. Trong sự đổ vỡ hạnh phúc, anh cũng cay đắng chiêm nghiệm ra số phận con người, hạnh phúc con người thật như một thứ gì đó mong manh, khó nắm bắt: “Hai lá thư để lại. Hai người con gái. Hai cung cách biến mất vô dấu tích, ngay cả số điện thoại của họ anh cũng không còn. Hai phiên bản chồng lên nhau, tạo nên một độ mờ nhòe khiến cả hai càng gần với ảo giác”. Và cả anh nữa, tất cả đều là một phiên bản những con người cô đơn, dở dang, vô vọng “ Tất cả đều lạc nẻo, càng cố trở về, càng trôi xa hút, càng cố kiếm tìm, càng hoài công mệt mỏi”. Sự tan vỡ ấy, sự lạc nẻo ấy xuất phát từ độ vênh lệch trong ý thức, trong hành trình đi tìm kiếm những mục đích, những chân trời khác nhau của mỗi con người khác nhau. Anh là người cô đơn, khát khao tìm kiếm hạnh phúc, tìm đến cô để có người chia sẻ, để thay đổi cuộc đời mình. Cô gài học Anh văn tìm đến anh vì ngỡ anh là người sắp xuất cảnh, muốn nương vào anh để tìm cơ hội thoát nghèo. Cô bảo hiểm kết hôn với anh, cũng như anh kết hôn với cô trong sự vun vén, mong mỏi của hai gia đình. Nhưng hạnh phúc gia đình giữa Anh và Cô lại không hề có. Khi không thể che giấu được con người thật của mình, cô đã lặng lẽ ra đi dù Anh thiết tha mong muốn được sống với cô như bạn.
CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN DANH LAM

Với niềm đam mê sáng tạo và sự mạnh dạn thể nghiệm, Nguyễn Danh Lam đã không chọn cho mình một lối đi bằng phẳng, đơn giản một chiều mà thử thách ngòi bút của mình bằng con đường đi đầy chông gai thử thách. Trên con đường giải mã về thế gới nhân vật, Nguyễn Danh Lam cũng quan tâm đến sự tha hóa của con người và thân phận con người trong cuộc sống hôm nay. Qua cách nhìn, cách khám phá về con người, nhà văn đã thể hiện và khẳng định được bản lĩnh của một cây bút trẻ nhiều tài năng qua những quan niệm sâu sắc, mới mẻ về con người.
Con người tha hóa – biến dạng
Giữa dòng chảy lạc đi sâu vào khai thác sự tha hóa của lớp trẻ sống trong xã hội hiện đại qua nhân vật Anh, cô bảo hiểm, cô lớp học tiếng anh…Nhân vật chính của tác phẩm là Anh. Trong mắt mọi người Anh là một con người may mắn: có căn nhà để chui ra chui vào, có ba mẹ và người chị gái đang xuất cảnh ở bên nước ngoài. Mặc dù thất nghiệp nhưng Anh vẫn được chu cấp cho cuộc sống hàng ngày. Anh có trình độ, có bằng cấp nhưng lại không tìm được một công việc phù hợp mà phải sống bám, sống dựa dẫm vào gia đình. Thế nhưng che dấu sau vẻ ngạo nghễ, tự tin của Anh là một con người “vốn đầy mặc cảm sau vẻ bề ngoài cố tạo ra vẻ ngạo nghễ”. Với anh cuộc sống càng ngày càng trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Anh sống ì ạch, không có ý phấn đấu, cái gì với anh cũng nhàn nhạt được cũng không vui mà mất cũng không tiếc. Thói ỷ lại, dựa dẫm đã ăn sâu vào con người Anh. Không phải anh không muốn thay đổi, không phải anh không nhận thức ra điều đó nhưng anh đã mất khả năng đứng lên bằng đôi chân của mình. Anh đang ngày càng để số phận trôi xa khỏi tầm với của mình. Nguyên nhân số phận Anh đã được ông họa sĩ lý giải: “Phần mày, vấn đề nằm ở chỗ, mày quen nhận sự bao cấp của bà chị mày rồi. Cứ sống mãi như vậy, đến một hôm mày đánh mất kĩ năng để vươn ra thế giới quanh mình”[346]. Một lần khác ông lại nói rõ hơn: “Cứ sống mãi bằng sự bao cấp, chẳng làm gì cả, rồi sau này muốn làm cũng chẳng làm nổi nữa đâu”, “Cái thói ỷ lại, tủi thân con nít đã ăn vào máu”[151]. Ông anh rể thì đốp thẳng vào mặt Anh: “Đàn ông con trai mà không có việc làm là hỏng”, “Mày đừng tự ái, tao không chửi mày đâu, anh em trong nhà mà. Nhưng tao muốn cho mày cái cần câu, chứ không cho mày con cá”, “…mày cứ chơi hoài, đến lúc muốn chơi cũng chẳng có tiền mà chơi”[94]. Nhân vật Anh chính là con người bị tha hóa trong lối sống dựa dẫm, sống ỷ lại, sống không có động lực, không có mục đích. Lối sống ấy là một lối sống đang ngày càng phổ biến của một lớp trẻ hiện đại.
Nhìn rộng ra các quan hệ xã hội, Nguyễn Danh Lam còn cho chúng ta thấy một lớp trẻ sống vật vờ, thực dụng. Cô bảo hiểm đã khai thác Anh để đi chơi biển rồi lấy Anh cũng chỉ là để che giấu hành vi đồng tính nữ. Anh đến với cô bằng cả tấm chân tình thế nhưng ngay trước ngày cưới, cô đã bỏ anh đi chơi cùng người tình. Cuộc sống hôn nhân chưa được bao lâu, cô lại một lần nữa phản bội Anh khi quay lại với với người tình đồng tính và để lại cho Anh một nỗi đau đớn tột cùng. Còn cô Anh văn tiếp cận Anh, muốn lấy Anh vì nghĩ Anh sắp xuất cảnh và sẽ đem cô đi theo, sẽ giúp cô thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ hiện tại. Cô dong dỏng và cô lùn trong cái cơ quan quái gở mà Anh được vợ ông họa sĩ giới thiệu vào làm trở thành chuẩn mực đo tửu lượng của nhân viên nam cho đến khi họ bị đánh gục. Lại còn có những con người sống ỷ lại, chỉ thích ăn nhậu và ngủ, có người đến cơ quan làm chỉ để mượn cái danh. Ông họa sĩ khi sang bên kia, ông bị vợ con đặt sang bên lề, bị bạn bè hắt hủi đã trở về với một tâm trạng đổ vỡ không gì có thể cứ vãn.
Mỗi con người, mỗi nhân vật đều tha hóa theo một dạng khác nhau. Có con người bị tha hóa vì hoàn cảnh, vì sự không tương thích với cuộc sống nhưng cũng có con người sinh ra đã mất đi bóng dáng của con người. Qua những con người ấy nhà văn đã chỉ ra sự trượt dốc, tha hóa của con người trong xã hội hiện đại. Con người ngày càng đánh mất linh hồn, đánh mất tính người và đang trượt dốc trở thành sinh vật. Qua hình ảnh con người tha hóa, Nguyễn Danh Lam đã cho chúng ta thấy trong cuộc sống này con người là những sinh vật nhỏ nhoi, yếu ớt, dễ sa ngã, dễ đánh mất mình trước những cám dỗ vật chất tầm thường, trước sự thử thách của cuộc sống.
Con người cô đơn
Ở Nguyễn Danh Lam, con người cô đơn hiện lên, có người là do sự tác động của hoàn cảnh, có người là tự cô đơn, bị cô đơn. Các tiểu thuyết của anh là sự lắp ghép của những số phận, những mảnh đời không trọn vẹn với nhau.
Hình ảnh những con người trong xã hội hiện đại cô đơn không lối thoát trong Giữa dòng chảy lạc gợi lên cho chúng ta bao điều phải suy ngẫm. Những nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối tiểu thuyết đều vô danh. Họ chỉ là những “anh”, “cô”, “cô gái ở lớp ngoại ngữ”, “vợ ông họa sĩ”, “bà chị gái”, “ông anh rể”, ông chủ quán”…Những bà, những cô, những ông anh, những hắn, những gã thêm vào sau đó những cụm từ chỉ nghề nghiệp, công việc hoặc quan hệ. Những con người đơn độc không có cả một cái tên đúng nghĩa mà nó chỉ là những kí hiệu đại diện cho một con người và gắn chặt với con người ấy cho đến hết cuộc đời. Những con người không tên ấy cảm thấy lạc lõng trước cuộc đời, luôn mang trong mình những thương tổn về mặt tinh thần. Đó là bước khỏi đầu cho nỗi cô đơn và sự biến mất của họ khỏi thế giới loài người. Nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết là Anh. Anh là một người đàn ông trưởng thành, có học thức và có gia đình là bố mẹ và chị gái đang định cư ở Mỹ. Thế nhưng ẩn sau cái vỏ bọc có vẻ may măn ấy lại là một thân phận tồi tàn, nhếch nhác. Tiền không, công việc làm ăn không, yếu đuối, bạc nhược về tinh thần lẫn thể chất, chỉ biết ăn bám, sống dựa dẫm cuả người chị và sự tốt bụng của ông họa sĩ. Xung quanh Anh không người thân thích, không bạn bè, không yêu đương. hàng ngày Anh chỉ biết vùi đầu vài mấy chai bia, vào những đĩa phim không đầu không cuối, và sống vất vưởng như con mèo già trong chính ngôi nhà Anh. Ngày này nối tiếp ngày khác, Anh cứ sống như một cái bóng giữa cuộc sống nhộn nhịp. Anh không xác định được vị trí, chỗ đứng và ý nghĩa của mình trong cuộc đời này chính vì vậy từ đầu đến cuối tác phẩm, những câu hỏi về hiện sinh luôn được đặt ra đối với anh “Câu hỏi thường trực trong đầu, tại sao mình lại ở đây, trong một thế giới mênh mông đầy xa lạ…Chẳng nơi đâu là nhà, chẳng nơi đâu là quê hương?”. Đến với cô bảo hiểm bằng một tình cảm chân thành, Anh mong muốn có một người chia sẻ thê nhưng với cô hiện nên cũng chỉ là một bức tường xa lạ, càng làm cho Anh cảm thấy cô đơn hơn “Điên loạn, vô lối, nhưng không sao vùng thoát ra được. Sống hoài trong cái cối xay này, anh khủng hoảng, thèm có những lúc đi xa, thư giãn. Nhưng khi quay về mức độ căng thẳng, chán chường càng tăng thêm gấp bội. Cảm giác trong anh lúc này là thế. Ngay cả cô đang ngồi sau lưng, anh cũng chẳng biết thuộc về phía nào?”. Căn nhà trống không khi còn mèo già – dấu hiệu của sự sống tồn tại với anh trong căn nhà đã chết để lại cho anh “một nỗi buồn mất mát chưa từng nếm trải”. “Anh ngồi phịch xuống sàn nhà. Lòng trống trải mênh mông. Vậy là cái bóng dáng sinh thể cuối cùng bên anh giờ đây đã mất”. Anh mở điện thoại, quyết định dùng cô làm hình nền đơn giản chỉ là “Cài vu vơ cho có một bóng dáng con người”. Sống giữa xã hội đông đúc của loài người vậy mà Anh lại thiếu vắng và thèm khát sự hiện diện của con người. Phải chăng đó là sự phi lí của con người trong xã hội hiện đại. Đi bất cứ đâu, bất cứ nơi nào anh cũng đều cảm thấy mình là một kẻ lạc lõng, một người thừa, không tìm thấy lối thoát, không tìm thấy đường ra trong sự bủa vây của cuộc sống. Ông họa sĩ là một người bạn và cũng là một người thân duy nhất của anh trên mảnh đất này quyết định ra đi để lại trong lòng anh một sự hao hẫng không cùng “Anh thấy mình như một kẻ vừa bị hất ra hè phố, vô nghĩa hơn cả một cọng rác để bà quét đường ban cho một sự chú ý nhất định”. Cô ở lớp tiếng Anh đến với anh cũng như một cái bóng thoáng qua rồi biến mất để lại trong anh bao hụt hẫng, tiếc nuối.Cưới cô bảo hiểm, những tưởng cuộc đời anh sẽ bước sang một trang mới với hạnh phúc gia đình nhỏ bé của riêng mình nhưng cái mà anh nhận được vẫn không là gì khác ngoài sự trống trải cô đơn. Đi hưởng trăng mật với vợ, anh ngồi một mình ở bãi biển và tự hỏi “Sao mình lại ngồi đây”. Cuộc sống giữa anh và cô ngày càng rơi vào bế tắc khi hai người dần mất đi sự chia sẻ, dần mất đi điểm tựa về nhau. Sống chung trong một mái nhà nhưng hai người dần trở nen xa lạ. Là vợ của anh nhưng với anh, cô như một bức tường bí mật đầy ngăn cách mà anh không thê hiểu hết được. Đến bên cô bằng một tình yêu đầy bao dung và chân thành nhưng anh không vẫn không thể xóa được sự ngăn cách ấy và để cuối cùng cái nhận được vẫn là hai con người đi hai ngả đường khác nhau. Một cuộc hôn nhân đến chóng vánh rồi cũng kết thúc đầy bất ngờ và chóng vánh. Trên đường đưa gia đình ra sân bay, anh cũng tự hỏi “không biết mình đang đi đâu, tại sao lại đi”. Đến chỗ làm việc, anh cũng tự hỏi “còn ở nơi này, anh có chỗ của mình không”.Những câu hỏi đó là những lời chất vấn từ sâu thẳm của một con người cô đơn không tìm được lời giải đáp. Hai cô gái mà anh miệt mài tìm kiếm cuối cùng cũng bỏ anh đi không còn tăm tích, đẩy anh vào những tháng ngày “mang tâm trạng cận kề hư vô”. Người bạn bị tai nạn trong đám cưới anh sau những ngày sống thực vật cũng đã chết “Hình vóc đang phân hủy từng giờ của gã bạn ám ảnh anh suốt nhiều ngày sau đó”. Anh lâm vào nỗi hoảng sợ vô cớ bởi những ám ảnh bên trong. Ông họa sĩ – người bạn tâm giao duy nhất của anh chết, anh thực sự mất đi điểm tựa tinh thần và thực sự rơi vào trạng thái sống của hai cõi thực ảo lẫn lộn. Một con người cô đơn mới liên tục đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại “Chúng ta từ đâu đến, chúng ta là ai, chúng ta về đâu”. Đi đến hết cuốn tiểu thuyết, nhân vật anh chỉ còn lại một mình lạc lõng giữa dòng chảy của cuộc đời, không người thân, không bạn bè, không gia đình…Anh chiêm nghiệm ra một điều “Ai cũng có chỗ của mình. Nhất là những ai biết chấp nhận và không băn khoăn gì về nó. Nỗi buồn – niềm vui, khổ đau – hạnh phúc… lần lượt trôi qua với tất cả mọi người, chỉ riêng anh hình như không ở trong dòng chảy ấy”. Anh thực sự lạc lõng giữa dòng chảy của cuộc đời này. Và phía trước cuộc đời anh cũng sẽ là những ngày tháng cô đơn đằng đẵng “Một gã tâm thần đơn độc với tuổi già phía trước. Đúng, thật sự đó là tuổi già. Anh đã già ngay trong khi còn trẻ. Già so với mọi thứ đang ầm ầm lao tới đây. Mà có lẽ tuổi già còn tồi tệ hơn cả cái chết. Nhất là khi người ta nghĩ, mình phải già mà không được chết”. Anh không chỉ cô đơn mà còn phải chấp nhận sự sống, chấp nhận cuộc đời như một sự sắp đặt mà không có cách nào để trốn chạy hay để thay đổi nó mà chỉ còn một cách là tồn tại trong sự hư vô trôi dạt. Kết thúc câu chuyện của anh là dòng chữ “No country for old men” – một nhan đề của bộ phim đã gợi lên bao dư ba sâu lắng trong lòng độc giả về thân phận con người trong xã hội hiện đại.
Sự cô đơn không chỉ bủa vây lấy anh mà còn bóp nghẹt cuộc sống của tất cả những con người trong thế giới của “dòng chảy lạc”. Cô bảo hiểm là một cô gái xinh đẹp, thông minh, hiện đại thế nhưng cô lại rơi vào một bi kịch không thể chia sẻ đó là không được sống là chính mình. Bản thân cô là một con người lạc lối, lạc lối bởi sự cô đơn nhưng sự lạc lối của cô càng ngày càng lấn sâu mà cô không có cách nào để thoát ra được. Thời học phổ thông cô từng quen một gã. Cô coi gã như thần tượng và đặt cả cuộc đời mình vào đó nhưng mối tình ấy đã để lại một kết cục đáng buồn trong cô “Nó khiến em vô cùng thất vọng, thấy mình nhầm lẫn và em căm thù”. Và rồi trong những ngày cô đơn, khủng hoảng ấy cô đã đến với một người bạn gái và “Cùng sự gần gũi, chia sẻ của cô ấy…Em không còn biết mình là ai nữa”. Cứ thế cô ngày càng trượt dài trên một con đường khác, một con đường mà không dễ gì đẻ người khác có thể chấp nhận. Bất chấp sự phản đối của gia đình, cô lao theo mối tình đồng tính để một ngày không còn nhận ra mình là ai. Nhiều lần cô và cả người tinh đồng tính của cô muốn cô quay lại, muốn cô quay về tìm lại con người ngày xưa của mình, nhưng bản thân cô cũng chẳng biết “đâu mới là con người thực của mình”. Nhận ra con đường mình đi là lạc lối nhưng cô không có cách nào để thoát khỏi nó. Cô là một con người cô đơn đến tuyệt vọng. Đã có lúc cô bế tác muốn tìm cách kết thúc cho cuộc sống của mình bằng cái chết. Trong cuộc đối thoại giữa cô và anh khi anh mời cô về nhà chơi, chúng ta có thể thấy rõ nỗi bế tắc, tuyệt vọng đến cùng cực trong con người cô “Em đã từng lên mạng, gõ tìm thử cụm từ “cách tự tử”. Nỗi cô đơn với là cô đơn không thể sẻ chia. Và theo cô còn muốn sẻ chia tức là còn ham sống còn cô không còn cảm giác muốn sẻ chia tức là sự cô đơn đã đẩy cô đến tuyệt vọng, đến cùng đường. Những ngày sống trong nước mắt, sống trong bế tắc cũng chính là những ngày cô cô đơn và đau đớn đến tột độ. Câu nói của cô nghe đầy xót xa của một con người bơ vơ không có một điểm tựa “Em là người không có quê hương”. Quê hương là nơi người ta sinh ra và lớn lên, là nơi người ta trở về sau những phút ồn ã của cuộc sống để nghỉ ngơi, được là chính mình trong cái thân quen của mình. Nhưng cô không tìm được nơi đó. Đến với anh không phải bởi tình yêu mà cô chỉ muốn mượn anh như một cái bóng để núp đi thân phận thật của mình và cũng có chút mong manh tìm lại con người thật của mình. Thế nhưng những ngày sống với anh cũng là những ngày cô phải đối diện với bao khó khăn của cuộc sống mới. Tình cảm giữa anh và cô chưa xây dựng được bao nhiêu thì lại bị bao khó khăn của cuộc sống cuốn đi. Sống chung trong một mái nhà nhưng cô và anh ngày càng trở nên lạc nẻo, cô đơn và xa lạ với nhau. Chính điều đó đã đẩy cuộc hôn nhân của cô và anh đến bờ tan vỡ. Thú nhận tất cả với anh và quyết định ra đi dù anh muốn sống với cô như hai người bạn. Đến với anh không phải xuất phát bằng tình yêu nhưng trong cô vẫn mang niềm hi vọng để tìm lại cuộc đời thế nhưng trong cuộc hôn nhân ấy, anh đã không thể giúp cô tìm lại bản năng của một người phụ nữ mà còn đẩy cô đi xa hơn. Tự trong sâu thẳm anh không trách cô mà lại thương cô hơn. Quyết định ra đi nhưng rồi cô sẽ đi về đâu, cái lạc thể chênh chao giữa dòng đời không điểm tựa ấy. Còn cô ở lớp học tiếng Anh, ẩn đằng sau bề ngoài của một cô gái thời thương hiện đại là một con người cô đơn đến đáng thương. Cô đến lớp học ngoại ngữ mong gặp được một người sắp xuất cảnh rồi mang cô đi theo. Cô có gia đình nhưng cái gia đình ấy đối với cô chẳng khác nào địa ngục trần gian. Tối tối, sau mỗi ca học, cô lại tìm đến những người bạn để xin tá túc, xin ngủ nhờ qua đêm. Nhưng rồi nhờ vả mãi người ta cũng chán, những hôm không còn chốn nào để đi cô mới quyết định trở về cái nơi gọi là gia đình, nơi mà cô chỉ toàn nghe thấy những tiếng chửi bới, cãi cọ vì tiền, về cái nơi ấy là cô bị soi mói, xúc phạm thậm chí có thể lĩnh những trận đòn vô cớ từ những ông anh. Đến với anh cũng với mong muốn tìm cơ hội thoát khỏi cái cuộc sống ngột ngạt bế tắc ấy nhưng cô lại vô tình nhìn tấm hình nền điện thoại của anh. Cô nghĩ rằng anh đã có vợ nên đã bỏ đi không một lời tạm biệt, không một dấu vết để lại. Ông họa sĩ là người rất hiểu đời, rất ưu thời mẫn thế nhưng sống trong cuộc sống này ông lại là kẻ sinh bất phùng thời, không tìm thấy điểm tựa. Sống ở quê hương, ông cũng đã cảm nhận được sự lạc thời của thế hệ những người như ông và anh “Suy cho cùng tao và mày cùng một thế hệ. Giống y như nhau, nửa nạc, nửa mỡ. Mày được lập trình phân nửa cho cái này, phân nửa cho cái kia. Rốt cuộc là chẳng thích ứng với cái nào cả”. Ông cũng đưa ra những ra những chiêm nghiệm, những nhận định cho cuộc sống hiện tại “Bây giờ cái gì cũng lao đi vùn vụt”. Trong cái xã hội ấy ông đã thấy rõ sự lạc lõng của những người như ông, như anh. Cả đời sáng tác ông mới mở một cuộc triển lãm nhưng lại bị người ta phá. Triển lãm không thành, với ông như vậy là đã hết, ông chẳng còn gì để luyến tiếc. Ông quyết định xuất cảnh, bỏ lại mảnh đất mà ông đã gắn bó gần hết cuộc đời. Chỉ có mấy ngày mà người ông sọp đi và như già thêm mấy chục tuổi. Thực tâm ông không muốn xa quê hương nhưng vì tương lai của bọn trẻ, ông đành quyết định đi. Ra đi trong sự day dứt, luyến tiếc bởi hơn ai hết, ông họa sĩ là một người rất hiểu cuộc đời này và ông cũng hiểu mảnh đất bên kia là một nơi xa lạ chứa đầy khó khăn chứ không phải là một miền đất hứa. Cả cuộc đời ông đã gắn liền với quê hương, với hội họa, tâm huyết ông đã dồn cả vào nó. Ra đi chính là ông đã quyết định bỏ lại linh hồn mình. Những tưởng ra đi là khép lại cuộc đời phía sau và chấp nhận với một cuộc sống khác nhưng cuối cùng ông họa sĩ vẫn phải trở về quê hương trong một tâm trạng cô đơn đến tuyệt vọng. Sống ở nơi đất khách quê người mọi giá trị cứ dần bị vỡ vụn ra kể cả tình cảm gia đình. Vợ ông vì cuộc sống cũng phải lao theo sự bươn trải, hai đứa con ông đang tuổi ăn, tuổi lớn, chúng cũng có cuộc sống riêng. Trong gia đình, bố mẹ con cái chả có mấy lúc nhìn mặt nhau. Sống ở trời tây, ông càng cảm thấy cô đơn và xa lạ hơn “Không chốn nương thân cho cuộc sống, cho nghề nghiệp, cho niềm đam mê của mình. Tao chẳng còn tâm trí để tiếp tục cầm lên cây cọ. Vậy thì hà cớ gì tao phải lang thang ở chốn này cơ chứ!? Cách này, cách khác cứ đẩy mình vào ngõ cụt”. Không sống nổi trong sự cô đơn và bất lực ở nước ngoài, ông đã trở về Việt Nam với những trải nghiệm được rút từ trong gan ruột. Ông trở về trong một tâm trạng kiệt quệ và sống như một người thừa trên quê hương mình. Ông không còn được là ông của ngày xưa nữa. Cuộc đời ông họa sĩ là một chuỗi những dang dở giữa tài năng và nghệ thuật, giữa gia đình và con cái, giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa tâm nguyện và sự nghiệp. Sự dang dở ấy chính là khởi nguồn cho nỗi cô đơn, của bi kịch và cái chết của ông. Và cái chết đến với ông như một điều tất yếu với một người nghệ sĩ không tìm được chỗ đứng cho mình ngay cả trong ba môi trường: gia đình, nghệ thuật và xã hội.
Tất cả những con người trong giữa dòng chảy lạc dường như không ai thoát khỏi sự bủa vây của nỗi cô đơn. Bà chị gái của anh bao nhiêu năm bươn trải vất vả ở nơi đất khách quê người kiếm từng đồng tiền vất vả nhưng vẫn hết lòng yêu thương, bao bọc em. Cuộc hôn nhân giữa bà và ông anh rể cũng là do mai mối chứ không phải xuất phát từ tình yêu. Sống chung với một người chồng đầy tính gia trưởng và luôn sẵn sàn phản bội mình khi có cơ hội nhưng chị vẫn nhẫn nhịn, chịu đựng để có một gia đình trong ấm ngoài êm. Bố mẹ anh xuất cảnh sang sống cùng với anh rể và chị gái cũng được nhiều năm thế nhưng sống ở đó họ vẫn mãi là những con người lạc lõng không hội nhập được với nền văn hóa ấy. Hai ông bà “Suốt ngày con cháu đi làm, luẩn quẩn với nhau đến đêm. Nói với nhau bằng tiếng mẹ đẻ còn ít, huống hồ tiếng người ta. Qua bao năm mới chỉ lõm bõm vài câu. Cứ thò mặt ra đến đường là ngại…”. Rồi những con người vô danh thoáng cô như cô tiếp viên ở quán rượu. Một cô gái có cái vẻ ngoài lả lơi suồng sã trong quán bia nhưng bước ra khỏi chốn ồn ã ấy, cô cũng chỉ là một con người nhỏ bé trong cuộc sống rộng lớn mênh mông này. Bước đi cùng ông anh rể của anh để trở về quê trong dáng cô cũng giản dị, hồn nhiên như lần đầu tiên được đi du lịch cùng bạn trai. Rồi bà mẹ của người bạn bị tai nạn trong đám cưới của anh, dù đã già đã yếu, nhưng vì tình thương con nên cái bản năng của người mẹ lại trỗi dậy một cách mãnh liệt “Trước đây mẹ tôi lẫn lắm, nhưng chẳng biết sao từ ngày anh đổ xuống, cụ lại mạnh lên. Cụ làm tất cả như cái máy. Có lẽ là nhờ thương ảnh quá” [329].
Mỗi con người có một nẻo cô đơn, cô đơn như mọt định mệnh của con người khi được sinh ra và được sống trong cái xã hội mà con người không năm bắt kịp, không tìm thấy sự tương thích. Mọi nẻo đường con người đến đều không thoát khỏi sự bủa vây của nỗi cô đơn. Viết về con người cô đơn cũng thể hiện được cảm hứng nhân văn sâu sắc của nhà văn. Đó cũng là những quan sát những chiêm nghiệm của nhà văn trước cuộc đời và con người. Nguyễn Danh Lam đã hào nhập vào với cảm quan chung của văn chương đương đại và đã tạo được cái nhìn, cái cảm quan riêng của một nhà văn có trách nhiệm với cuộc sống này.
NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT “GIỮA DÒNG CHẢY LẠC”
Kết cấu tiểu thuyết hiện thực – huyền ảo
Yếu tố huyền ảo thường ẩn chứa trong đó sự kì bí. Bắt đầu từ yếu tố kì ảo, nội dung tác phẩm phát triển, xoay quanh nó tạo nên một thế giới hình tượng hỗn loạn, kì quái, tăm tối. Yếu tố huyền thoại như một bầu không khí bao trùm lên tác phẩm, tạo nên một hiện thực thứ hai trong tác phẩm. Hai thế giới này vừa bổ sung cho nhau tạo nên một thế giới hiện thực riêng trong sáng tác của nhà văn.
Cuốn tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc được xem là cuốn sách gần với đời thực hơn cả. Tuy nhiên trong cuốn tiểu thuyết này, yếu tố huyền thoại vẫn được nhà văn khai thác, sử dụng để làm toát lên sâu sắc hơn cái hiện sinh về kiếp người hư vô. Cuốn tiểu thuyết đã đi sâu vào phản ánh cuộc sống, số phận của những con người không hội nhập được với cuộc sống đang cuồn cuộn chảy. Trong chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, Nguyễn Danh Lam đã để cho nhân vật Anh đối ẩm với hũ tro của ông họa sĩ như thể ông đang sống, đang chia sẻ những chiêm nghiệm hiện sinh: “Vậy thì với ông, trước mặt anh phút này đây, có ý nghĩa gì với sự phân chia tồn tại với hư vô. Anh thực sự thấy ông đang ngồi đó, cũng như đương nhiên rằng ông đã chết. Hai cõi thực và ảo trộn hòa”. Cuộc đối thoại giữa anh và linh hồn ông họa sĩ đã làm toát lên tư tưởng của tác giả:
- Sao anh đi mà không báo với em một tiếng?
- Tao đã đi đâu, vẫn đang ngồi trước mặt mày đó thôi
- Có thật thế không anh? Em đang tỉnh hay mơ?
- Mày đừng bắt tao triết lí nữa. Nào mình cùng uống.
- Chị đang về đó anh ạ. Chị về đón anh đi!
- Tao chẳng đi đâu cả! Mày đem tao ra cái chỗ hôm rồi ngồi nhậu. Tao thích chỗ đó! Mày nhớ cái kè đá chứ?
- Để làm gì hả anh?
- Hãy cho tao xuống dòng sông…
Ở đây, nhân vật ông họa sĩ hiện về sau khi đã chết nhưng đó lại không phải là đối thoại trong cõi chết mà là đối thoại ngay trong cõi hiện sinh với một tâm thế an nhiên thường hằng tĩnh tại. Với việc sử dụng yếu tố huyền thoại, Nguyễn Danh Lam đã xâm nhập vào bản thể của tồn tại một cách sâu sắc.
Kết cấu lắp ghép ẩn dụ và biểu tượng
Bằng sự lắp ghép kết cấu bằng các biểu tượng, Nguyễn Danh Lam đã dẫn dụ người đọc vào một thế giới đầy kì lạ và phi lí nhưng ẩn dưới những lớp chữ dày đặc những biểu tượng nhà văn đã ít nhiều gợi cho chúng ta những suy nghĩ về cuộc nhân sinh.
Đến cuốn tiểu thuyết giữa dòng chảy lạc chúng ta gặp một biểu tượng quen thuộc: biểu tượng dòng sông. Dòng sông ấy gắn với sự trở về và cái chết của ông họa sĩ. Dời bỏ quê hương đến một chân trời xa lạ, ông họa sĩ trở về với một tâm trạng cô đơn, chán chường. Dường như trong tâm hồn ông đã trở thành một sự đổ vỡ không thể cứu vãn. Tìm đến cái chết là một có lẽ là điều tất yếu đối với ông. Ông chết trên dòng sông và khi đã hóa thành tro bụi cũng vẫn muốn hóa thân vào dòng sông. Mong muốn của ông họa sĩ được bộc lộ trong cuộc đối ẩm không rõ thực hư giữa ông và anh “Hãy cho tao xuống dòng sông… Mày hãy đưa tao đi khi nào thấy lòng thật bình an, đừng nghĩ đến chia li hay ngậm ngùi gì cả”. Kiếp người như một dòng sông và trở về với dòng sông cũng là sự trở về với cõi an nhiên thường hằng, trở về với nơi kết thúc của số phận. Ông họa sĩ nói với anh: “Cho tao xuống sông đi, bức bối lắm rồi. Ở trong cái hũ này thiệt chẳng khác gì tình cảnh dở sống dở chết! Cả đời tao đã phải tồn tại như thế rồi. Chỉ khi được tan ra trọn vẹn, tao mới mong có được sự yên ổn”. Dòng sông chính là nơi con người ta tìm được sự tĩnh tại, tụ do. Và trở về dòng sông cũng chính là con người đang tìm đường đến biển lớn. Cuộc đời này là cõi nhân sinh chật hẹp
KẾT LUẬN
Trong số những cây bút trẻ của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Nguyễn Danh Lam là một cái tên gây được khá nhiều sự chú ý, quan tâm của bạn đọc. Không chỉ chứng tỏ mình ở sức viết mà anh còn khẳng định mình qua những nỗ lực cách tân tìm tòi để đối mới tiểu thuyết. Trên văn đàn văn học Việt Nam đương đại, Nguyễn Danh Lam đã có những cố gắng, nỗ lực, tìm tòi sáng tạo không mệt mỏi cùng với cảm quan mới về hiện thực và con người, bắt đúng dòng mạch đổi mới văn học. Nguyễn Danh Lam đã có những thể nghiệm độc đáo và gặt hái được nhiều thành công trên cả hai phương diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật và cuốn “Giữ dòng chảy lạc” được cho là thành công hơn cả.
Thảo Nguyễn
Xem thêm:
Đọc văn Nguyễn Danh Lam phải thật sự kiên nhẫn, anh không dẫn người đọc đi tìm hiểu cốt truyện mà đang cố đánh lừa ng đọc vào mê cung, mê cung của cuộc đời, từ nhưng câu chuyện hiện sinh trong tiểu thuyết mà khơi nguồn cho ng đọc tìm kiếm những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Rất đáng đọc.
Mình thường đọc các tác giả trẻ nên khi được cho mượn quyển sách này phải lâu sau đó mới giở ra đọc, vì bìa không mấy ấn tượng, tên tác giả với mình thì lạ hoắc, đọc mấy dòng đầu uể oải không muốn giở tiếp. Nhưng rồi một bữa lấy ra đọc lại, lúc đầu nghĩ thằng nhân vật chính sướng thật, không cần làm gì cũng có tiền nước ngoài gửi về, có nhà cửa, chỉ việc hưởng thụ thôi chứ mấy. Đọc tiếp thấy thằng này bê tha quá, lẽ ra điều kiện sống tốt như vậy thì là bàn đạp cho mình tiến lên chứ sao thấy lùi một mạch. Mình cứ giở tiếp, đọc tiếp, xem đời thằng này sẽ về đâu. Nhịp văn chậm rãi. Đọc cứ như bị xát muối từng chút, từng chút, cho đến khi gập sách lại là cảm giác đau đớn trong lồng ngực, là day dứt và ám ảnh, là những bài học đáng suy ngẫm. Rất đáng để đọc!