Tiểu thuyết Bến vô thường được xuất bản năm 2004, là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Danh Lam. Đây là cuốn sách được cấu thành bởi những mảnh những mảnh rời rạc. Nguyễn Danh Lam đã thả vào trong đó những mảnh đời của những con người sống trong một cái xóm ga. Tất cả họ mỗi con người đều mang một cái tên chợ đời: thằng câm, chị mặt rỗ, cô tóc tém, thằng mắt híp, thằng chữ kí, lão toét, lão cóc…Đó là những mảnh đời rách nát của những cuộc đời rách nát được chắp lại cạnh nhau.

Mỗi mảnh đời đều mang một số phận khốc liệt đập vào cảm giác của người đọc. Đó là thằng “tôi” đạp phải đinh trên nắp ván thiên thối ung cả người sau đó thoát chết như một phép lạ rồi trở thành kẻ cắp. Đó là thằng câm có bộ phận sinh dục hình con rắn, là những cái chết bi thảm trên đường ray, trên những chuyến tàu chợ chở củi. Những con người ấy đang bươn trải trên khát vọng làm người, khát vọng hạnh phúc nhưng trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc ấy những con người có cảm giác lạc mất nhau bởi sự ngăn cách của ích kỉ, nhỏ nhen, thù hằn. Kết thúc tác phẩm nhân vật hắn đang sắp phải trả giá cho tất cả những gì mà hắn đã làm trong cuộc hành trình của mình. Bến vô thường là cuốn tiểu thuyết không dễ gì đối với sự tiếp nhận của số đông độc giả bới nó là một sự thử nghiệm có tính thách đố với những cách viết, cách đặt vấn đề theo cách mới. Nhưng với những ai đã cầm cuốn sách lên sẽ không khỏi suy tư, trăn trở với những gì mà Nguyễn Danh Lam đã viết. Với một cuốn sách mà có ý kiến cho rằng “nhiều chất truyện dài hơn tiểu thuyết” này vẫn là một thử nghiệm đáng kể của Nguyễn Danh Lam đối với lĩnh vực tiểu thuyết.
1. “Bến vô thường” Hiện thực từ cuộc sống thường nhật từ cái nhìn đời thường
Bến vô thường là cuốn tiểu thuyết đầu tay nhưng cũng là cuốn tiểu thuyết mang lại cho người đọc một ấn tượng sâu đậm nhất về hiện thực. Một hiện thực trần trụi mà ghê rợn. Hiện thực ấy là thế giới, là nơi ngự trị của những con người gớm ghiếc. Dùng một cấu trúc sắp đặt đầy ngẫu hứng, Nguyễn Danh Lam đã thả vào đó những mảnh rời của cộng đồng người trong cái xóm ga ấy. Họ mang những cái tên chợ đời ghi danh vào cái cuộc sống ngột ngạt ấy. Đó là những con người mang những cái tên dị dạng như: thằng câm, chị mặt rỗ, cô tóc tém, cô năm giờ, cô sáu giờ, thằng chữ kí, thằng mắt híp, lão toét, lão cóc…Mỗi con người ấy góp vào cuộc đời một số phận, một mảnh đời khốc liệt. Toàn bộ câu chuyện được xoay quanh một xóm ga hung hãn, lạc hậu và một xóm trọ nhếch nhác, dằn xé.
Cái hiện thực ám ảnh đầu tiên của thế giới mà con người đang sống ấy là cái nghèo. Trước hết đó là cái nghèo ăn vào từng con người ở cái xóm ga. Hắn là một con người được sinh ra và lớn lên từ xóm ga ấy, được trải nghiệm và chững kiến biết bao cuộc sống quay quắt nghèo nàn. Gia đình hắn là một gia đình nghèo. “Cha hắn làm nghề đi củi trên rừng. Rừng cách nhà gần trăm cây trên mạn ngược(…). Khi đi bao giờ cũng đem theo cái là khoai, trong bọc mấy cục cơm nắm,có khi là vài củ khoai lang luộc…”. “Rau cỏ là nguồn thực phẩm chính của gia đình hắn”. Cuộc sống của mẹ con thằng câm cũng là một cuộc sống nghèo, lay lắt ở cái xóm ga ấy. Họ bị những con người ở đây xa lánh, hắt hủi vì sợ hãi. Họ bị cả cái xóm ga ấy cho ra đứng ngoài rìa của cái cộng đồng người đang tồn tại ấy. Hai mẹ con sống lay lắt nuôi nhau trong căn lều được hình thành từ “cột tre, mái rơm, vách liếp”. “Mẹ thằng câm sống, nuôi con, với một nghề duy nhất, ra hồ hái muống bè mọc hoang mang ra chợ bán”.Đó là cái nghèo của một xóm trọ nhếch nhác với đủ hạng người. Người đọc có cảm giác như bị ngạt thở khi bước vào cái không gian gần như chẳng có đủ không khí để mà thở. “Hai mốt phẩy năm mét vuông chia thành bảy phần, tất cả là bảy phòng, mẹ tôi cho người tứ xứ đến thuê(…) bảy phòng như bảy cái lỗ cho mấy chục con người sớm tối chui vô”. Ba thằng sinh viên gồm hắn, thằng tóc dài và thằng chữ kí sống ở một trong “bảy cái lỗ ấy”. Cuộc sống của ba gã sinh viên chìm ngập trong cuộc sống buồn tẻ, nhàm chán và những lo lắng về vật chất. Cuộc sống ấy nó cứ mòn ra trong rượu, trong lối sống tù đọng không lối thoát, không thấy tương lai để rồi một ngày gã tóc dài bị thần chết lôi đi vì xuất huyết bao tử do uống quá nhiều rượu. Gã nghe bạn nhắc chuyện thi cử mới chợt nhận ra đã hai tháng rồi hắn không đến trường. Chuyện thi cử đối với mẫy gã thanh niên là một việc bâng quơ phù phiếm. Cuộc sống của một gã sinh viên vất vưởng, luôn bị đè nặng bởi vấn đề vật chất cơm áo gạo tiền ấy thế mà hắn vẫn nhắm mắt xuôi theo cơn lốc cuốn của cuộc sống mà không hãm lại được. Thằng tóc dài chết, hắn ở một mình một phòng “ Nhưng có lẽ chỉ đêm nay thôi, mai sẽ có một gã cô hồn thất thểu tới nương nhờ cái ổ tạp nham này của gã. Những kẻ lang bạt bạn gã thì có bao giờ hết, cứ thằng này đi, ngay lập tức lại có thằng khác trám vào”. Rồi những ngày tháng sau đó hắn lại chìm ngập trong một cuộc sống bế tắc không lối thoát với cô tóc tém – một cô gái làng chơi. Là cuộc sống khốn khổ của những cô gái từ quê lên thành phố tìm việc. Mỗi người mang trong mình một dự định, một ước mơ, một hi vọng ở cái chốn thành thị này. Cuộc sống của những cô gái được mang những cái tên theo giờ làm việc của các cô: cô bốn giờ, cô năm giờ, cô sáu giờ. Cô bốn giờ làm công nhân. Sở dĩ cô phải dậy từ bốn giờ bởi chỗ làm việc của cô xa “vì phải ghép với bạn để tiết kiệm tiền nhà, cô ráng gò lưng đạp xe”. “Mặc trời nắng, trời mưa, trời hiu hiu gió lá vàng bay. Về cơ bản từ bốn giờ sáng đến mười tám giờ chiều, cuộc sống của cô không ngày nào khác ngày nào”. Cuộc sống đã biến cô thành một cái máy, nhịp sinh học của cô cũng thành một cái máy. Không chỉ có cô mà tất cả những người làm công nhân như cô họ đã trở thành một bộ máy công nghiệp sống và làm việc theo một guồng quay không hơn không kém. Họ có thể dùng cảm giác để đo thời gian mà độ sai lệch chỉ tính bằng giây. Cuộc gặp gỡ tình cờ và cuộc hôn nhân chóng vánh của cô với anh bạn cùng xưởng nó cũng rất công nghiệp, rất nhanh chóng. Ở đó ta thấy có gì đó như có chút cam chịu, có chút bằng lòng, có chút tủi phận. Cô năm giờ làm ngề bán báo thuê cho một bà dì. Với đồng lương bèo bọt, cô vừa lo trang trải cuộc sống, vừa phải cố dành dụm để gửi tiền về quê phụ giúp gia đình. Cuộc sống của cô dựa vào những biến cố của xã hội “ Hôm nà thế giới có đánh nhau, đâu đó có giết người, làng văn nghệ có tự tự…buổi trưa cô ăn canh bún. Hôm nào tình hính nhân sinh bình lặng, buổi trưa cô ăn củ mì đẩy xe”. Cô sẽ có thu nhập cao hơn nếu xã hội chém giết nhiều, đảo lộn nhiều còn nó bình lặng là một điều không may mắn với cô. Nghe có vẻ nực cười, có vẻ mỉa mai nhưng nó là thực tế đang diễn ra hàng ngày. Cô sáu giờ làm nghề gội đầu cắt tóc. Có chút ngoại hình, có tí khiếu nói năng, cô mơ được đổi đời bằng một anh chồng tử tế là một đại gia thành phố. Nhưng giấc mơ ấy cũng khó thực hiện được bởi một cô gái ít học nhưng cô cũng khó mà hòa hợp với cái xã hội thượng lưu. Giấc mơ còn dang dở thì bi kịch đã ập đến đầu cô, bao nhiêu vốn liếng dành dụm đã không cánh mà bay. Đó là gã xích lô vì cuộc sống nghèo khổ nên đã phải bỏ gia đình lên thành phố lái xích lô. Bức thư của đứa con gái viết cho gã khoe được ăn cơm làm gã rơi nước mắt, gã càng cố công cố sức để kiếm tiền cho vợ con. Thế nhưng một tai họa bất ngờ đã ập đến đầu gã cái xích lô – tài sản lớn nhất và cũng là duy nhất để gã kiếm sống đã không cánh mà bay. Gã bị đẩy vào bước đường cùng, phải ăn trộm để lấy tiền chuộc xích lô, rồi lại bị đánh chết khi mang tiền trả lại. Một hiện thực quay quắt, tàn khốc, những con người phải bươn trải, phải cuốn mình đi vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo. Cuộc đời là sự tàn nhẫn với nhiều tai ương bất ngờ và con người là những kẻ lại đẩy con người vào bước đường cùng.
Bến vô thường còn là bức tranh của cái hiện thực đang biến đổi hàng ngày, mà cái biến đổi ấy không phải gì khác mà chính là sự sẵn sàng làm những việc tội lỗi trong mỗi con người. Hắn được sinh ra trong một gia đình nông dân thuần túy. Đứa em gái của hắn đã bị chết đuối ở dưới giếng, mẹ hắn không sinh thêm được nữa, hắn trở thành đứa con duy nhất trong gia đình. Thế nhưng ngay từ những năm tháng tuổi thơ hắn chỉ được nghe toàn những lời nguyền rủa và những trận đòn thừa sống thiếu chết của người cha “từ lỗ mũi ộc ra hai vệt máu đỏ tươi, lưỡi răng trộn lại thành một búng bầy nhầy”. Tuổi thơ của hắn bị ám ảnh bởi đủ thứ đen tối, từ cái xác gã đàn ông ngủ gục trên đống củi, bị ném ra cửa tàu cùng với củi “rối nhùi trong mớ máu thịt toác hoác, nát nhừ. một con mắt gã lọt ra ngoài hốc sọ, dính lều bều trên má...”. Một con người với tuổi thơ như hắn sẽ lớn lên rồi trưởng thành như thế nào? Hắn lớn dần lên trong cái ngột ngạt của cái xóm ga ấy. Hắn theo thằng mắt híp trở thành kẻ trộm, hắn cùng lũ trẻ con trong xóm miệt thị, bắt nạt thằng câm tội nghiệp. Khi dẫm chân vào tấm ván thiên thoát chết, hắn trở thành một cặp bài trùng với thằng mắt híp đối đầu với đám trẻ bên kia đường ray để tranh cướp than. Lũ trẻ con trong xóm ga ấy, chúng bất chấp tất cả để lao vào tranh cướp, chúng sẵn sàng ẩu đả, cho giáng cho đối thủ những đòn không thương tiếc. Hắn và thằng mắt híp có làm những hành động ghê rợn một cách thản nhiên “ Hai thằng điên tiết xách con rùa để ngửa trên đường ray xe lửa. Đoàn tàu rầm rầm lao qua chỉ nghe một cái rốp, cả con rùa nát bét. Duy có cái đầu nó văng ra khỏi mai, nằm cụt ngủn như ngón tay bị cắt lìa trên đám đá đường ray(…).Lão già đang ăn chợt ối lên hai tay bưng mặt. Rồi miệng lão lẩm nhẩm “Hỏng mất! Hỏng mất!”. Trong cái xóm ga ấy, không người lớn mà trẻ con cũng đang dần mất đi tính người, chúng đang dần trở thành những kẻ máu lạnh sẵn sàng làm những việc táo tợn. Thằng Mắt Híp sống và lớn lên trong một không khí đặc lờ tội lỗi và sai lầm. Những đứa trẻ ở phía bên kia đường ray như thẳng sừng trâu, thằng chết trôi cũng lì lợm và tàn nhẫn không kém. Thằng sừng trâu là đứa bé bị mẹ bỏ rơi được lão phễnh nhặt về nuôi để lấy lại hơi cho vợ lão đẻ con trai. Khi lớn lên nó trở thành vệ sĩ cho thằng chết trôi. Cùng với thằng mắt híp và hắn, chúng trở thành những kẻ cầm đầu làm mưa làm gió ở cái xóm ga này. Thằng sừng trâu mới “Sáu bảy tuổi nó đã biết tháo ốc vần cả cái lốp ô tô đi bon bon. Khi đánh nhau nó xách nguyên cái ống thép dùng để kích ô tô phang thẳng vào đầu đối thủ không cần nhắm mắt”. Còn thằng chết trôi “là bộ não tham hiểm đẻ ra kế hoạch gây hấn, trả thù, thanh toán”. Sự kết hợp giữa một kẻ liều lĩnh và một tên thâm hiểm quả thật là đáng sợ. Nó là mồi châm cho biết bao cuộc ẩu đả, thanh toán đẫm máu. Những cuộc chiến đẫm máu tàn khốc cứ thế diễn ra ở cái xóm ga nghèo nàn ấy“ Tiếng la hét lạc giọng, tiếng gào khóc…Gậy gộc, thúng mủng, đá cục, dây xích… Cuộc hỗn chiến diễn ra nhanh, cấp tập và chưa bao giờ hung tợn đến thế”. Đó là những kẻ ăn cướp trắng trợn khi giữa chốn ban ngày nó dám trộm chiếc xe xích lô rồi bắt chính kẻ bị trộm phải mang tiền chuộc. Ở chốn thị thành một thằng trẻ con cũng trở thành một tên lưu manh, tên côn đồ con khi nó là một mắt xích trong việc cướp đồ trắng trợn giữa ban ngày. Nó lớn giọng dọa dẫm gã xích lô tội nghiệp vừa bị cướp tài sản và cũng là phương tiện sinh nhai duy nhất để lấy tiền. Rồi gã xích lô vì muốn trả lại tiền thì lại bị đánh chết một cách tức tưởi. Những cái quay quắt vô lý, thiếu lương tâm ấy cứ tồn tại một cách thản nhiên trước cuộc đời.
Bến vô thường còn là những cái kết âm u của những mảnh đời âm u, ảm đạm. Một cô bé con nhà tri thức đang ở độ tuổi mới lớn với những biến động ở tâm sinh lí. Nhưng cô đã bị những quan niệm đạo đức thái quá, sự không thông cảm, thấu hiểu của những con người trong gia đình dồn đến chỗ phải tự tử. Cô tự tử bởi sự cô đơn, từ những người thân trong gia đình đến bạn bè và ngay cả chàng trai cô cũng không tìm thấy sự chia sẻ, sự chở che. Mười bảy tuổi cô đơn đến ghê sợ ngay chính trong ngôi nhà của cha mẹ mình “Mẹ tôi là gác ngục. Cha tôi là đao phủ. Thằng em tôi là kẻ xu nịnh, sẵn sàng bới móc tôi và hễ tôi động đến là khóc ầm lên! Nguyên nhân bất kể vì sao, tôi luôn là người hứng chịu một trận đòn”. Cô được sinh ra trong một gia đình “Cha tôi có học, mẹ tôi có học, thằng em tôi nghe mọi người ca ngợi là nó thông minh. Một gia đình thật tuyệt”. Sống trong một gia đình như vậy nhưng mỗi bước chân trở về nhà cô giống như đang bước vào địa ngục khi cô phải đối diện với giọng lạnh nhạt của mẹ, ánh mắt dữ dằn hằn lên của người cha. Một đứa bạn thân là cần thiết đối với cô nhưng nó cũng trở nên vô nghĩa khi cô cảm thấy “Nhiều khi càng chơi với nó mình càng cảm thấy cô đơn hơn”. Cái chết của cô gái như lời cảnh báo của lối giáo giục thực tế trong những gia đình hiện đại. Dường như con người ta ngày càng bớt đi sự quan tâm chia sẻ. Trong cái hiện thực nghiệt ngã khốn cùng, con người nhiều khi bị đẩy vào con đường tộ lỗi một cách bất đắc dĩ. Gã xích lô vì cuộc sống mưu sinh, vì muốn có tiền chuộc chiếc xích mà thành kẻ trộm đi lấy tiền của cô làm đầu cùng dãy xóm trọ. Y phải vào tù vì đã đánh gã tình nhân của một mụ vợ lẳng lơ rồi khi trở về sống một cuộc sống cô đơn thầm lặng, lấy đứa cháu ruột bị mồ côi làm niềm vui và làm chỗ dựa…
Bến vô thường với bao hiện thực nghiệt ngã, chồng chéo lên nhau. Cái hiện thực bộn bề của đời thường nó cứ dồn ứ vào từng trang viết, trải dài trên mỗi số phận con người trong cuộc đời này.
2. Bến Vô Thường – Câu chuyện về những con người tha hóa, biến dạng và cô đơn
Những con người tha hóa, biến dạng
Với tiểu thuyết Bến vô thường, Nguyễn Danh Lam đã xây dựng lên một bức tranh của những con người bị tha hóa. Sự tha hóa ấy cứ diễn ra và tồn tại một cách ngẫu nhiên, không có chút mảy may suy nghĩ hay lý giải bất cứ điều gì về sự tha hóa của những con người ấy. Thế giới nhân vật trong Bến vô thường chia làm hai mảng. Mảng thứ nhất là những con người sống ở cái xóm ga nghèo nàn tăm tối ấy và mảng thứ hai là những con người sống ở một thành thị tù túng nhơ nhớp. Những con người ở xóm ga ấy dần dần hiện lên đan xen từ đầu đến cuối câu chuyện và bắt đầu từ hắn. Hắn sinh ra trong một gia đình có người cha làm nghề đốn củi, em gái hắn đã chết ở cái giếng nước nên nhà chỉ có hắn là đứa con duy nhất. “Hắn là đứa trẻ được đào luyện bởi môi trường sống của xóm ga, bởi những cơn mưa đòn của cha hắn”. Nghĩ về cha hắn chỉ có thể nghĩ về những trận đòn thừa sống thiếu chết, những đòn roi không một chút tình thương. Có lẽ những đòn roi ấy chính là mầm mống cho bản tính tai quái lỳ lợm của hắn sau này. Dẫm chân vào đinh của tấm ván thiên, tưởng rằng hắn sẽ không thể thoát khỏi bàn tay của tử thần ấy thế mà hắn lại thoát chết một cách kì lạ để rồi tạo nên cho mình mọt quá khứ đặc lờ tội lỗi. Thuở ấu thơ hắn đã từng cố ý giết chết một con gà nhà hàng xóm, hắn từng theo chân thằng mắt híp trở thành tên trộm chuyên nghiệp ở cái xóm ga ấy. Và cùng với thằng mắt híp, hắn và nó đã trở thành một cặp bài trùng nguy hiểm trong mỗi cuộc ẩu đả đẫm máu của những đứa trẻ hai bên đường ray. Thằng mắt híp làm nghề bán nước ở ga. Ngoài bán nước ra người ta thuê nó làm gì nó cũng làm. Nó có một cái tài đặc biệt là trèo tường rất giỏi “Vách cao năm mét, không chỗ bám, nó trườn thoắt cái lên tới đỉnh”. Thế là vì cái tài trèo tường ấy nên trong xóm bất cứ ai mất cái gì cũng nghĩ ngay tới nó rồi quay mặt sang nhà nó mà chửi. Nhiều lần nó bị chửi oan nên những tiếng chửi ấy đã kích thích nó trở thành một tên trộm vô song thực thụ “Loáng một cái nhà ấy mất thật, mất nhiều hơn cả những thứ đã ứng ra chửi. Khi thì con gà, cả cần câu, cuốc xẻng, guốc dép…Bất cứ cái gì đã lọt vào cái khe trên gương mặt hùm hụp của nó là vài hôm sau đã thấy nó đem ra dùng”. Hình như con người nó, từ đôi mắt đến khả năng trèo tường thiên bẩm, sinh ra là để ăn trộm. Những tiếng chửi kia là một phần xúc tác cho nó phát huy hết khả năng của mình.

Trẻ con trong cái xóm ga ấy toàn là những đứa trẻ đứa trẻ bạo lực. Chúng nhìn thấy đổ máu như những thói quen hàng ngày. Đó có thể là máu của một người ngủ gật trên tàu bị củi xô và nghiến nát thành mớ bầy nhầy bên đường ray hay những trò chơi quái đản của lũ trẻ khi để tàu nghiến nát một con sên. Những thứ ấy đang ngày ngày rèn rũa sự trơ lỳ về cảm xúc cho những đứa trẻ. Có những đứa sinh ra là để sát phạt, là để tham gia những trận chiến đẫm máu. Thằng sừng trâu và thằng chết trôi là điển hình của lũ đầu trâu mặt ngựa, có khả năng tiêu diệt kẻ khác ngay từ thuở sơ sinh. Thằng sừng trâu được sinh ra nhưng bị người mẹ đang tâm vứt bỏ bên bờ tường sân vận động và được lão phễnh nhặt về nuôi. Lão nuôi nó để lấy hơi cho vợ lã đẻ con trai chứ không phải vì tình thương. Lớn lên nó trở thành vệ sĩ cho thằng con bủng beo của lão – thằng chết trôi. Thằng sừng trâu cứ thế lớn lên “Sáu bảy tuổi nó đã biết tháo ốc vần cả cái lốp ô tô khổng lồ đi bon bon. Khi đánh nhau nó xách nguyên cái ống thép dùng để kích ô tô phang thẳng vào đầu đối thủ không cần nhắm mắt”. Còn thằng chết trôi được một thằng sừng trâu làm vệ sĩ nên “cậy thế chẳng coi đám trẻ đồng lứa ra gì. Nó là một bộ não thâm hiểm đẻ ra các kế hoạch gây hấn, trả thù. Thằng sừng trâu cứ thế lùi lũi làm theo không cần suy trước tính sau”. Còn gì nguy hiểm hơn khi có sự kết hợp giữa một bộ não nham hiểm và một kẻ máu lạnh nhìn máu người không tanh. Một cuộc sống tàn sát đẫm máu của lũ trẻ hai bên đường ray không khỏi khiến người đọc phải rùng mình khiếp sợ. Chúng là trẻ con nhưng ở chúng không phải là sự hồn nhiên nhí nhảnh yêu đời mà là sự tàn bạo dã man của những hành động mất hết tính người. Trong những cuộc đụng độ của đám trẻ hai bên đường ray, đứa nào cũng thả lỏng hết bản năng giết người của mình “Tiếng la hét lạc giọng, tiếng gào khóc…Gậy gộc, thúng mủng, đã cục, dây xích…vung lên nhoáng nhoàng trong mang bụi than mù mịt. Cuộc hỗn chiến diễn ra nhanh, cấp tập và chưa bao giờ hung tợn đến như thế. Đã có thằng đổ vật xuống sân ga mặt lòa máu. Có thằng nhận trọn một nhát gậy ngang bả vai, khóc rống lên nghiêng ngả chạy…”. Trong xóm ga ấy, thằng câm là đứa bé tội nghiệp khi luôn bị đám trẻ trong xóm ấy hắt hủi và bắt nạt. Cứ nhìn thằng bé ở đâu là bọn chúng xông vào đánh mặc những tiếng ú ớ van xin đến tội nghiệp. Dường như ở những đứa trẻ ấy không có mảy may chút tình thương với đồng loại khi đang tâm cướp tiền bán hoa của thằng câm rồi đánh thằng bé một trận thừa sống thiếu chết“Thằng câm chưa kịp ngồi dậy, một loạt những cú đấm, cú đá, cú thúc khuỷu tay liên tiếp được tung ra nhằm không thương tiếc vào thân hình còm nhom của nó”. Những người lớn trong chợ cũng chạy ra hết tuyệt nhiên không ai dám nhảy vào can bởi họ sợ “Dây vào lũ oắt này có khi chúng đốt cả lều hàng, nhẹ cũng ném cứt cho thối hoắc cả vốn lẫn lãi”. Gã là con của nhà lò rèn, sinh ra trong cái gia đình của nhà theo nghiệp rèn của cha hắn. Gã cứ thế lớn lên trong tiếng quai búa đỏ rực, y là đứa con “hung hãn nhất trong những đứa con hung hãn của cả gia đình”. Đang tuổi thiếu niên thì thời thế thay đổi phải cắp sách đi học như một quyền lợi bắt buộc. Cứ nhét và đầu chữ B lại tuột ra ngoài chữ A vừa học hôm trước. Cô giáo nhắc nhở hắn đứng lên chửi cô giáo rồi bị đuổi học. Bản năng dục vọng trong con người hắn trỗi dậy, hắn đã làm cho cô bé nhà chủ hãng dệt hai lần mang thai, hai lần sinh con để rồi cô mãi mãi bị nhốt trên căn lầu.
Còn những con người sống ở chốn thành thị nhớp nháp, sự tha hóa của cũng người cũng diễn ra khốc liệt không kém. Gã xích lô cùng đường biến thành kẻ cắp bất đắc dĩ để có tiền chuộc xe, nhưng khi tìm cách trả tiền cho cô hàng xóm thì bị phát giác và bị đánh chết không có cơ hội nói được một lời thanh minh. Đứa trẻ con cũng trở thành một mắt xích chuyên nghiệp trong đường dây trộm cắp. Nó nói với gã xích lô với một giọng đầy máu me của dân trộm cướp “Ông nói tiếng nữa coi chừng mặt máu! Muốn lấy xe theo tôi”, “Bộ tui dẫn đường không cho ông hả? Cho ít ngàn hay muốn vác mặt máu”[63]. Đó là mấy gã sinh viên gồm thằng chữ kí, thằng tóc dài và gã với những bữa rượu suông tàn hại sinh lực tuổi trẻ và mối tình của gã không lối thoát với cô gái làng chơi. Cạnh phòng của mấy gã sinh viên ấy là cuộc sống của những cô gái làng chơi bán thân nuôi miệng. Đó là cô năm giờ đi lên thành phố hàng ngày bán báo thuê cho bà dì “ Để không mang tiếng là bóc lột sức lao động của cháu, bà cho cô ăn phần trăm trên từng tờ báo bán được”. Cô sáu giờ làm ở tiệm cắt tóc, cô đã phải thay đổi nhiều tiệm làm khác nhau bởi môi trường làm việc của cô cũng toàn gặp phải những con người tha hóa cách sống: “Có tiệm anh thợ chủ nghiễm nhiên coi mấy cô thợ phụ như cái lược, cái gương trong tay mình, đi ra vuốt tóc, đi vào rờ mông…Có tiệm lại đến ông chồng bà chủ, từ khi cô vào làm cứ ghé tiệm vợ chơi suốt. Vợ sểnh ra là rủcô đi uống nước”
Trong Bến vô thường, ngoài những con người tha hóa về mặt tâm hồn còn có những con người bị khiếm khuyết, biến dạng về mặt hình thể. Con người biến dạng về mặt hình thể xuất hiện khá nhiều trong như lão cụt, thằng rốn lồi, thằng mắt híp, thằng câm, lão toét, chị mặt rỗ…Con người biến dạng chính là một biểu hiện của sự mất dần tính người, sự tiến gần với động vật.
Đó chỉ là một dạng tha hóa, quan trọng và báo động hơn là sự tha hóa về mặt thần kinh, những người điên bị tước đi phần ý thức thực chất không còn là con người nữa, chỉ còn phần hình hài nhưng đã mất đi bản chất và bị sinh vật hóa. Trong Bến vô thường, Mụ là một bà già đã mất đi hết ý thức và chỉ sống dật dờ như một cái bóng vô tri “Cái bóng ghê rợn thùng thình trong bộ đồ ngủ bằng lụa trắng” ,“Hình ảnh mụ mập mờ, ảo thực vắt ngang giữa lằn ranh sống chết”. Mụ lấy chồng từ năm mười sáu tuổi và phần lớn cuộc đời của Mụ gắn với chiếc xích đu cùng những đứa con lần lượt ra đời. Mụ dần mất cảm hết cảm giác với cuộc sống này bởi cuộc đời của mụ đã trải qua tất cả những đớn đau kinh hoàng nhất. Thằng con thứ nhất của mụ chào đời, khi chưa đầy hai tuổi, nó ốm đau quặt quẹo rồi bỏ mụ mà đi. Thằng con thứ hai của Mụ chứng kiến toàn bộ sự suy sụp của gia đình. Nó ra đi và vĩnh viễn không bao giờ trở về. Thằng thứ ba bước tiếp theo thằng thứ hai. Tệ hơn, nó mất tích không cả một lời chào mẹ. Thằng thứ năm, thứ sáu chết trong vụ nổ khi đang làm ở một cơ sở sản xuất pháo. Bao nhiêu đau khổ trong cuộc đời đã chất chồng lên cái bóng già nua của mụ. Và cái bóng thẫn thờ của mụ giờ đây cũng chỉ là kết quả của sự dồn nén đau đớn, tuyệt vọng qua bao nhiêu năm tháng. Chồng mụ, “Người chồng khả kính, ăn sóng nói gió, vung tay đụng trời, nay hóa nửa điên nửa dại” vì gia sản tày núi của lão đã mất hết. Lão chỉ còn là một kẻ nghiện rượu triền miên, rượu khắp đầu đường xó chợ. Từ chỗ tha hóa, thân xác lão bắt đầu biến dạng “thân xác lão chẳng quắt đi mà cứ phòi ra, vàng ệch, ấn ngón tay vào chỗ nào là chỗ ấy mõm xuống như thể dùi vào tảng bột”. Cô con gái mụ là người sinh ra đã hoàn toàn không có ý thức của một con người. Cô sống hồn nhiên, hoang dại, không có chút ý thức nào về cuộc sống xung quanh. Ý thức trong con người cô chỉ là chút tình mẫu tử mơ hồ giữa cô và bà mẹ và giữa cô và hai đứa con cô sinh ra.
Những con người cô đơn
Bến vô thường là cuốn tiểu thuyết với số lượng nhân vật đông đảo nhất, với cách kể chuyện lắp ghép, mỗi con người trong tác phẩm hiện ra như những mảnh vụn trong cuộc sống. Nhân vật mở đầu cho cuốn tiểu thuyết là hắn. Hắn sinh ra trong một gia đình có người cha làm nghề đốn củi trên rừng. Đứa em của hắn ngã xuống giếng chết, hắn trở thành đứa con duy nhất trong nhà vậy mà hàng ngày vẫn phải hứng chịu những đòn ròi rớm máu của người cha. Nghĩ về cha hắn không có được ý nghĩ nào khác ngoài ám ảnh về những trận đòn thập tử nhất sinh. Sống trong một gia đình không nhận được tình yêu thương, cái bản tính hung hăng, hoang dại đến với hắn như một điều tất yếu. Hắn lớn lên cũng những trận đòn của người cha, những cuộc chiến đẫm máu với lũ trẻ con xóm ga nhưng hắn lại sợ hãi, chùn chân trước cô gái. Hắn hung hăng, bắt nạt thằng câm nhưng lại rất sợ cô bé “Ấy thế mà mỗi lần chạm mặt, người hắn lại nhũn ra như con chi chi, hai chân tuồng như muốn lảng tránh. Cái sợ như ấn định từ tiền kiếp, chẳng khác gì chuột sợ rắn, dế sợ gà”[20]. Thế rồi nỗi ám ảnh của hắn về cô gái được hình thành bắt đầu từ một giấc mơ “Cô gái đứng trước bụi tre, mì tóc bay quện trong không gian, loang tận tới chỗ hắn nằm. Thằng câm đứng trước cô gái, bất ngờ nó ngước mặt lên, hai con mắt tỏa ra một luồng ánh sáng. Và gì thế kia, cái áo đang khoác trên người cô gái bỗng nhiên tuột xuống như thể bị bóc đi. Tim hắn vọt ra khỏi lồng ngực như một con cóc”. Và giờ đây khi hắn đã lớn, nỗi ám ảnh càng mãnh liệt hơn khi cả cô gái và hắn đều đang bước vào cái tuổi dậy thì. Nỗi ám ảnh về cô gái trong hắn càng rõ rệt hơn, nó không còn là giấc mơ mà lô lộ trước mắt hắn “Tâm hồn ngày càng hiện rõ nét một nỗi ám ảnh, quay quắt và đơn độc. Nỗi ám ảnh mang hình bóng cô gái nhà hàng nước”. Nỗi ám ảnh ấy ngày càng dày vò tâm trí hắn “Có những đêm hắn mơ thấy mình biến thành một con ve, đậu trên hai gò ngực cô như bám thân gốc cây xà cừ, cắm vòi vao đấy nút nhựa mà hát e e” và nó càng dày vò hơn nghĩ hắn nhận ra giữa hắn và cô chẳng có điểm nào chung, thậm chí đối ngược nhau, hắn sẽ chẳng thể nào có được cô. Có những đêm chiếu phim, hắn cứ lẽo đẽo đi theo cô “như một con chó”. Nỗi ám ảnh của hắn đẩy lên đến đỉnh điểm khi hắn không kiềm chế được dục vọng mà vô tình làm mất tích mẹ con thằng câm và cô con gái nhà hàng nước.
Đó là sự cô đơn của những con người như Y, lão cóc, những con người sống ẩn mình trong một quá khứ nào đó. Nhìn Y hiền lành, lương thiện, yêu thương đứa cháu mồ côi như con ruột mình ấy thế mà ở Y từng là một con người tội lỗi. Thời trẻ Y ăn chơi, phá phách, nghiện ngập “ Mười sáu tuổi biết mùi đàn bà. Mười tám tuổi vướng phải vợ. Quăng vợ ở nhà Y chơi tiếp(…) y lang thang, lâu lâu ghé về, đôi bữa lại đi”. Y giết chết tình nhân của vợ rồi đi tù. Ra tù trở về, Y lại phát hiện ra vợ mình sống cùng một gã đàn ông khác. Vợ Y ôm chân Y khóc, mắt Y cũng ướt nhòe, Y nhận ra “Ừ, cuộc đời là bể khổ có ai sướng đâu”. Lão cóc không biết từ đâu đến cái xóm ga ấy, lão được bọn trẻ con trong xóm đặt cho cái tên ấy bởi người lão từ đầu đến chân phủ kín những cục to bằng đầu đũa, tuyền một màu xam xám, nâu nâu. Lão cóc không có vợ con, sống đơn độc, quanh năm chỉ thấy lão làm một việc duy nhất đó là câu cá. Cuộc đời lão là cả một sự bí ẩn với những con người trong xóm ga ấy. Từ sáng đến tối, lão sống thất thần, chìm đắm vào một thế giới riêng mà không ai hiểu nổi. Có người còn bảo lão điên bởi từ sáng đến tối chỉ thấy lão lẩm nhẩm một mình. Lão khuấy động cuộc sống của mình bằng việc bầy trò chiếu phim nhưng cũng chỉ thu hút được lũ trẻ con được mấy bữa. Chúng đi rồi, lão lại thụt sâu vào bức màn u tịch trước kia. Lão sống, mất tích rồi chết với một cái chất cũng đầy bí ẩn.
Đó là chị rỗ sống lủi thủi ở trạm gác barie. Chị là cô gái xấu nhất vùng khi không may mắn khi mang khuôn mặt rỗ nhằng rỗ nhịt. Ngoài ba mươi tuổi nhưng chị vẫn đêm đêm vẫn “một mình với ngọn đèn vuông, đợi đăm đăm những chuyến tàu về”. Cái trạm gác barie của chị cũng đơn độc “nằm nhỏ bé trơ vơ giữa khu đất trống, nhìn từ xa như một ngôi miếu nhỏ. Xung quanh trạm là bãi hoang, mọc toàn cỏ gà, xấu hổ, sim mua”. Cuộc sống của chi rỗ cứ thế lầm lũi qua ngày, chị cô đơn, khao khát con người và chị tìm bóng dáng con người ở những chuyến tàu đêm qua xóm ga ấy “Trong cái khoảnh khắc đứng nghiêm nhìn đoàn tàu ầm ầm lao qua trước mặt, chị được nghe thấy âm thanh, được trông thấy loang loáng bóng dáng con người. Nó cũng giúp nguôi đi phần nào nỗi cô đơn, sợ hãi đến mụ mị tâm trí suốt những giờ phút dằng dặc”. Vào những đêm chiếu phim trong sân nhà lão hói, chị cũng rộn ràng háo hức vui như đi ăn cỗ. Sâu thẳm trong con người chị vẫn khao khát chờ đợi một hạnh phúc mong manh mà chưa biết bao giờ sẽ đến“Chị mặc áo hồng, quần xa tanh, chân đi guốc mộc quai gắn hình con bướm, tay cầm cái khăn mùi soa trong ấy gói một búp ngọc lan. Chị ngập ngừng trước cổng như thể chờ chị”. Thế rồi một ngày chị rỗ có tình nhân. Những tưởng cuộc đời chị sẽ bước sang một trang khác nhưng một tai nạn lại bất ngờ đến mang cái hạnh phúc bé nhỏ của chị đi. Chiếc xe tải của anh đổ làm chết một đứa bé trong xóm, anh bị bắt đi tù. Chị rỗ lại trở về những tháng ngày đau khổ, cô đơn buồn tủi hơn. Đêm đêm tiếng khóc của chị vẳng dài ma quái trên bãi đất hoang. Chị suy sụp hơn, bao đau khổ chị cố dồn nén đến đêm mới dám bật thành tiếng khóc. Cả tâm hồn chị và con người chị đều tàn tạ, héo úa và quái dị hơn. Trẻ con thì trêu đùa chị còn người lớn thì tỏ ra ghê tởm, khinh bỉ trước nỗi đau của chị. Những tháng ngày đau khổ của chị rỗ cũng dần qua đi khi chị dấu diếm ánh mắt khinh bỉ của mọi người sinh ra một đứa con. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc duy nhất chị. Gã lò rèn sinh ra và lớn lên trong cái gia đình có truyền thống làm nghề rèn “Từ thuở lọt lòng gã đã đỏ chói, bén ngót, sôi xèo xòe y như con dao nướng trên than hồng”. bản thân gã là một kẻ hung hãn, táo tợn. Đánh người với gã đã thành bản năng, nó cũng giống như việc gã đe búa trên những thanh thép nằm đỏ ửng trên đe. Nhưng ẩn sâu bên trong con người gã vẫn là sự khao khát tình thương, khao khát tình phụ tử. Hai lần làm cho cô con gái nhà chủ hãng dệt mang thai, hai lần được làm cha nhưng hắn chưa một lần dám nhận con“Hai cái bóng lướt ngang mặt gã. Gã bất ngờ bật nhào lên về phía chúng. Hai đứa trẻ hãi hùng thét lên, đứa trước đứa sau cắm cổ chạy thục mạng. Gã quều quào cố bước theo, bước nửa muốn nhanh, nửa ngần ngại chậm dần, cho đến khi hai đúa trẻ biến mất đằng sau hai cánh cổng sắt. Gã dừng lại, chết lặng như bóng ma. Thế giới ấy gã hoàn toàn không có đủ tư cách bước vào”. Mụ vợ của lão chủ hãng dệt với cuộc sống gắn chặt với cái xích đu khi bảy đứa con lần lượt ra đời. Từ ngày chồng mụ chính thức trở thành ông chủ thì tiếng khung dệt cũng “lạch cạch vỗ đều vào nhịp thở của mụ. Đơn điệu, mỏi mòn”. Rồi tai họa cũng lần lượt đến với mụ khi gia sản của lão chồng khánh kiệt. Mụ trở thành bà lão lẩm cẩm, thẫn thờ bởi sự đau đớn, bởi sự cô đơn. Cô con gái điên của mụ, xinh đẹp nhưng sống hoang dại và hồn nhiên. Sinh ra hai đứa con nhưng chưa một lần được làm mẹ. Bị cách biệt với cuộc sống bên ngoài bằng căn phòng kín trên gác, trong những hành động vô thức, cô vẫn luôn miệng đòi con.
Đó là cuộc sống cô đơn của “tôi” trong căn phòng vuông chật chội. Tôi sinh ra đã không có thứ mà người ta gọi là hai chân. Thế giới của nhân vật tôi gói gọn trong bốn bức tường của căn phòng và chỉ có thể cảm nhận thế giới bao la bên ngoài bằng âm thanh. Sống trong căn phòng chật hẹp tách biệt với thế giới bên ngoài, tôi luôn thấy cô đơn, trống vắng. Người bạn duy nhất của tôi là lão mặt đỏ ở căn phòng đối diện bên kia. Lão cũng là một con người cô đơn không kém khi đối với những người thân của lão, lão là một người đã chết từ lâu, không còn tồn tại trên cuộc đời này. Có lẽ vì cô đơn, vì muốn vươn ra thế giới bên ngoài nên sự thôi thúc của ánh trăng đối với “Tôi” ngày càng lớn để rồi cuối cùng, Tôi kết thúc cuộc sống bằng cái chết dưới ánh trăng đầy chất thơ.
Xâu chuỗi những mảng đời của những con người trong ở Bến vô thường, người đọc cũng gặp toàn những nhân vật bi thương, với những thân phận khổ đau, bất hạnh, cô đơn đến tột cùng. Cô gái ở tuổi mới lớn sinh ra trong một gia đình tri thức cơ bản. Thế nhưng sống trong cái gia đình ấy cô chỉ cảm nhận được sự cô đơn ghê sợ ngay trong chính ngôi nhà của cha mẹ mình “ Mẹ tôi là gác ngục, cha tôi là đao phủ. Thằng oắt em tôi là một kẻ xu nịnh…”. Cô bé không chỉ cô đơn, không tìm thấy sự chia sẻ trong chính ngôi nhà mình mà cô cũng không tìm thấy sự chia sẻ ngay chính ở người bạn trai đã làm cô chao đảo, cô đã phải tìm đến lọ sun – phát đồng để tìm lời giải. Đó là cuộc sống không lối thoát của những sinh viên khi ngày ngày chìm ngập trong những bữa rượu suông. Thằng tóc dài chết vì sốt huyết bao tử, thằng chư kí chuyển đi, gã ở một mình. Cô tóc tém – một cô gái làng chơi trọ ngay cạnh phòng gã hay sang phòng gã tắm nhờ đã đánh thức bản năng trong con người gã “Người gã nóng ran, da dẻ chiều giờ bổi hổi lúc này lại càng bổi hổi hơn. Gã đi vào phòng tắm bằng trí tưởng tượng của một thằng con trai hăm mấy năm chưa từng biết bí ẩn của đàn bà”. Rồi gã không kiềm chế được dục vọng, lao vào mối tình không lối thoát với cô gái làng chơi. Còn cô tóc tém với vẻ ngoài là một cô gái giang hồ, thế nhưng khi xóa lớp son phấn kiêu sa giả tạo cô cũng chỉ là một con người nhỏ bé, cô đơn và chua chát. Trong sâu thẳm con người cô vẫn bản năng của một người phụ nữ, sự khao khát thiên chức làm mẹ tới tội nghiệp. Khi biết mình không còn thiên chức làm mẹ cô đã đau đớn đến mất hết lí trí. Cuộc đời cô rồi lại trôi nổi, không có điểm tựa, không có bến dừng.
3. Nghệ thuật tiểu thuyết Bến Vô Thường
Kết cấu hiện thực – huyền thoại đan xen
Cuốn tiểu thuyết Bến vô thường của Nguyễn Danh Lam là cuốn sử dụng kết cấu hiện thực huyền thoại một cách đậm đặc, nó xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm. Để phản ánh một hiện thực trần trụi về hiện thực cuộc sống và số phận con người, tác giả đã xây dựng, lắp ghép những mảnh đời kì quái của những con người kì quái khác nhau. Cuộc sống của những con người trong cái xóm ga ấy được tạo nên bởi những con người kì quái. Đó là thằng câm được bọc bên ngoài bởi một lớp vỏ như da rắn và mang một bộ phận sinh dục hình rắn có đủ cả đầu, mắt, lưỡi.Bụi tre trong làng, nơi làm chốn nương thân của mà con thằng câm là một nơi chẳng người dân nào trong làng dám đặt chân đến bởi bụi tre ấy gắn với một câu chuyện rùng rợn về cái chết của một cặp vợ chồng mà “Vào những đêm mưa phùn gió bấc, lùm tre kèn kẹt, đom đóm bay vòng, người ta lại thấy hai vợ chồng lão dắt tay nhau đi thất tha thất thểu dưới bụi tre. Mụ vợ kéo lê cái lưỡi dài lết bết”. Hắn dẫm vào tấm ván thiên chôn người chết và trở về nhà cái chân sưng lên một cách kì quái, gớm ghiếc “Mẹ hắn dấp nước vào cái khăn mặt, gấp làm hai, phủ lên trán hắn. Cái khăn sôi xèo xèo, bốc hơi nghi ngút, một lát đã khô cong. Bàn chân hắn phình lên, căng tròn mà lại đỏ au”. Bố hắn đã hạ cây mít để chuẩn bị sẵn cho hắn một chiếc quan tài thế nhưng nhờ thằng câm, hắn lại thoát chết một cách kì lạ “Bỗng con rắn từ khe quần thằng câm bò ra vươn lại phía giường hắn nằm. Từ cái miệng bẹt ra như miệng hến, chiếc lưỡi đỏ ối của nó phóng ra nhoay nhoáy”, rồi “Từ miệng vêt thương căng mọng khổn lồ của hắn bắn tung ra một khối cầu đỏ ối”. Hắn thoát chết một cách bất ngờ. Thằng mắt híp bị tàu cán một mất một chân thế nhưng từ cái chân cụt ấy, những người dân trong xóm ga ngày ngày được chứng kiến sự phục hồi của cái chân một cách kì lạ. Đó là sự biến mất kì lạ của cô con gái nhà hàng nước và mẹ con thằng câm trong căn nhà lá dưới bụi tre cuối làng. Đó là nhân vật tôi bằng linh hồn kể lại câu chuyện những ngày đã qua.Lão cóc với hình hài kì dị, da sần sùi như da cóc. Lão đến và đi đối với những người ở xóm ga ấy là điều bí ẩn lạ lùng. Một ngày lão trở về rồi chết bởi một căn bệnh quái lạ có sức lây lan không thể lí giải nổi. Bệnh ngứa lây lan không trừ một ai, từ người già đến trẻ con, tù đàn ông đến đàn bà. Căn bệnh của lão cóc lây lan với một tốc độ chóng mặt không có cách nào khống chế. Từng người trong cái xóm ga ấy chỉ còn biết kêu gào, nghi kị lẫn nhau. Họ lẩn tránh, họ sợ hãi thế nhưng căn bệnh gớm ghiếc vẫn không buông tha một ai. Phải chăng sự lây lan, tàn phá của căn bệnh kì lạ đó cũng chính là những ung nhọt, những mầm bệnh về tinh thần luôn ẩn chứa trong xã hội sẵn sàng lây lan, phát tán lúc nào. Đọc cuốn tiểu thuyết người đọc không khỏi cảm thấy ghê rợn bởi những yếu tố li kì. Cõi thực và cõi ảo cứ xâm chiếm lẫn lộn. Nhà văn dùng cái ảo để nói cõi thực, lấy cái hoang đường phi lí để làm toát lên hiện thực còn đầy nghiệt ngã.
Yếu tố biểu tượng
Trong cuốn Bến vô thường, bên cạnh việc xây dựng các yếu tố kì ảo ta còn thấy sự xuất hiện của các yếu tố biểu tượng. Cuốn tiểu thuyết có vẻ rời rạc khi nó là sự lắp ghép của nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời khác nhau của những con người ở xóm ga nghèo đói và cái thành thị dớp dính ấy. Nhưng ẩn đằng sau cái mạch ngầm rời rạc ấy lại được kết nối bởi ý nghĩa của các biểu tượng mà nhà văn xây dựng lên. Thứ nhất là biểu tượng vầngtrăng. Trăng theo quan niệm truyền thống là biểu tượng của cái đẹp êm dịu, thanh bình. Trong Bến vô thường, hình ảnh vầng trăng được xuất hiện nhiều lần và đều gắn với sự biến mất của nhân vật.Mặt trăng là thứ duy nhất mà “tôi” tôn thờ và khao khát. Ánh trăng với tôi là “một thứ ánh bạc mênh mông”. Trăng trở thành thế giới của “tôi”, trở thành một cái kì diệu ngoài kia mà tôi chưa nắm bắt được. Với “tôi” trăng là một sinh thể vừa đẹp, vừa ma quái, vừa kì bí rùng rợn “Gió ngợp những vòm cây, trăng vỡ ra từ đỉnh lá, rơi lăn tăn xuống những cành tối mờ bên dưới. Rồi vụt một cái, tung tóe thành triệu đốm lân tinh, bắn lả tả tựa sao băng”. Từ cảm giác về ánh trăng, đê mê trong ánh trăng ma quái kì ảo tôi muốn vươn ra, hòa nhập vào ánh trăng. Trăng và “Tôi” đã hòa nhập làm một không còn khoảng cách “Trăng ướt nhẫy mặt tôi. Tôi vuốt mặt thấy trăng đậu trên mười ngón, có thể búng ra lấp lánh. Ánh trăng lấp lánh đổ xuôi xuống cổ, xuống ngực, vào tận thẳm sâu tôi”.Trăng ở đây đã trở thành biểu hiện của cõi vô thức, của cõi linh hồn, cõi siêu thoát của nhân vật “tôi”. Hòa vào ánh trăng, nhân vật tôi ra đi một cách nhẹ nhàng và thanh thoát như đi vào một cõi khác. Cái hôm xảy ra vụ cháy ở lũy tre làng gây ra sự mất tích của ba con người đó là cô gái và mẹ con thằng câm cũng là một đêm trăng rằm “đêm ấy đúng rằm Trung thu. Trăng sáng đến độ xòa tay xem bói được”. Đến cuối tác phẩm, trong cái đêm hắn vô tình gây ra cái chết của thằng “tôi” không chân cũng là một đêm trăng sáng “Ôi mặt trăng sáng ngời có thể đưa tay ra là bứtđược”. Hai đêm trăng sáng là hai đêm gây ra biến mất của những con người, hai đêm trăng sáng cũng là hai lần hắn vô tình gây ra tội ác đem đến cái chết cho những con người ấy. Và cũng trong đêm trăng sáng này hắn phải trả giá cho những hành động mà hắn đã làm.
Biểu tượng thứ hai được xây dựng trong tác phẩm này chính là hình ảnh dòng nước. Dòng nước được hiện lên ở phần cuối tác phẩm trong sự trốn chạy của hắn khi hắn vô tình gây ra cái chết của thằng tôi không chân. Nhìn xuống phía dưới cây cầu là hình ảnh của dòng nước đen ngòm, hắn liên tưởng đến câu nói khi xưa của mẹ hắn “mọi dòng nước đều đổ ra biển”. Cuộc đời hắn từng lênh đênh trên biết bao chuyến tàu, nhiều lần ngồi trên những nóc tàu hắn đã được nhìn thấy biển “bàng hoàng nhận ra trước mắt mình là một khoảng bao la, xanh thẳm, vĩ đại”, nhưng đối mặt với biển “hắn vẫn không thể nào tìm ra được biển” bởi cuộc đời hắn của phó thác, cứ trôi dạt theo những chuyến tàu kia. Phải chăng biển là dòng nước bao la không cũng mà không phải dễ dàng gì mà con người với tới được. Phải chăng biển là nơi con người ta luôn hướng về để được giải thoát. Đối mặt với dòng kênh đen đặc, hắn liên tưởng đến cuộc đời mình. Cuộc đời mỗi con người là một dòng nước nhỏ tìm đường ra biển lớn nhưng cuộc đời hắn lại giống dòng kênh này – một dòng nước đen đặc, bùng nhùng, tanh tưởi chẳng bao giờ trôi được đến đâu. Với dòng kênh ấy, để trôi ra biển chỉ là một giấc mơ não lòng. Trong mỗi con người đều có khao khát hướng tới rộng lớn bao la vĩ đại nhưng cũng như hắn có lẽ rất nhiều người sẽ chẳng bao giờ trôi được ra đến biển lớn.
Thảo Phạm
Xem thêm: