Trên thị trường sách hiện nay, những cuốn sách viết về hôn nhân và gia đình không ít. “Dị bản của mỗi nhà” được viết bởi nhà văn Nguyên Hương dù không nằm trong danh sách những cuốn nổi tiếng nhất về hôn nhân, gia đình nhưng 35 câu chuyện – 35 tình huống đời thường – được nhà văn Nguyên Hương kể lại thực sự rất đáng đọc và suy ngẫm.
Mỗi chúng ta, dù chưa muốn kết hôn hay sắp kết hôn, vừa mới cưới hay đã lập gia đình được một khoảng thời gian dài, có cuộc hôn nhân hạnh phúc hay đã từng trải qua những đổ vỡ, còn trẻ hay đã già, nam giới hay nữ giới… đều có thể tìm được những chỉ dẫn tâm hồn để hiểu mình, hiểu khái niệm “hôn nhân”, “gia đình” hơn, để được bình yên, để biết phải làm gì cho cuộc sống trở nên hạnh phúc, ý nghĩa…
Giải đáp thắc mắc về hôn nhân, gia đình từ bên trong người đọc
“Dị bản của mỗi nhà” được chia làm bốn phần:
Phần 1: Phiên bản người bạn đời
Phần 2: Phiên bản nhà chồng, nhà vợ
Phần 3: Phiên bản kẻ thứ ba
Phần 4: Phiên bản một mình
Mỗi phiên bản sẽ giải đáp cho ta nhiều thắc mắc liên quan đến hôn nhân, gia đình.
Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, những băn khoăn, thắc mắc về hôn nhân, gia đình, nếu tra google ta sẽ được đưa ra vô số những lời khuyên, lời giải đáp. Nhưng có lẽ, những lời khuyên, lời giải đáp ấy, dù nhiều bao nhiêu vẫn chưa đủ để tâm hồn ta được an yên. Đó chỉ là những lời khuyên, lời giải đáp của người ngoài cuộc.
Nhưng nếu đọc “Dị bản của mỗi nhà”, sẽ rất khác. Những câu chuyện trong “Dị bản của mỗi nhà” được kể rất giản dị, rất chân thật lại tác động mạnh mẽ vào tâm trí người đọc, giúp người đọc bừng ngộ, tự hiểu ra vấn đề của mình, tự biết nên nghĩ gì, làm gì và tâm hồn bỗng trở nên bình yên, thanh thản.
Chẳng hạn như câu chuyện: “Không muốn phải nói hối hận”. Một người vợ đang chờ gặp người chồng để bàn về việc phân chia con cái, tài sản trước khi ra tòa li dị. Người vợ vốn không có công ăn việc làm, chỉ ở nhà chăm sóc con cái, trông nom nhà cửa vì người chồng đi làm xa, đã lo sợ nếu phải ra đi với hai bàn tay trắng. Chị tìm hiểu kĩ các điều luật để chuẩn bị đấu lí với chồng, sao cho chị được lợi nhất trong việc phân chia tài sản, con cái. Chị cảm thấy bất an, bực tức khi giả định chồng buộc chị phải li dị mà không được chia tài sản hoặc không được quyền nuôi con… Nhưng người chồng đã không đến mà gửi email cho người vợ nói rằng mọi tài sản sẽ để lại cho chị nuôi con vì “của chồng công vợ”, vì anh đi làm xa không yên tâm khi con cái không có ai chăm sóc, hàng tháng anh sẽ vẫn gửi tiền lương về cho chị như trước, chỉ khác là anh sẽ không về nhà nữa. Đọc email, lúc đầu, người vợ nổi cáu vì sự “cao thượng dùng dằng” của chồng nhưng sau đó, người vợ chợt nhận ra: người chồng muốn đuổi chị ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, muốn tước đoạt quyền nuôi con của chị, khiến chị lâu nay bực tức, bất an, tìm mọi lí lẽ để chiến đấu chỉ là do chị tưởng tượng ra trong đầu mà thôi. Chồng đi làm xa nhà, những điều tưởng tượng về chồng trong đầu chị lại càng nhiều, dẫn đến những mâu thuẫn, cuối cùng là quyết định li hôn. Còn thực tế, chồng chị là người… Chị chợt thấy hoang mang, hối hận, tiếc nuối…
Sau khi đọc câu chuyện trên, hẳn nhiều người sẽ tự hỏi chính bản thân mình: có khi nào chúng ta cũng từng cứ đấu tranh, cứ quyết chiến với một người (chồng hoặc vợ ta, một người thân hay một đồng nghiệp của ta…) do ta tưởng tượng ra trong đầu, từ đó khiến cuộc sống của ta căng thẳng, mệt mỏi, chán nản? Câu chuyện của Nguyên Hương rõ ràng không trực tiếp khuyên ta điều gì, nhưng mỗi chúng ta lại có thể tự ngộ ra và biết hướng giải quyết vấn đề của chính mình, không chỉ trong hôn nhân mà cả trong mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Hay câu chuyện “Bà nội”, từ đầu đến gần cuối truyện, nhân vật “Tôi” chỉ kể lại những điều ác cảm với bà nội ở quê. Bố nhân vật “Tôi” là con trưởng nên thường xuyên phải gom góp tiền gửi về quê cho ông bà lo việc gia đình, họ hàng khiến việc chi tiêu cho anh chị em nhân vật “Tôi” càng trở nên eo hẹp. Dưới quê, bà nội nuôi đầy gà vịt nhưng hiếm khi thịt cho con cháu ăn đến mức một lần người thím ở cùng bà nội phải thì thầm bảo nhân vật “Tôi” ở lại quê chơi lâu để cả nhà được ăn ké thịt vịt. Nhưng kết thúc truyện lại là những giọt nước mắt khóc thương bà xen sự hối hận, sự biết ơn. Bà nội mất, lời trăn trối sau cùng là chia đều chục lượng vàng bà tiết kiệm được cho các con dâu để dành lo cho mấy đứa cháu. Cả đời bà keo kiệt, ki cóp cũng vì con, vì cháu.
Câu chuyện khép lại nhưng mở ra trong tâm trí ta bao suy nghĩ. Ta thường trách cứ những người thân của ta sao không làm thế này, sao cứ làm thế kia khiến ta bực bội, khiến ta xa cách… Nhưng ta đã thật sự hiểu nguyên do xuất phát những việc làm của họ hay chưa? Nếu hiểu được những nguyên do đó, chắc chắn cuộc sống của ta sẽ đầy thông cảm và yêu thương hơn.
Một vài chỉ dẫn khác từ “Dị bản của mỗi nhà”
Gia đình là tổ ấm cần vun đắp, dựng xây
Người ta vẫn thường nói gia đình là tổ ấm, nơi con người ta cảm thấy bình an. Nhưng tổ ấm ấy không có sẵn mà phải được các thành viên trong gia đình cùng vun vén, dựng xây, gắn kết lại trong tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia.
Trong câu chuyện “Lỡ khi đó anh lại quay lưng”, nhân vật “Tôi” là một người phụ nữ đã li hôn, có một đứa con trai ngoan ngoãn, dễ thương, sống cạnh căn hộ chung cư của Thành, một người đàn ông đã li hôn vợ vì không thể có con. Thành quan tâm đúng mực, chân thành tới mẹ con nhân vật “Tôi” trong một thời gian dài, khiến nhân vật “Tôi” cảm động và đồng ý yêu Thành. Thế nhưng khi con trai nhân vật “Tôi” đổi tính đua đòi, ham chơi, học hành sa sút, Thành lại tỏ ra bận việc, lảng tránh nhân vật “Tôi”.Thì ra Thành chỉ muốn có sẵn một người vợ biết điều, có sẵn một đứa con ngoan, có sẵn một gia đình êm ấm. Qua cơn khủng hoảng tuổi vị thành niên, con trai nhân vật “Tôi” trở lại ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, Thành cũng trở lại nhưng niềm tin nơi nhân vật “Tôi” về một điểm tựa tin cậy trong cuộc đời đã không còn nữa. Cuộc sống có bao gập ghềnh, “Lỡ khi đó anh lại quay lưng?”.
Còn nếu “Bình an được dọn sẵn” thì sao? Trong câu chuyện, Hùng và “Tôi” yêu nhau đã lâu. Hùng rất quan tâm, chiều chuộng nhân vật “Tôi”. Họ thường ăn ở một quán cơm. Cô chủ quán rất quý và chu đáo với hai người. Một ngày kia, Hùng và cô chủ quán làm đám cưới, nhân vật “Tôi” đau khổ không biết mình đã có lỗi gì. Mãi sau này, nhân vật “Tôi” mới hiểu: trong tình yêu, mất công chinh phục, xây đắp, gìn giữ dễ khiến con người ta mệt mỏi, một nơi chốn bình an được dọn sẵn hấp dẫn hơn rất nhiều. Cô chủ quán nấu ăn ngon, lại chu đáo dễ khiến con người ta cảm thấy ấm áp, bình yên. Sự lựa chọn của Hùng thật dễ hiểu. Chỉ có điều, cuộc hôn nhân giữa Hùng và cô chủ quán, thiếu tình yêu thì lấy gì neo giữ? Nụ cười gượng gạo và câu hỏi ngập ngừng đầy nỗi niềm “Em sống có vui không” của Hùng khi gặp lại người yêu cũ có lẽ đã cho ta câu trả lời thỏa đáng.

Sự hài hòa giữa gia đình nhỏ và gia đình lớn
Khi bạn cưới một người, bạn phải cưới luôn cả gia đình, họ hàng của người ấy nữa. Đó là lời nhắn nhủ quen thuộc tới những người sắp kết hôn. Nhưng mối quan hệ giữa gia đình nhỏ và gia đình lớn phải xử lí thế nào?
“Vì sao có những khi tôi khóc” kể về câu chuyện một người chồng vốn gia đình nghèo khó nhưng học giỏi, giàu ý chí, lấy vợ là tiểu thư nhà giàu có. Bố mẹ vợ thương con nhưng hay lỡ lời về sự nghèo khó. Vì niềm kiêu hãnh quá lớn, người chồng từ chối mọi sự giúp đỡ của nhà vợ, tự xây dựng sự nghiệp dù hai vợ chồng sống rất vất vả, thiếu thốn. Ngay cả khi đã thành đạt, người chồng rất ít khi về chơi nhà ngoại vì những vết thương lòng do những câu nói lỡ lời của bố mẹ vợ vẫn không chịu lành.Cho đến một ngày, khi con gái đưa người yêu về nhà ra mắt – cũng nhà nghèo, học giỏi, cũng đầy niềm kiêu hãnh – người chồng mới hiểu ra anh đã làm khổ vợ mình một cách ngốc nghếch, vô lí như thế nào. Lần đầu tiên sau 20 năm làm rể, anh chủ động rủ vợ về thăm bố mẹ vợ. Quả thật tình cảm yêu mến, sự quan tâm chân thành của người chồng đối với gia đình vợ và ngược lại sẽ là một nhân tố quan trọng giúp cuộc hôn nhân của hai vợ chồng trở nên hạnh phúc, gắn kết hơn.
“Chị lại một mình” là câu chuyện đầy ngậm ngùi về cách xử lí mối quan hệ giữa gia đình nhỏ – gia đình lớn. Nhân vật “Chị” trong truyện vì lúc nào cũng nghĩ đến cha mẹ và đàn em 6 đứa còn đi học nên vợ chồng lục đục, cuối cùng phải li dị. Chị ra sức làm việc phụ cha mẹ nuôi các em ăn học thành tài và nghĩ đơn giản sau này về già nương tựa các em, các cháu. Khi các em đã có công việc ổn định, có gia đình riêng, chị lại phụ các em trông nom con cái… Nhưng đến lúc chị già, đau yếu, các em lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Chị là người hiểu rõ hơn ai hết những trận vợ chồng lục đục mà lí do chẳng phải tại vợ, tại chồng. Không muốn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình riêng của các em, chị lựa chọn sống một mình trong căn nhà cũ của bố mẹ, dù đau yếu và cảm thấy rất cô đơn…
Đọc xong câu chuyện, ta tự hỏi: Nếu từ đầu, chị chọn gia đình nhỏ (chị và chồng chị) thay vì gia đình lớn (bố mẹ và các em), nếu chị hài hòa hơn mối quan hệ giữa gia đình nhỏ và gia đình lớn, thì kết cục của chị có bớt ngậm ngùi hơn không?
Đó mới là một số chỉ dẫn từ “Dị bản của mỗi nhà” về vấn đề hôn nhân, gia đình. Mỗi chúng ta hãy tự khám phá cuốn sách, tự tìm ra những chỉ dẫn cần thiết cho tâm hồn mình.
Sao Băng
gia đình là số một hả Tiên Sinh
bạn mua qua links trên web nhé
Nhà tôi cũng dị lắm cho tôi 1 cuốn về đọc cho nhau hiểu nào
Nên đọc để hiểu nhau hơn những cái gọi là dị của mỗi nhà,hii